(CMO) Nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng người dân sống trong lâm phần vẫn là nơi đang gặp nhiều khó khăn so với địa phương khác. Ðặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi giá sản phẩm gỗ giảm thấp, nhiều hộ dân đứng ngồi không yên.
Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, những năm gần đây đời sống bà con trong lâm phần được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa tương xứng với danh xưng rừng vàng như kỳ vọng. Thực tại này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố quan trọng là cách thức tổ chức sản xuất.
Phát triển ồ ạt
Hơn 1/3 diện tích của tỉnh là rừng, trong đó tổng diện tích đất rừng được giao khoán toàn tỉnh khoảng 77.578 ha, với hơn 35 ngàn hợp đồng giao khoán. Ngoài ra, theo thống kê có khoảng 10% dân số toàn tỉnh sống bằng nghề rừng. Diện tích lớn, sản lượng nhiều nhưng thời gian qua cây gỗ mà người dân làm ra chủ yếu phục vụ việc hầm than, làm cừ phục vụ xây dựng. Ðầu ra không ổn định, việc trồng rừng lại không theo quy hoạch, thiếu liên doanh, liên kết là nguyên nhân khiến giá cây rừng, nhất là cây tràm giảm thấp, người dân đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Thực tế này xuất phát từ hậu quả trong việc trồng rừng ồ ạt, không có quy hoạch của giai đoạn từ năm 2017-2019. Thời gian này giá gỗ tràm tăng rất cao, từ 120-150 triệu đồng, thậm chí đến 180 triệu đồng/ha. Từ đó, người dân kê liếp trồng tràm Úc thâm canh ồ ạt. Tính đến nay, diện tích trồng rừng thâm canh toàn tỉnh trên 23.000 ha. Trong đó, diện tích keo lai khoảng 9.600 ha, còn lại tràm, 13.400 ha. Trong giai đoạn này, hơn 1.000 ha sản xuất kết hợp cũng được người dân kê liếp trồng rừng nhằm chạy theo thị trường.
Thời gian qua, việc trồng rừng được cải thiện chất lượng giống để tiến tới nâng cao chất lượng gỗ. |
Hệ luỵ để lại của việc trồng rừng tự phát, thiếu quy hoạch, chạy theo thị trường đã khiến giá gỗ giảm thấp, thậm chí không tiêu thụ được. Trong năm 2022 toàn tỉnh sẽ tiến hành khai thác, tỉa thưa, tận thu 6.650 ha rừng. Tuy nhiên, do đầu ra gặp khó khăn nên chỉ triển khai đạt 4.000 ha, tức khoảng 60%. Ðặc biệt, giá trị lâm sản mang về khoảng 300 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.300 tỷ đồng tổng thu nhập trên đất rừng, phần còn lại chủ yếu là nguồn thu từ lúa, chuối, thuỷ sản và tài nguyên khác dưới tán rừng.
Sự phát triển ồ ạt, mạnh ai nấy làm, mỗi nhà trồng một kiểu... khiến giá lâm sản giảm thấp không phải là câu chuyện hiếm trên địa bàn tỉnh. Trước đó, vào giai đoạn 2010-2011 cũng có thời gian dài giá cây giảm thấp, khiến nhiều hộ dân trong lâm phần rơi vào tình cảnh khó khăn và nay câu chuyện ấy lại tái diễn.
Nguy cơ thua lỗ
Giá cây tràm Úc giảm thấp khiến nhiều hộ dân trồng rừng thâm canh đứng trước nguy cơ thua lỗ sau hơn 5 năm bám đất, bám rừng. Theo ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, người dân sản xuất ở rừng tràm hiện nay còn rất nhiều khó khăn. Công ty vừa tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh năm 2022. Theo đó, thu nhập từ 1 ha cây tràm chỉ từ 60-80 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Ðối với tràm Úc, khó khăn lớn nhất mà người dân đang gặp phải là giá giảm chỉ còn một nửa so với trước đây.
Không chỉ giá thấp, đầu ra cũng không hề dễ dàng. Ðiển hình như phần diện tích 2,3 ha tràm tại khu vực rừng sản xuất của Tỉnh đội. Ban đầu thẩm định giá thì phần diện tích này có giá trị 204 triệu đồng, tuy nhiên, qua mấy lần đấu giá chẳng những không tăng mà còn giảm xuống, chỉ còn 150 triệu đồng, tức 1 ha chỉ hơn 60 triệu đồng, mà chưa bán được.
Một héc-ta rừng trồng thâm canh chỉ mang về khoảng 60 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư ban đầu, từ kê liếp, giống, cho đến công chăm sóc, phòng chống cháy... trong 5 năm thì tính ra lỗ nặng.
“Thực tế thời gian qua việc kinh doanh nghề rừng hiệu quả rất thấp”, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, đánh giá.
Không riêng cây tràm, hiện nay bà con sống trong khu vực rừng đước cũng đang gặp nhiều khó khăn. Sau 14 năm trồng, chăm sóc nhưng cuối cùng 1,6 ha rừng khi khai thác chỉ mang về cho gia đình ông Nguyễn Thanh Liên, ấp Chà Là, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, số tiền 87 triệu đồng, khoản thu nhập này là quá thấp so với công sức người dân đã bỏ ra.
Giá cây đước cũng giảm thấp, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. |
“Người dân chúng tôi có trách nhiệm trồng rừng, giữ rừng, ngoài lợi ích của gia đình còn vì môi trường chung của tất cả mọi người, thì mọi người cũng cần có trách nhiệm ngược lại mới công bằng. Hiện nay bà con trong lâm phần gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ là vấn đề thu nhập, đời sống mà cả việc đi lại, học hành của con em”, ông Liên chân tình.
Nói về đời sống người dân trong lâm phần hiện nay, ông Lý Minh Kha, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, nhận định, rừng của tỉnh đạt được rất nhiều danh hiệu, chứng nhận quốc tế nhưng người dân chưa được lợi nhiều từ những chứng nhận này.
“Là đơn vị quản lý, chúng tôi rất đau đầu. Cuối năm nhận kết quả hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng nhìn lại bà con trong lâm phần còn quá khó khăn, phải đi lao động Bình Dương, Ðồng Nai… với tỷ lệ cao”, ông Kha trăn trở.
Theo ông Ðỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, dự báo năm 2023 ngành gỗ vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong lĩnh vực xuất khẩu. Trong khi đó, với diện tích trồng rừng thâm canh hơn 23.000 ha như hiện nay, hàng năm sản lượng rừng được khai thác cung cấp cho thị trường hơn 500.000 m3 gỗ các loại. Trong khi đó, hiện nay trong lâm phần chỉ có một nhà máy chế biến gỗ, hoạt động lại cầm chừng thì đầu ra sản phẩm sẽ là bài toán khó có lời giải. Người dân lâm phần tiếp tục phải đối diện với rủi ro thua lỗ.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2023, toàn tỉnh trồng rừng đạt 2.947,3 ha, với tổng nguồn kinh phí phục vụ cho công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng 189,5 tỷ đồng.
Nguyễn Phú
Bài cuối: ÐA DẠNG SINH KẾ, PHONG PHÚ NGUỒN THU