Thành ngữ có câu: "Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để chỉ nỗi vất vả, cực nhọc của nghề nông. Ngày xưa, quá trình sản xuất lúa chủ yếu bằng sức người, với hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Ngày nay, công nghiệp thay dần sức con người khi từ khâu sạ lúa, phun thuốc đến gặt lúa đều được cơ giới hoá. Bên cạnh đó còn một số ít người nông dân vẫn theo lối canh tác cũ, tự tay làm từ khâu ngâm giống đến nhổ mạ...
Dẫu canh tác bằng hình thức nào thì nghề trồng lúa vẫn đòi hỏi nhiều mồ hôi, công sức của người nông dân. Thế nên, hạt gạo rất đáng quý, không chỉ vì giá trị lương thực mà còn bởi chúng kết tinh bao sự vất vả của nông dân trên các cánh đồng.
Ngày xưa, từ khâu làm đất, cày ải, trục... phải nhờ vào con trâu, ngày nay cơ giới hoá nên người dân tiết kiệm được thời gian làm đất, nhanh và hiệu quả. (Ảnh chụp tại Ấp 2, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời).
Giống sau khi ngâm được gieo sạ. Máy sạ lúa đã có mặt tại Cà Mau nhiều năm nay, tuy nhiên một số nơi hiện nay bà con còn áp dụng hình thức sạ tay. (Tong ảnh: Người dân gieo sạ tại ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời).
Nông dân ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, phun thuốc bảo vệ lúa.
Từ khi áp dụng cách cấy giặm lúa học từ nông dân các tỉnh bạn, nông dân huyện Trần Văn Thời ít vất vả hơn, không phải cong mình giặm lúa như ngày trước. (Trong ảnh: Ông Ngô Hoàng Việt, Ấp 19/5, xã Khánh Bình, cho biết, nhờ giặm lúa bằng cây giặm nên làm nhanh, đỡ mất thời gian và giảm đau lưng).
Tại huyện U Minh, ngày nay người nông dân còn nghề truyền thống nhổ mạ và cấy lúa trên đất nuôi tôm. Lúa - tôm là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con. (Ảnh chụp vụ lúa - tôm năm 2023).
Hệ thống cống, đập thuỷ lợi được đầu tư đồng bộ, khép kín vùng ngọt giúp nông dân thuận lợi trong sản xuất. (Trong ảnh: Cống Rạch Nhum, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời).
Hoàng Vũ thực hiện