(CMO) Là địa phương cách xa các trung tâm kinh tế lớn, Cà Mau gặp vô vàn trở ngại, nhất là trên lĩnh vực thu hút đầu tư, trong khi địa phương có rất nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là những ưu thế mang tính riêng biệt mà hiếm nơi nào có được. Thực tế là các nhà đầu tư đến rồi lại ra đi, dự án kinh doanh trên địa bàn giảm sút, nền kinh tế vốn nhỏ lại đang có dấu hiệu tụt hậu so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Ông Nguyễn Ðức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, cho rằng, thiếu sự đầu tư hạ tầng là nguyên nhân chính, là phần việc hệ trọng dẫn đến sức hút của Cà Mau thiếu đi sự lan toả. Cùng với đó, trách nhiệm trong phối hợp giữa các đơn vị của địa phương, nhất là trên lĩnh vực đất đai, chính sách thu hút, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng phát triển kinh tế của địa phương.
Bài 1: Điểm nghẽn hạ tầng giao thông
Tính đến nay, Cà Mau có 220,04 km đường quốc lộ (chiếm 1,46% tổng chiều dài), đường tỉnh lộ là 337,6 km (chiếm 2,24% tổng chiều dài). Mật độ giao thông đường bộ quốc lộ đạt 0,22 km/1.000 dân và 0,042 km/km2 (ÐBSCL 0,07 km/km2); mật độ giao thông đường tỉnh đạt 0,34 km/1.000 dân và 0,065 km/km2 (ÐBSCL 0,12 km/km2).
>> Bài 2: Lặng lẽ khu kinh tế, khu công nghiệp
>>Bài cuối: Nhận diện tồn tại và mở lối tương lai
Những thống kê trên cho thấy hạ tầng giao thông chính tạo động lực phát triển trên địa bàn còn hạn chế, thấp kém nên rất khó mời gọi, thu hút nhà đầu tư đến kinh doanh trên địa bàn, nhất là đối với những nhà đầu tư chiến lược.
Nhu cầu lớn, nhưng nguồn lực có hạn
Ðánh giá về hạ tầng giao thông trên địa bàn, ngành giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hiện tỉnh thiếu các trục dọc nhằm chia sẻ lưu lượng giao thông cho quốc lộ vốn là trục giao thông xương sống. Cùng với đó, tỷ lệ nhựa (cứng) hoá chỉ mới đạt 58,64%; chất lượng hầu hết các tuyến còn thấp, nhiều tuyến mặt đường hẹp, hành lang bảo vệ đường bị lấn chiếm; hệ thống cầu - cống chưa đồng bộ với đường nên hạn chế khả năng lưu thông của các loại phương tiện.
Ông Hồ Hoàng Tất, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau, cho biết, qua so sánh chỉ số ki-lô-mét đường/km2 và km/1.000 người dân của hệ thống đường bộ tỉnh Cà Mau cần khẳng định là độ bao phủ của hệ thống và khả năng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân còn thấp, đặc biệt là hệ thống đường tỉnh. Ðiều này cho thấy sự liên kết giữa các huyện trong tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào một số tuyến đường tỉnh độc đạo, tỷ lệ chia sẻ lưu lượng còn hạn chế.
Việc kết nối đường bộ chủ yếu là tới các điểm dân cư tập trung, còn việc vận chuyển, thu gom hàng hoá từ các khu vực sản xuất/thu hoạch nông sản thì lại phân tán và chủ yếu bằng đường thuỷ nội địa. Khả năng kết nối để chia sẻ và hỗ trợ giữa 2 loại hình vận tải thuỷ - bộ thông qua các đầu mối giao thông vận tải còn nhiều hạn chế do hệ thống cảng thuỷ nội địa, cảng cạn (ICD), trung tâm logistics, kho bãi hàng hoá chưa được quan tâm và đầu tư một cách có hệ thống.
Kết nối giữa hệ thống đường bộ tới các cảng bến thuỷ nội địa, sân bay, các khu kinh tế, khu công nghiệp thực sự còn nhiều hạn chế làm cản trở khả năng khai thác của các cảng, khu kinh tế. Thực tế này cho thấy nhu cầu đầu tư lớn, nhưng nguồn lực có hạn. Nhiều dự án, công trình đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa có vốn để triển khai thực hiện; nguồn vốn dành cho công tác bảo trì và quản lý thường xuyên hạn chế, trong khi có nhiều công trình đang khai thác đến thời hạn trung tu, đại tu để duy trì tuổi thọ công trình nhưng không có kinh phí để thực hiện.
Nhu cầu trên 81 ngàn tỷ đồng
Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh là từng bước tạo ra hệ thống giao thông vận tải đồng bộ và liên hoàn, có khả năng phát triển bền vững. Ðảm bảo lưu thông thuận tiện và an toàn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng gia tăng và đa dạng hoá phục vụ chiến lược phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh và quốc phòng, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Từ những hạn chế chỉ ra, theo quy hoạch đến năm 2030, Cà Mau đề xuất khôi phục, nâng cấp, đưa vào nâng cấp kỹ thuật các tuyến đường tỉnh với quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng với chiều rộng mặt đường tối thiểu 5,5 m, lộ giới tối thiểu 32 m. Ðối với các tuyến quan trọng có nhu cầu đi lại lớn, sẽ cắm trước lộ giới theo tiêu chuẩn cấp III là 45 m nhằm giảm chi phí đền bù sau này.
Cầu vượt sông Ông Ðốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) là dự án thành phần quan trọng nằm trên trục kinh tế biển từ Ðông sang Tây đang dần hoàn thiện.
Ðối với hệ thống đường đô thị, ưu tiên xây dựng các tuyến trục chính mới hướng tâm kết hợp cải tạo chỉnh trang các tuyến khu vực, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị đạt tiêu chuẩn về mật độ giao thông chính gồm 2 km/km2 đối với đô thị trung tâm toàn vùng; 1,5 km/km2 đối với đô thị trung tâm vùng và huyện.
Cảng Hàng không Cà Mau quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp 4C (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế ICAO) để kết nối sân bay thuận tiện trong tương lai tiến hành nâng cấp Quốc lộ 1 và đường vành đai của TP Cà Mau.
Về cảng biển, đạt loại III để phát triển cửa ngõ liên kết đối ngoại phù hợp với điều kiện vị trí địa lý của Cà Mau, xây dựng các tuyến đường bộ liên kết, phát huy lợi thế vận tải logistics, tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong khu vực. Hình thành trung tâm logistics (tại huyện Năm Căn, rộng 30 ha) và cảng cạn tổng hợp (rộng 50 ha) làm đầu mối giao thông quan trọng trong chuỗi dịch vụ vận tải logistis.
Phát huy hiệu quả đầu tư các đầu mối hạ tầng giao thông này, đề xuất mở mới tuyến ÐT.986B kết nối với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn TP Cà Mau - huyện Ngọc Hiển). Song, thực tế hiện nay là dù Cà Mau liên tục kiến nghị mở tuyến cao tốc từ TP Cà Mau đến huyện Ngọc Hiển, cũng như đến Mũi Cà Mau nhằm phát triển kinh tế biển, đặc biệt hướng khai thác Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai và kinh tế du lịch Ðất Mũi, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư rất ủng hộ, nhưng Bộ Giao thông vận tải thì chưa chấp thuận xem xét.
Tuyến đường bộ ven biển nằm trong quy hoạch đường bộ quốc gia được hình thành từ những tuyến đường địa phương. Tuyến đường xuất phát từ cảng Núi Ðỏ, Mũi Ngọc thuộc địa phận xã Bình Ngọc, TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) tới cửa khẩu Hà Tiên, thuộc địa phận TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) với chiều dài khoảng 3.041 km. Ðoạn đi qua địa phận tỉnh Cà Mau dài 235,9 km với điểm đầu cầu Gành Hào - Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi), điểm cuối ranh giữa huyện U Minh với huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang). Tuyến đường ven biển được hình thành trên cơ sở tận dụng tối đa các tuyến đường hiện có kết hợp với việc đầu tư xây dựng mới, kết nối thuận lợi với mạng lưới giao thông và phù hợp với các quy hoạch khác trong vùng, khu vực. Quy mô tối thiểu của đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Cà Mau được đầu tư đạt cấp IV đồng bằng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 và hoàn thành trong giai đoạn 2031-2050.
Ông Trần Ðoàn Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn, chia sẻ: "Là địa phương có vị trí chiến lược, thuận lợi cả đường bộ, đường biển, đường thuỷ, là 1 trong 3 đô thị động lực của tỉnh, cũng là nơi duy nhất của tỉnh được quy hoạch hình thành khu kinh tế, nên huyện Năm Căn có nhiều thuận lợi để phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư. Song, khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, họ đã không trở lại".
Trần Nguyên
Bài 2: LẶNG LẼ KHU KINH TẾ, KHU CÔNG NGHIỆP