Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.
- Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực
- Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"
Ðổi mới là bắt buộc
Với các thách thức mà ngành tôm phải đối diện, chính quyền các cấp, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang có những động thái rất tích cực. Ðặc biệt, ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra giống tôm tốt hơn, quy trình nuôi mang tính chất bền vững hơn để phát triển theo hướng xanh hơn, bền vững hơn.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với hiện thực con giống sản xuất trong tỉnh chỉ đáp ứng hơn 50% nhu cầu, sở đã tiến hành ký kết giao ước với tỉnh Ninh Thuận, địa phương cung cấp nhiều tôm giống cho Cà Mau nhằm kết nối cung - cầu tôm giống chất lượng cho người dân Cà Mau. Tỉnh đang triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng vùng nuôi tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống và nuôi tôm, cua thương phẩm hiệu quả, góp phần khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Không chỉ thay đổi trong quy trình nuôi mà công nghệ trong chế biến, bảo quản cũng cần phải thay đổi để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khó tính.
Ðể nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững trong điều kiện hiện nay cũng như dự đoán tương lai thì thay đổi là điều gần như bắt buộc. Tiến sĩ Nguyễn Nhứt, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định, đổi mới sáng tạo là điều bắt buộc, hiện nay có thể xem là đã muộn. Thị trường gần như toàn cầu, nguyên liệu toàn cầu và nhân lực cũng toàn cầu, nên bắt buộc chúng ta phải đổi mới. Ðặc biệt, Cà Mau đang phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, do đó càng phải đổi mới công nghệ trước để thích ứng và phát triển.
“Công nghệ mới phải lợi ích hơn cái trước đó, tức mang lại lợi nhuận cho người dân nhiều hơn, đáp ứng chính sách phát triển toàn cầu và quốc gia về mặt môi trường, kinh tế, biến đổi khí hậu và chất lượng cuộc sống của người lao động, xã hội trong vùng sản xuất”, Tiến sĩ Nhứt kiến nghị.
Bắt đầu từ chính sách
Phát triển ngành tôm Cà Mau trở thành trung tâm lớn nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh. Ðồng thời, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; mang lại lợi nhuận cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế của tỉnh và đất nước... Ðây là những mục tiêu lớn mà tỉnh đang hướng tới.
Với diện tích rừng lớn, Cà Mau rất dễ biến đổi theo mô hình sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính.
Những năm gần đây, nghề nuôi tôm, cua trên địa bàn tỉnh đang từng bước phát triển theo xu hướng sản xuất hàng hoá. Tuy nhiên, hiện trạng chung vẫn là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết; đổi mới, sáng tạo chưa nhiều; công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa tạo được sự đột phá. Do đó, cần có nhiều chính sách hỗ trợ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn.
Tiến sĩ Phạm Thu Hiền, Chuyên gia cao cấp, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung của Australia (CSIRO), nhận định, cần có sự phối hợp của tất cả các bên, không chỉ riêng doanh nghiệp, nhà nghiên cứu mà cần có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, Chính phủ và người dân. Có như vậy mới có thể tạo ra hệ sinh thái, hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân có được công nghệ tối ưu để giải quyết khó khăn, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày một khắt khe.
Tôm, cua là lợi thế của tỉnh và hiện nay đang còn nhiều tiềm năng để phát triển. Tiến sĩ Nguyễn Nhứt chia sẻ, biến đổi công nghệ không khó và cũng sẽ mang lại giá trị không nhiều bằng khi biến đổi một tổ chức hoặc hoạch định chiến lược phát triển.
“Diện tích nuôi tôm, cua của Cà Mau rất lớn, lại có thêm đặc thù là có rừng, có vùng nuôi hữu cơ mà các nơi khác không có. Nền tảng này, chỉ cần trở mình một chút là đã có thể tạo ra đột phá. Ví dụ hiện diện tích nuôi quảng canh cải tiến của tỉnh lớn (183.000 ha) nhưng năng suất chỉ khoảng 500-600 kg/ha/năm, do đó chỉ cần tăng mật độ nuôi từ 2-3 con/m2 thì sản lượng từ 21% có thể lên đến 61%. Chỉ cần nhích mật độ nuôi lên một chút, không cần phải thay đổi nhiều, Cà Mau đã đạt được vị trí thứ nhất Việt Nam”, Tiến sĩ Nhứt chân tình.
Ðịnh hướng phát triển 2 ngành hàng chủ lực tôm và cua đến năm 2030. Ðồ hoạ: LÊ TUẤN
Liên quan đến chính sách, ông Trần Vũ Tuấn Phan, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Khoa học Công nghệ - Học viện Khoa học, Công nghệ và Ðổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học - Công nghệ, cho biết, hiện nay chúng ta đã có chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành thuỷ sản, nhưng vấn đề quan trọng là cần có hệ thống để tránh sự trùng lắp và nâng cao hiệu quả trong triển khai thực hiện chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhiều hơn.
Tôm sú và cua Cà Mau đã phát triển thành thương hiệu, được nhiều khách hàng trong nước và thế giới biết đến. Nhưng tác động biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế, thị trường nhập khẩu thuỷ sản yêu cầu khắt khe hơn, hạ tầng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu... đang là những thách thức lớn cần được tháo gỡ trong thời gian tới và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là chìa khoá để hoàn thành nhiệm vụ này./.
Nguyễn Phú - Chí Diện