Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm, mà còn đặc biệt chú ý sản phẩm đó làm ra có sạch, có ảnh hưởng đến môi trường không. Sự thay đổi này là xu thế, buộc việc tổ chức sản xuất cũng phải thay đổi, nếu không muốn bị “bỏ lại phía sau”.
- Thích ứng biến đổi khí hậu để phát triển bền vững
- Nuôi tôm thích ứng với hạn mặn
- “Thuận thiên” để sản xuất bền vững
Sau hơn 20 năm có mặt trên đồng đất Cà Mau, con tôm hiện nay được người dân thả nuôi với vô số hình thức, từ quảng canh, quảng canh cải tiến, xen canh tôm - rừng, luân canh tôm - lúa, cho đến thâm canh, siêu thâm canh... Không chỉ diện tích, loại hình mà cả quy trình kỹ thuật nuôi cũng được cải thiện và nâng cấp với nhiều mô hình nổi bật như: nuôi tôm thẻ chân trắng với quy trình Biofloc, Semi-Biofloc cho ao nuôi trải bạt; quy trình công nghệ nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn; quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước khép kín...
Mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn đang được người dân huyện Ðầm Dơi ứng dụng và mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, những thay đổi trên chưa đáp ứng so với mục tiêu và kỳ vọng mà tỉnh đặt ra cho ngành tôm là trở thành trung tâm lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều giải pháp trong quản lý và kiểm soát chất lượng ngành tôm, từ con giống, thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản đến quy trình sản xuất, chế biến. Qua đó, không chỉ hỗ trợ người nuôi mà còn hướng tới mục tiêu là tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn và thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhất là thị trường khó tính.
“Ðặc biệt, tỉnh đang triển khai quyết liệt các giải pháp xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, những vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, vùng nuôi đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng và phát triển các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) để tiến tới hình thành liên kết chuỗi giá trị, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản của tỉnh, nhất là các sản phẩm chủ lực”, ông Bằng cho biết thêm.
Ðể nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì HTX, THT là một trong những thành phần kinh tế quan trọng để liên kết những người sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, cùng hợp sức, tương trợ lẫn nhau để phát triển, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, trong hội nghị chuyên đề về phát triển kinh tế tập thể của tỉnh mới đây, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, đánh giá, HTX của tỉnh hiện nay còn rất nhiều hạn chế, các sản phẩm dịch vụ cũng hạn chế về số lượng, không ổn định về chất lượng.
Cà Mau là địa phương với rất nhiều sản phẩm chủ lực đặc trưng và có chất lượng cao, nhưng việc xây dựng thương hiệu, quản lý nhãn hiệu thời gian qua vẫn còn những yếu kém. Ðã qua, toàn tỉnh có rất nhiều sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Theo Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải: “Bản thân cũng chưa thật sự vui khi nghe quá nhiều sản phẩm được công nhận OCOP, mà chỉ quan tâm đến sản phẩm nào thật sự đặc trưng của tỉnh và ổn định cả về chất lượng lẫn sản lượng để có thể đưa ra thị trường, đưa vào siêu thị và nước ngoài”.
Cua Cà Mau là minh chứng cho thấy rõ nhất những hạn chế trong công tác quản lý thương hiệu. Liên quan đến câu chuyện này, một vị giám đốc HTX nuôi trồng thuỷ sản ở huyện Cái Nước từng chia sẻ: "Có lần tham gia hội chợ tại Hà Nội, HTX mang sản phẩm đặc trưng là con cua để bán tại đây. Khi đó bên đây mình bán hơn 600 ngàn đồng/kg, còn gian đối diện cũng để bảng cua Cà Mau nhưng chỉ treo giá mỗi ký hơn 300 ngàn đồng. Dù biết đó không phải là cua Cà Mau, thấy tức trong người, nhưng cũng không có cách chứng minh cho mọi người biết được".
Xác định con tôm là sản phẩm chủ lực, nên qua mỗi thời kỳ phát triển, tỉnh đều có những chương trình, kế hoạch thúc đẩy sự phát triển và xuất khẩu của mặt hàng tôm. Những năm gần đây, trước sự thay đổi của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh và cả nhu cầu của thị trường, tỉnh đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục duy trì và phát triển nghề nuôi, cũng như kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm. Trước tiên, là sự hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và HTX, THT tiếp cận nguồn vốn, nhất là gói hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo nguồn lực lâu dài. Ngoài ra, triển khai ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, giảm giá thành để tăng sức cạnh canh. Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, mở rộng nhiều vùng nuôi đạt chứng nhận, vùng nuôi có liên kết chuỗi. Song song đó là đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Tôm càng xanh là đối tượng nuôi đang phát triển và cho thu nhập khá đối với người dân vùng lúa - tôm huyện Thới Bình, U Minh và một phần TP Cà Mau.
Hiện nay, thị trường trên thế giới có rất nhiều biến đổi, cả trong nội tại sản xuất của tỉnh cũng còn những hạn chế như: nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng khoa học còn hạn chế, tác động của biến đổi khí hậu... Trước những thách thức này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, công tác quy hoạch thời gian qua luôn được đặt lên hàng đầu. Tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung, có tích hợp quy hoạch ngành tôm. Trong đó, tỉnh đã cập nhật tình hình biến đổi khí hậu; trong quy hoạch có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và chuyên gia nên sẽ sát với thực tế. Tuy nhiên, cần có sự đầu tư kịp thời, đáp ứng nhu cầu quy hoạch trước biển đổi nhanh của khí hậu, để quy hoạch không bị phá vỡ.
Trước những khó khăn như hiện nay, ngoài nỗ lực của Nhà nước, người dân cần có sự thay đổi trong tổ chức sản xuất. Cần phải ứng dụng nhiều quy trình kỹ thuật mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng... Có như vậy, mới có thể tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, phát triển bền vững./.
Nguyễn Phú