ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 16:57:03
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thích ứng để phát triển trong tình hình mới. Bài 1: Chống dịch ở thế chủ động

Báo Cà Mau (CMO) LTS: Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch Covid-19, Cà Mau đã ban hành các quy định để thích ứng an toàn với đại dịch, hướng tới mục tiêu bình thường mới. Cả hệ thống chính trị đang kề vai chung sức hiện thực hoá cuộc sống bình thường mới, quán triệt phương châm “An toàn mới mở cửa”, “Mở cửa phải an toàn”. Trong đó, điểm tựa vững chắc nhất chính là những chuyển biến mạnh mẽ trong cách ứng phó của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền; là sự cống hiến của các lực lượng tuyến đầu; sự chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp; là ý thức của mỗi người dân.

Bài 1: Chống dịch ở thế chủ động

Những chuyến công tác cơ sở trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, cẩn trọng nhắc đi nhắc lại: “Cán bộ, dù ở cấp nào, trong hoàn cảnh đại dịch phải gần dân, hiểu dân, nắm chặt địa bàn. Nơi nào khó khăn nhất, phức tạp nhất thì lãnh đạo cao nhất nơi đó phải là người có mặt đầu tiên, nắm bắt tình hình, để có giải pháp khắc phục”.

Khi đi kiểm tra thực tế, điều mà vị Bí thư Tỉnh uỷ quan tâm nhất, trăn trở nhất là tạo điều kiện hỗ trợ chăm sóc chu đáo cho người dân, lấy an toàn sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân làm mục tiêu tối thượng. Trong đợt cao điểm người dân trở về quê đầu tháng 10, phản ứng dứt khoát, linh hoạt của toàn hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau là minh chứng thuyết phục nhất về tình quê hương, nghĩa đồng bào trong nguy khó. Cà Mau kích hoạt tối đa hệ thống phòng chống dịch, đồng thời huy động toàn bộ nhân lực, của cải vật chất để hỗ trợ, chăm sóc người dân trở về.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hải (bìa phải), Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, kiểm tra thực tế, chấn chỉnh hoạt động tại khu cách ly tập trung Trường Mẫu giáo 19/5, thị trấn Trần Văn Thời.

Chủ động, linh hoạt  

Công tác phòng, chống dịch và ứng phó với những tình huống dịch bệnh là công việc vô cùng khó, nói như Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải là “chưa có tiền lệ, chưa có bài bản, kinh nghiệm. Muốn làm tốt không có cách nào khác là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, làm bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất và tấm lòng yêu thương của mỗi người”.

Không ai dám khẳng định về sự toàn mỹ trong cuộc chiến với đại dịch. Cà Mau không phải không có những lúng túng, bị động, những hiện tượng đơn lẻ chưa tròn trịa, nhưng cách mà các cấp uỷ Ðảng, chính quyền ứng xử cầu thị với những điều ấy thật đáng trân trọng.

Trong cuộc chiến cam go với đại dịch, trong “nguy” có “cơ”, Cà Mau đã tạo ra bước ngoặt đột phá giúp người dân thuận lợi, minh bạch trong những công việc liên quan thủ tục, giấy tờ.

Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau, cho biết: “Các thủ tục thực hiện trực tuyến được niêm yết trước đây, theo thói quen bà con vẫn muốn đến làm trực tiếp. Trong điều kiện dịch bệnh, người dân buộc phải làm trực tuyến. Làm rồi quen, thấy thuận lợi, tiết kiệm và lan toả điều này đến người khác, từ đó hiệu suất giải quyết trực tuyến tăng lên rõ rệt”.

Công nghệ thông tin một lần nữa trở thành công cụ đắc dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ðó là những cuộc họp khẩn thông suốt toàn vẹn từ điểm cầu cấp tỉnh đến 101 xã, phường, thị trấn. Hệ thống nhóm Zalo được kích hoạt sâu rộng, trở thành kênh thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất, chính xác nhất các chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch. Chính nhờ thông suốt, quán xuyến và thông tin đồng bộ mà công tác phòng, chống dịch của Cà Mau thống nhất, liên tục, chủ động.

Ông Trịnh Văn Phến, Chủ tịch UBND xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi, tâm tình: “Việc đầu tiên phải làm là cập nhật hệ thống văn bản chỉ đạo của cấp trên liên tục. Phải nắm được chỉ đạo đúng mới làm đúng, chủ động được. Còn những việc trong thẩm quyền địa phương, cái gì tốt, có lợi cho bà con thì làm ngay”.

Vững tâm để chiến thắng

Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay không đơn thuần chỉ là chuyên môn y học. Tâm thế, cách ứng xử của con người mới là chìa khoá quyết định thắng lợi cuối cùng. Không có lựa chọn nào khác, mỗi người phải thay đổi thói quen, nhận thức trong cả sinh hoạt và lao động sản xuất để thích ứng và chung sống an toàn với vi-rút SARS-CoV-2.

Tại chốt phong toả ấp Tân Ðiền A, xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi, gia đình chị Võ Mỹ Nhiếp nằm ở điểm đầu khu phong toả gồm 63 hộ.

Chị Nhiếp bộc bạch: “Mới đầu cũng lo sợ, hoang mang, nhưng mình được anh em giải thích thì an tâm nhiều lắm. Bệnh này phải hiểu nó, đương đầu với nó thì an toàn thôi”.

Trước đại dịch, không ai có thể an toàn khi người bên cạnh còn nguy hiểm, thế nên việc sợ hãi đến mức mù quáng, nhất là nghe theo những tin đồn, thông tin xấu, độc khó kiểm chứng tràn lan trên môi trường mạng xã hội sẽ khiến người ta dễ hoảng loạn. Suy nghĩ tiêu cực và những việc làm phản khoa học rất có thể biến mình thành miếng mồi ngon cho dịch bệnh và rất nhiều hệ luỵ khác.

Lão nông Trịnh Văn Hoàng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Ðiền B, xã Tạ An Khương lấy việc tăng gia sản xuất làm niềm vui trong thời gian dịch bệnh.

Ông Hoàng tâm sự: “Cái lợi trước tiên là mình tự cung cấp thực phẩm cho gia đình sử dụng, rèn luyện sức khoẻ, buôn bán thì ít nhiều cũng quý trong hoàn cảnh dịch giã như thế này. Dịch thì dịch, nếu cứ bó gối lo sợ, không tăng gia sản xuất thì chưa thấy dịch đâu mà nghèo túng tới nơi liền”.

Tuổi thất tuần, hỏi ông có sợ Covid-19 không, ông Hoàng bình thản: “Nói không sợ sao được, thiệt hại tính mạng, tài sản biết bao nhiêu rồi. Nhưng cái chính yếu là mình phải sống làm sao để an toàn, thích ứng với nó”.

Theo kinh nghiệm của ông Hoàng, sau mỗi bận khó khăn, khi kinh tế mở trở lại thì nhu cầu hàng hoá rất lớn. “Nếu người dân sợ dịch mà co cụm, không duy trì, chăm chút cho lao động sản xuất thì hàng hoá đâu mà bán. Lúc đó có tiếc cũng đâu có ích gì. Ðáng nói là bà con mình cứ luẩn quẩn trong việc tính toán làm ăn, không có phán đoán, dự báo gì hết, như thế thì bị động dài dài”, ông Hoàng phân tích.

Một “thế trận xanh”, mũi giáp công chủ lực trong cuộc chiến với đại dịch không thể không nhắc đến các tổ Covid cộng đồng. Ông Nguyễn Minh Lợi, Trưởng ấp Tân Ðiền B, xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi, thông tin: “Ấp có 245 hộ, thành lập 5 tổ Covid cộng đồng để nắm chặt địa bàn. Hoạt động của tổ dựa vào ý thức tự giác của người dân và hoạt động kiểm soát, giám sát thực tế xuyên suốt. Tôi thành lập nhóm Zalo với trên 200 hộ dân để lắng nghe ý kiến của bà con”.

Có thể nói, trong giai đoạn kháng chiến, Việt Nam từng khiến những kẻ thù sừng sỏ gục đầu thất bại với chiến lược “chiến tranh Nhân dân” thì hiện nay, thế trận “toàn dân chống dịch” đã trở thành chiến lược hữu hiệu. Không ai có thể làm tốt hơn Nhân dân trong cuộc chiến cam go, nguy hiểm này. Từng người dân ý thức, hiểu biết và bảo vệ được mình trước đại dịch sẽ nhân lên sức mạnh của toàn xã hội. Tất nhiên, phải có những điều kiện cần, đủ để hỗ trợ người dân đó là vắc-xin, là hệ thống xét nghiệm, thu dung điều trị của lĩnh vực y tế...

Nhớ cách đây khá lâu, khi chiếc nón bảo hiểm còn xa lạ với hầu hết người dân. Sau đó, dù cần chút ít thời gian để thực hiện, nhưng rất nhanh chóng, thói quen đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy đã trở thành nét văn hoá mới, văn minh và an toàn trong đời sống xã hội. Chuyện về chiếc khẩu trang và thông điệp 5K cũng tương tự. Từ trẻ em đến người già, từ thành thị đến nông thôn, việc thực hiện 5K giờ đã trở thành nền nếp, thói quen thuần thục. Cuộc sống xanh được kết nối từ những mảng xanh nhỏ nhất, kết tinh từ sự chung sức, đồng lòng, niềm tin, ý chí của người dân nơi địa đầu cực Nam Tổ quốc./.

 

Quốc Rin

BÀI 2: BÊN TRONG BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.