ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 7-5-25 09:53:54
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thời hoàng kim của sản phẩm sinh thái - Bài 1: Tiềm năng từ du lịch

Báo Cà Mau (CMO) LTS: Nghị quyết của Ban Chấp hành Tỉnh uỷ Cà Mau khoá XVI nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm 5 năm tới. Ðó là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số. Xây dựng các giải pháp để tạo đột phá những lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như kinh tế biển, thuỷ sản, lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, dịch vụ, du lịch... Xét bình diện tổng thể, Cà Mau rất giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, thuỷ sản công nghệ cao và du lịch khi có vị trí địa lý 3 mặt giáp biển và hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt với nhiều dự án, sản phẩm sạch, hữu cơ, mang tính bền vững ở thị trường trong nước và quốc tế.

Từ năm 2013, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở Cà Mau bắt đầu manh nha xuất hiện. Xác định phát triển kinh tế du lịch là trọng tâm và lâu dài, ngày 10/10/2016, Tỉnh uỷ Cà Mau khoá XV ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Từ đó, sản phẩm du lịch Cà Mau liền có những bước tiến bứt tốc, phong phú cả về số lượng lẫn chất lượng.

Ưu đãi của thiên nhiên

Cà Mau nằm trong hành lang phát triển kinh tế phía Nam của chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mê-kông, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Ðông Nam Á. Do vậy, hợp tác và hội nhập là chiến lược rất quan trọng đối với du lịch Cà Mau thời gian tới.

Ngoài ra, tỉnh còn có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau với diện tích tự nhiên 42.000 ha và Vườn Quốc gia U Minh Hạ với diện tích 8.286 ha, đã và đang thực hiện quy hoạch, đầu tư và kêu gọi phát triển mô hình, sản phẩm mới - du lịch sinh thái.

Tài nguyên du lịch Cà Mau rất đặc trưng với nét văn hoá bản địa đặc sắc, những di tích lịch sử văn hoá. Các lễ hội truyền thống, công trình kiến trúc, làng nghề truyền thống, văn hoá ẩm thực, di sản văn hoá phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử… mang đậm nét đặc trưng riêng của con người vùng sông nước Cà Mau.

Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản thông suốt, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ đến các điểm du lịch chính (Ðất Mũi, Khai Long, hòn Ðá Bạc, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ). Hai tuyến đường Hồ Chí Minh về đến Ðất Mũi và tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam đã và đang góp phần quan trọng cho việc phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế trên vùng đất giàu tiềm năng này.

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, đến nay, Cà Mau đã tăng lên 14 điểm du lịch so với thời điểm khởi xây loại hình sản phẩm du lịch cộng đồng vào năm 2013 (4 điểm). “Ðiều đáng mừng là khi phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng thông qua sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp được người dân quan tâm, đã tạo việc làm lý tưởng cho lao động nông thôn, góp phần bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, thu nhập cao, giảm nghèo bền vững; giải quyết tốt nguồn lao động nhàn rỗi từ các hộ dân sinh sống ở khu vực bằng cách phục vụ gián tiếp sản xuất các sản vật đặc sản, chất lượng tại địa phương, cung cấp cho các hộ làm du lịch phục vụ du khách rất hiệu quả”, Giám đốc Sở VH-TT&DL Cà Mau Trần Hiếu Hùng khẳng định.

Minh chứng cho khẳng định trên, ông Giang Hoàng Hon, Giám đốc Khu Du lịch sinh thái Hương Tràm, xã Khánh An, huyện U Minh, chia sẻ: “Hiện khu du lịch không những thu hút khách tham quan mà còn tạo việc làm cho trên 30 lao động địa phương. Ngoài ra, còn thu mua các sản phẩm của các hộ dân (như rau, cá), liên kết với các hộ dân khai thác sản phẩm gác kèo ong mật, cho khách đi tham quan và lấy mật đem về khu du lịch tiêu thụ”.

Bên cạnh sự đa dạng về tài nguyên du lịch tự nhiên, Cà Mau còn có tài nguyên du lịch tâm linh, văn hoá lịch sử với nhiều công trình, di tích văn hoá cấp quốc gia, cấp tỉnh gắn với quá trình hình thành, xây dựng và phát triển vùng đất, con người, sông nước Cà Mau. Ðó là Ðền thờ Vua Hùng, chùa Cao Dân, chùa Phật tổ, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Từng bước chuyển mình mạnh mẽ

Theo ông Trần Hiếu Hùng, đến nay tỉnh có 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch; 83 cơ sở lưu trú du lịch với trên 2.600 phòng; 19 khu, điểm du lịch, trong đó có 14 điểm du lịch cộng đồng.

Nhiều năm qua, tỉnh nhất quán xác định phát triển 3 tuyến du lịch chính gồm: tuyến TP Cà Mau - Vườn Quốc gia U Minh Hạ - hòn Ðá Bạc; tuyến TP Cà Mau - Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm và tuyến TP Cà Mau - Khu Du lịch Mũi Cà Mau.

Song song đó, Cà Mau đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực ÐBSCL, tỉnh Trat (Vương quốc Thái Lan) và tỉnh Khăm Muộn (Cộng hoà dân chủ Nhân dân Lào). Ðể đáp ứng nhu cầu phục vụ trong lĩnh vực này, các đơn vị kinh doanh, công ty du lịch trên địa bàn đã huy động hơn 5.000 lao động làm việc trong ngành du lịch.

Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, tuy ảnh hưởng chung trong đại dịch Covid-19, nhưng năm 2020 lượng khách đến Cà Mau tham quan, nghỉ dưỡng trên 1,225 triệu lượt, bằng 88% so kế hoạch. Tổng doanh thu từ du lịch năm 2020 vì thế cũng đạt trên 1.958 tỷ đồng. Những năm gần đây, lượng khách du lịch liên tục tăng cao do tỉnh có nhiều điểm du lịch sinh thái, gần gũi với thiên nhiên. Du khách đến các khu du lịch để tận hưởng không khí trong lành của rừng, biển nơi thiêng liêng địa đầu cực Nam Tổ quốc.

“Thực tế họ không chỉ đến một lần mà có đoàn trở lại rất nhiều lần. Ðó là ưu thế tất yếu nhất của nét đẹp du lịch thân thiện, mến khách”, ông Giang Hoàng Hon chia sẻ.

Hiện nay, phát triển du lịch gắn với sinh thái rừng của tỉnh chủ yếu ở 2 khu vực: du lịch Ðất Mũi với trải nghiệm xuyên rừng đước - Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và du lịch xuyên rừng tràm Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Cả 2 nơi đều là những khu bảo tồn thiên nhiên mang tầm vóc quốc tế.

Du khách trải nghiệm xuyên rừng đước ở Khu Du lịch Mũi Cà Mau. Ảnh: PHONG PHÚ

Tuy lượng khách trong và ngoài nước đến du lịch rừng mỗi năm đều tăng, nhưng vẫn còn hạn chế so với tiềm năng vốn có. Theo các công ty lữ hành, tỉnh Cà Mau muốn phát triển được du lịch rừng thì phải đầu tư các khu, điểm du lịch, có sản phẩm đáp ứng nhu cầu ăn, ở, nghỉ ngơi của du khách thì các công ty mới xây dựng các tour để đưa khách đến.

Theo ông Trần Hiếu Hùng, từ năm 2013 đến nay, Cà Mau đang tiếp tục lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau để kêu gọi đầu tư theo quy định. Trên cơ sở đó, tỉnh xúc tiến xây dựng Khu Công viên Văn hoá Du lịch Mũi Cà Mau theo hướng chiến lược, tạo điểm nhấn cho du lịch Cà Mau phù hợp là khu du lịch quốc gia trong tương lai. “Bên cạnh đó, Ðề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Minh Hạ, một số quy hoạch khác như quy hoạch cụm đảo Hòn Khoai, quy hoạch điểm du lịch sinh thái đầm Thị Tường, hòn Ðá Bạc… đang triển khai thực hiện”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ngoài vùng du lịch trứ danh gắn với thương hiệu của vùng đất và con người Cà Mau - du lịch Mũi Cà Mau thì nay Cà Mau đã và đang hình thành nhiều cụm, tuyến du lịch mới ở U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời. Ðó là du lịch vườn chim hơn 16 ha ở Thới Bình; là điểm dừng chân trứ danh sinh thái gắn với cộng đồng Mười Ngọt ở Trần Văn Thời. “Riêng huyện U Minh, trong vài năm trở lại đây đã phát triển được 5 điểm du lịch. Ðó là điểm du lịch sinh thái Sông Trẹm; sinh thái Hương Tràm; du lịch miệt vườn; trang trại xanh; vườn dâu với quy mô trên 148 ha. Mỗi điểm du lịch có đặc trưng riêng của vùng đất U Minh”,  Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện U Minh Lê Hữu Lợi cho biết.

Liên kết để phát triển bền vững

Ðể tạo vùng, điểm nhấn và là nơi đến du lịch đặc sắc mang thương hiệu Cà Mau, tỉnh đã chỉ đạo các ngành tập trung xây dựng điểm đến liên kết các tỉnh, thành, đặc biệt là các vùng phát triển du lịch lớn là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ.

Năm 2021 tuy là năm tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch Covid-19, song, ngành du lịch tỉnh Cà Mau đã có phương án cụ thể về tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch theo chủ đề “Cà Mau - điểm đến năm 2021”. Ðó là Lễ hội Nghinh Ông đặc sắc ở thị trấn biển sầm uất Sông Ðốc; Lễ hội Ðền Hùng ở Thới Bình gắn với văn hoá tâm linh vùng sông nước; ngày hội cua Năm Căn giới thiệu các món ẩm thực được chế biến từ đặc sản Cà Mau…

Có thể thấy, các hoạt động quảng bá du lịch kết hợp đặc trưng của mỗi địa phương đã và đang là điểm nhấn quan trọng của du lịch tỉnh Cà Mau từ đây và những năm tiếp theo.

Ông Trần Hiếu Hùng phân tích: “Nếu không có biến động về dịch Covid-19, bức tranh du lịch năm 2021 và những năm tiếp theo của Cà Mau sẽ đạt những kỳ vọng lớn, đặt nền tảng mang tầm chiến lược lâu dài. Riêng năm nay, Cà Mau đặt mục tiêu đón trên 1,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 2.600 tỷ đồng là điều có thể”./.

 

Phong Phú - Hồng Phượng

Bài 2: TỪ SẢN PHẨM SINH THÁI ÐẾN HỮU CƠ

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.