ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 6-7-25 18:47:50
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tiếng vọng biển, đảo Tây Nam

Báo Cà Mau (CMO) Thuở nhỏ, mấy lần cha định rời quê về Sác Cò ở đất Viên An lập nghiệp thì má lại sụt sùi vì sợ đường xa cách trở, sợ cảnh sóng gió mỗi lần vượt sông Cửa Lớn. Vậy là ông bà bàn nhau bám miết mảnh đất trũng phèn trứ danh "đồng chó ngáp".

Ðã 47 năm, má vẫn không vui mỗi khi nghe đứa con nào phải đi xa, phải đi lâu ngày ở miệt Năm Căn, Nhưng Miên, Ông Trang. Ðó cũng là cái cớ, mỗi khi con trai lớn được đơn vị cử đi công tác ở Hòn Khoai, Hòn Chuối là má lại mất ngủ suốt theo thời gian nó rời đất liền ra biển.

Nỗi lo của má cũng không phải không có lý. Bởi, ngày trước, ngoại và mấy cậu cũng đi vùng biên giới biển, biên giới Tây Nam rồi hy sinh, bị thương. Bà ngoại hay kể lại thời cả xóm Tân Lộc trốn chung khu hầm tránh bom. Rồi phải che mắt lính biệt kích, mấy tay điềm chỉ trong xóm để đem cơm nuôi cán bộ ở hầm bí mật xứ Hòn Tre (Tân Lộc). Rồi khi ở R gọi, ông ngoại thoát ly tận miền Ðông, đi miết mấy năm trời không tin tức. Ðến năm 1958, đơn vị báo tin mật, đồng chí Tô Thành Ân đã hy sinh. Hay tin, ngoại cùng má và cậu phải nguỵ trang, chèo xuồng lên tận miệt Hậu Giang để đưa thi thể ông về mai táng. Nhớ lại lần vượt Sông Tiền, Sông Hậu mênh mông, sóng gió ầm ầm để "đón cha", nên mỗi lần mấy đứa con đi sông lớn, ra biển, vô rừng má lại lo.

Ðầu năm 2021, khi biết con trai có chuyến đi dài ngày ở vùng biên giới biển Tây Nam, má lại có ý không ưng. Nhưng phải chấp nhận, vì sự lý giải hợp lý của cha: Giờ toàn tàu sắt, máy to. Có thiết bị dò báo thời tiết, hiện đại lắm, bà lo gì? Ðể nó đi, nó biết nhiều, biết rộng bằng người. “Ờ!” - Tiếng thốt ra như giận dỗi từ nỗi lòng người mẹ.

Chuyến đi Tây Nam lần này trùng khoảng thời gian giáp Tết. Gió chướng thốc mạnh. Áp thấp thay đổi liên tục. Sóng biển vì thế cũng hung hãn đập vào mạn tàu ầm ầm mỗi lượn. Nghe đài báo thời tiết xấu, ở nhà má lại canh cánh bên lòng, nhất là khi điện thoại mất sóng.

Tàu rời cảng An Thới, TP Phú Quốc tiến thẳng đảo Thổ Chu - hòn đảo mà cách nay ngót 46 năm xảy ra cuộc thảm sát tàn khốc của Pôn-Pốt đối với gần 500 thường dân. Viếng Khu tưởng niệm đồng bào bị thảm sát ở Thổ Chu, chưa kịp định hình hết nỗi đau thương ngày ấy, đoàn đã phải rời đi để đảm bảo chuyến hành trình. Xã đảo Thổ Chu đang đề xuất nâng lên thành huyện đảo để thu hút đầu tư hạ tầng, kết nối giao thông giữa đảo với thành phố Rạch Giá hoặc thành phố Phú Quốc.

Cách Thổ Chu 110 hải lý, đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời còn đó bao bộn bề, gian khó. 50 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu, cách đất liền gần 20 hải lý, không điện, thiếu nước ngọt. Cả 50 hộ dân nơi đây đã bám trụ trên đảo mấy chục năm vẫn chưa hình thành nổi một ngôi nhà khang trang, dù đây là vùng nuôi cá bớp lồng có doanh thu, năng suất lớn nhất Cà Mau.

Ông Lê Văn Phương, cư dân trụ ở Hòn Chuối lâu nhất và là người nuôi cá bớp lồng nhiều nhất nơi đây, chia sẻ: “Vì yêu biển, yêu nghề nên tôi và gia đình bám trụ lại Hòn Chuối. Nhưng thấy hạ tầng chưa thay đổi nhiều, cũng mủi lòng. Giờ, mỗi khi muốn vô đất liền phải đi nhờ tàu cá… Vậy mà mỗi khi muốn rời đảo, lại quyến luyến tình quân, dân bao năm gắn kết, chia nhau từng ngụm nước ngọt vào mùa hạn”.

Ðoàn lại đến đảo Nam Du, xã Nam Du và xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Suốt 18 giờ tàu neo ngoài biển, con sóng vẫn ngút cao lên theo từng cơn gió. Tàu biên phòng không thể cập mạn vào tàu 627 để đưa đoàn công tác vào cảng Nam Du. Trời về trưa, sóng càng hung hãn. Tàu 627 phải đi vòng sang phía bờ Bắc đảo Nam Du để tránh sóng. Từ tàu 627 vào cầu cảng Nam Du chỉ hơn 2 hải lý, mà cả đoàn người phải mất gần 3 giờ để lên bờ an toàn.

Những con sóng bạc đầu như càng thách thức hàng loạt tàu cá, tàu mực neo ngoài xa trên vùng biển rộng. Lên đảo, đập vào mắt đầu tiên là hình ảnh Khu tưởng niệm gần 500 đồng bào, ngư dân tử nạn do bão số 5 năm 1997 gây ra. Ðến đây, mới thấy, bão số 5 không "giành" hết phần thiệt hại ở Cà Mau. Mất mát đau thương nơi đâu cũng xương thịt đồng bào. Tháng 10/1997, cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cũng trùm phủ không khí ảm đạm, tang thương khôn cùng.

Chủ tịch UBND xã An Sơn, huyện Kiên Hải Võ Văn Võ thông tin: "Trong cơn bão dữ năm ấy, Nam Du thảm khốc: Gần 500 ngư dân thiệt mạng, hàng trăm tàu cá hư hỏng, hàng ngàn căn nhà sập. Dư chấn để lại là mỗi người mang nặng một nỗi đau riêng”.

22 năm sau bão, cũng như các địa phương khác (bị ảnh hưởng và không bị ảnh hưởng), cả Khánh Hội và Nam Du, An Sơn đều khắc phục gian khó, nén đau thương, tiếp nối hành trình bám biển, vươn ra khơi xa thăm dò bụng biển để những chuyến ghe về đầy ắp cá tôm. Nhìn thành quả sau 22 năm gầy dựng lại "sự nghiệp vươn khơi" cả những vùng quê Khánh Hội, An Sơn, Nam Du đều là hiện tượng mới. Những nơi ấy đã và đang vươn mình xứng tầm đô thị động lực của địa phương. Nếu Khánh Hội là 1 trong 3 cửa biển sầm uất, chủ đạo ở Cà Mau thì Nam Du, An Sơn cũng đang rất giàu tiềm năng du lịch. Việc rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương so với trung tâm huyện, tỉnh không còn là vấn đề khó khăn.

Chuyến hải trình dài ngày trên biển, có dịp lắng nghe thanh âm của sóng, khi dào dạt vỗ về, lúc lại ầm ầm giận dữ. Ðoàn lại khởi hành đến quần đảo Hải Tặc thuộc xã Tiên Hải, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ðó là vùng đảo tiền tiêu mang tầm chiến lược quân sự. Cuộc sống người dân trên đảo cũng đang chuyển mình mạnh mẽ bởi tiềm năng du lịch và khai thác biển.

Vùng biển Tây Nam là vùng duy nhất của cả nước tiếp giáp với cả biển Ðông và biển Tây, với chiều dài bờ biển hơn 450 km tạo thành ngư trường rộng 143.000 km2 thuộc 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Vùng có trên 145 hòn đảo lớn, nhỏ. Ðây là lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hạ tầng trên đảo Hòn Khoai đang dần kết nối.

Thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, với phương châm làm giàu từ biển, Cà Mau cũng như Kiên Giang đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề khai thác, nuôi trồng. Một số nơi đã bứt phá trong thu hút nguồn vốn đầu tư để phát triển.

Riêng Cà Mau, tỉnh có ngư trường 80.000 km2 với hơn 4.700 ghe, tàu khai thác; có hơn 31% lượng tàu có công suất từ 90CV trở lên có khả năng khai thác xa bờ. Sản lượng khai thác hải sản của tỉnh mỗi năm từ 130.000-150.000 tấn và rất ổn định.

Tuy ngư trường (rộng 63.290 km2) và chiều dài bờ biển (200 km) nhỏ hơn Cà Mau, nhưng Kiên Giang có lợi thế đặc biệt về kinh tế biển với 143 hòn đảo lớn, nhỏ; trong đó, đảo Phú Quốc lớn nhất trong các đảo của Việt Nam nên có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biển. Chỉ tính riêng về khai thác, Kiên Giang đã vươn lên đứng đầu khu vực ÐBSCL và cả nước khi sở hữu đội tàu lên đến 11.000 chiếc, trong đó hơn 3.600 chiếc công suất lớn, đánh bắt xa bờ.

Kiên Giang đã bứt phá du lịch biển đảo. Nếu như quyết tâm của tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm năng lượng điện gió của ÐBSCL được hiện thực hoá, thì 450 km bờ biển và hơn 145 đảo lớn, nhỏ sẽ là "kho báu" đang ẩn mình của biển Tây Nam.

Du lịch biển đã và đang phát triển mạnh ở các đảo thuộc tỉnh Kiên Giang.

Cùng với đội tàu trên 15.000 chiếc ngày đêm vươn khơi, vùng Tây Nam sẽ là vùng kinh tế biển trọng yếu của cả nước trong tương lai. Nhìn tiềm năng mà tin tưởng, đến một lúc nào đó, những lượn sóng bạc đầu hung tợn kia cũng sẽ được chuyển hoá thành năng lượng sạch để phục vụ cuộc sống.

Biển vô cùng hào sảng, nhưng người sống theo biển cũng lắm gian truân. Biển giúp biết bao thế hệ đời người thoát cảnh đói nghèo bởi tiềm năng, lợi thế. Nhưng cũng lắm khi "trái tính" trở nên hung tợn, gieo rắc đau thương, đứt từng đoạn ruột...

Chuyến hải trình lần này, thấm bao điều từ biển. Ắt hẳn ngày về sẽ ngồi kể má nghe: Chuyến con đi, biển hiền hoà, biển cả mênh mông bao dung như lòng mẹ./.

 

Phong Phú

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.