(CMO) Gặp nhau là duyên, yêu và kết hôn với nhau là nợ, người đời thường nói vậy, nhưng với ông, từ vùng đất Củ Chi xa xôi về tận Cà Mau, gặp rồi yêu và nên duyên chồng vợ với bà, sống với nhau gần trọn đời người là phước. Mấy mươi năm qua, cái tình, cái nghĩa trong cuộc sống gia đình ông bà như ngọn lửa chưa bao giờ tắt.
Năm nay ông bước qua tuổi 89, bà cũng đã 82. Trong câu chuyện vẫn còn được kể lại khá mạch lạc, chúng tôi hình dung được một chuyện tình thật đẹp, một gia đình thật trọn vẹn, đáng ngưỡng mộ.
Ông quê gốc ở tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng sinh ra ở huyện Củ Chi, tỉnh Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Tháng 8/1945, trong cuộc cách mạng tháng Tám, chàng thanh niên Huỳnh Văn Song (tên thật của ông, bí danh Năm Ao) mới 15 tuổi đã có mặt trong đoàn quân khởi nghĩa đi cướp chính quyền.
Hạnh phúc lớn nhất của ông Huỳnh Văn Song và bà Trần Thị Thường là các con, cháu thành đạt, gia đình êm ấm, thuận hoà. |
Sau năm 1945, ông được tổ chức phân công học tại Trường Trung học kháng chiến Thái Văn Lung thuộc rừng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau, rồi dạy học, công tác phong trào ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, công tác cơ sở ở xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, công tác tổ chức ở Ngọc Hiển... Từ thời gian đó trở về sau này ông đều hoạt động cách mạng trên địa bàn Cà Mau.
Đó cũng chính là cái duyên đưa ông gặp gỡ và phải lòng cô gái Cà Mau Trần Thị Thường, nhỏ hơn ông 7 tuổi. Gia đình bà cũng là một gia đình truyền thống cách mạng ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước. Mẹ của bà là mẹ chiến sĩ, sau này trở thành Mẹ Việt Nam anh hùng. Bản thân bà cũng từng tham gia cách mạng, bị địch bắt tù đày. Năm 1955, hai người chính thức kết duyên chồng vợ. 9 đứa con (5 gái, 4 trai) lần lượt ra đời, nhà cửa nhiều lần dời đổi, bao nhiêu khó khăn, gian khổ chồng chất lên vai bà bởi ông công tác bí mật thường xuyên vắng nhà, bà cũng tham gia hoạt động hợp pháp tại địa phương. Hay tin đơn vị ông về gần nhà là bà tranh thủ đi thăm, nhưng phải giả vờ đi mua lúa, đi đòi lúa… Gặp nhau trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng cũng đủ để cả hai động viên nhau cùng cố gắng vượt qua khó khăn chờ đến ngày đất nước độc lập.
Rồi ngày ấy cũng đến, ông được điều về công tác tại Cửa hàng Vật tư tổng hợp tỉnh Minh Hải. Được cấp tạm cho cái nền nhà ở cặp sông Gành Hào (nay thuộc Khóm 2, Phường 8, TP Cà Mau), hồi ấy nơi đây toàn lau sậy và mây dóc. Vậy là ông gồng gánh đưa các con từ xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi lên ở để tiện việc học hành.
Dưới mái nhà che tạm là một đại gia đình nheo nhóc nhưng luôn hoà thuận, ấm áp. Chưa bao giờ hàng xóm nghe được một tiếng cãi vã từ ngôi nhà ấy dù cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Chị Huỳnh Kim Cương, con gái thứ tư của ông bà, nhớ lại: “Vì ba má luôn hoà thuận, thương yêu, nhường nhịn nhau nên chị em tôi học theo ba má, thương yêu, đùm bọc nhau. Đứa lớn đi làm phụ ba má lo cho đứa nhỏ. Các em tôi còn nhỏ xíu mà một buổi đi học, buổi còn lại làm đủ thứ việc để mưu sinh như bán bánh, sinh tố, nước đá, xách cặn về nuôi cá, phơi cá khô, kể cả phát cỏ, dọn cỏ, chài cá…, không nề hà bất cứ việc gì miễn là phụ giúp được cho ba má thì làm. Vậy mà các em tôi học rất giỏi, thành đạt hết”.
Trong 9 chị em chỉ có chị Cương và người em trai kế chị là không học tới đại học, còn lại đều tốt nghiệp đại học, trong đó có 1 thạc sĩ, công việc ổn định, gia đình êm ấm. Điều đáng quý là 7 trong số 9 người con vinh dự đứng vào hàng ngũ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chị Cương ngậm ngùi: “Mấy chục năm gia đình tôi sống trong căn nhà tạm, nghĩ mà thương ba má và các em chịu đựng quá nhiều vất vả. Ngôi nhà hiện tại chị em tôi hùn tiền cùng nhau xây được 2 năm nay, coi như đền đáp công ơn ba má”.
Trong ký ức của chị vẫn còn ghi đậm bao nhiêu câu chuyện về sự hy sinh của cha mẹ. “Thời gian làm ở vật tư tổng hợp, ba tôi phải đi bộ đường vòng rất xa. Cơ quan thấy ba vất vả nên cấp tiền để ba đi đò qua sông cho nhanh. Nhưng ba lấy tiền đó sắm chiếc xe đạp, mỗi ngày chịu khó đi sớm chút, số tiền mỗi tháng cơ quan hỗ trợ để dành lo cho các con”, chị kể mà mắt rưng rưng.
Ông bà không chỉ dạy dỗ các con bằng lời nói mà bằng chính những việc làm, cách sống, đối nhân xử thế của mình trở thành bài học lớn cho các con.
Hàng ngày, ông bà vẫn cùng nhau chăm sóc vườn hoa, vừa làm vừa trò chuyện cùng nhau. |
“Thương con ai cũng thương những mỗi người có cách thương, cách dạy dỗ khác nhau. Tôi thường dạy dỗ các con, các cháu sống phải có đạo đức, lấy đạo đức làm trọng. Nhờ phước đức ông bà, các con cháu tôi rất hoà thuận, thương yêu nhau. Chị lo cho em, em lo cho chị. Mỗi năm con cháu tụ họp về là nhà vui như tết. Đúng là không gì bằng gia đình đầm ấm, có bạc tiền cũng không mua được”, đôi mắt già nua ánh lên niềm vui.
“Suốt thời gian ba má sống với nhau, đi đâu cũng có đôi, làm gì cũng có nhau. Cả xứ Thanh Tùng, Đầm Dơi ai cũng ngưỡng mộ. Tản cư nhiều nơi, dù sống ở đâu thì khi đi rồi người ta cũng thương, trở về gặp lại rất mừng rỡ”, chị Cương tự hào về gia đình mình.
Chỉ có một lần trong đời ông đi xa mà không có bà bên cạnh. Đó là vào năm 1975, Công đoàn Trung ương tổ chức cho 10 người có công ở tỉnh Minh Hải đi nghỉ mát ở Vũng Tàu nửa tháng. Ông xin với tổ chức cho vợ đi cùng. Ông bảo: “Tôi làm được vậy là nhờ công vợ tôi cực khổ lắm. Cho vợ tôi đi, tôi về bán heo đóng tiền vô”. Nhưng cô thư ký bảo: “Anh nói phải lắm nhưng giờ gấp quá không kịp rồi. Để tôi chuyển ý anh ra ngoài Trung ương Công đoàn để mai sau có tổ chức sẽ giải quyết cho ai muốn xin cho vợ theo”.
“Vậy là lần đó tôi đi một mình. Trong lòng rất buồn, tôi đã sáng tác bài thơ tặng bà ấy”. Rồi như cảm xúc tuôn trào, ông đọc liền một mạch bài thơ mấy mươi năm vẫn thuộc nằm lòng. Bài thơ khá dài, kể lại câu chuyện tình cao đẹp và tấm lòng, tình cảm của ông đối với bà qua bao nhiêu năm tháng, xin trích ra đây vài câu:
… Đã sống cùng em qua nửa đời
Anh đã từng nói mẹ Thuỳ ơi (*)
Nhờ em nhẫn nhục hy sinh cả
Cuộc sống tuy nghèo vẫn đẹp vui
Giờ đây rảnh rỗi ở Vũng Tàu
Nhìn trời nhìn biển nhớ em sao
Muôn ngàn tình ý thêm lắng đọng
Anh sống có em hạnh phúc sao…
Sống chân thành, nhân nghĩa, mẫu mực, thuỷ chung, ông bà đã viết nên một câu chuyện tình thật đẹp, cùng nhau xây dựng một gia đình đáng để người ta ngưỡng mộ và học tập.
(*) Thuỳ là tên cô con gái thứ hai của ông bà
Thuỳ Trâm