(CMO) Tràm Thẻ Ðông là ấp phên dậu của xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tiếp giáp với tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang. Ngày trước nơi đây là vùng đồng năn, lau sậy, bà con địa phương gọi là đất cầm trâu. Từ năm 1996 đến nay người dân chuyển dần sang nuôi tôm, một số hộ xen canh trồng lúa, đời sống có nhiều thay đổi tích cực.
Ấp Tràm Thẻ Ðông có hơn 30 ha trồng lúa trên đất nuôi tôm, với 6 tháng nước mặn và 6 tháng nước ngọt; vụ mùa sôi động của bà con vào khoảng sau Tết Nguyên đán, đây cũng là lúc cây lúa, con tôm vào mùa thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Quẩn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú, chia sẻ: “Ngày xưa đất này được kêu là “cánh đồng chó ngáp”. Những tháng trời bấc, bà con đi theo cặp mé kênh có thể nhặt được nhiều trứng cò vì nơi đây rất hoang vắng. Theo thời gian, người dân khai phá phát triển kinh tế, cùng nhau góp sức xây dựng quê hương".
Anh Quẩn cũng cho biết: “Ấp Tràm Thẻ Ðông, ấp Tràm Thẻ, ấp Trời Mọc… là những ấp có diện tích tương đối lớn của xã, do địa bà rộng nên bà con vùng tiếp giáp thường trao đổi, mua bán ở Bạc Liêu (chỉ cách một con sông nhỏ). Những năm qua, nhờ nuôi tôm, trồng lúa mà cuộc sống bà con dần khá lên; hiện ấp chỉ còn 9 hộ nghèo, đang phấn đấu để thoát nghèo trong thời gian tới”.
Mô hình lúa - tôm ở ấp Tràm Thẻ Ðông, huyện Thới Bình. |
Ðiều đáng lo ở ấp là vấn đề nước sạch cho bà con. Theo anh Nguyễn A Trô Bít, Ấp đội trưởng ấp Tràm Thẻ Ðông: “Khoan cây nước chiều sâu khoảng 100 m thì mạch nước ngầm vẫn nhiễm phèn mặn. Thời gian đó có nhiều nhà khoa học đến để khảo sát và nhiều đội khoan cây nước đến để thử nghiệm khoan với chiều sâu khác nhau, đến khi dừng lại với chiều sâu hơn 200 m thì mạch nước ngầm mới “bắt được” và sử dụng an toàn”.
Theo đó, nhiều hộ khó khăn không tiền khoan cây nước thì vẫn sử dụng nước phèn và tận dụng nguồn nước mưa. “Nước mưa dùng để uống thôi, còn giặt thì vẫn sử dụng nước phèn”, anh Nguyễn Văn Khá, ấp Tràm Thẻ Ðông, nhớ lại.
Trước tình hình đó, khoảng năm 2019, Hội Phụ nữ xã Tân Phú từ các nguồn đã hỗ trợ bồn cho bà con dự trữ nước mưa để sinh hoạt. Ða số hộ dân ở ấp Tràm Thẻ Ðông trang bị bồn nước, những hộ có điều kiện hơn thì khoan cây nước.
Nhiều năm qua, trong ấp phát sinh điều lạ là nhiều hộ dân ở Xóm Gọ khi khoan cây nước thì xuất hiện khí gas xung quanh miệng giếng. Lúc đầu bà con rất hoang mang, nhưng sau đó một số hộ nơi có khí gas mạnh bắt đầu lắp đặt ống, dẫn gas vào bếp gia đình để sử dụng nấu ăn.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Kim, ấp Tràm Thẻ Ðông, trần tình: “Bà con ở đây cũng thắc mắc vì sao khu vực này mới có khí gas (chạy dài khoảng 1 cây số). Nếu như khoan ở khu vực lân cận với Xóm Gọ thì không thấy hiện tượng này. Thời gian qua có rất nhiều cơ quan chuyên môn, nhà khoa học đến tìm hiểu nhưng vẫn chưa có lời giải đáp cụ thể”.
Nhiều năm nay, nhà chị Mỹ Kim tận dụng từ nguồn khí này để phục vụ việc nấu nướng trong gia đình. “Lúc đầu cũng sợ nhưng sử dụng riết rồi quen, thấy cũng không có nguy hiểm gì. Gia đình cũng đã lắp đặt hệ thống túi khí và van xả để thuận tiện hơn trong sử dụng”, chị Kim chia sẻ.
Gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Kim mua nhiều bồn để dự trữ nước mưa. |
Vì là nguồn khí sạch, không có mùi hôi nên bà con vẫn vô tư sử dụng. Nhờ vậy, cũng tiết kiệm được chi phí sử dụng gas đáng kể. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn trong cháy nổ thì vẫn chưa lường trước được. Chị Mai Thị Lanh, ấp Tràm Thẻ Ðông, cho biết: “Buổi sáng túi khí đầy, xài nấu nướng thì nó xẹp xuống, đến chiều khí đầy túi thì nấu tiếp tục. Có nhiều người cũng sử dụng nên mình không sợ gì; ngọn lửa thì điều chỉnh theo ý muốn”.
Vấn đề này đã xảy ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có lời giải đáp nào cụ thể. Về phía địa phương cũng phối hợp với đơn vị phòng cháy, chữa cháy để kiểm tra và khuyến bà con nên sử dụng loại khí đốt an toàn.
“Chúng tôi không khuyến khích bà con sử dụng khí gas này và tiếp tục theo dõi để tìm ra nguyên nhân cụ thể. Ðặc biệt mong muốn ngành chuyên môn sớm lấy mẫu gas để kiểm nghiệm, phân tích, từ đó đưa ra khuyến cáo cụ thể và cách thức để sử dụng nguồn khí đốt này, góp phần giảm thiểu rủi ro và nguy hiểm cho người dân”, anh Quẩn cho biết thêm./.
Nhật Minh