(CMO) 17 năm trước, vượt con đường độc đạo bằng xe gắn máy về đất U Minh, tôi mang trong lòng biết bao sự ngỡ ngàng của tình người, của sự mến khách dù miền quê vẫn còn nhiều gian khó.
Giờ trở lại U Minh, càng ngỡ ngàng hơn khi phải đặt mình vào sự lựa chọn. Sự lựa chọn đến lạ, đó không phải là thứ gì cao sang lắm mà là chọn phương tiện, chọn tuyến đường. Bởi, ngày nay có quá nhiều cung đường, tuyến đường về xứ sở hoa tràm đến vậy!
Ngày ấy, nơi tôi ghé vào đầu tiên trên đất U Minh là Ðài Truyền thanh huyện. Bởi chỉ có thể ghé vào đó để hỏi đường đi từ những người bạn đồng nghiệp. Các anh sẽ hướng dẫn tiếp tục những nơi cần đến, những việc cần làm phục vụ cho chuyến hành nghề.
Khó có thể ngày một ngày hai nhớ được những địa danh nức tiếng ở xứ tràm. Phía bên kia sông Cái Tàu là hàng loạt tên những con rạch: nào là Rạch Làng, Rạch Chuôi, Rạch Phó Nguyên, Rạch Tắc, Rạch Tền, Rạch Ông Sâu... Ðịa danh xã ở U Minh thì dễ nhớ nhất với từ khoá ban đầu là khánh: Khánh An, Khánh Thuận, Khánh Hoà, Khánh Lâm, Khánh Tiến, Khánh Hội.
Trên cung đường hướng thẳng ra biển Tây có thể lựa chọn hướng rẽ phải ra Hương Mai, Tiểu Dừa, hoặc đi thẳng để đến cửa biển Khánh Hội...
Từng có khoảng thời gian khá dài gắn bó với vùng đất U Minh, ông Phạm Bạch Ðằng, nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cà Mau, kể: “Ngày trước khi về U Minh, từ Cà Mau phải đi vòng qua tuyến đường bên vàm Tắc Thủ rồi vượt qua 22 con rạch. Ðó là lúc có tuyến đường bộ về U Minh, còn trước nữa thì đi trễ chuyến đò xem như phải ngủ lại”.
Có lần anh Lê Hữu Lợi, nguyên Trưởng đài Truyền thanh huyện, đưa tôi vào vùng khó khăn nhất ở xứ biển Khánh Hội vào tháng 9 âm lịch. Khi đó, nước trên những cánh đồng ở Khánh Hội mênh mông, lúa ngập mất đọt, nước leo lên tận nền nhà, tận sàn giường; xuồng, vỏ máy thì vọt thẳng tới đậu trên hàng ba. Ðến khi rừng tháo úng rồi trữ nước lại phòng, chống cháy mùa hạn thì mặt nền nhà, mặt đường, một vài khu vực trũng mới lòi lên phơi nắng.
Một chuyến đi khác, ghé nhà anh Trần Văn Hoàng ở Nguyễn Phích. Căn nhà anh trông cũng bề thế, mái lợp típ-lô, nền lót gạch tàu đỏ au. Chị Lành, vợ anh, tính kỹ lưỡng đáo để, nhưng cũng chào thua với mùa nắng tháng 2.
Khi đó đất dưới nền nhà bắt đầu xì phèn; lớp nước phèn bốc hơi tụ lại nền gạch tàu khi gặp nắng, gió bốc hơi để lại một lớp phèn mịn làm biến đổi màu viên gạch tàu từ đỏ au sang đém bạc. Ði lại trong nhà thì y như rằng in dấu chân như những bằng chứng không thể chối cãi! Rồi chị phải dùng giẻ lau thấm nước ngày vài bận. Ðến nỗi phải đổ dầu lửa để lau mới mong sạch được phèn.
Cũng có chuyến đi thiện nguyện ở U Minh, đang lái xe vượt qua đoạn đường gồ ghề trong cơn mưa đầu mùa bên dòng kinh Số 0 thì bạn đồng hành tinh mắt phát hiện và bắt được mớ cá lên. Kỷ niệm ở xứ tràm U Minh còn đầy ắp, đó còn là chuyến đầu đời theo chân thợ rừng ăn ong. Vừa thấy bầy ong túa ra đen mịch thì chân bắt đầu co chạy. Càng chạy ong càng đuổi theo...
Còn giờ, hôm vừa rồi, về lại U Minh, anh Hữu Lợi khề khà hỏi: “Chú em đi vào huyện bằng phương tiện gì? Ði lúc mấy giờ? Giờ về huyện khoẻ rồi hen”. Ðúng là đi rừng U Minh giờ khoẻ thiệt! Có quá nhiều sự lựa chọn phương tiện giao thông từ huyện khác hoặc từ TP Cà Mau (bên ngoài huyện U Minh) về tận trung tâm các xã, thị trấn của huyện.
Ðơn cử, đi bằng xe buýt thì theo tuyến Cà Mau - U Minh - Khánh Hội. Tuyến này đi qua địa bàn các xã Khánh An, Nguyễn Phích, thị trấn U Minh và hai xã ven biển là Khánh Lâm và Khánh Hội. Ði bằng ô-tô thì có thể trực tiếp từ tuyến Cà Mau - U Minh - Khánh Hội hoặc qua đường Hành lang ven biển phía Nam. Khi đó, từ TP Cà Mau, chỉ cần dọc theo tuyến đường Xuyên Á, rẽ về Khai Hoang (qua xã Nguyễn Phích) rồi đi thị trấn U Minh.
Hoặc, từ phía tỉnh Kiên Giang, men theo đường Xuyên Á qua địa phận xã Biển Bạch của huyện Thới Bình về Khu Du lịch Sông Trẹm, xã Khánh Thuận, huyện U Minh rồi xuôi về trung tâm huyện. Còn về U Minh bằng phương tiện mô-tô, xe máy... thì có nhiều sự lựa chọn hơn.
Cống Biện Nhị, một trong những điểm nhấn quan trọng của hạ tầng kinh tế biển ở Khánh Hội. |
Ðến nay địa bàn huyện U Minh có trên 200 km đường ô-tô, 600 km đường bê-tông, trên 300 cầu..., điện lưới quốc gia đã phủ gần 100% ấp, xã và có trên 99% người dân sử dụng. Một số liệu thống kê mà cách nay hơn chục năm người khả quan nhất xứ rừng cũng không ai nghĩ đến!
Phía xã ven biển Khánh Tiến đã là xã nông thôn mới của huyện, còn Khánh Hội đang nỗ lực về đích chuẩn này. “Chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục để trình các cấp thẩm định công nhận xã nông thôn mới vào quý 2 năm nay. Còn về hạ tầng xã ven biển, đến nay Khánh Hội đã đổi thay theo chiều hướng tích cực”, ông Châu Minh Ðảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, trần tình.
Cống T29 hoàn thành đã và đang phát huy hiệu quả kết nối đê biển Tây với trung tâm xã, các tuyến dân cư ven biển ở Khánh Hội. |
Từ vùng đất đầy gian khó, có lúc được mệnh danh là túi nghèo của tỉnh, giờ U Minh đang hoà mình, chung sức toả sáng cùng các địa phương trong tỉnh. Trong quá trình kiến thiết quê hương ở giai đoạn tiếp theo, Ðảng bộ huyện U Minh xác định tiếp tục tập trung khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về rừng và biển. Ngay từ đầu năm 2022, sản phẩm đặc trưng xứ rừng đã được công nhận OCOP 3 sao bằng các thương hiệu của xứ tràm: cam Ba Tình, rượu trái giác và nhiều khu du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái được người dân xứ tràm mạnh dạn đầu tư, mở cửa đón khách...
Huyện đang quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Cũng giai đoạn này, huyện đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phấn đấu đến cuối năm 2025 thu nhập bình quân đầu người xứ rừng đạt 68 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2% trở xuống, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%...
Ðể hoàn thành các mục tiêu lớn đề ra, những phần việc tới đây của cấp uỷ, chính quyền ở xứ tràm sẽ còn không ít khó khăn, thách thức phải vượt qua, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo và sự đồng thuận của người dân./.
Phong Phú