ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 15-11-24 00:03:08
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM SỰ KIỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954-2024)

Lịch sử vọng vang

Báo Cà Mau Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Ðông Dương được ký kết (20/7/1954), Cà Mau được chọn là 1 trong 3 khu vực tập kết, chuyển quân của lực lượng cách mạng ở Nam Bộ với thời hạn 200 ngày. Sau 70 năm, với độ lùi của thời gian, sự kiện tập kết ở Cà Mau đã được đánh giá, khẳng định ngày càng toàn diện, thấu đáo về tầm vóc, ý nghĩa, vai trò hết sức đặc biệt trong tiến trình lịch sử cách mạng của địa phương, Nam Bộ và đất nước.

Các nghệ sĩ Ðoàn Cải lương Hương Tràm biểu diễn tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình.  Ảnh Hồng Thắm.

Vùng căn cứ địa kháng chiến

Ông Trần Bạch Ðằng, từ năm 1951 là Tổng biên tập Báo Nhân dân miền Nam và gắn bó với Cà Mau, đánh giá: “Cà Mau cùng Tây Nam Sông Hậu là vùng giải phóng ở Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp - vùng giải phóng rộng nhất của Nam Bộ... Riêng phần đất Nam lộ Cái Sắn (Cái Sắn thuộc huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ ngày nay - PV) đến Mũi Cà Mau đã thực sự hình thành một phần của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

Vùng tự do Tây Nam Bộ - Khu 9 thời kháng Pháp, trong đó có Cà Mau, được ông Trần Bạch Ðằng mô tả: “Dồi dào về nhân lực, phì nhiêu về ruộng đất, giao thông đường thuỷ thuận lợi. Ở đây, chế độ dân chủ Nhân dân được thiết lập và là ngọn cờ hiệu triệu cuộc kháng chiến cả Nam Bộ”. Ðây là vùng căn cứ địa đứng chân của Trung ương Cục miền Nam, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, Mặt trận Liên Việt và các đoàn thể cứu quốc - đầu não lãnh đạo kháng chiến của Nam Bộ. Cùng với đó là tên tuổi của những nhà lãnh đạo cách mạng lẫy lừng của Nam Bộ, của Ðảng, như: Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Nguyễn Bình...; những nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo tầm cỡ như: Cao Triều Phát, Hoàng Xuân Nhị, Phạm Thiều, Ca Văn Thỉnh, Kha Vạn Cân, Nguyễn Ngọc Hưởng, Trần Hữu Nghiệp...; những nhà báo, nhà văn, văn nghệ sĩ cách mạng hàng đầu: Thiếu Sơn, Dương Tử Giang, Nguyễn Bính, Diệp Minh Châu...

Cà Mau cũng là "khu công binh xưởng, công an xưởng ngày đêm sản xuất vũ khí đánh giặc, trang bị cho quân đội cả Nam Bộ”. Cùng với đó, “Viện Văn hoá kháng chiến, các cơ quan tư tưởng và văn hoá của Ðảng Cộng sản đã xây dựng được một nền văn hoá kháng chiến đủ sức lấn át văn hoá của vùng tạm chiếm, với các tạp chí văn nghệ, đài phát thanh, nhà xuất bản, đoàn văn công và đặc biệt, với báo Nhân dân miền Nam”, ông Trần Bạch Ðằng tự hào.

Ðây cũng là cái nôi để đào tạo, nuôi dưỡng cho nhiều thế hệ hạt giống đỏ và cán bộ của cách mạng từ hệ thống trường học kháng chiến; Trường Ðảng Trường Chinh. Riêng ở Cà Mau, một nét đặc sắc, khá riêng của vùng giải phóng được ông Trần Bạch Ðằng thuật lại: “Một số binh sĩ Âu Phi bỏ quân đội Pháp, sống rải rác ở các xã ven Sông Trẹm, Bảy Háp, Ông Ðốc, kênh Chắc Băng... lao động như dân địa phương, có người vào cơ quan (của cách mạng) làm cần vụ”.

Sắc thái độc đáo của vùng giải phóng ở Cà Mau được ông Trần Bạch Ðằng đúc kết: “Một vùng nông thôn đã chuyển mình trong cách mạng thành một đỉnh cao của Nam Bộ, đỉnh cao về sức chiến đấu và cả về năng lực văn hoá, trí thức”.

“Tấm bùa hộ mạng”

Ðó cũng là bối cảnh tiền đề để trả lời cho câu hỏi: Vì sao Bác Hồ, Trung ương Ðảng, Trung ương Cục miền Nam lựa chọn Cà Mau là 1 trong 3 bến tập kết ở Nam Bộ sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Hơn nữa, Cà Mau có bến Sông Ðốc, “một trong những cảng cá vào loại to nhất nước”, như lời của ông Trần Bạch Ðằng đánh giá. Tất cả những điều ấy đã hội tụ, kết tinh thành sự lựa chọn của lịch sử.

200 ngày tập kết ở Cà Mau, như lời khẳng định hào sảng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) khi ấy: “Người ta gọi vàm sông Ông Ðốc là thủ đô của Nam Bộ, nhộn nhịp lắm, đông vui lắm”. Trong 200 ngày ngắn ngủi, đồng bào Cà Mau cùng với lực lượng quân dân chính tập kết, thân quyến tiễn đưa, đã sống trong những ngày hội sôi nổi với khí thế chiến thắng và không khí vui tươi, phấn khởi sau 9 năm trường kỳ kháng Pháp.

Nhiệm vụ đặc biệt của Cà Mau là “xây dựng hình mẫu chính quyền cách mạng mới”, tiêu biểu về chính trị, kinh tế, văn hoá của chế độ dân chủ cộng hoà. Trong thời gian này, ta đã cấp trên 12.000 ha đất cho nông dân; xây dựng thêm 20 trường học, trên 75% dân số được xoá mù chữ; người dân được chăm sóc sức khoẻ; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao nở rộ... Nhân dân được tự do đi lại, mở mang buôn bán, thực sự sống trong những ngày hoà bình, độc lập, tự do, hạnh phúc.

Ðánh giá về những ý nghĩa của sự kiện tập kết 200 ngày ở Cà Mau, Nhà thơ Nguyễn Bá - nhân chứng lịch sử gắn bó sâu nặng với Cà Mau - có những kiến giải lý thú, sâu sắc: “Cấp đất cho nông dân (“lá bùa hộ mạng” của cán bộ ta ở lại miền Nam hoạt động)... Việc làm này khiến bà con nông dân hết lòng theo Ðảng, dốc sức chiến đấu với Mỹ - Diệm phá hoại hiệp định, trường kỳ kháng chiến đến ngày toàn thắng”.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn với tầm nhìn chiến lược đã đúc kết về công việc cấp đất cho nông dân vùng tập kết với dự báo sắc bén: “Mảnh đất mà chính quyền cách mạng giao cho hôm nay là lá bùa hộ mệnh cho cách mạng miền Nam sau này”. Vùng tập kết 200 ngày ở Cà Mau đã tập trung xây dựng được lực lượng cách mạng tại chỗ, bồi dưỡng sức dân, củng cố vững chắc hậu phương, chuẩn bị các nguồn lực để phục vụ nhiệm vụ cách mạng lâu dài.

Trước dã tâm và thủ đoạn hung hiểm của kẻ thù mới, cách mạng đã có sự chủ động đề phòng, chuẩn bị với tầm nhìn chiến lược. Ta đã chôn giấu 2 ngàn khẩu súng cùng 6 tấn vũ khí từ Trung ương đưa ngược vào, cùng với nhiều máy móc, phương tiện thông tin cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến. Nhà thơ Nguyễn Bá tâm đắc: “Nhờ vậy, mấy năm sau, ta có súng trang bị cho các đơn vị vũ trang đầu tiên. Những hầm súng của ta như kho báu vật, hết sức cần”.

Bác Hồ, Trung ương Ðảng và Xứ uỷ đã lựa chọn cán bộ ở lại miền Nam tiếp tục lãnh đạo cách mạng trong tình hình mới. Trong đó, Bí thư Xứ uỷ Lê Duẩn dù được thấy đã lên tàu tập kết, song đã bí mật ở lại với Cà Mau, với miền Nam. Căn cứ địa lòng dân của đất và người Cà Mau đã che chở, cưu mang, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp của cách mạng trong những thời khắc cam go nhất. Cũng tại Cà Mau, đồng chí Lê Duẩn đã khởi thảo những dòng đầu tiên "Ðề cương đường lối cách mạng miền Nam", là tiền đề để Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết 15, xác định rõ con đường tiến lên của cách mạng miền Nam. Cà Mau cũng là một trong những địa phương tái xây dựng lực lượng vũ trang sớm nhất gắn với phong trào Ðồng Khởi.

Chủ trương lựa chọn cán bộ, con em miền Nam tập kết ra Bắc để học tập, đào tạo thể hiện tầm nhìn xa của Bác Hồ, của Ðảng đối với cách mạng miền Nam, với sự nghiệp thống nhất nước nhà và công cuộc kiến thiết, phát triển lâu dài của đất nước. Ở đó, hậu phương lớn miền Bắc đã thể hiện tấm lòng lớn lao với tiền tuyến lớn miền Nam, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết dân tộc, để những người con miền Nam đi để trở về giải phóng miền Nam; trở thành những thế hệ cán bộ, trí thức cách mạng có những đóng góp lớn lao, xứng đáng cho quê hương, Tổ quốc.

Sự kiện 200 ngày tập kết ở Cà Mau, theo Nhà thơ Nguyễn Bá, còn là tiền đề, điều kiện “nhân - quả” để Cà Mau tiếp tục tạo ra những kỳ tích lẫy lừng trong kháng chiến chống Mỹ. Trong đó có việc khai mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại gắn với người con xứ biển anh hùng của Cà Mau Bông Văn Dĩa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyết mạch chiến lược chi viện sức người, sức của cho toàn chiến trường miền Nam, góp phần đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Và sau sự kiện tập kết ngót 1 thập niên, chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là (1963) đã tiếp tục khẳng định sức vóc, bản lĩnh, sự trưởng thành của cách mạng Cà Mau. Ðây được tổng kết là 1 trong 7 chiến thắng lớn nhất của miền Nam năm 1963. Ðây cũng là lần đầu tiên, miền Nam cùng thời điểm tiêu diệt được 2 chi khu; riêng trận cứ điểm Chà Là, ta tiêu diệt được nhiều máy bay địch nhất lúc bấy giờ. “Có thể nói, sau khi ta chuyển quân tập kết tại bến sông Ông Ðốc, cho đến chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, Ðảng bộ và quân dân Cà Mau - Tây Nam Bộ từ kinh nghiệm đấu tranh của chính bản thân mình đúc kết thành đường lối cách mạng miền Nam”, Nhà thơ Nguyễn Bá đúc kết.

Chiến công tiếp nối chiến công, Cà Mau đúng như dự báo của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong những ngày tập kết, trở thành và xứng đáng là “tấm bùa hộ mạng” của cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ để đi tới ngày toàn thắng. Sự kiện 200 ngày tập kết ở Cà Mau mãi là niềm tự hào của mảnh đất địa đầu cực Nam Tổ quốc với những giá trị lịch sử, cảm hứng thời đại trường tồn cùng năm tháng.

(Tham khảo và dẫn nguồn tư liệu từ các bài viết: "Vàm sông Ông Ðốc những ngày giáp Tết Ất Mùi" - Tác giả Trần Bạch Ðằng; "Những đặc điểm Cà Mau trước, trong và sau khi tập kết" - Tác giả Nguyễn Bá).

 

Phạm Quốc Rin

 

200 ngày tự do, yên bình

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chấm dứt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ của Nhân dân ta. Ðây là một thắng lợi to lớn của Nhân dân ta trên con đường giải phóng dân tộc, là cơ sở pháp lý quốc tế để ta tiếp tục đấu tranh hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân trong cả nước.

Nhiều công trình, phần việc của tuổi trẻ

Nhiều công trình, phần việc được đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) chung tay thực hiện hướng đến Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc.

Công bố Di tích lịch sử cấp tỉnh “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam”

Sáng 12/11, UBND tỉnh tổ chức Lễ khánh thành và công bố xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam” tại Ấp 10 xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

Công tác chuẩn bị của Trung ương cho cuộc tập kết (*)

Tháng 9/1954, Tổng Quân uỷ ra Chỉ thị số 123/CT-4 về việc đón tiếp cán bộ, đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc, quân tình nguyện Việt Nam ở Lào về nước. Chỉ thị nêu rõ: “Việc bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc cũng nhằm để thi hành đúng hiệp định đình chiến, đồng thời cũng để xây dụng lực lượng vũ trang hùng mạnh, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh chính trị, củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc. Vì vậy, việc đón tiếp bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam ra miền Bắc tập kết có một ý nghĩa chính trị rất lớn”.

Tiếp thu thị trấn Cà Mau

Chúng tôi tiến vào thị trấn Cà Mau lúc 2 giờ chiều ngày 23/8/1954. Hôm qua, giặc Pháp đã rút toàn bộ lực lượng (kể cả nguỵ quyền) về Bạc Liêu, trong khi chúng chưa bàn giao chính quyền với ta. Bởi vậy, đồng bào tại đây phải sống trọn một đêm chờ đợi.

Tri ân vùng đất gắn liền sự kiện lịch sử cách mạng

Hướng đến kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024), sáng 9/11, thông qua vận động, Đoàn từ thiện thuộc Ban Liên lạc đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu về nguồn khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Trí Lực, Trí Phải (huyện Thới Bình) và thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời).

CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 70 NĂM SỰ KIỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 - 2024)

Người tạo dấu ấn

Những ngày lập đông 1954, gió chướng thổi mạnh, không khí lạnh từ biển Ðông ùa vào cửa sông Ông Ðốc, cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ, con em các tỉnh Nam Bộ, trong đó có Nguyễn Ngọc Cung, xuống tàu Kilinski của Ba Lan đi tập kết ra Bắc, lên bến Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Không lâu sau đó, trên đất Bắc, Nguyễn Ngọc Cung trở thành thành viên sáng lập: Hội Sân khấu Việt Nam; Hội Nhà văn Việt Nam; Hội Ðiện ảnh Việt Nam. Ông sáng tác kịch bản phim "Biển động" vào cuối năm 1957.

Cà Mau - Trước, trong và sau tập kết

Chúng ta từng biết Cà Mau không phải là vùng đất hoang sơ “khỉ ho cò gáy”, dân trí thấp kém như một vài “học giả” không sát thực tế đã từng nói. Cũng như không phải nơi tận cùng “hải giác thiên nhai” để cho mãnh thú và tội đồ từ các nơi đến ở với “lính trốn và trốn lính” theo một vài cuốn sách nào đó, làm lem ố những dòng lịch sử chói ngời của vùng đất thiêng, bao phen làm điểm tựa cho lịch sử cả miền đồng bằng Nam Bộ.

Tư liệu quý từ ghi chép của người tập kết

Sự kiện tập kết ra Bắc diễn ra đã 70 năm, những yếu tố về lịch sử, chủ trương, đường lối chiến lược của Đảng, Bác Hồ thì sách báo đã đề cập. Tuy vậy, lớp hậu thế muốn tìm hiểu chi tiết vấn đề lại rất ít thông tin. Trong quá trình gặp gỡ, tiếp cận tài liệu từ nhân chứng (còn lại không nhiều), từ thân nhân, từ Bảo tàng tỉnh, chúng tôi bắt gặp những trang nhật ký, ghi chép, hồi ức, qua đó giúp phần nào hình dung lại một giai đoạn lịch sử hết sức đặc biệt này.