ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 23:08:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trường xưa một thuở

Báo Cà Mau (CMO) (Kính gởi thầy cô, bạn bè và các bạn học sinh Trường THPT Đầm Dơi)

Mấy đứa bạn dưới quê Đầm Dơi xôn xao: “Ê! Năm nay về kỷ niệm 40 năm thành lập trường mình nha!”. Tôi giật mình! Vậy là mình tốt nghiệp phổ thông 15 năm rồi còn gì. Từ ngày tốt nghiệp cấp 3, thêm 4 năm đại học, chục năm làm báo, quay lại mình đã ngoài tuổi băm - cái tuổi già chưa tới mà trẻ cũng không còn. Mấy lần làm tập san nhà trường, cô Trịnh Hải Minh - người mà tôi vẫn gọi là sư phụ theo đầy đủ nghĩa có gọi và đề nghị học trò cũ viết một bài về trường, thế nhưng có lần viết không nổi một chữ, có lần viết… trật lất chủ đề. Tập san 40 năm kỷ niệm nhà trường, tôi cũng không có nổi một bài.

Trường THPT Đầm Dơi - cái nôi của nhiều thế hệ học sinh.

Nhà tôi 6 anh em, thì có 5 người học ở ngôi trường này. Anh Hai tôi năm nay đã ngoài 50 tuổi. Rồi mấy đứa cháu con anh tôi cũng lại nối gót cha, chú, trưởng thành từ mái Trường THPT Đầm Dơi. Ngày trước, đi học mà gắn danh học sinh trường cấp 3 thị trấn thì “oai như cóc”. Năm 2003-2004, tôi chính thức trở thành học sinh của nhà trường sau một kỳ thi tuyển đầy âu lo. Thế rồi được xếp vào lớp 10A3 do cô Trần Thị Hiếu làm giáo viên chủ nhiệm và được phân công làm lớp trưởng. Lớp 10A3 của chúng tôi học hành thì lẹt bẹt, được cái vui và đoàn kết. Cô giáo chủ nhiệm trẻ, tâm lý, nhiệt tình.

Đám bạn học lớp 10A3 rồi lên 11A3 ngày đó, giờ vẫn nhớ nhau, chơi với nhau như ngày còn đi học. Dù nhiều đứa do hoàn cảnh riêng ít gặp mặt, chúng tôi vẫn dành cho nhau những tình cảm nồng ấm thời học sinh. Đó là những buổi chở nhau trên xe đạp rong ruổi về quê chơi, mùa cắm trại say mê với những tiếng cười, mùa phượng vĩ nở, bông đỏ rung rinh trong nắng mà lòng buồn man mác. Sau này, có những đứa học dốt đội sổ ở lớp nhưng thành đạt, có những đứa học khá lại lận đận, truân chuyên. Nhưng có hề gì, khi gặp nhau, chúng tôi lại là những đứa bạn A3 của ngày xưa năm cũ…

Tình cờ, tôi được chọn vào lớp chuyên Văn của trường, dù học hành chỉ ở mức tàm tạm và không có tố chất gì nổi trội. Thầy Võ Thanh Hùng, hiện là Hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi và cô Trịnh Hải Minh là người trực tiếp dìu dắt, hướng dẫn tôi đến với thế giới văn học. Lớp Văn ngày đó, quay đi quay lại chỉ còn mình tôi là con trai. Ban ngày học các môn văn hoá, ban đêm học lớp chuyên. Vẫn nhớ, mỗi tối, chúng tôi luyện đề viết 2, 3 tiếng đồng hồ, chữ kín mít mấy tờ giấy thi khổ lớn. Vẫn nhớ có bài được khen, có bài viết dở òm. Năm lớp 11, tôi đoạt giải Ba cấp tỉnh, tràn đầy hy vọng để bước vào kỳ thi chọn đội tuyển. Nhưng rồi đề khó, tôi trượt.

Năm lớp 12, tôi mang theo khát khao và kinh nghiệm thất bại để quyết tâm lần nữa. Lần này, tôi đã được vào thi vòng quốc gia với đề thi ngắn gọn nhưng choáng váng “Đề tài mùa thu trong thi ca Việt Nam”. Ngày đó, thi học sinh giỏi vẫn chia bảng, bảng A ở tầm cao hơn, dành cho học sinh khu vực phía Bắc, còn miền Nam thuộc bảng B. Để bước vào kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tôi và đội tuyển 8 người ở Cà Mau phải cật lực ôn luyện mấy tháng trời. Các giáo viên đứng lớp chuyên của đội tuyển là Nhà giáo Ưu tú Đoàn Thị Bẩy - lúc đó là Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển; Nhà giáo Thái Thị Ngọc Bích và Nhà giáo Trịnh Hải Minh. Trường THPT Đầm Dơi có 2 thành viên đội tuyển là tôi và em Võ Hồng Vui. Tôi cũng là nam duy nhất.

Mùa đó, Trường THPT Đầm Dơi bội thu về giải học sinh giỏi vòng tỉnh và vòng chọn đội tuyển quốc gia. Năm trước đó, bạn Huỳnh Linh Tý, dù chỉ học lớp 11 đã xuất sắc mang về giải Nhì quốc gia môn Hoá học cho Trường THPT Đầm Dơi và cho tỉnh Cà Mau. Khi được chọn vào đội tuyển đi thi vòng quốc gia, tất cả học sinh Trường THPT Đầm Dơi phải khăn gói lên ở trọ trên TP Cà Mau. Ngày đi học ké văn hoá ở Trường THPT Hồ Thị Kỷ, đêm thì học chuyên ở Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển. Sinh hoạt tự túc, ăn cơm phần ở khu vực gần Cầu Cũ, bây giờ gọi là cầu Phan Ngọc Hiển.

Nữ sinh Trường THPT Đầm Dơi.                                                     Ảnh: NHẬT MINH

Giao thông đi lại thời điểm ấy còn khó khăn. Bạn bè chúng tôi đi - về Cà Mau - Đầm Dơi bằng tàu tốc hành, sang hơn chút thì cao tốc. Tách biệt với lớp, với trường mấy tháng, chúng tôi ăn ngủ với môn chuyên. Những cuốn sách giáo khoa nhừ như chao, tôi thuộc làu từng trang. Cuốn sổ tay chi chít những trích dẫn, những danh ngôn liên quan đến văn học. Mấy đêm trước khi bước vào cuộc thi quyết định, bạn bè chúng tôi không ngủ được. Có đứa cứ đem giấy ra viết “đậu” và “không đậu” rồi rải ra bắt mỗi đứa chọn một tờ, xem vận mệnh thế nào. Có đứa học như lên đồng, sáng đêm không ngủ. Có đứa mặt giả đò tỉnh bơ, nhưng trong lòng lửa cháy bừng bừng. Tôi cũng bồn chồn, nhưng không có gì áp lực, bởi được thì tốt, không được thì cũng chẳng mất gì. Khi đó, câu châm ngôn “không thành tài cũng thành nhân” được phổ biến như là một liệu pháp tinh thần cho những “chiến binh” bước vào cuộc thi lớn…

Rồi kỳ thi qua. Chúng tôi trở lại Trường THPT Đầm Dơi, với thầy cô, bạn bè thân thương. Nhưng kèm theo đó là ngổn ngang bài vở để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cận kề. Một ngày, giờ làm bài 2 tiết môn Làm văn. Cô Trịnh Hải Minh cứ đứng phía sau tôi mỉm cười. Tôi mơ hồ nhận ra có điều gì đó. Và rồi, tin tôi đoạt giải Nhì môn Văn quốc gia được chính thức thông báo. Cảm giác vui sướng thì ít mà ngạc nhiên thì quá lớn. Thú thật, cái tin ấy choáng váng đến nỗi tôi không còn đủ mường tượng và hình dung ra nó lớn như thế nào. Khi về báo tin cho ba mẹ tôi ở nhà biết, mẹ cười nói: “Bữa trước mẹ nằm mơ thấy rồi”. Ba tôi thì gật gù, không nói gì, chỉ ánh mắt là ngời lên hạnh phúc.

Những tháng ngày sắp rời mái trường, tôi đã trải qua những va vấp thấm thía của tuổi trẻ bốc đồng, nông nổi. Thế nhưng, bằng tất cả sự yêu thương, cưu mang, lo lắng, thầy cô và bạn bè vẫn bên tôi, vẫn giúp tôi vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT với tấm bằng khá, và đó là cửa thông hành để tôi bước vào giảng đường đại học. Tôi nhớ cô Mã Thị Xuân Thu, giáo viên chủ nhiệm của tôi năm lớp 12, cầm giấy thông báo trúng tuyển của tôi ở Hà Nội vừa mừng, vừa lo. Giờ tôi mới hiểu, cô lo nhiều hơn mừng. Và dù lâu lắm không trực tiếp thăm hỏi cô, cô vẫn dõi theo bước đi của tôi qua từng chặng. Những lời dạy nghiêm khắc của cô, có lúc là chiếc phao khi tôi không còn chỗ bấu víu, nương tựa. 

Ngày còn học ở Trường THPT Đầm Dơi, tôi đã được đăng một bài trên tập san với nhan đề “Mẹ chỉ một và cuộc đời chỉ một”. Bài này mẹ của cô giáo Trịnh Hải Minh rất thích. Trong bài viết ấy, vô tình cái nghề báo vận vào tôi như một duyên nợ. Nhớ lời của thầy Châu Văn Tuy, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi, hiện là Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ: “Làm báo phải bằng cái tâm, nhất là với quê hương, xứ sở”. Nay, kỷ niệm 40 năm thành lập Trường THPT Đầm Dơi, tôi gởi lòng mình qua chút kỷ niệm riêng về trường xưa, lớp cũ…./.

Phạm Quốc Rin

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.