(CMO) "Mười mấy năm thắp sáng bằng đèn dầu nên khi có điện kéo về tận nhà thì niềm vui sướng này không thể nào diễn tả hết được. Có điện, bà con thuận lợi hơn trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất, từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”, đó là chia sẻ của ông Ðỗ Hoàng Anh, ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, cũng là niềm vui của nhiều bà con sống dọc theo tuyến Kênh 14 của xã.
Nhà nằm dọc theo tuyến Kênh 14, ông Quách Văn Nguyễn, Ấp 18, bộc bạch: “Ðược sử dụng điện an toàn là niềm mong mỏi của bà con nơi đây, giờ thì ước mơ này đã thành hiện thực. Bà con không còn phải kéo điện từ xa về vừa nguy hiểm, vừa thất thoát điện mà số tiền đóng mỗi tháng cao. Rồi mỗi lần bơm nước phải xài máy dầu quay rất cực, vì điện yếu không thể dùng được".
Ông Lê Văn Kịp, Trưởng Ấp 18, cho biết: "Nhờ điện hạ thế bao phủ gần giáp các tuyến đường trên địa bàn ấp mà kinh tế người dân ổn định. Tuyến Kênh 14 này trước đây bà con hùn nhau cặm trụ điện kéo riêng nên mỗi khi mưa bão tai nạn luôn tiềm ẩn".
Toàn xã Biển Bạch có 98,1% hộ dân có điện kế chính, đạt Tiêu chí số 4 trong Bộ tiêu chí nông thôn mới, chỉ còn 36 hộ với 3 tuyến đường nữa là bao phủ toàn xã các hộ có được điện kế chính.
Lưới điện hạ thế dọc theo tuyến Kênh 14 thuộc Ấp 18 và ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong sản xuất và sinh hoạt. |
Ông Quách Hữu Thoại, Phó giám đốc Ðiện lực Thới Bình, cho biết, những năm qua, huyện Thới Bình được Công ty Ðiện lực Cà Mau quan tâm đầu tư lưới điện để đạt tiêu chí nông thôn mới. Năm 2020, đầu tư khoảng 68 tỷ đồng, năm 2021 đã phân bổ 39 tỷ đồng đầu tư vào Thới Bình, những năm tiếp tục theo Ðiện lực Thới Bình sẽ tận dụng các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho người dân. Hiện, địa bàn huyện Thới Bình còn 459 hộ dân chưa có điện, ngành điện sẽ tận dụng các nguồn để xoá dần các hộ chia hơi, để bà con có điện kế chính sử dụng an toàn.
Nếu như năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 16,15% hộ sử dụng điện thì đến cuối năm 2021 điện lưới quốc gia đã được đầu tư đến 100% khóm, ấp. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,96% và có 53/82 xã đạt Tiêu chí số 4 về điện, chiếm 65,85% tổng số xã trên toàn tỉnh.
Ðể đạt được kết quả trên, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã tranh thủ mọi nguồn vốn như vốn khấu hao, phụ thu, vốn ODA giai đoạn 1, giai đoạn 2, vốn Dự án Năng lượng nông thôn II đợt 1 và đợt 2...
Ông Huỳnh Văn Minh, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết, việc đầu tư phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh đã qua được xác định theo hướng có xét đến hiệu quả vốn đầu tư phân theo kế hoạch dài hạn. Giai đoạn từ năm 1997-2015, Sở Công thương đã phối hợp với Công ty Ðiện lực Cà Mau sử dụng nhiều nguồn vốn để đầu tư hạ thế mở rộng, từ đó giải quyết một phần bức xúc của Nhân dân, trong đó, ưu tiên đầu tư phủ kín đoạn trống giữa 2 đầu đã có lưới hiện hữu, đến năm 2015 đạt 97,82% hộ sử dụng.
Giai đoạn từ năm 2016-2021, việc đầu tư phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Cà Mau giai đoạn 2015-2020 được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 11825/QÐ-BCT, ngày 30/10/2015, với tổng vốn đầu tư là 892 tỷ đồng và các nguồn vốn đầu tư nhánh rẽ xoá hộ câu phụ, nguồn vốn cải tạo, nâng cấp của ngành điện hàng năm; đến cuối năm 2021 điện lưới quốc gia đã được đầu tư đến 100% các khóm, ấp trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,96%, còn lại số hộ chưa sử dụng điện là do sống rải rác các huyện ven biển... lưới điện chưa phủ tới.
Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tại tỉnh Cà Mau đầu tư đến hiện tại khoảng 800 tỷ đồng, giải quyết cơ bản điện sinh hoạt cũng như sản xuất trên địa bàn tỉnh và tiếp tục năm 2022 nguồn vốn được đầu tư 413 tỷ đồng. Với nguồn vốn đầu tư như vậy, đến cuối năm 2022 hoàn thành, có thể gần 100% hộ dân sử dụng điện. Do vậy, hỗ trợ về điện cho việc phát triển đời sống kinh tế người dân trong tỉnh đã ổn định, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau.
Ông Huỳnh Văn Minh cho biết, hàng năm, Sở Công thương phối hợp với Công ty Ðiện lực cùng với UBND các huyện, thành phố rà soát các tuyến đường điện nông thôn cũng như khó khăn của từng địa phương để đăng ký, xây dựng kế hoạch đầu tư, giải quyết các tuyến đường chưa đáp ứng yêu cầu về điện.
Việc cải tạo, nâng cấp và đầu tư phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tạo điều kiện cho đời sống Nhân dân được cải thiện rõ nét: chất lượng cuộc sống nâng lên, ngành nghề nông thôn được mở rộng, phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế ở địa phương.
Lưới điện được kiện toàn, cung cấp điện năng ổn định, liên tục, các doanh nghiệp trên địa bàn an tâm mở thêm các nhà xưởng chế biến, nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng doanh số và lợi nhuận, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh./.
Hồng Phượng