Chủ động học hỏi cái mới, nông dân huyện Ðầm Dơi đã quan tâm, ứng dụng tiến bộ công nghệ phù hợp với loại hình sản xuất; đồng thời từng bước liên kết chặt chẽ để tăng hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm.
Ông Hồ Quốc Hận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết, những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách huyện, vốn vận động, nguồn vốn tỉnh và Trung ương, hội đã triển khai 104 dự án, với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng, cho 746 hộ vay phát triển sản xuất và hiệu quả được ghi nhận.
Gần đây là 2 dự án: nuôi tôm quảng canh kết hợp nuôi cua 3 giai đoạn và nuôi sò huyết thương phẩm do quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ với số vốn cho mỗi dự án là 300 triệu đồng. Có 15 hộ tại ấp Thanh Tùng và 15 hộ tại ấp Phú Hiệp A, xã Thanh Tùng tham gia, mỗi hộ nhận 20 triệu đồng (dự án triển khai tháng 12/2021 và sẽ kết thúc cuối năm 2023). Ngoài ra, cũng tại xã Thanh Tùng, Hội Nông dân huyện triển khai mô hình nuôi sò huyết thương phẩm tại ấp Cái Ngay với số vốn 200 triệu đồng, cho 12 hộ vay, mỗi hộ từ 10-20 triệu đồng và tại ấp Tân Ðiền A, với số vốn 100 triệu đồng, cho 5 hộ vay, mỗi hộ 20 triệu đồng.
Mô hình nuôi cua kết hợp sò huyết của gia đình ông Chung Thanh Bình (bên trái), ấp Phú Hiệp A, xã Thanh Tùng đem lại nguồn thu trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Ông Ngô Minh Ðúng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tùng, chia sẻ: “Ðáng nói là người dân đã quan tâm, học hỏi, áp dụng công nghệ trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao và bền vững. Chú trọng liên kết sản xuất, số lượng nông dân tham gia các tổ hợp tác ngày càng tăng”.
Nổi bật là mô hình nuôi cua biển công nghiệp, bán công nghiệp sử dụng chế phẩm sinh học 3 giai đoạn. Qua thời gian thử nghiệm, kết quả cho thấy nuôi cua 3 giai đoạn cho kết quả tốt hơn so với mô hình cũ (tức nuôi không chia giai đoạn). Cua nuôi phát triển tốt, thời gian nuôi ngắn hơn, ít dịch bệnh hơn và tỷ lệ sống cao hơn.
Ðiển hình cho sự liên kết hiệu quả là Tổ hợp tác ấp Thanh Tùng với mô hình nuôi tôm, cua, sò kết hợp, có hơn 40 tổ viên tham gia. Hiện nay, số vốn các tổ viên góp được trên 2 tỷ đồng; góp vốn xoay vòng mỗi tháng 1 triệu đồng để các hội viên mượn, phục vụ vào việc sản xuất, nuôi trồng.
Ông Nguyễn Công Luận, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Thanh Tùng, cho biết: “Từ khi các hội viên tham gia mô hình nuôi cua biển công nghiệp, bán công nghiệp sử dụng chế phẩm sinh học 3 giai đoạn đã đem lại hiệu quả. Các tổ viên nhận thấy nuôi theo kiểu này và áp dụng nuôi thêm sò huyết, cá đều đạt cao. Bên cạnh đó, nhờ có nguồn vốn xoay vòng, các tổ viên thực hiện và nhân rộng được mô hình”.
Ông Võ Minh Leo, tổ viên Tổ hợp tác ấp Thanh Tùng, cho biết: “Tổ xây dựng vùng sản xuất nuôi tôm, cua, sò huyết theo hướng an toàn; các tổ viên được hướng dẫn thực hiện trong quá trình sản xuất. Dù mới triển khai nhưng số lượng hội viên tham gia rất nhiệt tình, chứng tỏ người dân đã mạnh dạn và chủ động bắt nhịp với thay đổi kỹ thuật nuôi. Ðiều quan trọng là nhờ cán bộ kỹ thuật của xã theo sát với người dân, kịp thời hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật đạt hiệu quả”.
Nông dân ấp Thanh Tùng tích cực tham gia mô hình nuôi cua thương phẩm kết hợp nuôi sò huyết ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm. (Trong ảnh là mô hình nuôi cua thương phẩm của hộ ông Võ Minh Leo (thứ 2 trái sang), tổ viên Tổ hợp tác ấp Thanh Tùng).
“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao và nhân rộng mô hình hiệu quả; thay đổi tư duy của nông dân từ sản xuất truyền thống sang nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm. Hướng dẫn nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp như: cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, đất đai; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để nông dân quyết định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp”, ông Hồ Quốc Hận cho biết thêm./.
Hoàng Vũ