(CMO) “5 chủ thể, 7 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm được gắn 4 sao, đây là thành công của TP Cà Mau trong việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm”, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau Lý Khánh Ly phấn khởi cho biết.
Hơn 2 năm qua, khi xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), TP Cà Mau đã thành lập và kiện toàn Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm.
Trong lần họp hội đồng cấp tỉnh để gắn sao cho các sản phẩm OCOP, ông Lý Khánh Ly khẳng định: “Mỗi sản phẩm khi được đặt lên bàn để hội đồng thẩm định là nỗ lực rất đáng trân trọng của chủ thể; nó chứng minh sự tâm huyết, trách nhiệm với mô hình và sản phẩm mà mình đang triển khai thực hiện”.
Trước đó, thành phố triển khai cho các xã, phường thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm và lồng ghép với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; phân công cán bộ phụ trách thực hiện chương trình OCOP. Năm 2020 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình OCOP, với nhiều nội dung mới, nên sự vào cuộc của các chủ thể chưa được chủ động, còn phụ thuộc vào đơn vị tư vấn.
Các thành viên phụ trách chương trình đều là cán bộ kiêm nhiệm nên chưa tập trung hết thời gian để nghiên cứu các nội dung thực hiện, còn lúng túng trong quá trình hướng dẫn cho các chủ thể.
Các chủ thể tham gia là doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh… còn khó khăn về vốn; thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Việc xây dựng, thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường chưa được các chủ thể sản xuất quan tâm. Các chủ thể sản xuất chỉ tập trung vào hoàn thiện hồ sơ mà chưa quan tâm cải thiện chất lượng sản phẩm, vì vậy, khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường yếu. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì khó thực hiện thành công chương trình.
Một số tiêu chí còn mang tính cảm quan, cảm nhận của cá nhân, chưa được quy định bằng văn bản hoặc định lượng cụ thể, đó là khó khăn cơ bản được ngành chức năng nhìn nhận, đánh giá.
Các sản phẩm Ocop của TP Cà Mau khi đem ra đánh giá phân hạng được Hội đồng cấp tỉnh quan tâm và chấm điểm cao, đó là lợi thế cho quá trình xây dựng sản phẩm Ocop tiếp sau. |
Lý Văn Lâm là xã đi đầu đăng ký thực hiện mỗi xã một sản phẩm. Nhiều năm qua, nông dân xã Lý Văn Lâm đã đầu tư sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP như: mô hình lúa - tôm tại ấp Ông Muộn của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - thuỷ sản ấp Ông Muộn, năng suất bình quân 6,1 tấn/ha, tăng hơn canh tác thường 1,6 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm 10,9 triệu đồng/ha, đặc biệt sản phẩm sạch đạt chuẩn VietGAP.
Phường 7 đăng ký chương trình OCOP, có 3 sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phúc Thịnh, gồm: bánh phồng tôm NaCaMa 38% tổng hợp tôm; bánh phồng tôm sú và bánh phồng tôm đất, nguyên liệu đầu vào từ vùng tôm sạch tự nhiên ở huyện Năm Căn, Ngọc Hiển. Thương hiệu bánh phồng tôm của Công ty Phúc Thịnh được công nhận năm 2019, thị trường tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh, tập trung nhiều ở miền Bắc. Công ty có 2 chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
TP Cà Mau có 3 sản phẩm OCOP gắn 4 sao, đều là sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phúc Thịnh (Phường 7). Tới đây, công ty sẽ phát triển thêm sản phẩm bánh phồng rau củ và bánh phồng cua theo hướng 4, 5 sao. |
Trưởng phòng Kinh tế TP Cà Mau Nguyễn Thành Phương cho biết: “Với tầm quan trọng của chương trình OCOP, cơ quan quản lý Nhà nước TP Cà Mau hết sức quan tâm và luôn tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhiều chủ thể tham gia đăng ký nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm trên thị trường. Tới đây, thành phố phối hợp tuyên truyền rộng rãi nội dung chương trình mỗi xã một sản phẩm, để tất cả 17 xã, phường trên địa bàn đều có sản phẩm thuộc chương trình OCOP”.
Thực tế trên địa bàn TP Cà Mau còn nhiều sản phẩm đặc trưng có tiếng từ lâu, nhưng chưa được đưa vào chương trình OCOP. Hướng tới, để triển khai và thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt hiệu quả, ngành chức năng cùng UBND xã, phường đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, tiêu chí, chính sách, văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, thành phố về thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, để các cấp, các ngành và Nhân dân thực hiện, góp phần xây dựng thương hiệu đặc trưng trên địa bàn TP Cà Mau, quảng bá khắp nơi trên cả nước.
Cũng trong năm nay, các sản phẩm đưa ra để xây dựng OCOP bao gồm: cốm (phường Tân Thành), khô cá phi một nắng (xã Hoà Thành), 3 loại bột gạo lứt (Phường 7) và 2 loại bánh phồng: bánh phồng rau củ và bánh phồng cua (Phường 7).
Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cà Mau Lê Trúc Hương cho biết: “Trong các sản phẩm đưa ra để xây dựng OCOP năm nay, tôi rất tâm huyết với sản phẩm cốm của làng cốm phường Tân Thành, bởi từ khi thành lập tổ hợp tác năm 2018 chỉ có 20 tổ viên, nay đã nâng lên hợp tác xã. Thêm vào đó, sản phẩm cốm đã có thương hiệu thì tiềm năng đi sâu vào sân chơi OCOP rất lớn”.
Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo chương trình OCOP phát triển theo hướng nâng cao chất lượng. Tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho người dân, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị. Trên cơ sở các sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng 3 sao năm 2020 tiếp tục phát triển đạt 4 sao. Ðăng ký tham gia mới 30 sản phẩm đạt 3 sao.
Tiền đề đã có, khó khăn đã được nhìn nhận, tin rằng các sản phẩm 4 sao sẽ được nâng tầm lên 5 sao và đủ điều kiện tham gia sân chơi OCOP toàn quốc./.
Phú Hữu