ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 4-2-25 19:45:16
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

"Về Cà Mau là thấy thương em liền"

Báo Cà Mau (CMO) Bán đảo Cà Mau, bao gồm cả tỉnh Bạc Liêu (tỉnh Minh Hải cũ), có vị trí địa lý đặc biệt. Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, con người chính là chủ thể văn hoá, cách con người ứng xử với tự nhiên và với cộng đồng sẽ biểu hiện thành các đặc điểm tính cách của nền văn hoá ấy.

Xóm Mũi Cà Mau năm 1978. Ảnh tư liệu

Dù Cà Mau được xếp vào khu vực ÐBSCL, thế nhưng có một thực tế, sông Cửu Long đến cửa Trần Ðề (Sóc Trăng) trổ nước ra biển là điểm cuối. Cà Mau chưa bao giờ được dòng nước mẹ Cửu Long bồi tụ phù sa, tắm mát thổ ngơi. Với thế đất 3 mặt tiếp biển, vút về phía địa đầu cực Nam Tổ quốc, Cà Mau có một không gian, thời gian văn hoá dù mới trẻ nhưng lại vô cùng đặc sắc, không pha trộn. Thế nên, việc phác hoạ tính cách con người Cà Mau, dù chỉ là đôi nét, cũng vô cùng thú vị.

Nhà Nam Bộ học Sơn Nam nhận định, phía đất Nam Bộ “người thảnh thơi, vừa làm vừa chơi cũng đủ ăn”. Với Cà Mau, dù là đất mới, đất dữ, nhưng lại được thiên phú cho “rừng vàng, biển bạc”. Con người ở đây, chỉ cần nương vào biển, tựa vào rừng là không cần lo đến cái ăn, cái mặc. Nhưng với cảnh “Dưới sông sấu lội/ Trên rừng cọp um” hay “Chèo ghe sợ sấu cắn chân/ Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng cọp um”… con người cũng đối diện với không ít thách thức. Những người tiên phong mở đất, đứng trước thiên nhiên trù phú nhưng nghiệt ngã ấy đã sớm tôi luyện nên những phẩm chất can đảm, kiên cường và thẳng thắn.

Trong văn học, hình tượng nhân vật Võ Tòng trong tiểu thuyết "Ðất rừng phương Nam" của Nhà văn Ðoàn Giỏi có lẽ là biểu hiện đầy đủ, đậm đặc và tiêu biểu nhất cho những tính cách ấy. Võ Tòng ít nói, trọng nghĩa, ghét cái ác. Nghề câu sấu của Võ Tòng đã tái hiện sinh động một vùng đất hoang vu, nê địa phương Nam thời khẩn hoang. Một mình Võ Tòng đi trả thù giặc Tây lại thể hiện được sự can trường, dũng cảm, không khuất phục cái ác, kiên cường bảo vệ lẽ phải của người Nam Bộ.

Và với Cà Mau, con người không chỉ chế ngự được rừng thiêng, nước độc mà còn kiên cường chống lại những kẻ xâm lăng, cướp nước. Cuộc khởi nghĩa kháng Pháp của anh em Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự ở xứ Cái Tàu (U Minh) nổ ra từ những năm 1872 đã làm kinh hồn lũ giặc. Năm 1928, vụ án Nọc Nạng ở Phong Thạnh, Bạc Liêu làm chấn động toàn cõi Nam Kỳ. Mười Chức và gia đình trở thành hình tượng của người nông dân đứng lên chống lại những tên điền chủ Tây độc ác và bè lũ tay sai. Ðến năm 1940, khởi nghĩa Hòn Khoai của thầy giáo Phan Ngọc Hiển và đồng chí đã giáng thêm một đòn chí mạng vào dã tâm cướp nước của Pháp. Năm 1946, khi Pháp quay trở lại, Cà Mau có Mặt trận Tân Hưng. Và xuyên suốt trong những trang sử vàng đến ngày hoà bình, thống nhất, Cà Mau góp biết bao trận đánh, địa danh, người con ưu tú quyết chí đánh đuổi giặc thù, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Cố Tổng bí thư Lê Duẩn từng nhận định: “Khi địch lôi máy chém đi khắp miền Nam, đưa sự tàn bạo phát xít đến cùng cực, ở Minh Hải có hàng vạn thanh niên vào rừng U Minh. Một không khí cách mạng bùng lên. Chính thực tế đó của Minh Hải giúp Trung ương thấy cần phải phát động quần chúng vùng dậy đấu tranh”. Lời phát biểu của cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã đề cập đầy đủ, tiêu biểu những phẩm chất, đức tính của con người vùng rừng - biển Cà Mau. Ðó là ý chí quật khởi, tinh thần thượng võ, bảo vệ đến cùng lẽ phải. Cũng từ những đức tính ấy của người Cà Mau, một trong những nhà lãnh đạo của cách mạng Việt Nam - Lê Duẩn đã chiêm nghiệm, tìm thấy con đường đi mới cho toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.

Nhưng tính cách người Cà Mau đâu chỉ đơn thuần như thế. Mượn câu thơ Kiều của đại thi hào Nguyễn Du “Gươm đàn nửa gánh/ Giang sơn một chèo” để nói về cốt cách người Cà Mau. Trong hành trang mở đất, với nỗi nhớ nhung khôn nguôi nguồn cội, những con người nơi đất mới Cà Mau - Bạc Liêu đã trở thành những nghệ sĩ tài hoa để góp phần sáng tạo nên loại hình nghệ thuật được vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại - Ðờn ca tài tử. Có câu rằng “Nhất Bạc Liêu, nhì Cần Ðước”, để vinh danh bác Sáu Lầu với bản "Dạ cổ Hoài Lang" và nguồn cội của nghệ thuật đờn ca tài tử tại vùng bán đảo Cà Mau.

Chưa hết, những câu chuyện dân gian bác Ba Phi đã trở thành tài sản văn hoá chung của Việt Nam. Những câu chuyện hào sảng, dí dỏm, thể hiện đầy đủ khí chất, phong vị và cá tính của người Cà Mau đã khiến tất cả ngỡ ngàng thán phục. Ðó là một Cà Mau trù phú, con người lạc quan, sống chung thuỷ trước sau, cần cù và sáng tạo trong lao động. Ít nơi đâu, con người khi đối diện nguy nan, thậm chí là sinh tử lại giữ được khiếu hài hước và tinh thần lạc quan như người Cà Mau. Ðó có lẽ là những phẩm chất đã được di truyền, kế thừa liên tục, làm nên diện mạo của con người Cà Mau hôm nay, vẫn vẹn nguyên sức cuốn hút với bạn bè khắp chốn.

Người Cà Mau có câu “Ăn nhiều chớ ở bao nhiêu”, “Ăn đến đâu, lo tới đó”, để biểu hiện tính cách hào hiệp, phóng khoáng. Cũng không lạ khi khách tới, chủ nhà sẵn sàng làm thịt con gà mái, luộc luôn ổ trứng để đãi bạn phương xa, dù nhà đang chạy gạo ăn từng bữa. Có người khi khách tới, rút vách nhà bằng lá dừa nước để nướng cá đãi khách. Người Cà Mau hào sảng thế nào, có thể về Xóm Mũi để trải nghiệm nếp sống “nhà không cửa” của cư dân ở đây. Với người Cà Mau, vật chất, tiền tài là vật ngoài thân, chỉ có tấm chân tình mới là đáng trân trọng, cái còn lại mãi mãi.

Trước đây, Giáo sư Lê Chí Quế - Chuyên gia hàng đầu Việt Nam về văn hoá dân gian, đã miêu tả người Cà Mau: “Rất thích khách tới nhà, cực kỳ hiếu khách”. Và Giáo sư Quế cũng đề cập tới văn hoá “nhậu”, một nét tính cách rất Cà Mau. Ðó là những cuộc nhậu nồng nàn tình cảm, đầy ứ món ngon sản vật cây nhà lá vườn và kéo dài bất tận… Không bàn về vấn đề tốt xấu, nhưng để thấy rằng, người Cà Mau tính cách luôn rộng mở, hướng ngoại và rất có duyên.

Một điều không thể không nhắc đến của con người Cà Mau, đó là sự thông minh và tinh thần hiếu học. Dù là vùng đất mới, nhưng chuyện học hành thật sự là một ưu tiên lớn với người Cà Mau. Từ vùng đất Cà Mau, nhiều người đã trưởng thành, được Ðảng, Nhà nước giao phó những trọng trách quan trọng. Nhiều người trở thành nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nghệ sĩ có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Tất cả những tính cách của con người Cà Mau đã kết tinh để tạo nên diện mạo của vùng đất trù phú tài nguyên, thành đồng căn cứ cách mạng và một miền đất hứa hẹn cất cánh phát triển trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Nói gì thì nói, đã về Cà Mau thì sẽ “thấy thương em liền”!

(*) Lời bài hát "Áo mới Cà Mau" của Nhạc sĩ Thanh Sơn.

 

Phạm Hải Nguyên

 

Làm khách ở quê mình

Xa nhà cũng là một thử thách. Cuộc sống xa nhà dạy ta nhiều thứ. Tôi từng nhiều bận rời xa, nhưng đó chỉ là khoảng thời gian ngắn rời đi học tập, xong lại quay về để lớn, để trưởng thành. Lần này thật sự là chuyến rời quê để xây dựng tổ ấm, sự nghiệp cho riêng mình.

Gió lộng xứ Ðầm

Gió rộn cuối năm. Ðường về xứ Ðầm giờ đã thông thoáng, nhiều lựa chọn chớ không như cách đây chục năm, kiểu gì kiểu cũng phải cách trở một chuyến phà vượt sông...

Hương xưa xóm Mũi

Dòng người về Mũi Cà Mau, chiêm ngưỡng chóp đất thiêng liêng ở địa đầu cực Nam Tổ quốc, hẳn nhiên còn muốn biết nhiều hơn về vùng đất, con người xứ sở kỳ diệu này. Bởi ở đây đâu chỉ có đước, mắm, sông biển, phù sa mới "biết đi", nguồn thuỷ hải sản đặc trưng dồi dào... mà còn có lớp lớp con người với tính cách phóng khoáng, nghĩa nhân, can trường và đầy ắp những ước mơ, hoài bão để khai khẩn, gìn giữ, gầy dựng một vùng đất riêng có, duy nhất cả về vị trí địa lý và bản sắc văn hoá.

Thị trấn mang tên một dòng sông

Trên dải đất hình chữ S, có rất nhiều dòng sông, mỗi dòng sông mang dáng vẻ riêng. Có con sông mang tên đẹp như thiếu nữ: sông Nhật Lệ, Sông Hương. Có con sông nghe tên đã thấy rất oai hùng: Sông Mã. Nhiều con sông mang tên miền đất mà nó chảy qua như: sông Sài Gòn, sông Thái Bình... Riêng con sông quê tôi, đặc biệt hơn, mang tên một nhân vật lịch sử: sông Ông Ðốc. Thị trấn quê tôi vinh dự được mang tên một dòng sông - thị trấn Sông Ðốc!

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ

Sản phẩm OCOP và các dự án khởi nghiệp đang nhận được nhiều sự quan tâm. Nhằm hướng đến việc phát triển sản phẩm OCOP bền vững, tỉnh đã xác định nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng hỗ trợ chủ thể OCOP từ việc hình thành, nâng hạng sản phẩm đến tiếp cận thị trường.

Ðể tái nghèo không còn là nỗi lo

Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà tỉnh quan tâm hàng đầu và chỉ đạo sát sao trong những năm qua. Bằng những quyết sách thiết thực, sự huy động sức mạnh tổng hợp từ Mặt trận, đoàn thể, các cấp, các ngành, địa phương; bằng những giải pháp sinh kế hỗ trợ đúng, trúng, kịp thời, đã cơ bản giải được bài toán thoát nghèo và câu chuyện tái nghèo.

Ðể tái nghèo không còn là nỗi lo - Bài cuối: Tăng cường phối hợp, ngăn chặn tái nghèo

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước; theo đó, tỉnh chỉ đạo kỳ quyết nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài 2: Nhiều khó khăn của chủ thể

OCOP và khởi nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định, và mỗi câu chuyện sản phẩm lại mang đến nhiều suy ngẫm cho cơ quan quản lý hỗ trợ vượt khó.

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức

Thời gian qua, các ngành, các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ khởi nghiệp gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển sản phẩm OCOP và khởi nghiệp.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.