(CMO) Để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản ven bờ gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thuỷ sản bền vững, kết hợp với phát triển du lịch, tỉnh đang triển khai dự án thả 500 rạn san hô nhân tạo làm nơi cư trú cho các loài thuỷ sản, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan.
Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau Đỗ Chí Sĩ cho biết, thả rạn san hô nhân tạo được hiểu như "xây nhà” trong khu vực biển cho tôm cá đến sinh sống bằng những vật thể tự nhiên do con người tạo ra. Việc làm này nhằm tạo nơi dưỡng cư tập trung tôm, cá và tạo giá thể để khôi phục san hô, bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt là nguồn lợi thuỷ sản vùng ven bờ, giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển kết hợp với du lịch sinh thái biển.
Đoàn công tác của Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh khảo sát và hỗ trợ tỉnh thả 500 rạn san hô nhân tạo xuống vùng biển Tây. |
Dự án thả 500 rạn nhân tạo có tổng nguồn vốn đầu tư trên 7,7 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ Chính phủ Thái Lan trên 3 tỷ đồng, phần còn lại vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, phía Thái Lan cũng đã cử đoàn chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ khảo sát, lựa chọn địa điểm thí điểm thả rạn nhân tạo, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị chuyên dụng cho việc giám sát, đánh giá rạn nhân tạo. Thời gian thực hiện dự án trong 12 tháng, khu vực thả rạn thuộc vùng biển Tây (được đặt ở độ sâu từ 7-12 m), thuộc địa bàn 2 xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, cách khu Hòn Đá Bạc khoảng 10 hải lý.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, thả rạn nhân tạo được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm bảo vệ, phục hồi nguồn lợi, thu hút, tạo nơi cư trú cho các loài thuỷ sản. Việc thả rạn nhân tạo đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện từ lâu, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần ổn định sinh kế cho ngư dân sống ven biển.
Anh Lê Vũ Trường, ngư dân khai thác thuỷ sản tại xã Khánh Bình Tây, thành viên tổ hợp tác đồng quản lý rạn, cho biết: Tổ hợp tác có 12 thành viên, ngoài khai thác, các thành viên còn kết hợp bảo vệ vùng thực hiện dự án rạn nhân tạo.
Dự án xây dựng rạn nhân tạo do Chính phủ Thái Lan tài trợ với mục đích giúp đỡ Việt Nam vượt qua những thách thức về sự suy giảm nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt là sự suy giảm sản lượng cá ở vùng biển phía Nam của Việt Nam, sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tại buổi lễ bàn giao, ông Apriat Sugondhabiron, Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Việc xây dựng dự án là “niềm tin và mối quan hệ đối tác bền vững” không chỉ giữa Thái Lan và Cà Mau mà còn giữa các cộng đồng địa phương. Dự án rạn san hô nhân tạo sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển tài nguyên ven biển Cà Mau, an ninh lương thực và lợi ích kinh tế cho cả Thái Lan và Việt Nam nói chung”.
Bãi rạn được coi là ngôi nhà dưới đáy biển, là nơi cư trú của động vật thuỷ sinh, nơi trú ẩn cho ấu trùng và sinh vật biển trưởng thành, nơi kiếm ăn và bãi đẻ của nhiều loài hải sản. Bãi rạn đóng vai trò đẩy mạnh việc phục hồi các rạn tự nhiên vì tạo ra các giá thể mới cho ấu trùng san hô bám và các nhóm sinh vật phát triển. Rạn nhân tạo được xây dựng bằng bê-tông cốt thép thả xuống đáy biển làm thay đổi địa hình, môi trường… hạn chế cường lực khai thác ven bờ và chống đánh bắt bất hợp pháp./.
Trung Đỉnh