ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-12-24 13:47:30
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người về bến cũ

Báo Cà Mau Bến Sông Ðốc - địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử chuyến tàu tập kết, những ngày cuối năm 2024 chứng kiến cuộc hội ngộ đặc biệt của cựu học sinh miền Nam. Họ, những người từng bước lên tàu rời quê hương cách đây 70 năm để ra Bắc học tập, cống hiến, nay trở lại bến xưa với mái đầu bạc trắng và trái tim ngập tràn cảm xúc.

Ký ức hiện về

Chiều cuối năm 2024, bên biểu tượng con tàu tập kết tại bến Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, bên lề Chương trình Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt ông Nguyễn Thành Hiệp (85 tuổi) và vợ là bà Trần Thuý Dư (79 tuổi). Họ xúc động trong ngày hội ngộ cùng những người bạn từng bước lên tàu rời xa quê hương cách đây 70 năm để ra Bắc. Ông Hiệp nghẹn ngào: “Từ bến sông này, vận mệnh đất nước và cuộc đời chúng tôi đã thay đổi”.

Ông Hiệp nhớ lại: “Từ Cần Thơ, chúng tôi vượt qua những địa danh quen thuộc như ngã ba Cạnh Ðền, rạch Cái Nước, chợ Chắc Băng để đến bến Sông Ðốc, lần đầu tiên tôi cảm nhận vị mặn của nước biển, nơi mà tôi không ngờ sẽ gắn bó với cuộc đời mình đến thế”. Trên chuyến tàu tập kết, họ rời xa gia đình, quê hương với hành trang là khát vọng học tập để góp phần xây dựng đất nước. Sau ngày thống nhất, ông Hiệp trở lại miền Nam làm giáo viên, tiếp tục cống hiến cho quê hương. Tại bến Sông Ðốc sầm uất ngày trở bấc (tháng 11/2024), ông Hiệp gặp lại người bạn đồng hành năm xưa - Ðào Quang Từ (85 tuổi), cả hai nghẹn ngào trong niềm vui đoàn tụ. “Chúng tôi chưa từng nghĩ có ngày gặp lại hôm nay”, ông Từ xúc động.

Ông Nguyễn Thành Hiệp đưa vợ và hai con về lại bến Sông Ðốc - nơi làm thay đổi cuộc đời ông.Ông Nguyễn Thành Hiệp đưa vợ và hai con về lại bến Sông Ðốc - nơi làm thay đổi cuộc đời ông.

Trong dòng người lên tàu tập kết năm đó, có ông Ðỗ Ngọc Quân, 86 tuổi, nguyên quán tỉnh Thủ Biên (Thủ Dầu Một và Ðồng Nai). Từ chiến khu D, ông vượt hàng trăm cây số về Sông Ðốc để lên tàu tập kết.

“Tôi được tổ chức đưa ra Bắc, học tập tại Trung Quốc rồi trở về Hà Nội tiếp tục học đại học. Sau đó, được phân công công tác tại Viện Thiết kế Bộ Thuỷ lợi, đi tu nghiệp ở Liên Xô. Năm 1976, trở lại miền Nam làm việc ở tỉnh Ðồng Nai. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời tôi là được gặp Bác Hồ. Bác đến thăm chúng tôi khi còn học ở Trung Quốc, nhẹ nhàng khuyên bảo hãy chăm học để cống hiến cho kháng chiến. Lời Bác như kim chỉ nam cho suốt hành trình cách mạng đời tôi”, ông Quân hồi tưởng.

Hoà trong dòng người ấy, cách đây 70 năm, ông Vũ Phát, nguyên cán bộ y tế (hoạt động ở Cà Mau) cũng lên tàu, nhưng được lệnh quay trở lại. “Dẫu trong lòng có chút tiếc nuối, bởi ước mong của tôi là được ra Bắc gặp Bác Hồ. Nhưng dù đi hay ở cũng vinh quang. Tôi quay lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bí mật chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh và Nhân dân ở khu vực Cà Mau”, trở lại bến xưa, ông Phát cũng bùi ngùi.

Theo những dòng ký ức của cựu học sinh miền Nam, chúng tôi nhận ra rằng ngày ấy, bến Sông Ðốc không chỉ là nơi tập kết đưa đoàn người rời miền Nam thực thi Hiệp định Giơnevơ mà còn là nơi khởi đầu của những giấc mơ ẩn chứa niềm tin son sắt.

Bến đổi cuộc đời

Những năm tháng học tập ở miền Bắc đã mở ra cánh cửa tri thức và lý tưởng cách mạng cho thế hệ học sinh miền Nam. Cuộc đời của ông Nguyễn Tường Nuôi (quê huyện Trần Văn Thời) là minh chứng điển hình cho sự trưởng thành ấy.

Xuất thân trong gia đình bần nông, cha mẹ ông phải rứt ruột đưa con mình “đi ở” giữ trâu cho gia đình khấm khá hơn. Lớn lên, dù nhớ nhà da diết, ông cũng không biết ở đâu để tìm về. 15 tuổi, ông trốn cảnh giữ trâu thuê, thoát ly theo kháng chiến và trở thành chiến sĩ hoạt động thông tin liên lạc ở vùng Cà Mau. Chuyến tàu tập kết đã đưa chiến sĩ mồ côi Nguyễn Tường Nuôi đến với nhiều chiến trường ác liệt khắp Ðông Dương: 2 năm ở chiến trường Lào, 3 năm ở miền Ðông, rồi được lệnh sang làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Dù gian khổ, nhưng với ông Nuôi đó là hạnh phúc của đời lính.

40 năm quân ngũ, dấu chân ông đã in khắp chiến trường 3 nước Ðông Dương. Ngày đất nước thống nhất, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 10 huân chương các loại, Huy hiệu 55 năm tuổi Ðảng, thương binh hạng 2/4. Ðiều ông tự hào đến cuối đời là đã sống trọn vẹn với lý tưởng cách mạng từ những ngày đầu rời bến Sông Ðốc.

Còn với ông Ðỗ Ngọc Quân, chuyến tập kết không chỉ đưa ông ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà còn dẫn lối ông đến những cơ hội lớn trong cuộc đời: Từ một cán bộ văn phòng ở Chiến khu D, ông trở thành kỹ sư thuỷ lợi, tu nghiệp ở Liên Xô và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại tỉnh Ðồng Nai sau ngày đất nước thống nhất.

70 năm sau, những cựu học sinh miền Nam như ông Quân, ông Hiệp, ông Từ trở lại bến Sông Ðốc không chỉ để tìm lại ký ức mà còn để gặp gỡ những người bạn đồng hành một thời. Cuộc hội ngộ lần này minh chứng thêm cho tình cảm sâu đậm của thế hệ học sinh miền Nam với quê hương. Dù trải qua bao biến cố, họ vẫn giữ vẹn nguyên tình yêu nước và tinh thần cống hiến.

Hoạt cảnh tái hiện cuộc tiễn đưa lưu luyến tại bến Sông Ðốc năm 1954, trong Chương trình Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, đêm 16/11/2024.Hoạt cảnh tái hiện cuộc tiễn đưa lưu luyến tại bến Sông Ðốc năm 1954, trong Chương trình Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, đêm 16/11/2024.

Bến Sông Ðốc, không chỉ là nơi bắt đầu hành trình của những con người một thời mà còn là điểm tựa cho ký ức, niềm tự hào và sự đoàn kết. Cuộc gặp gỡ đánh dấu 70 năm của những câu chuyện không chỉ là lịch sử mà còn là bài học về lòng yêu nước, sự hy sinh và khát vọng cống hiến của một thế hệ trí thức vàng son. Những nụ cười, giọt nước mắt và câu chuyện đong đầy cảm xúc còn là nguồn động viên thế hệ tiếp nối trong giai đoạn xây dựng đất nước phồn thịnh.

Chị Nguyễn Thuý Loan, hiện cư ngụ Quận 12, TP Hồ Chí Minh, con gái ông Nguyễn Thành Hiệp, chia sẻ: “Mẹ tôi người Hải Phòng, năm 1971 gặp và ưng ba tôi. Chị em tôi khai sinh ở miền Bắc - lứa trẻ giao thoa văn hoá 2 miền Nam - Bắc, giờ tôi mới cảm nhận hết sự thiêng liêng “khi Tổ quốc cần” mà xưa nay ba mẹ kể cho chị em tôi nghe. 50 năm qua, văn hoá Bắc - Nam hội tụ ngay giữa gia đình ấm áp của chúng tôi. Vì thế, chị em tôi luôn quyết tâm thực hiện khát vọng xây dựng cuộc sống sung túc như ba mẹ từng đặt niềm tin”.

Trong ánh nắng ngả vàng trên bãi biển Sông Ðốc, những mái đầu bạc trắng vẫn còn đó sự hăng say của một thời tuổi trẻ. Họ không chỉ tìm lại nhau mà còn trao gửi cho thế hệ sau những giá trị vững bền, như chính dòng sông Ông Ðốc vẫn âm thầm chảy qua năm tháng./.

 

Phong Phú

 

Về căn cứ xưa, nghe kể chuyện chở che bộ đội đánh giặc...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Trê (thuộc ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) được chọn làm nơi đóng quân của Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Suốt 9 năm (1964-1973), căn cứ Xẻo Trê vẫn giữ được bí mật, an toàn tuyệt đối, tạo sức mạnh để tấn công kẻ địch. Ðó là nhờ vào lòng dân luôn đùm bọc che chở, hết lòng vì cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khu căn cứ.

Nơi lý tưởng để giáo dục truyền thống

Di tích lịch sử cấp tỉnh “Cây me Rạch Gốc” (toạ lạc tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), địa điểm minh chứng cho truyền thống lịch sử của vùng đất Tân Ân, được chính quyền địa phương và người dân nơi đây trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị.

Biểu tượng bất tử

Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai uy nghiêm giữa lòng TP Cà Mau. Công trình là biểu tượng bất tử của truyền thống anh hùng cách mạng, trang sử vàng của vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.

Thư từ Vàm Lũng

Thư từ Vàm Lũng

Truyền thống anh hùng vinh quang tiếp nối

Trong tiết trời se lạnh mỗi độ xuân về, trong mỗi người con đất Việt luôn nguyên vẹn niềm vui, tự hào khi có Ðảng. Ðặc biệt hơn, bước sang năm 2025, đất nước ta đón sự kiện quan trọng là đại hội Ðảng các cấp, đây là dịp để Ðảng ta tiếp tục chọn ra những cán bộ, đảng viên ưu tú tham gia thực hiện trách nhiệm thiêng liêng vì mục tiêu: làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngôi trường Nhà Máy

Vừa rời khỏi lớp Giáo khoa của Nha Giáo dục Nam Bộ đào tạo giáo viên cấp tốc 3 tháng ở vàm Rạch Ráng (do Tiến sĩ Hoàng Xuân Nhị, Giám đốc Nha Giáo dục Nam Bộ làm Hiệu trưởng), tôi được chú Nguyễn Tạo, Trưởng ty Giáo dục Bạc Liêu, giao nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học ấp Nhà Máy, xã Khánh Bình Tây (gồm lớp Nhì A, lớp Nhì B, lớp Ba, lớp Tư, có trên 150 học sinh hết thảy). Hôm đó là ngày lịch sử vẻ vang của đất nước.

Các anh về với đất mẹ xứ Đầm

Anh Sáu Phước (Lê Hoàng Phước), nguyên Giám đốc VNPT Cà Mau, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, gọi điện cho tôi, giọng xúc động: “Tổ chức “Trái tim người lính” phục dựng và trao tặng lại di ảnh của 2 liệt sĩ Lê Tấn Tài và Lê Tấn Lộc, 2 người anh ruột của anh Sáu Phước, tại gia đình. Em liên hệ đoàn theo chuyến này để cùng mọi người đón các anh về với gia đình, với quê hương Đầm Dơi sau mấy chục năm trời”.

Mạch nguồn giáo dục kháng chiến

Nhìn vào lịch sử cách mạng của vùng đất Cà Mau trong thời đại Hồ Chí Minh, có thể nhận thấy những điều rất đặc biệt về giáo dục trong kháng chiến. Sự nghiệp giáo dục những thế hệ “hạt giống đỏ” cách mạng kế cận luôn là công việc hệ trọng mà Bác Hồ và Ðảng ta luôn đặc biệt quan tâm gắn liền với mục tiêu thiêng liêng của sự nghiệp cách mạng là chiến thắng giặc thù, giành lại hoà bình, thống nhất và xây dựng, phát triển đất nước. Xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Cà Mau trở thành chiếc nôi giáo dục kháng chiến Nam Bộ và đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh được giao phó.

Hẹn một ngày về

Từ nhiều tháng trước, các cựu học sinh miền Nam (HSMN) ở TP Hồ Chí Minh đã háo hức hẹn nhau cùng về Sông Ðốc - Cà Mau, dự Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, dù trong số ấy không phải ai cũng ra đi từ bến Sông Ðốc. Về với Sông Ðốc - Cà Mau, về với sự kiện mà 70 năm trước được xem là mốc khởi nguồn của các trường HSMN trên đất Bắc, với các cựu HSMN, thêm một lần nữa được tắm mình trong ký ức buồn vui của quãng đời tuổi thơ vắng mẹ, thiếu cha đầy khắc khoải nhớ thương, nhưng cũng rất đỗi tự hào.

Tri ân Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ngày 23/11 hằng năm không chỉ là ngày kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ - mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng bất khuất của dân tộc Việt Nam, mà còn là ngày sinh của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.