ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 24-11-24 02:21:14
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vợ chồng Tư Mù

Báo Cà Mau (CMO) - Ông Tư ơi, có nhà không?  Dừng xe trước căn nhà lá tuềnh toàng, nhìn vào trong không có ai, ông Đặng Văn Út (Phó trưởng ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân) cất tiếng gọi.

Bà Tư từ nhà gần đó thò đầu ra, nhìn thấy khách, bà liền tươi cười lớn tiếng trả lời:

- Anh Út kiếm ông nhà tôi hả?

Liền theo đó bà quay ra sau nạt lớn:

- Hai đứa bây chạy gọi ngoại về, nhà có khách nè.

Hai thằng nhỏ khoảng hơn 8 tuổi đang chơi bắn cu li gần đó, liền co chân chạy đi. Nhà ông Tư Mù nằm trong khu tái định cư, ngay gần cửa biển Gò Công. Ở đây có hơn 40 nóc gia, chia làm hai dãy đối diện nhau qua con lộ bê tông chạy từ đầu đến cuối xóm. Không có chỗ chơi, bọn trẻ con tận dụng luôn con lộ ấy làm sân chơi.

Các con của ông Tư Mù đã lập gia đình ra riêng hết. Ở cửa biển bé tẹo này không có nhiều việc để làm nên các con ông đành gởi con lại cho ông bà giữ hộ, còn mình thì lên các khu công nghiệp xin làm công nhân.

Ông Tư Mù với phương tiện đi mò ốc móng tay.    

Đây là chuyện bình thường ở các khu dân cư ven biển. Hoàn cảnh khó khăn, không thể mang theo con, đành để lại cho ông bà giữ. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu về một số vùng nông thôn hay khu vực dân cư ven biển mà chỉ gặp toàn “người già và trẻ nhỏ”.

Ông Tư Mù bước từng bước vững vàng dọc theo con lộ về nhà. Trên tay không có gậy hay một vật nào khác để dò đường. Thoạt nhìn, chẳng ai biết ông lão ngoài 65 tuổi này chẳng nhìn thấy gì.

Dừng lại ngay trước cửa nhà, ông Tư Mù cười khà khà, nói: "Chú Út với anh em vào nhà chơi. Hôm nay dẫn ai đến đó chú?".
Không để ông phó trưởng ấp kịp trả lời, ông Tư Mù liền tiếp: "Bà gọi nước về mời khách đi chứ!".

Bà Tư đi ra cửa, ông thì đến gần bộ vạc đưa tay lấy tấm giẽ, lau sơ qua rồi gọi khách ngồi xuống. Dù biết quá rõ Tư Mù nhưng ông phó ấp vẫn hỏi đùa:

- Sao ông Tư biết được là tới nhà rồi?

- Thì tôi mò được tới chỗ có bàn thờ ông Thiên là biết! - Ông Tù Mù đáp và nở nụ cười.

Vừa đặt 3 ly nước xuống, bà Tư vọt miệng: “Ổng đêm hôm mò được có 2 con móng tay (ốc móng tay), sáng bán được 40 ngàn đồng, coi như hoà chi phí ra biển”. Vợ ông Tư Mù trìu mến nói về chồng. 

Bà Tư đã biết rõ mục đích của những vị khách lạ theo chân ông phó ấp, dù chưa ai nói gì. Mà đúng thật, cái nghề lặn biển bắt ốc móng tay kiếm sống đã bất ngờ làm ông Tư Mù nổi tiếng. Từ khi có nhiều nhà báo tìm đến để viết bài về ông lão mù có biệt tài đi biển, người ta còn làm phóng sự về ông, sau đó có rất nhiều người biết và nhiều đoàn khách tìm đến tận nhà tìm hiểu. Bà Tư chẳng lạ gì những đợt viếng thăm bất ngờ thế này.

Vợ chồng ông Tư Mù có với nhau 3 mặt con. Hơn 40 năm nay họ đã cùng nhau nếm trải đủ mọi khó khăn, vất vả, nhưng bà Tư chưa từng than vãn một lời. Với bà, ông là điểm tựa vững chắc; Còn với ông, bà chính là đôi mắt mà mình may mắn tìm lại được.

Ông Tư Mù tên thật là Hồ Văn Bỉ, con thứ tư trong gia đình có đến 9 anh chị em ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Không phải mù bẩm sinh, lúc lên 4 tuổi, mắc phải căn bệnh nặng, mà khi ấy người ta gọi là ban đen, gia đình nghèo lại thiếu thầy thiếu thuốc nên hậu quả là đôi mắt mờ dần rồi chẳng nhìn thấy gì nữa. Tuy mù nhưng ông siêng năng, được nhiều người thương mến. Người ta quen gọi ông bằng cái tên thân thiết là Tư Mù, riết rồi quên luôn tên thật của ông.

Mối tình giữa ông Tư Mù và vợ chẳng khác nào bèo nước gặp nhau. Người lênh đênh sông nước, kẻ cuối bãi đầu ghềnh. Lên 25 tuổi, ông Tư Mù cùng với người cậu đi mò cua, bắt cá ở mé sông đã vô tình gặp được người con gái dân tộc Khmer tên Lê Thị Mỹ. Bà Mỹ nhỏ hơn ông 7 tuổi, cha mẹ mất sớm, phải sống nhờ nhà dì. Lớn lên, bà Mỹ chèo xuồng dọc các tuyến sông làm nghề bán hàng bông. Mỗi chiều bà thường đậu lại dưới bến nhà ông Tư Mù, bởi hay đi bán chung với em gái ruột ông Tư Mù. Thế rồi, người quen, hàng xóm thấy hoàn cảnh của hai người nên “ráp mối” họ lại với nhau.

Ông Tư Mù thật thà: “Vợ chồng tôi không có cưới, chỉ là đồng ý rồi tổ chức một buổi tiệc nhỏ, sau đó về ở với nhau tới giờ”. Khi ấy ai cũng nghèo, chỉ đến với nhau bằng cái tình là chính.

Bà Mỹ giãi bày: “Tôi thì nghèo, mồ côi cha mẹ, thấy ổng siêng năng nên thương. Hơn nữa, mình cũng muốn tìm một tấm chồng để làm chỗ dựa, thế là đồng ý đến với nhau”. Đã hơn 40 năm nay, bà luôn bên cạnh làm đôi mắt cho chồng, còn ông Tư Mù không nề hà việc khó khăn, nặng nhọc nào để bươn chải nuôi gia đình.

Cuộc sống ngày một khó, đứa con gái đầu lòng vừa mới lên hai nên khó càng thêm khó. Sau nhiều lần bàn tính, họ quyết định lặn lội xuống miệt biển Gò Công khi nghe người ta nói ở đó gần biển, dễ kiếm sống. Nói là làm, đôi vợ chồng trẻ một không thấy đường, nên bà dắt ông, bồng con đi xứ người trên một cuộc hành trình gần như vô định.

Ngồi trên võng, bà Tư kể: “Lúc ấy vợ chồng tôi bồng con ra đi, trên tay chỉ có chiếc giỏ đệm nhưng dám lặn lội đến tận đây sống. Không bà con thân thích, vợ chồng cất chòi ngoài đê ở, ông thì đi mò sò, tôi ở nhà chăm con. Được như giờ là sung sướng lắm rồi!”.

Căn nhà lá chúng tôi đang ngồi chỉ có hai bộ vạc ở nhà trước, vừa làm chỗ sinh hoạt, vừa làm nơi tiếp khách. Phía sau thì tới gian bếp, trong nhà không có tài sản nào đắt tiền nhưng trong cách nói chuyện, nhìn ánh mắt, tôi tin bà thật sự “rất sung sướng”.

Khi mới đến đây, họ cất chòi ngoài phía đê rừng phòng hộ. Ồng Tư Mù ngày ngày ra mé biển bắt sò huyết, cá ngát và làm đủ thứ nghề không tên khác để nuôi gia đình. Nhưng đê rừng phòng hộ không phải nơi người ta ở, nó là nơi xung yếu cần được bảo vệ, thế là chẳng bao lâu căn chòi bị giải toả. Thấy hoàn cảnh quá đặc biệt, Nhà nước xét cho họ nơi ở trong khu tái định cư ấp Gò Công này. Và cũng từ đấy, dân xứ này quen dần với hình ảnh một “người mù đi biển”.

Về đây, trong lúc không biết làm gì để sống thì tình cờ một lần ngồi lai rai với anh em trong xóm, lúc trà dư tửu hậu, họ kể chuyện đi biển, chuyện thả lưới giăng câu. Lòng ông Tư Mù dâng lên cảm xúc lạ. Đây là những thứ ông Tư Mù có thể và đã làm nhưng là trên sông, giờ ông muốn ra biển. Ông Tư Mù xin đi theo. Đám bạn ngạc nhiên, nhưng chỉ cười trừ vì với họ, thanh niên trai tráng đi biển đã khó, giờ gã trung niên lại không thấy đường mà đòi ra biển, ai dám cho.

Thấy ông nằng nặc, họ cũng ừ đại, thì rượu nói mà! Tờ mờ sáng hôm sau, đám bạn nhậu ngỡ ngàng khi thấy gã mù đứng trên mũi tàu, quay đầu ra hướng biển. Lỡ hứa họ đành cho gã theo, nhưng không ngờ gã làm được và làm giỏi hơn họ tưởng.

Trong đêm ấy, ông Tư Mù trằn trọc mãi, bởi giờ đã có thêm 2 đứa con. Chưa bao giờ ông Tư Mù biết nước biển màu gì, chỉ biết vị nó mặn. Ông biết trên bờ không có nhiều việc cho mình làm, thôi xuống biển vậy. Ừ biển mặn, những đợt sóng trắng xoá đập vào mặt, nhấn ông xuống nhưng ông cứ trồi lên, không chịu khuất phục. Từ ấy, nghề biển gắn liền với ông.

Ở cái xóm nghèo ven biển này, người ta sống với nhau bằng cái tình. Những khi không ra biển, ông Tư Mù lân la giúp bà con lối xóm những việc có thể.

Ngồi nói chuyện, ông Phó ấp Đặng Văn Út vọt miệng: “Thấy ổng vậy chứ lợp nhà thì khỏi chê, đẹp và đều tăm tắp. Nếu đưa cho chiếc xuồng hư, ổng có thể gỡ sạch không còn cây đinh và sắp xếp gọn hơn người sáng mắt”.

Sống có tình, anh em thương nên mỗi khi ra biển họ lại cho ông theo. Cũng nhờ có họ mà ông Tư Mù nhiều phen thoát hiểm. Có bận đang ngụp lặn thì biển nổi sóng to, gió lớn, mọi người đều bơi đến xuồng để vào bờ, chỉ ông là loay hoay chẳng biết đâu mà lần trong khi nước sâu tận cổ. Những lần như thế, đám bạn đều không quên chạy xuồng lại “vớt” Tư Mù vào bờ!

Chỉ đánh bắt ven bờ, mò sò, mò ốc, bắt cá ngát... riết rồi những thứ ấy cũng dần cạn kiệt, biển không còn hào phóng như hồi mới cất chòi ở ngoài đê. Nhiều người bỏ xứ đi làm nghề khác kiếm sống, chỉ một số bám lại cái xóm chài Gò Công này như Tư Mù. Khi con ốc móng tay có giá, họ chuyển sang mò ốc, ông Tư Mù cũng muốn và làm. Bộ dụng cụ hành nghề chỉ cần một chiếc cào răng lược, nhưng cũng phải ra xa cửa biển một chút và lặn ngụp cào bắt từng con.

Không thấy đường, ông Tư Mù phải tận dụng tối đa đôi tai thính để... bảo vệ mình. Vừa cào, vừa lắng tai nghe tiếng máy chạy, khi máy nổ xa dần, ông lại lớn tiếng gọi để anh em quay lại rước. Ông Tư Mù thật thà: “Mình mù, xuống biển rồi thì có biết phương hướng gì đâu. Giữa biển mênh mông nước, nếu anh em chạy lạc thì mình làm sao mà vào bờ?!”.

Nói về chồng, bà Tư thì cười hãnh diện: "Toàn ổng đi biển, tôi ở nhà chăm sóc con, chỉ làm phụ một vài việc".

Có ba đứa con gái, ông Tư Mù chăm sóc đàng hoàng, giờ đã có gia đình, dù cuộc sống không khá giả nhưng chúng chịu khó làm ăn nên đôi vợ chồng già cũng được an ủi. Bà Tư nói: “Ổng mù nhưng cái gì cũng biết làm, lại chịu khó. Đến giờ ổng vẫn là lao động chính, không đi biển thì vót đũa, đẽo cán búa, cán vá.. để ở nhà, ai cần đến mua thì tôi bán”.

Dưới mé sông có chiếc xuồng, trên xuồng là bộ cào ốc móng tay. Ông Tư Mù quý lắm, dù mỗi chiếc cào đều có hình thức chẳng khác gì nhau nhưng chỉ cần sờ tay vào là ông có thể phân biệt cái nào của mình, cái nào không phải. Với chiếc xuồng này, ông Tư Mù ngày ngày thuê người chở mình ra biển mò ốc móng tay.

Căn nhà chật hẹp trong khu tái định cư chẳng có vật dụng gì quý giá, cửa của nó cứ mở để vậy. Thế nhưng, bên trong ấy có một thứ quý giá, vô hình nhưng người ta có thể cảm nhận được, đó là tình cảm gia đình, tình cảm yêu thương mà vợ chồng Tư Mù gầy dựng từ khi trôi dạt từ phương xa về xóm nghèo ven biển Gò Công này./.

Đặng Duẩn

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.