Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện U Minh đã duy trì và phát triển mô hình nuôi cá bống tượng, nhờ thực hiện mô hình này mà nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Hiện nay, giá cá bống tượng tiếp tục tăng cao nên người nuôi rất phấn khởi, tích cực duy trì và nhân rộng mô hình, nhất là trong hội viên cựu chiến binh (CCB).
Ông Nguyễn Thanh Dân, Chi hội trưởng Chi hội CCB Khóm 4, thị trấn U Minh, được xem là một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình nuôi cá bống tượng ở địa phương. Năm 2008, trong một lần thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm, ông Dân vô tình phát hiện trong vuông tôm gia đình có rất nhiều cá bống tượng. Bằng sự nhạy bén, ông đã nhanh chóng tìm mối thu mua cá bống con, rồi thu hoạch bán, trong vụ thu hoạch đầu tiên mang về cho gia đình hơn 30 triệu đồng. Thấy mô hình hiệu quả, ông Dân tiếp tục thực hiện đến nay.
Ông Dân cho biết: “Cá bống tượng sau khi sinh sản khoảng 2 tháng, cỡ bằng ngón tay là bắt đầu thu hoạch, bán cá giống. Do nguồn cá này mạnh, nuôi đạt hiệu quả nên được người dân ở các vùng khác chọn mua về nuôi, nhờ vậy mà đầu ra rất ổn định. Trung bình mỗi năm tôi thu hoạch cá bống tượng giống bán được hơn 50 triệu đồng. Riêng những con cá đạt trọng lượng từ 200 gram trở lên, tôi gom vào đìa nuôi để bán cá thịt, mỗi năm cũng cho thu nhập từ 40-50 triệu đồng. Thấy tôi làm hiệu quả nên nhiều hội viên và người dân trong khóm cũng làm theo”.
Là một trong những hộ có nhiều năm nuôi cá bống tượng, ông Hoàng Mạnh Hoạch, Chi hội phó Chi hội CCB Ấp 9, xã Khánh An, hiện còn 4 ao cá bống tượng thương phẩm với hơn 800 con, mỗi con từ 400 gram -1 kg, các ao cá hiện có giá trị hàng trăm triệu đồng. Ông Hoạch bắt đầu nuôi cá bống tượng từ năm 2003, ban đầu chỉ nuôi 2 ao, sau thấy hiệu quả nên tăng lên 4 ao, trung bình mỗi năm bán cá thu nhập từ 50-70 triệu đồng.
Ông Hoàng Mạnh Hoạch có 4 ao nuôi cá bống tượng, hiện có giá trị hàng trăm triệu đồng.
“Ðể nuôi cá hiệu quả, người nuôi cần chuẩn bị ít nhất 2 ao để luân phiên cải tạo, ao nào nước tốt thì bắt cá bỏ qua. Nhờ cách này mà từ khi tôi nuôi đến giờ chưa xảy ra dịch bệnh lần nào và luôn cho thu nhập khá”, ông Hoạch chia sẻ kinh nghiệm.
Hiện nay, có hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện U Minh duy trì và nhân rộng mô hình nuôi cá bống tượng, tập trung chủ yếu ở các xã: Nguyễn Phích, Khánh Hoà, Khánh Tiến và Khánh An, với diện tích khoảng 30 ha. Sở dĩ mô hình nuôi cá bống tượng được duy trì và nhân rộng như hiện nay là do mô hình dễ thực hiện, ít tốn chi phí, giá cá hiện đang ở mức cao và có đầu ra ổn định.
Nếu như trước đây cá bống tượng loại 1 từ 500-700 gram/con có giá 250 ngàn đồng/kg thì nay đã tăng lên 350 ngàn đồng/kg, còn loại từ 700 gram trở lên/con từ 400 ngàn đồng/kg tăng lên 560 ngàn đồng/kg. Giá cá bống tượng tăng nên hầu hết người nuôi có lãi khá, trung bình mỗi hộ có thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm, những hộ nuôi nhiều thì thu nhập từ 70-80 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội CCB huyện U Minh, cho biết: “Cá bống tượng rất dễ nuôi, ít xảy ra dịch bệnh, nguồn thức ăn chủ yếu là cá phi có sẵn trong vuông nuôi tôm nên rất nhẹ chi phí. Nhờ thực hiện mô hình này mà rất nhiều hội viên CCB thoát nghèo và vươn lên khá, giàu. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên duy trì và phát triển mô hình để phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương”./.
Trần Thể