ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 22:33:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vượt Hàm Luông

Báo Cà Mau (CMO) Từ năm 1948 đến nay hơn nửa thế kỷ qua, mà câu chuyện cha tôi sống sót trong lần vượt sông Hàm Luông đêm mùng Mười tháng Giêng còn hiện rõ trong trí nhớ chúng tôi.

Đồng thời với các tỉnh Trung Nam Bộ, các xã trong huyện Ba Tri cướp chính quyền, ba tôi làm Uỷ viên Quân sự, má tôi làm Đoàn trưởng phụ nữ xã Phước Tuy. Phong trào Quốc gia Tự vệ cuộc và Thanh niên Tiền phong của ta những năm này hoạt động mạnh, quét sạch tàn dư của chế độ thực dân Pháp, từng đặt ách đô hộ ta hàng thế kỷ. Nhưng từ cuối năm 1946 Pháp và bọn bù nhìn tay sai tiến hành chiến dịch “vết dầu loang” đóng đồn bót nhiều trọng điểm, trực giao thông thuỷ bộ, và liên tục ruồng bố, càn quét bắn giết dân ta không thương tiếc. Cũng như ở Cầu Hoà, nhiều cuộc thảm sát cả xóm, cả làng liên tục diễn ra. Cách một con sông nhỏ, bên cù lao An Hoá có tên Tây lai (Lơ-roa) với tên Một Nở khét tiếng gian ác. Một On, Một Nở hãm hiếp phụ nữ, trói người thụt đầu xuống ao rong, mổ bụng dồn trấu, dồn xơ dừa, lấy dây chì xỏ xâu bàn tay nhiều người, xô xuống sông, thành những chùm “thằng chỏng” trôi nổi theo nước lớn, nước ròng. Tôm, cá dưới sông rạch không ai dám ăn. Các chiến sĩ cảm tử quân của ta bằng mọi thứ vũ khí hiện có (dao găm, kiếm Nhật, súng 2 lòng, súng trường Nga…) với võ thuật truyền đời, đêm đêm xuất kích liên tục. Các đội vũ trang nhiều làng kế cận, như Phú Lễ, Phú Ngãi, Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh, Tân Xuân cùng với ba tôi (ông Nguyễn Văn Chỉnh) và anh rể thứ hai tôi (Hai Chữ) với chú Mười Trắc, Mười Để (ở Tân Xuân) bàn tính lên Châu Thới, Châu Bình (Bàu Dơi, Bàu Đã) mượn thêm súng của chú Bảy Cống, về tập kích đồn Bình Đại. Người tiến dẫn quân cảm tử của ta là cậu Sáu Vĩnh (em ruột của má tôi) nho sĩ, thầy thuốc Bắc thường ra vào giao du với bọn Lơ-roa. Tôi không còn nhớ lực lượng ta đã chiến đấu như thế nào, nhưng mờ sáng hôm sau, cái đầu tên ác ôn Một Nở bị chặt ngang cổ, đem về cắm ở cọc rào trường học Tân Xuân. Cuộc mít tinh hàng ngàn người dự, cha tôi đứng lên chiếc bàn học, báo tin thắng trận. Cha tôi nói: “Cảm tử quân sẽ tìm diệt cho được tên Một On, cái đầu gian ác của nó phải như đầu tên Một Nở bêu ở đầu cọc rào kia, bà con Ba Tri ta mới hả dạ”. Đồng bào hoan hô ì ì. Trong số người dự mít tinh hôm đó, có bà con ở Hữu Định, Phong Nẫm, Phong Mỹ, My Lồng, Cầu Hoà… Các chiến binh cảm tử được mọi người tặng quà, khen ngợi và chúc tụng như những vị anh hùng xứ sở.

Bọn trẻ con chúng tôi xúm nhau chen vào nhìn cái đầu thâm tím của tên Việt gian Một Nở, môi nó dầy, có bịt 2 cái răng vàng, con mắt nó không nhắm lại được. Nhiều bô lão, các chị phụ nữ (chính mình hoặc thân nhân mình bị nó hiếp, bị nó đánh đập tra tấn) đòi bửa sọ nó ra cho hả hận thù. Nhưng ba tôi và chú Mười Trắc bảo anh Hai tôi bỏ cái đầu Một Nở xuống bè chuối, thả qua sông cho người nhà của nó chôn cất, thực hiện chính sách nhân đạo của Cụ Hồ.

Tên Một On đi vắng, thoát chết. Khi nhận lại cái đầu Một Nở, nó ra lịnh bắt 3 người tù trong củi giam ra tế. Nhưng vợ lớn tên Một Nở lạy Một On, xin tha cho họ, bà nói: “Tại chồng tôi giết người quá nhiều nên bị người giết lại, đành số thôi. Việt Minh thả cái đầu chồng tôi về là họ nghĩ đến mẹ con tôi, xin ngài hiểu cho”. Tên Một On gật đầu, cho vợ con người chết ráp thây lại mai táng. Tình hình bố ráp, bắt cóc thủ tiêu sau trận tập kích của ta ở thị trấn hết sức căng thẳng. Cậu Sáu Vĩnh bị khai báo là người của Việt Minh, giặc xỏ nhượng cậu, tra tấn mấy ngày đêm, rồi nhận nước giết cậu. Từ đó, mợ Sáu và cô Trầm (con gái một của cậu mợ) không biết mất còn hay thất lạc nơi đâu. Vài tháng sau, anh Hai Chữ công đồn bị lựu đạn nổ chết, má tôi bị bắt khi bà đi tuyên truyền chị em phụ nữ ngoài vùng tạm chiếm, bà bị tra tấn phải mang thương tật suốt đời. Chúng giam bà 7, 8 tháng, bà trốn thoát, trở về hoạt động. Khi cha thoát ly, mẹ bị giam cầm, 2 chị lớn của chúng tôi đều bận nhiệm vụ chung. Còn lại 3 anh em tôi (Phương, Nhương và Chúc) dắt dìu nhau đi tìm cha và tránh giặc. Lúc đó, tôi mới hơn 10 tuổi, lưng mang đồ, tay dắt em đi qua rừng Lạc Địa, Bến Dựa, Hiệp Hoà… khi gặp được ba tôi, ông nhờ một bà má chiến sĩ nuôi giúp, ông bận tập cho cảm tử quân. Mấy má, mấy chị lo nấu bánh và làm gà, vịt tiếp tế chiến sĩ, chúng tôi con nít cũng được phần.

Ảnh Tiền Giang Online

Pháp tăng cường quân lực. Hệ thống đồn bót trấn đóng khắp nơi, những gia đình bất hợp tác với chúng, những gia đình Việt Minh khó lòng tồn tại ở địa phương mình. Chúng tôi theo mẹ hoà nhập vào các đoàn người tản cư từ làng này sang làng khác, đến Lương Phú, Thuận Điền. Những cụm rừng chồi trong vùng chỉ chứa được một số ít người của ta. Lực lượng vũ trang đôi lúc phải vượt sông Hàm Luông qua An Thạnh, An Qui, An Nhơn, An Thuận, có khi xuống tuốt Thạnh Phong, Thạnh Phước, Thạnh Lộc giáp biển Thạnh Phú. Cha tôi cùng đồng đội dùng ghe của bà con ngư dân qua lại sông Hàm Luông để tiếp tục hoạt động, diệt bọn tề điềm phản động, theo Tây giết dân lành. Hàng chục, hàng trăm lần vượt sông qua lại, tưởng như chẳng có việc gì xảy ra.

Nhưng có một lần…

Chiều ngày mùng Mười tháng Giêng năm 1948 như tôi đã nói, ba tôi, chú Sáu Năng, cậu Ba Hạnh, anh Sáu Mến cùng 4 chiến sĩ khác chuẩn bị buồm, chèo, thùng thiếc tát nước, đóng đinh (chỗ be ghe hở kẽ) lại, xảm trét (chai cục trộn bao bố tời) chu đáo, chuẩn bị chạng vạng tối, không có tàu sắt đầu bằng của giặc tuần tra là vượt sông. Thường là ta qua sông ở khúc An Đức qua An Thạnh, sông nhỏ, qua mau. Nhưng lần này có tàu giặc neo ở đó đón ta qua lại, nên ba tôi và các chiến sĩ du kích cảm tử phải chọn điểm xuất phát từ An Lợi (Tân Thuỷ) sang ấp Giao Điền, xóm Giồng Chùa (thuộc địa bàn Thạnh Phú). Mấy chòi ngư dân ở cù lao Hổ lúp xúp trong ven bần, xúm nhau hùn gạo, đem cá nấu canh chua bần chín, cùng ăn liên hoan tiễn đoàn chiến sĩ qua sông.

- Nay trời xấu quá mấy anh. Gió từ biển thổi vào, nhưng nước giựt ròng, cường triều hạ xuống thấp, trớn đổ ra biển mạnh lắm. Buồm, chèo ta không đương cự nổi, thì ghe bị giạt ra cửa biển, bị sóng lưỡi búa đập bể, nguy hiểm. Hay là các anh hoãn chuyến đi lại, chờ trời tốt hơn - Chú Sáu Năng bàn.

- Công việc gấp quá, anh Bùi Sĩ Hùng nhắn gặp chúng tôi, sống chết gì cũng phải vượt sông đêm nay - Cậu Ba Hạnh nói.

Độ 7 giờ tối, anh Mến từ ngọn bần báo tin sông không có tàu giặc, 8 anh em trong đoàn cùng xuống ghe, ai ngồi vị trí nấy, xuất phát. Chú Sáu Năng thợ biển làm tài công kềm lái, chiếc trần buồm (bằng đệm mới) no gió, mũi ghe chẻ sóng Hàm Luông, tuyên chiến với dông bão. Đi chừng hơn một giờ, gió đổi hướng, cánh buồm bị giật ngược (không hạ kịp là úp ghe xuống sông) mũi ghe quay một vòng bán nguyệt, nghiêng múc nửa ghe nước.

- Tát nước, tát nước anh em! - Ba tôi và cậu Sáu Năng la.

Nước trong ghe cũng nhồi sóng điên đảo như những lượn sóng từ vàm biển xô vào. Trời mưa như trút nước, hướng gió thay đổi liên tục. Chiếc ghe bất hạnh bị lôi vào vùng sóng lưỡi búa, nó nhào lộn một hồi, khi các ngọn sóng cùng lúc đổ vòi vào chiếc ghe bé nhỏ, thì 8 anh em cảm tử quân bị mặt nước ầm ì xé họ ra từng người cuốn mạnh về phía biển đen sẫm, lạc nhau.

- Đáy hàng khơi, đáy hàng khơi anh em ơi. Ráng bám lấy cột đáy mà sống anh em ơi!

Ba tôi nghe tiếng chú Sáu Năng thét trong gió bão.

- Ráng lội lại đây bám cột đáy anh em ơi!

Lại tiếng chú Sáu Năng khản cổ kêu anh em ta. Ba tôi bị sóng đập vào mặt, uống mấy hớp nước, lỗ tai lùng bùng, nhưng vẫn còn nghe ra tiếng gọi cứu giúp của đồng đội. Ba tôi cố mở mắt, đạp mạnh chân xuống nước, vọt người lên cao để xem hướng cột đáy ở đâu. May mắn sao tay trái của người vớ phải một giề bụp dừa còn dính sợi dây chì kiềng rượng đáy. “Sống rồi, trời cứu mạng mình rồi!”. Ba tôi nói trong bụng, tay ghì lấy sợi dây chì to, phăng người lại cột đáy. Hàng chục đợt sóng giằng giật người ra khỏi nơi bám víu, thiên nhiên giận dữ muốn dìm người chết ngạt tức khắc trong hố sâu không đáy của cửa biển Hàm Luông. Nhưng bằng sự tỉnh táo của người lính cảm tử vì Tổ quốc, ba tôi đến được cây cột đáy, bám chặt vào trong tư thế trèo dừa, ba tôi rướn người lên, kêu réo anh em không ngớt.

Năng ơi ơi ơi ơ…i… Hạnh ơi ơi ơi… ơ…i…

Cứ như vậy, ba tôi gọi không tiếc sức. Cách ba tôi hơn 10 thước ở một cây cột đáy khác, có tiếng chú Sáu Năng trả lời:

Anh Ba phải không? Tôi đây, Năng đây, tôi tới cột đáy rồi!

- Còn Hạnh đâu? Mến đâu, Thanh đâu, Hoà đâu? - Ba tôi hỏi.

- Họ chưa tới, nhưng họ lội giỏi lắm. Trong ghe, chỉ có anh lội yếu nhất, mà anh tới cột đáy được, mừng quá. Hồi nãy, tôi lội tới cột đáy rồi, tôi ôm bụp dừa lội tìm anh, không ngờ trở lại đây mới gặp anh. Ôi, trời cứu mình rồi!

Bấy giờ cơn bão lên đến độ cuồng nộ, các đợt sóng thần đập vào hàng cột đáy như núi đổ. Gió “choảng” reng reng trên mấy khoen dây chì đầu cột đáy. Cây cột đáy bằng dây dừa lão ba tôi đang ôm ghì, lung lay như một chiếc răng sắp rụng, tạo cảm giác chóng mặt. Mưa tiếp tục xối những giọt nước lạnh như roi quất, tay chân người bị nạn bắt đầu tê dại. Ba tôi nghĩ “phải sống vì đàn con thơ”. Người dùng toàn lực kéo sợi dây chì to, một đầu đã đính sẵn vào cột đáy, 2 tay thay đổi, người quấn nhiều vòng quanh thân mình (từ chân quấn lên). Động tác này không dễ dàng chút nào, cọng dây chì cứng như thép, tay tê buốt, sức yếu, mỗi vòng phải quấn trong 1-15 phút mới xong, những vòng sau lâu dần ra, vòng cuối cùng phải tốn hơn 1 giờ. Khi kiệt sức, tay run, lòng chán nản, muốn buông xuôi cho sóng gió cuốn mình đi cho khoẻ thân, thì hình ảnh đàn con thơ lại hiện lên: “Ba đi chừng nào ba về với tụi con?”, và người cố sức bám vào cột đáy lắc lư, tiếp tục quấn dây chì quanh mình… “Khoanh này là con Út, khoanh này là thằng Nhương, khoanh này thằng Phương, khoanh này…”. Cứ thế ba tôi quấn quanh người đầy những khoanh dây chì to sộ. Chắc chắn là ba tôi có dành cho má tôi, người vợ thuỷ chung tảo tần một khoanh chót, gần phía ngực…

Xong công việc kỳ diệu nói trên, ba tôi ngất thật lâu, khi tỉnh lại thì trời mờ sáng, bão đã tan, hàng ngàn đợt sóng tàn bạo biến mất, để lại vàm sông và mặt biển mênh mông dưới màu hồng lợt. Ba tôi như người tù bị xử giảo, bị bót khít vào cọc cây cặm giữa vùng trời nước. Toàn thân tê buốt, mắt mờ, tai ù đặc, cổ khô cứng nói không ra hơi. Ba tôi định bảo chú Năng và cậu Hạnh… tìm cách lấy dây bó chặt mình vào cột đáy, ráng sống… nhưng không sao phát ra tiếng được. Những lằn dây chì siết mạnh vào da thịt, tạo những cảm giác đau đớn không thể chịu nổi. Song, cho dù có muốn tháo ra cũng không còn hơi sức đâu mà tháo. Lúc mặt trời nhô khỏi mực nước, ba tôi cố hết sức nhìn mấy cây cột đáy: chỉ có 3 người đeo. Vậy là chết trôi hồi đêm hết 4 đồng chí! Lòng ba tôi đau như xé. Sao anh em lội giỏi mà không thoát được cái chết. Đánh mấy chục trận tao ngộ, tập kích ác liệt không sao, giờ chết ở đây, thây thì trôi giạt… Độ một giờ sau, ba tôi nhìn thấy chú Sáu Năng đưa tay chào (theo kiểu chào của đồng minh) rồi buông người xuống nước, chú hụp hưởi vài lần, rồi chìm mất trong nước bạc. Trái tim ba tôi thắt lại, nghẹn ngào không thở được, người bất tỉnh một lúc lâu… Khi tỉnh lại, thấy cây cột đáy cậu Ba Hạnh từng ôm đã trống trơn, chỉ có con cù-cắc đậu trên chót cọc. Ở chỗ cây cọc xa hơn, không rõ ai đã bám được từ đêm, giờ còn đeo nó. Thấy dáng quần áo thì chắc là Hoà - một tay võ nghệ cường của đơn vị. Ráng đeo Hoà ơi, cố sống về chiến đấu… Ba tôi nói trong bụng, rồi bị cái đói, cái mệt làm bất tỉnh. Đến lần tỉnh dậy sau cùng, ba tôi không còn nhìn thấy người đeo trên cọc ấy nữa: Chú Hoà cũng theo bạn đi xuôi…

Sau này, lúc chúng tôi lớn lên, có đôi lần ba tôi thuật lại cái lúc lâm nguy đó, người nói không có gì mất sức, đuối sức bằng ta phải cố vượt cái chết giữa bão táp, giữa biển khơi. Ba tôi không thể nhớ rõ lúc chú Năng, cậu Hạnh và chú Hoà buông tay, hoặc bị gió nước cuốn đi lúc nào, ngày thứ nhất hay ngày thứ hai sau khi chìm ghe… vì tâm trí của người mơ màng khi tỉnh khi mê. Cuối cùng ba tôi lại được những người thợ đóng đáy hàng khơi cứu về đất liền. Bà con, mấy má chiến sĩ ở ấp Giao Điền - Giồng Chùa (Thạnh Phú) xúm lại cứu ba tôi. Phải nhểu nước cam, sữa, nước cháo mấy ngày mới tỉnh dần, lưỡi đớ không nói chuyện được, những đường dây chì khứa sâu vào da thịt, cương mủ đều mấy khoanh. Ba tôi già đi, gầy sọm, giọng nói nhỏ xíu, hàng mấy tháng mới bình phục.

Một tuần sau ba tôi làm lễ truy điệu 7 đồng đội, có đông đảo đồng bào ven biển Thạnh Phú và chính quyền địa phương đến mặc niệm. Nhạc chiêu hồn tử sĩ trầm buồn lan toả trên khói sóng quyện thành một thứ âm ba thiêng liêng. Chú Bùi Sĩ Hùng đến dự, đốt nhang, nói những lời thương tiếc các chiến sĩ cảm tử. Sau đó cấp lãnh đạo cho ba tôi dưỡng bệnh dài hạn, rồi ba tôi theo dòng người ly hương từ Thạnh Phú vượt sông Băng Cung, sông Cổ Chiên và nhiều con sông lớn nhỏ khác, để cuối cùng an trú trên đất Rạch Ruộng - bờ sông Ông Đốc, tỉnh Cà Mau. Má tôi thoát nhà giam của giặc, trốn về dẫn đàn con nhỏ của mình, đi đường công khai, đến nơi hẹn với ba tôi. Cả nhà tiến hành cuộc di cư lịch sử của Bến Tre những năm giặc chiếm. Ba má tôi nhận đất ruộng, làm nghĩa vụ hậu phương, chuẩn bị chu toàn cho chúng tôi xông ra tiền tuyến, tiếp tục cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Những lúc chúng tôi về thăm nhà, ba tôi cứ nhắc lần vượt Hàm Luông để nhắn nhủ với thế hệ đi sau về một trang bi sử của quê hương Bến Tre bất khuất không thể xoá mờ…./.

Nguyễn Thế Phương

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.