(CMO) Để công tác giảm nghèo thực sự bền vững, ngoài chống bệnh thành tích, theo các chuyên gia thì tỉnh Cà Mau cần có những đánh giá, phân tích đặc điểm, nhận diện cái nghèo cũng như khả năng nguồn lực, thế mạnh của chính địa phương để giải quyết căn cơ vấn đề sinh kế cho hộ nghèo.
Thời gian qua, với những nỗ lực thoát nghèo trên toàn tỉnh, kết quả rà soát theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có gần 9.600 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,14%; hộ cận nghèo gần 7.000 hộ, chiếm tỷ lệ 2,27%. Như vậy, tổng số hộ nghèo, cận nghèo toàn tỉnh hiện có trên 16.500 hộ, chiếm 5,38%. Trong số đó, có hơn 8.800 hộ nghèo thuộc khu vực nông thôn, gần 1.300 hộ nghèo dân tộc thiểu số và trên 1.300 hộ nghèo không có khả năng lao động.
Nhận diện cái nghèo
Nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu và giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025. Theo đó, năm 2021 vẫn tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-20202.
Chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 áp dụng: tiêu chí thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng (chuẩn cũ tương ứng là 700.000 đồng và 900.000 đồng/người/tháng). Đồng thời, xác định 6 tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản (bổ sung thiếu hụt về việc làm và sửa đổi, bổ sung một số chỉ số đo lường khác) gồm: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Có 12 chỉ số đo lường (tăng 2 chỉ số), bao gồm: việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Nói về giải pháp thoát nghèo bền vững của tỉnh Cà Mau, TS. Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Công tác xã hội, Đại học Lao động - Xã hội (TP Hồ Chí Minh), đặt ra yêu cầu: “Cà Mau muốn thoát nghèo bền vững cần xác định đúng - trúng nguyên nhân nghèo để “chữa bệnh” nghèo. Trong đó, đòi hỏi vai trò người thu thập thông tin hộ nghèo cực kỳ quan trọng, phải công tâm, khách quan, đúng tình hình, để từ đó có giải pháp hỗ trợ tập trung cho những đối tượng nghèo, không dàn trải, có như vậy mới đạt hiệu quả như mong đợi”.
Trên cơ sở các tiêu chí, chỉ số đo lường quy định cho chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, tỉnh Cà Mau đã tiến hành rà soát về đặc điểm hộ nghèo và nhận diện nguyên nhân nghèo. Đây được xem là một trong những khâu rất quan trọng, bởi một khi xác định chính xác nguyên nhân nghèo, sẽ đảm bảo được nguồn lực đầu tư hiệu quả và không lãng phí.
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Qua tổng hợp, phân tích xác định hộ nghèo của tỉnh, có 8 nguyên nhân nghèo. Trong đó, hộ nghèo không có đất chiếm cao nhất với 6.863 hộ, chiếm 71,5% so với tổng số hộ nghèo; tiếp đến là hộ nghèo không có vốn gần 6.000 hộ, chiếm 61,7% và thấp nhất là hộ không có lao động với gần 1.400 hộ, chiếm 14,5%”.
Biểu đồ cho thấy có 8 nguyên nhân nghèo của hộ nghèo tỉnh Cà Mau. |
Từ số liệu phân tích trên cho thấy, có nhiều nguyên nhân gây ra cái nghèo. Tuy nhiên, sự tác động của các nguyên nhân này lên tỷ lệ nghèo có sự chênh lệch tương đối lớn. Có thể thấy, một số nguyên nhân tác động lớn như: không có đất sản xuất; không có vốn sản xuất kinh doanh; không có công cụ, phương tiện sản xuất,… Như vậy, “bệnh nào thuốc nấy”, để giải quyết được những nguyên nhân gây ra nghèo này, TS. Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, sau khi xác định đúng “bệnh”, cần chỉ ra được “bệnh” nào tác động lớn nhất đến tỷ lệ nghèo, để tập trung đầu tư, giải quyết các vấn đề một cách tổng thể.
“Theo đó, xác định thoát nghèo phải dựa vào nội lực thì mới bền vững, tức là tập trung khai thác năng lực, kỹ năng của các cá nhân hộ gia đình, và phân tích nguồn lợi, thế mạnh của chính địa phương để thúc đẩy chính hộ nghèo có niềm tin triển khai các sản phẩm thoát nghèo ngay chính quê hương mình. Các giải pháp không phải bất biến mà có thể thay đổi theo thực tế, từng thời điểm phát triển kinh tế - xã hội, đòi hòi sự linh hoạt, sáng tạo, tránh rập khuôn, những gì không phù hợp thì thay thế cho phù hợp”, TS Nguyễn Minh Tuấn nói thêm.
Bên cạnh đó, để giải quyết căn cơ vấn đề giảm nghèo, tỉnh đã tiến hành rà soát thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Kết quả cho thấy, thiếu hụt căn bản nhất là thiếu hụt về việc làm, chiếm đến 65,7% với 6.314 hộ; tiếp đến là thiếu hụt về chất lượng nhà ở có gần 6.000 hộ, chiếm 61,8%; đứng thứ 3 là thiếu hụt về BHYT có 5.676 hộ, chiếm 59,1%; thiếu hụt nhà tiêu hợp vệ sinh cũng chiếm khá cao với 55,6% trên tổng số 5.348 hộ. Ngoài ra, thiếu hụt về sử dụng dịch vụ viễn thông chiếm 33,9%; hộ có người phụ thuộc chiếm 31,9%.
Phân tích về kết quả rà soát này, TS. Nguyễn Minh Tuấn đề xuất giải pháp: “Từ số liệu phân tích trên cho thấy thực trạng sự chênh lệch lớn của người dân trong việc tiếp cận với các dịch vụ, mà điều này sẽ tác động rất lớn đến kết quả của quá trình giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh. Qua đó, đặt ra vấn đề việc nâng cao tỷ lệ tiếp cận cho người dân với các dịch vụ xã hội cơ bản không chỉ theo chiều rộng mà phải quan tâm đến chiều sâu”.
Ngoài ra, một mấu chốt quan trọng không thể thiếu trong công tác giảm nghèo, đó là sự quan tâm, chú ý đến các hộ cận nghèo. Hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2022-2025 khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Do vậy, giữa hộ cận nghèo và nghèo ranh giới rất nhỏ. Chỉ cần có biến động nhỏ trong cuộc sống là họ có thể trở thành hộ nghèo ngay. Trên thực tế, nhiều hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập vẫn nằm cận chuẩn nghèo. Do đó, số lượng hộ cận nghèo vẫn rất lớn và tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao.
Biểu đồ cho thấy sự thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo tỉnh Cà Mau. |
Đa dạng hoá sinh kế cho người dân
Một trong những giải pháp lâu bền được đưa ra để giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương chính là đa dạng hoá sinh kế. PGS.TS Trần Tiến Khai, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, theo khảo sát, do thiếu việc làm tại địa phương, các lao động của tỉnh Cà Mau có sự dịch chuyển quy mô lớn đến các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gia nhập khu vực kinh tế công nghiệp dịch vụ. Đồng thời, cũng có sự dịch chuyển trong nội tỉnh từ nông thôn ra thành thị, và luồng dịch chuyển theo chiều ngược lại của một số ít lao động trình độ cao đến tổ hợp công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau nhưng với quy mô nhỏ.
Điều đó cho thấy, tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở Cà Mau nói riêng, ĐBSCL nói chung khá cao so với bình quân chung cả nước. Đối với thị trường lao động Cà Mau chủ yếu lao động phổ thông, chưa qua đào tạo trong khi “cầu” cần lao động có tay nghề, kỹ năng.
Do vậy, giải pháp thiết thực cho vấn đề lao động tỉnh Cà Mau đặt ra là, để hạn chế sự dịch chuyển cũng như tăng “cầu” lao động cần tích cực thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, tạo việc làm cho lao động. Xác định và công bố định hướng phát triển đầu tư của tỉnh để thu hút lực lượng lao động trẻ, sinh viên có định hướng nghề nghiệp phù hợp. Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, có chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp để tạo việc làm, nhất là các thế mạnh địa phương: thuỷ sản, du lịch,…
Theo các chuyên gia, tỉnh Cà Mau cần tích cực thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, tạo việc làm cho lao động. Ảnh: Một công ty may gia công trên địa bàn phường Tân Thành, TP Cà Mau tạo việc làm cho lao động trong tỉnh.
Cùng với đó, để tăng nguồn “cung” lao động, cần nghiên cứu chính sách đào tạo nghề cho lao động tại doanh nghiệp, định hướng nghề nghiệp từ trung học cơ sở để phân luồng hiệu quả. Đồng thời, khảo sát nhu cầu lao động có nguyện vọng làm việc ở địa phương khác, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khu vực ĐBSCL vừa tạo việc làm vừa để lao động ổn định cuộc sống nơi ở mới. Ngoài ra, xây dựng Website về thị trường việc làm kết nối cung/cầu, thu hút lao động có tay nghề, sinh viên của tỉnh về địa phương làm việc./.
Hồng Nhung