(CMO) Ðầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tạo quỹ đất sạch, cải cách thủ tục hành chính, tích cực thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ…, những nỗ lực ấy nhằm đưa tỉnh Cà Mau trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện và bền vững.
Cà Mau là tỉnh nằm ở cực Nam Tổ quốc, cách xa các trung tâm, thành phố lớn là một bất lợi trong việc thu hút, mời gọi nhà đầu tư và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bù lại tỉnh được xem là mảnh đất màu mỡ để các nhà đầu tư khai thác, nhất là trong lĩnh vực du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo, kinh tế biển, nuôi trồng thuỷ hải sản… Cùng với đó là những chính sách ưu đãi đang được tỉnh tích cực triển khai.
Ðiểm nhấn đặc biệt
Xét về vị trí địa lý, tỉnh Cà Mau được đánh giá sở hữu riêng cho mình nhiều điểm nhấn rất đặc biệt: Là tỉnh trung tâm trong con đường giao thương trên biển của các nước Ðông Nam Á, trên tuyến đường hành lang kinh tế ven biển phía Ðông và tuyến hành lang kinh tế Campuchia - Việt Nam - Thái Lan, rất thuận tiện cho các hoạt động giao thương, hợp tác quốc tế.
Riêng đối với điều kiện trong đầu tư phát triển kinh tế, tỉnh Cà Mau là nơi sở hữu nhiều lợi thế mang tính đặc trưng riêng. Với chiều dài bờ biển hơn 254 km cùng hệ sinh thái rừng đa dạng và phong phú, rộng hơn 96.000 ha, là điểm nhấn để đầu tư phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái và năng lượng tái tạo.
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều nhà đầu tư đã dành sự quan tâm đặc biệt cho tỉnh, nhất là các lĩnh vực thế mạnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 431 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 140.981 tỷ đồng, trong đó có 9 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 152,5 triệu USD. Các dự án đầu tư tập trung ở các lĩnh vực được xem là thế mạnh của tỉnh như nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản, năng lượng tái tạo, chế biến gỗ và du lịch sinh thái.
Nhiều dự án đầu tư quan trọng đã và đang tiếp tục được triển khai trong Cụm công nghiệp Khánh An. |
Ðối với các dự án năng lượng tái tạo có 16 dự án điện gió được phê duyệt, trong đó có 14 dự án có chủ trương đầu tư với tổng công suất hơn 800 MW. Ngoài ra, còn có 1 dự án năng lượng mặt trời với công suất hơn 60 MW và hiện nay tỉnh đang tiếp tục trình 24 dự án vào danh mục quy hoạch điện lưới quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Với vùng nguyên liệu ổn định diện tích gần 300.000 ha và đa dạng các loại hình nuôi từ thâm canh, siêu thâm canh cho đến quảng canh, quảng canh cải tiến… cùng với ngư trường rộng lớn và đội tàu khai thác hùng hậu, hàng năm tỉnh Cà Mau cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước gần 600.000 tấn thuỷ hải sản các loại. Do đó, đây cũng là thế mạnh, điểm nhấn đặc biệt trong thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Con số hơn 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm đã minh chứng cho tiềm năng thế mạnh ở lĩnh vực này.
Mặc dù từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã đón hơn 1,1 triệu lượt khách, nhưng lĩnh vực du lịch vẫn được xem chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Hoạt động du lịch, nhất là du lịch sinh thái đang là hướng đi đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tạo bệ phóng
Nhằm phát huy tối đa những lợi thế, thúc đẩy thu hút đầu tư, tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Hạ tầng giao thông đang từng bước được đồng bộ là một trong những bệ phóng quan trọng không chỉ trong thu hút đầu tư, thông thương hàng hoá mà còn góp phần thúc đẩy tất cả các lĩnh vực khác cùng phát triển.
Bên cạnh những tuyến đường trục chính như Quốc lộ 1, Quốc lộ 63, đường Quản lộ Phụng Hiệp, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Ðất Mũi, đường hành lang ven biển phía Nam..., thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã hình thành thêm nhiều tuyến đường không kém phần quan trọng như tuyến bờ Nam Sông Ðốc, tuyến Ðông - Tây, tuyến đường tránh nội ô TP Cà Mau, tuyến lộ bê-tông trên đê biển Tây… Ngoài ra, đến nay, 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm; các tuyến đường đô thị, đường kết nối ấp, khóm, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu dân cư được quan tâm đầu tư… Tất cả đã tạo chuyển biến tích cực trong kết cấu hạ tầng giao thông.
Ông Nguyễn Ðức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, cho biết, tỉnh đang tiếp tục nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư, từng bước đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường xúc tiến đầu tư, ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế là 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được tỉnh xác định trong giai đoạn 2020-2025. Theo đó, thời gian qua nhiều hoạt động xúc tiến, hỗ trợ, kết nối, chủ động cung cấp thông tin đến các nhà đầu tư đang được tỉnh đẩy mạnh triển khai. Ông Thánh cho biết thêm, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh luôn đồng hành, sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp từ hồ sơ thủ tục pháp lý cho đến lao động, xúc tiến thương mại, tín dụng, thuế...
Ðợt đại dịch Covid-19 trong năm 2021 cho thấy rõ nhất những nỗ lực của tỉnh trong việc đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp. Theo đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh đã được hỗ trợ kịp thời. Tiêu biểu như rà soát, triển khai các chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại đến các đối tượng thụ hưởng theo quy định. Ðến nay, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 8.652 tỷ đồng, chiếm 14,2% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh (60.875 tỷ đồng). Cơ quan thuế đã triển khai các chính sách miễn, giảm thuế, phí đến người dân và doanh nghiệp. Tính đến nay đã giảm 59 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng; giảm 78 tỷ đồng lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Cà Mau tăng 11 bậc so với năm 2020 là sự bứt phá đáng kể của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Không chỉ vậy, theo ông Thánh, tỉnh đang tăng cường triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hoá quy trình, thủ tục, thực hiện tích hợp công khai dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia với tỷ lệ 100%. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế và xã hội số… Mục tiêu tỉnh đặt ra là làm thế nào để rút ngắn đến mức thấp nhất thời gian, thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với các giải pháp căn cơ trong chiến lược phát triển, nhất là trong việc huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, cùng với những chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp…, Cà Mau sẽ trở thành điểm đến đáng tin tưởng cho các nhà đầu tư.
Mặc dù rất cần và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, nhưng UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra đồng bộ từ quy trình, hồ sơ, thủ tục... cho đến tiến độ các công trình, dự án đã giao cho nhà đầu tư để xem xét, kiên quyết thu hồi công trình, dự án không đảm bảo điều kiện, tiến độ theo quy định. Vừa qua, tỉnh cũng đã có thông báo chấm dứt và thu hồi 2 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 111 tỷ đồng.
Nguyễn Phú