Băng qua những cánh rừng tràm bạt ngàn dọc theo tuyến T29, xã Nguyễn Phích, xuôi về thị trấn U Minh, qua miệt Sông Trẹm, thuộc địa bàn xã Khánh Thuận, huyện U Minh; càng đi sâu vào xóm, ấp, chúng tôi càng cảm nhận rõ sức sống mới tràn đầy và “bình minh” đã hiện hữu trên từng thửa ruộng, liếp tràm.
Bạt ngàn những cánh đồng lúa - tôm ở U Minh. (Ảnh chụp ở Ấp 13, xã Khánh Thuận, huyện U Minh).
Buổi sáng của ngày cuối năm, hơi lạnh gió xuân ùa về, tạo không gian mờ ảo trên những cánh rừng tràm U Minh Hạ, mang đến cảm giác tươi mới, nao nao lòng người. Chúng tôi ghé thăm mô hình VAC của ông Nguyễn Văn Ðen, Ấp 17, xã Khánh Thuận, lão nông có 3 đời gắn bó, bám trụ vùng đất này.
Ông Ðen nhớ lại: “Hơn 10 năm trước, quả thật cuộc sống người dân nơi đây vô cùng khó khăn. Trồng tràm 8-10 năm mới khai thác, đất bị nhiễm phèn nên cây lúa năng suất thấp, cá đồng thì người dân khai thác vô tội vạ bằng nhiều hình thức nên dần cạn kiệt... Nhưng đó là chuyện của ngày trước, nay với sự quan tâm của tỉnh, huyện, cùng các ngành chức năng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa giống cây mới, hình thức canh tác mới, cùng nhiều giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức người dân bảo vệ rừng, kết hợp khai thác hiệu quả kinh tế dưới tán rừng. Nhờ đó, đời sống người dân đã bước sang trang mới, tươi sáng hơn”.
Trường học, trạm y tế trên địa bàn huyện U Minh được đầu tư khang trang.
Với diện tích 8,3 ha; trong đó có 7 ha trồng keo lai kê liếp, trên bờ liếp ông Ðen trồng chuối, hơn 1 ha đất nông nghiệp ông cải tạo chuyển sang trồng cây ăn trái, dưới ao nuôi cá đồng. Giữa năm nay, ông Ðen được hỗ trợ thực hiện mô hình VAC từ nguồn vốn khuyến nông, với 400 con gà giống, 200 cây ăn trái, 20 kg cá giống (đối ứng 10 kg), cùng thức ăn, phân bón và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp ông thực hiện hiệu quả mô hình.
Theo lời ông Ðen: “Nguồn thu nhập từ rừng giờ đây dân chúng tôi xem như nguồn tích luỹ, bởi hiện nay dù đã rút ngắn thời gian thu hoạch xuống còn 4-5 năm, nhưng chúng tôi phải tính đường để đảm bảo cuộc sống sinh kế hằng ngày và lâu dài. Do đó, chỉ với mô hình đa cây, đa con trên cùng diện tích, lấy ngắn nuôi dài mới giúp người dân ổn định cuộc sống”. Nhìn ra chuồng gà tơ trên 300 con, ao cá đồng, cây trái phát triển tươi tốt..., ông Ðen hy vọng nguồn thu của gia đình năm nay sẽ khá hơn năm trước.
Đặc sản mật ong rừng tràm U Minh.
Chúng tôi tiếp tục đến tham quan mô hình nông nghiệp thông minh, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng gắn với sinh thái rừng tràm, gặp chủ vườn Trần Kiều Diễm, Ấp 15, xã Khánh Thuận đang miệt mài dùng kéo cắt tỉa bỏ bớt trái nho đèo, giúp nho đạt năng suất như mong muốn. Chị Diễm chia sẻ: “Tôi mê trồng cây ăn trái, thích môi trường sinh thái thân thiện, nên khoảng 10 năm trước, gia đình mua 4,3 ha đất, với ý định trồng cây ăn trái, nuôi cá để có nơi thư giãn. Cách đây 5 năm, tôi có dịp đi tham quan hợp tác xã (HTX) chuyên trồng nho ở Hà Nội, thấy mọi người trồng và chia sẻ cách trồng, mê quá nên quyết định trồng thử, rất mừng vì chúng đã thích nghi tốt ở đồng đất U Minh”.
Chị Trần Kiều Diễm chăm sóc vườn nho, chuẩn bị đón khách vào dịp Tết.
Vườn nho 130 gốc trồng trong nhà màng nay đã được hơn 1 năm tuổi, cho trái đợt 1 vào tháng 5 rồi. Gia đình chị tổ chức cho khách tham quan, thưởng thức nho tại vườn, thêm các món đặc sản dưới tán rừng, khách thích thú, đánh giá cao. Hiện nay, nho đang cho trái đợt 2, trái sai và tốt hơn, hứa hẹn là điểm đến tham quan lý tưởng vào dịp tết Nguyên đán năm nay. Ðồng thời, gia đình chị trồng thêm trên 200 gốc nho nữa để mở rộng mô hình.
Về Ấp 14, xã Khánh An, thấy cuộc sống người dân khởi sắc, nhờ mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng, gắn với kinh tế rừng đã giúp bà con đổi đời.
Ông Quách Minh Hoà, Trưởng Ấp 14, xã Khánh An, phấn khởi thông tin: “Nhờ mô hình này mà ấp đang tiến dần đến xoá trắng hộ nghèo và nhiều hộ vươn lên khá giàu. Ðặc biệt, ấp hiện có HTX bồn bồn An Hoà, thành lập năm 2022. Ban đầu chỉ 14 thành viên, thấy HTX hoạt động hiệu quả, kết nối đầu ra và góp phần giải quyết việc làm ổn định, nay có thêm 114 thành viên đăng ký tham gia, nâng tổng số 128 thành viên, lợi nhuận bình quân 120 triệu đồng/ha/năm.
Nhắc đến U Minh mọi người sẽ nghĩ ngay đến rừng tràm. Ngày xưa cây tràm che chắn, bảo vệ cách mạng, giúp người dân vượt qua mưa bom bão đạn; ngày nay, cây tràm vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống, giúp môi trường sinh thái trong lành, giảm tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, tuy tràm nguyên liệu rớt giá, nhưng người dân ở xứ U Minh Hạ đã linh hoạt tính kế thích nghi, chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên, chạm đến ước mơ về cuộc sống mới tươi sáng, sung túc nơi đất rừng phương Nam./.
Loan Phương