Sống một cảnh hai quê nên những trang viết trong tập sách "Câu chuyện của cánh đồng" của Nguyễn Thị Việt Hà luôn man mác nỗi niềm nhớ thương da diết về miền quê cũ song hành cùng sự háo hức để hiểu, để yêu thêm "quê mới", vùng đất có món chè lam, có những buổi sáng mùa thu hanh hao, có những ngày đông rét ngọt...
Sống một cảnh hai quê nên những trang viết trong tập sách "Câu chuyện của cánh đồng" của Nguyễn Thị Việt Hà luôn man mác nỗi niềm nhớ thương da diết về miền quê cũ song hành cùng sự háo hức để hiểu, để yêu thêm "quê mới", vùng đất có món chè lam, có những buổi sáng mùa thu hanh hao, có những ngày đông rét ngọt...
Tuy có phần "thiên vị" với miền Tây, đặc biệt là Cà Mau bởi một phần tuổi thơ đã gắn liền với nơi ấy, nhưng nói theo lời tác giả thì: "Câu chuyện 17 tuổi, thực sự đã chìm lấp, những tình yêu mới lại đến với mình, tâm hồn mình rộng rãi đón tất cả. Có thể là buổi sáng có đôi giọt sương đọng trên phiến lá si trước ngõ, là tiếng cười rúc rích của thiên thần nhà mình, là bữa cơm nóng hổi thơm ngát mình vừa nấu, là niềm hân hoan khi mình vừa câu được một chú cá trong cái ao nhỏ trước nhà... (Những ngày thu cũ)".
Ừ thì, cuộc sống là chuỗi ngày tiếp nối về phía trước không ngừng nghỉ, nhưng những thứ thuộc về kỷ niệm và ký ức có thực sự chìm lấp?!
![]() |
Chắc là có, mà cũng chắc là không, bởi trải dài trong những trang viết của Việt Hà vẫn là những điều về những ngày trong ký ức, đó là những "mùa lũ mẹ hái gương sen già tách hạt nấu chè. Bưng chén chè ngát hương ăn buổi sáng đã thấy chặng đường ngập nước dài cả ki-lô-mét đến trường gần hơn. Con đường đi qua đồng chiêm sen lá rũ xuống buồn thảm thì chiếc gương sen vẫn vươn lên kiêu hãnh chờ thu hoạch. Chợt quên sáng trước trượt con dốc nước quần áo, sách vở ướt hết” (Lũ đẹp).
Ðó là những ngày "ba khía hội", cả xóm lũ lượt kéo nhau đeo đèn đi bắt mà trong miêu tả của Việt Hà thì đó tựa như một ngày hội của người bắt và đồng thời đó cũng là "chợ tình" của ba khía bởi "rất ngộ, đúng cữ tháng Tám, tháng Mười hằng năm, từng cặp ba khía lềnh khênh bu kín gốc tràm, mắm. Mỗi năm chúng chỉ xuất hiện vài ba ngày, sau đó chúng tản đi đâu hết và năm sau đến hẹn lại lên. Chúng bám nhau sát rạt từng đôi, từng đôi một dày đặc cả một vùng như thể tổ chức "đám cưới" tập thể vậy. Tầm đó ba khía giao phối, sinh sản, cũng là lúc thịt ba khía chắc và ngon nhất. Nét độc đáo ở chợ tình ba khía ở Cà Mau đã tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho vùng đất này ("Chợ tình" ba khía).
Cũng nơi vùng đất ấy, những khốn khó của cuộc sống không làm vơi đi sự ấm áp của tình sum vầy, sự tảo tần, vén khéo của người mẹ (như muôn ngàn những bà mẹ quê khác) luôn tìm cách sao cho những bữa cơm tuy đạm bạc mà vẫn nóng sốt, nêm nếm sao cho vừa miệng tất cả thành viên trong nhà, đặc biệt là những đứa con đang trong tuổi ăn, tuổi lớn. "Mỗi khi trời mưa dầm, mấy mẹ con quây quần ở nhà. Căn nhà trống trước hở sau gió lùa tê tái. Mẹ bắc ơ kho quẹt, nấu cơm lửa than, hái trái bí đao non vô luộc. Gắp miếng bí đao non xanh nóng hổi chấm vào ơ kho quẹt, ăn cùng chén cơm vừa chín tới, vị ngọt của bí, hoà quyện cùng vị mằn mặn ngòn ngọt của thứ nước chấm sền sệt và hương vị cơm gạo mới khiến chúng tôi quên cơn mưa tầm tã ngoài kia, không còn sợ cơn gió dữ xô đẩy căn nhà nhỏ đang run lên bần bật, chúng tôi yên tâm trong vòng tay ấm áp và tình yêu thương vô bờ bến của mẹ” (Mẻ kho quẹt ngày mưa dầm...).
Và cả cái lối sống, tinh thần, cả một chiều dài lịch sử của một miền đất với những con người đi mở cõi... rồi từ đó để biết được rằng "Người ta theo phù sa mà lập thành xóm, thành ấp với những cái tên là lạ mang đậm chất quê hương xứ sở mà không nơi nào có được: kênh Trời Ðánh, xóm Ba Khía, lung Vàm, lung Sình, Ðầm Dơi, Ðầm Cùng. Ðọc đến nát nhừ "Ðất rừng phương Nam" của Ðoàn Giỏi để cố hiểu những cái tên được đặt. Cho đến khi đã thấm vào da thịt hơi thở đồng bằng, màu da nhuộm màu phèn mới nhận ra một điều giản dị: cứ hãy sống với miền Tây tự khắc hiểu tất cả mọi điều, ngay cả những cái tên lạ lùng kia đơn giản chỉ là cuộc sống, mồ hôi, thói quen của những người lập ấp thương đất mà đặt đấy thôi. Cũng như khi chân đã quen lội đồng hay đi vững trên cây cầu khỉ mới biết mình xa quê bén duyên với đất lạ để đất lạ thành quen mà nuôi ta (Chút lãng mạn đồng bằng).
Không biết những câu chuyện ký ức ấy với đôi chút nhớ - quên, tiếc nhớ, luyến lưu này nọ theo thời gian sẽ đậm lên hay nhạt dần đi mà tác giả chỉ biết rằng “nếu tôi không ghi lại sợ sau này những riêng ẩn lo toan của cả một đời người xoá trắng đi thì ký ức của tôi sẽ nghèo nàn, lạnh lẽo lắm... Và có khi những điều quên nhớ ấy mà dường như đường về quê mờ lối, cái rét ngọt tím tái thân thể kia khiến tôi e ngại rồi quên đi cái ấm nóng của tình quê chất chứa trong miếng chè lam, bát nước chè xanh đã từng xua rét bằng vị ngọt ngào quê kiểng...” (Bánh chè lam vừa chín... Giấc chiêm bao)./.
Ngọc Lợi