ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 09:40:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Ông bụt” của học sinh nghèo

Báo Cà Mau Cách đây mấy năm, khi cùng ông vào nhà bà Nguyễn Thị Nhan (63 tuổi, Ấp 6, xã An Xuyên, TP Cà Mau) để viết bài về gia đình hiếu học, nhìn cái cách ông hỏi thăm việc bán rau, bán bánh của bà mẹ và chuyện học hành, đi đứng, sinh hoạt của những người con, tôi ngỡ ông có họ hàng. Hỏi ra mới biết, do hoàn cảnh các em khó khăn nhưng hiếu học nên ông thường xuyên giúp đỡ, tới lui riết thành quen thuộc như người nhà.

Gia đình bà Nhan lúc ấy có 4 người con đi học, trong đó Nguyễn Thị Nguyên học ở Đại học Vĩnh Long; người anh trai mặc dù đậu đến 2 trường đại học nhưng không có tiền nên đành học tại chức tại Cà Mau; 2 người em đang học THPT. Người mẹ nghèo khổ ấy dù suốt mười mấy năm trời như thân cò chưa một ngày thôi lặn lội vẫn không đủ khả năng lo nổi tiền học cho con nên Nguyên có nguy cơ bỏ dở chuyện học hành. Hay tin, ông dốc lòng giúp đỡ. Từ nguồn quỹ khuyến học vận động được, ông hỗ trợ tập vở, xe đạp, học bổng… cho các em. Ngoài ra, ông và một người (giấu tên), hằng tháng còn bỏ tiền túi hỗ trợ cho Nguyên để trang trải chuyện ăn ở học hành trong suốt 4 năm đại học.

Tôi hỏi ông, giờ các con bà ấy thế nào, ông bảo:

Hồi đó tính lo cho tụi nó học thôi, xong là mình hết nhiệm vụ. Vậy mà khi ra trường, nghèo khổ, lại chẳng quen biết ai, có xin được việc đâu, cứ phụ mẹ đi bán rau. Thế là lại phải chạy vạy gõ cửa khắp nơi để xin việc làm cho tụi nó. Giờ thì cũng coi như tạm ổn, thằng anh làm cho một công ty chế biến thuỷ sản, Nguyên thì dạy ở Trường Tiểu học An Xuyên, một đứa em làm công tác phụ nữ địa phương...

Giữa tháng 7 năm nay, thấy xe ông bị vỡ kiếng, tôi hỏi, ông bảo, chùa Kim Sơn cho 2.000 cuốn tập., sư cô trụ trì kêu chở gấp để cô đi lên thành phố thời gian dài. Vậy là ông tức tốc lên chở về để còn kịp phát cho học sinh nghèo đầu năm học mới. Từ nhà ông (một con hẻm trên đường Nguyễn Tất Thành, Phường 8), đến chùa Kim Sơn khoảng 10 cây số, một mình ông chạy xe lên chở tập về. Cứ mỗi chuyến ông dùng dây ràng 5 cây (500 cuốn), chở về tới nhà bỏ đó rồi quay đầu xe lên chở tiếp. Đang tải được chuyến thứ 3, khi xe quẹo qua cua, bị lạc tay lái, vậy là người, xe, tập vở đều ngã đổ. May là ông không sao, nhưng kiếng xe thì… nát mặt.

Cũng chuyện chở tập mà ông bị sự cố gãy một cánh tay. Hôm đó, bên Hội Khuyến học tỉnh cho mấy trăm cuốn tập, họp xong, ông cột lên xe chở về. Mới chạy từ ngạch cổng trụ sở lên vỉa hè, xe lật ngang, đè gãy cánh tay ông. “Đã mấy tháng rồi mà đêm đêm vẫn còn nhức lắm!”, ông than.

Mỗi năm, riêng tập vở, ông vận động trên dưới 10.000 cuốn. Hỏi ông sao không mướn chở, ông bảo, kệ mình chịu khó tiết kiệm để dành tiền hỗ trợ các cháu. Mỗi năm, riêng khoản tiết kiệm từ nguồn sinh hoạt phí, ông dành ra được mấy chục triệu đồng để hỗ trợ đột xuất cho học sinh nghèo. Ông cũng thường bảo, với học sinh nghèo, cho được cái gì tạo điều kiện thuận tiện trong chuyện học hành của các cháu cũng quý. Vì vậy nên “xin” được gì là ông cứ “xin”. Kiềm nén sĩ diện, tận dụng thời cơ, tranh thủ đối tượng, khắc phục hoàn cảnh… để “xin”.

Ông Lý Văn Sua luôn dốc hết tâm sức lo cho công tác khuyến học.

Ngoài “xin”các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh trong tỉnh, ông còn tranh thủ bên ngoài. Cứ đọc báo, xem đài, biết được tổ chức nào hay làm từ thiện là ông tìm cách liên lạc để “xin”. Mấy năm nay, qua ông, năm nào học trò nghèo của TP Cà Mau cũng được Đài PT-TH Vĩnh Long hỗ trợ học bổng với 1 suất chính gồm tiền, hiện vật khoảng 50 triệu và 10 suất đồng hành, mỗi suất 3 triệu đồng.

Đầu năm học, thấy ông bị gãy tay, có người nói đùa, vậy là năm nay “thất thu” rồi. Nhưng ông đâu có thất thu, đến thời điểm này, ông vận động được 60 chiếc xe đạp. Ông nhẩm tính, năm ngoái được 100 chiếc, năm nay giờ này được ngần ấy thì đây đến cuối năm học cũng còn hy vọng con số tăng lên cao.

Còn về chỉ tiêu quỹ khuyến học, mặc dù năm nay ông được giao 2,5 tỷ đồng, nhưng vừa rồi do yêu cầu báo cáo gấp, mới chỉ 15/17 đơn vị xã, phường báo mà con số đã lên đến hơn 2,6 tỷ đồng. Lúc tay bị bó bột không đi được, lại đầu năm học, bao nhiêu là việc, nằm ở nhà mà nóng ruột, nóng gan. Vậy là ông dùng biện pháp gọi điện thoại. Gọi điện thoại để đôn đốc hệ thống khuyến học xã, phường. Gọi điện thoại để bàn việc cơ quan. Gọi điện thoại để xin hỗ trợ...

Những năm trước, điều kiện kinh tế cũng như đường xá còn khó khăn, học sinh các cấp của Phường 8 qua chợ học chủ yếu đi bộ bằng đường bến đò Rạch Rập. Từ bến  xuống đò phải đi bằng cầu thang hết sức nhọc nhằn, đò lại nhỏ mà con sông nơi ngã ba Chùa Bà dập dìu ghe tàu qua lại, nhiều vụ chìm đò đã xảy ra. Thương tâm hơn đã có vụ làm chết học sinh. Quá xót xa, ông và ông Lê Văn Hồng (khi ấy là Bí thư Đảng uỷ Phường 8) lên Sở Giao thông vận tải chầu chực năm lần mười lượt để xin cho được cây cầu. “Có được cầu, mừng không sao kể xiết”, ông bộc bạch.

Ông Hai Bé (Trang Văn Bé, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP Cà Mau) là người gần gũi, gắn bó cùng ông mấy chục năm qua, cả trong công việc và quan hệ bạn bè, nên biết rành rẽ về ông. Hỏi chuyện giúp học trò nghèo của ông hồi giờ, ông Hai Bé nói: “Ổng giúp nhiều lắm, kể không hết nổi đâu!”.

Và ông Hai Bé bảo: “Hễ cái gì dính tới học sinh là ông Ba Sua (Lý Văn Sua, tức tên ông) quan tâm lắm. Mà ông hay ở chỗ, hễ giúp đỡ là rất thiết thực, quan tâm, theo dõi tới nơi tới chốn. Biết phường, xã nào có trường hợp học sinh khó khăn, ông liên hệ với nơi đó để thông tin và xem họ định liệu thế nào. Nếu địa phương không lo được thì ông xông vào. Chuyện ông móc tiền túi để giúp các em cũng là chuyện thường thấy”.

Rồi ông Hai Bé kể, mới tháng trước, qua người bạn, ông biết được hoàn cảnh gia đình 1 học sinh học lớp 12, Trường THPT Tắc Vân, có đứa em là Nguyễn Thị Hồng Ân đang học lớp 8, bị viêm gan C nằm điều trị tại bệnh viện tỉnh. Nhà anh em Ân nghèo, cha bỏ đi, mẹ hằng ngày đi làm mướn, giờ Ân lại bị bệnh nên gia đình lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Vậy là ông tìm đến thăm và móc túi cho 500.000 đồng. Nghe người dì (đang nuôi bệnh Ân) than hoàn cảnh em quá nghèo không tiền mua bảo hiểm y tế, nên hằng ngày điều trị rất tốn kém, mà ông thì không đủ khả năng giúp nữa, vậy là ông về vận động trong nhóm bạn bè chí cốt góp vào được hơn 600.000 đồng, đủ mua bảo hiểm y tế cho em Ân.

Tính ra, ông có 19 năm gắn bó với công tác khuyến học. Ông bảo chắc tại nợ duyên với ngành giáo dục. Năm 1969, giặc phản công dữ dội, xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời, quê ông) đồn bót khắp nơi, khi ấy ông 17 tuổi bắt đầu thoát ly đi làm cách mạng. Thấy ông khá chữ nghĩa (lớp 7), nên tổ chức phân công dạy học trong vùng giải phóng. Dần dần trau dồi thêm, rồi làm hiệu trưởng trường cấp 1, 2.

Sau giải phóng, ông được đưa đi học, rồi được phân công việc khác. Năm 1993, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông xin nghỉ để về làm kinh tế. Vậy mà có nghỉ được đâu, chuyển Đảng về địa phương sinh hoạt, ông được bầu bí thư chi bộ khóm, rồi lên phường, rồi gắn bó với công tác khuyến học đến giờ. “Có lúc bả nói, ông xin nghỉ việc về làm kinh tế, mà giờ lại làm ở khóm, phường, không lương bổng, vậy nghỉ làm gì”, ông kể. Và ông chẳng biết trả lời bà thế nào, bởi công việc cứ dính vào mình như số phận.

Lúc ấy, hai người con đang tuổi ăn tuổi học. Vậy là ban ngày ông lên khóm, phường làm việc (vừa làm bí thư chi bộ khó, trưởng khóm, rồi tham gia công tác khuyến học của phường), ban đêm ông thức nấu rượu lấy hèm nuôi heo. Hết giờ làm việc, ông tranh thủ đi chở hàng bỏ mối cho một cơ sở sản xuất.

Vợ ông thì cắc củm thêm ít đồng từ quầy tạp hoá. Lây lất, ông nuôi được hai người con tốt nghiệp đại học ra trường. Giờ cả hai đều là giáo viên cấp 3 nên cuộc sống gia đình ông đỡ nhọc nhằn hơn, ông có nhiều thời gian, tâm sức để lo việc xã hội, đặc biệt là công tác khuyến học.

 Ông Hai Bé bảo, ngoài mấy triệu tiền lương công tác khuyến học, ít thù lao làm công tác tuyên giáo ở phường, ông không có kinh doanh mua bán gì thêm. Khoản ấy, ông chia ra góp với gia đình trong sinh hoạt, phần còn lại chi phí xăng xe và nước nôi khi gặp bạn bè. Vậy mà hễ gặp hoàn cảnh nào khó khăn ngoài khả năng hội khuyến học là ông sẵn sàng móc tiền ra giúp đỡ.

“Tôi rất quý và trân trọng anh Ba Sua. Anh luôn sẵn sàng mang hết nhiệt tình, tâm huyết ra để lo cho công tác khuyến học. Bắt đầu từ khi nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội khuyến học của TP Cà Mau vào năm 2007, anh đã thổi bùng ngọn lửa khuyến học ở các xã, phường. Từ đó đến nay, năm nào phong trào khuyến học của TP Cà Mau cũng dẫn đầu toàn tỉnh”, đó là lời chia sẻ từ thầy Lê Văn Vượng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh.

Tuy nhiên, để có được kết quả “đầu bảng” mà khi mới nhận nhiệm vụ “công tác khuyến học TP Cà Mau chưa có gì” - nói như thầy Lê Văn Vượng, thì công lao của ông không lấy gì đong đếm được.

Ở cái tuổi ngoài 60, thấy ông tất tả ngược xuôi, hết đi xã phường thúc đẩy phong trào, lại đi vận động, “xin xỏ”, rồi đi trao trợ cấp, đưa học sinh đi nhận học bổng và nhiều nhiều những việc không tên khác, mấy người bạn ông nói vui: “Cái chức khuyến học của ông chẳng ai thèm giành”. Ông chỉ cười hiền: “Biết làm sao, bởi mình… mắc nợ!”.

Có lần ông tâm tình: “Mình không ngại cực, nhưng giờ đây việc vận động cũng khó khăn, bởi quá nhiều chương trình, tổ chức vận động. Có khi để được 2 triệu đồng, phải tới doanh nghiệp đó… 7 lần. Có người giàu nhưng vận động không được, họ còn nhìn mình như kẻ ăn xin. Cũng “muối mặt” lắm, nhưng nghĩ đến học trò nghèo, mình lại có thêm động lực". Bởi ông hiểu, đồng bạc với các em có ý nghĩa vô cùng, giúp các em có điều kiện học hành, có kiến thức, nghề nghiệp để sau này đủ tự tin, bản lĩnh mà bước vào đời. Vậy là ông không chỉ cải thiện điều kiện thực tế mà còn lo cho cả một phận người.

Ông cũng bảo, ông may mắn có một số mối “trung thành”, năm nào cũng hỗ trợ. Thật ra, không phải ông “may” mà qua các nhà tài trợ tôi được biết, do cách ông làm hiệu quả: vận động bao nhiêu, trao hết, xét đúng đối tượng, trung thực, tận tâm… nên tạo được niềm tin đối với họ.

Gần đây, nhiều người muốn trao trực tiếp thì ông làm cầu nối, lựa chọn học sinh, đảm nhận vai trò tổ chức. Việc vận động đã khó, việc trao nhận cũng tốn nhiều công sức và đôi khi không ít nhọc nhằn.

Có một kỷ niệm mà ông không sao quên được. Cách đây mấy năm, ông đưa 12 học sinh lớp 6-7 xuống huyện Cái Nước nhận xe đạp (vì nhà tài trợ trao tập trung một điểm). Trước khi đi, ông có liên hệ và được xe buýt hứa chở về. Nhưng khi nhận xong, chẳng chiếc xe buýt nào chịu chở. Ông và người đi cùng bàn bạc thống nhất cùng học sinh tự đạp xe về. Ông và người đi cùng chạy xe chở 2 em nhỏ nhất, các em còn lại tự đạp. Trời nắng như đổ lửa, vừa đói lại vừa khát nhưng cũng đành chấp nhận, không còn cách nào hơn. Đạp gần nửa chặng đường (được mười mấy cây số), thấy các em quá đuối, ông cho dừng lại và kiên trì đón xe quá giang. Cuối cùng cũng có chiếc xe tải chịu chở.

Cứ vậy, gian nan nhọc nhằn nhiều, niềm vui cũng không ít. Mỗi lần giúp được các em là ông lại thấy lòng rộn lên niềm vui khó tả.

Thấy ông đi suốt, tôi hỏi thím nhà có “nhằn” không, ông bảo không. Không những ủng hộ chồng, bà cũng rất hay làm từ thiện. Cứ đọc báo, nghe đài, thấy hoàn cảnh nào khó khăn là vận động quần áo, bỏ chút tiền túi ra rồi nhờ ông chở đi tới đó giúp người ta. Các con ông ở trường cũng hay giúp đỡ học sinh nơi mình công tác.

Mang chuyện ông kể cho người bạn nghe, bạn bảo: “Sao mà ông làm được nhiều việc vậy?”. Chẳng biết trả lời bạn sao. Vì ông làm tuyên giáo Phường 8 cũng tròn; làm Hội thẩm Nhân dân Toà án TP Cà Mau cũng chẳng ai chê; khi sinh hoạt chi uỷ ở Khóm 6 thì ông vận động xây được 2 căn nhà cho người nghèo; làm công tác khuyến học thì khỏi phải nói; huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen thì đầy… Vậy nên, chỉ biết trả lời bạn rằng, ông làm bằng trái tim, tấm lòng và đầy tinh thần trách nhiệm./.

Bài và ảnh: Trang Anh

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.