ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 04:47:53
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

20 năm vững vàng “Làng goá phụ”

Báo Cà Mau (CMO) Giọt nước mắt những người goá phụ lại rơi khi gợi nhớ về chuyện 20 năm trước. Đó là ngày bão Linda (bão số 5 năm 1997) quét qua Cà Mau, biến xóm ven biển Kinh Xáng Mới, xã Khánh Hội, huyện U Minh thành “Làng goá phụ”. Chỉ trong một ngày, cuộc sống của những người còn ở lại trở nên đảo lộn. 20 năm sau, họ vẫn vững vàng, thay chồng làm trụ cột gia đình…

Những người có người thân đi biển trong bão số 5 năm 1997 lặn lội đến các cửa biển chờ mong. (Ảnh tư liệu Báo Cà Mau)

Kinh Xáng Mới, Biện Nhị, Chệt Tửng, Lung Lá thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh là những địa danh gánh chịu hậu quả tang thương nhất do bão Linda để lại với hơn 500 ngư dân thiệt mạng. Trong vòng quay cuộc sống, nhiều g phụ tiếp tục thờ chồng và cũng không ít người bước thêm bước nữa. Nhưng dù thế nào, nỗi đau cũ vẫn còn in sâu trong tâm khảm của người dân nơi đây.

20 năm nuôi con…

Ngồi trên ghe nhìn mưa lất phất rơi ngoài kinh Xáng Mới, xã Khánh Hội, chị Hồng Kim Yến trầm ngâm: “Cũng ngày mùng 3 tháng 10 âm lịch của 20 năm về trước, tôi vừa tròn 19 tuổi và mang thai đứa con đầu lòng. 11 giờ trưa, mưa rả rích, mây đen kịt. Đến khoảng 4–5 giờ chiều, gió mạnh dần làm tốc mái nhiều ngôi nhà xung quanh. Cứ ngỡ là bão đã đi qua nhưng không ngờ rạng sáng ngày mùng 4, cả xóm biển nhận được tin dữ - cơn bão số 5 đã dìm tất cả các ghe biển ngoài khơi”, chị Yến thẫn thờ.

“Nửa tỉnh nửa mê, tôi hòa theo dòng người chạy như bay về cửa biển Khánh Hội ngóng tin chồng. Mỗi người ngồi một góc, gương mặt thẫn thờ dõi mắt ra biển, chẳng ai khóc nổi thành tiếng. Đến ngày mùng Sáu, những tia hy vọng dần tắt. Tôi nghĩ rằng, con trai mình không còn cơ hội gặp mặt cha”, chị Yến tâm sự.

Nào ngờ, tối mùng Sáu, chồng chị Yến trở về như một kỳ tích. Anh được ghe biển Kiên Giang cứu sống trong khi 6 người đi cùng đã không còn ai sống sót. Giây phút đoàn tụ, chị Yến chỉ biết đứng từ xa nhìn chồng và nước mắt cứ trào tuôn. Chị nói, cả đời chị không thể nào phai nhạt hình ảnh ấy.

Nhưng rất hiếm người may mắn như chị Yến, đa số các chị còn lại đều ngóng tin chồng trong tuyệt vọng. Ngày nhận tin chồng mất tích trong bão dữ, bà Trần Thị Giang, 51 tuổi, Ấp 4, xã Khánh Hội như điên, như dại. Bà gởi 4 con nhỏ về quê ngoại, rồi thơ thẫn như xác không hồn, ra ngoài cửa biển Khánh Hội chờ đợi một phép màu. Bà Giang kể: “Tới ngày mùng Bảy thì mỗi nhà đều làm ly hương, đội khăn tang thờ chồng, thờ con. Ban ngày xóm biển vắng tanh, chỉ nghe mùi nhang khói hòa với gió biển. Cứ thế kéo dài ròng rã từ ngày này sang ngày khác”.

Nước mắt lăn dài trên gò má, bà Giang tiếp: “Bão tan, nhà cửa cũng tan tành. Mỗi lần thấy tôi khóc, mấy đứa nhỏ ngồi im sau lưng nhìn mẹ. Đứa lớn nhất đến lau nước mắt cho tôi rồi động viên: “Mẹ ơi, đừng khóc! Con sẽ thay ba lo cho mẹ”. Câu nói ngây thơ đã thúc giục tôi phải giựt dậy tinh thần để thay chồng nuôi nấng các con nên người”.

Quyết tâm không bước thêm bước nữa, người phụ nữ trẻ không màng nắng mưa, làm thuê đủ thứ nghề để trở thành trụ cột gia đình. Đó là quyết định của “hoa khôi xóm biển”, bà Trần Thị Lăng, giờ đã 58 tuổi, ngụ Ấp 4, xã Khánh Hội. Vợ chồng bà Lăng tuy còn trẻ tuổi nhưng sở hữu gia tài đáng mơ ước. Hai chiếc ghe biển lớn của gia đình đã giải quyết việc làm cho nhiều ngư dân trong xóm. Và tháng 10/1997 là lần cuối cùng bà nhìn thấy nó mang theo chồng và con trai đi biệt tăm.

Bà Trần Thị Lăng rưng rưng khi nhớ về những ngày tang thương 20 năm trước.

Khác với những người phụ nữ khác rối rít chạy ra cửa biển đợi tin chồng, bà Lăng đã ngất xỉu ngay lúc nhận được tin bão. Sau khi bình tĩnh lại, bà đi tìm chồng khắp các cửa biển và cả những hòn đảo xa xôi với hy vọng chồng vẫn còn sống hoặc có thể tìm thấy xác. Hễ nghe ở đâu vớt được xác, bà Lăng đều bao đò dọc để đến đó nhận dạng, rồi thất vọng quay về. Hành trình tìm chồng suốt 5, 6 năm trời đã mỏi mệt khi bà nhận ra 3 đứa con nhỏ đã mất cha còn phải chờ mẹ.

Thế là bà Lăng về xóm biển nhang khói cho chồng và lao đầu vào công việc để quên đi thời gian. Bà bộc bạch: “Tôi chưa bao giờ nghĩ chồng tôi đã chết. Tôi vẫn luôn mong một ngày nào đó ông ấy sẽ trở về với mẹ con tôi”. Và đó là động lực để bà Lăng sống tốt hơn mỗi ngày, dẫu đến nay bà đã dựng vợ gã chồng cho các con và sum vầy bên đàn cháu nhưng ông chồng vẫn biệt vô âm tính. Nhưng bà Lăng vẫn tin có 1 ngày…

Dẫu sao bà Lăng cũng còn 1 “số vốn kha khá” khi danh sách người mất tích dán tại Đồn Biên phòng Khánh Hội có tên con trai bà, nhưng mấy hôm sau nó lại về khi mà đồ tẩn liệm, xóm làng đã mua đủ, sau phải mang đi đốt bỏ… Rồi vài năm sau, con lớn của bà, anh Trần Văn Húng, người “chết hụt giữa biển khơi”, lại đi làm tài công kiếm sống. Đứa lớn dìu dắt đứa nhỏ, đến nay 3 anh con trai lớn của bà đều làm tài công, riêng con trai Út, mấy anh dành dụm mua một chiếc ghe để anh câu mực mé, thu nhập ổn định, dù không giàu có nhưng cũng đủ ăn, có tích luỹ.

Đã có chúng tôi!

Một tháng sau bão, xóm biển thưa hẳn người. Cả con kinh Xáng Mới cũng chẳng thấy bóng dáng của mấy người đàn ông. Rồi nhiều bà mẹ ôm con bỏ xứ ra đi vì muốn chôn vùi quá khứ đau thương, phần vì mưu sinh khi đã mất trụ cột gia đình.

Ông Huỳnh Chuông (Ba Chuông), Bí thư Chi bộ ấp 4, xã Khánh Hội (nguyên Trưởng Ấp 7, xã Khánh Lâm năm 1997, nay là các ấp: 3, 4, 5, 6, 7 xã Khánh Hội), ngậm ngùi, chỉ tính riêng Ấp 7 lúc đó đã có hơn 100 ngư dân bỏ mạng trong bão Linda nhưng chỉ vớt xác được 1 người. Nguyên dân dẫn đến bi kịch là do sự chủ quan của ngư dân, khi đi biển không trang bị dụng cụ cứu sinh; các thiết bị vô tuyến lúc đó thì không ai có.

Ông Ba Chuông kể, thời khắc đó không ai có thể quên được cảnh làng xóm đổ nát. Trong hoạn nạn, tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã được phát huy cao độ. Chính quyền địa phương và cả cộng đồng xã hội hướng về vùng tang thương này, đến từng hộ gia đình trao tiền, quà hỗ trợ sau thiên tai; vận động các bà, các chị kìm nén đau thương, ổn định cuộc sống.

Bà Trần Thị Lăng hồi nhớ, hồi ấy bà được hỗ trợ gạo, thức ăn, cả gia đình ăn cả năm mà không hết. Cũng nhờ hỗ trợ tiền nhiều, bà mới có đủ kinh phí đi tìm chồng mấy năm ròng rã, vì tài sản là 2 chiếc ghe đã mất tích cùng chồng và những bạn ghe.

Sau bi kịch này, cả nước và các kiều bào nước ngoài chung tay, hỗ trợ để chia sẻ nỗi đau quá lớn và khắc phục hậu quả thiên tai. Bà Trần Thị Giang, chị dâu anh Nguyễn Văn Dụ, trải lòng: “Cứ cách vài ngày là cán bộ ấp, xã lại đến động viên gia đình tôi. Họ giúp tôi sửa nhà rồi khuyến khích, hỗ trợ tụi nhỏ tiếp tục đến trường. Vài năm sau cũng vậy, đến ngày đám giỗ chồng là họ lại đến thắp nén hương rồi hỏi thăm cuộc sống của mấy mẹ con. Chính vì thế giúp tôi có thêm động lực gắn bó nơi đây”.

“Ác mộng đã qua. Giờ đây con cái của tôi đều đã thành gia lập thất và tụi nó lại tiếp tục nối nghiệp của cha. Không những không sợ hãi khi ra biển khơi mà tụi nó còn vững tin cha sẽ phù hộ cho ghe biển được nhiều cá, mực...”, bà Giang lau nước mắt.

Chị Hồng Kim Yến có lẽ là người phụ nữ may mắn nhất xóm Kinh Xáng Mới này khi anh Nguyễn Văn Dụ, chồng chị là người duy nhất về trên 2 chiếc ghe của anh em, dòng họ. Gia đình lớn của anh Dụ có 2 chiếc ghe cào mé, 14 người đi, trong đó có phân nửa là máu mủ ruột rà.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Dụ chuẩn bị cho chuyến ra khơi

Anh Dụ trải lòng: “Sau bão tính bỏ nghề, nhưng ở đây làm có 1 vụ lúa, hơn 10 công đất, không dư dả gì. Những tháng nông nhàn thì chan chát, không có thu nhập nên 2 năm sau, tôi đánh liều đi làm tài công cho ghe người ta. Rồi dành dụm, mua 1 chiếc ghe nhỏ, giờ sắm chiếc lớn hơn nhưng cũng chỉ câu mực mé”. Anh cũng là người đàn ông bản lĩnh nhất xứ này khi dong ghe đi câu mực một mình trên biển từ trưa hôm nay đến sáng hôm sau mới về.

Làng cá Khánh Hội 20 năm sau bão số 5. Ảnh: Lê Chí

“Làng goá phụ” giờ đã đổi thay. Con kinh Xáng Mới đã tấp nập ghe biển và con đường lộ bê tông đã nối liền thôn xóm, tiếng nói cười của trẻ con vang vọng. Chị Yến chia sẻ: “Con trai tôi đã tròn 20 tuổi, hiện nó đã nhập ngũ nhưng vẫn hay gọi về hứa rằng sau khi ra quân sẽ về đi biển với cha”. Và chiếc ghe của anh Dụ sẽ có bạn đồng hành, bớt cô đơn giữa biển khơi, đêm tối.

Nghề biển đã ăn sâu vào tâm thức người dân nơi đây, từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác vẫn bám biển mưu sinh. Những chàng trai mười tám, đôi mươi ngày ngày vẫn hào hứng ra biển với niềm hy vọng mới…/.

Ông Châu Minh Đảm, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hội, huyện U Minh cho biết, 20 năm sau cơn bão Linda, đời sống của ngư dân Khánh Hội đã nâng lên rõ nét. Ngoài đi biển, các chị em phụ nữ còn kiếm sống bằng những nghề truyền thống nhờ tham gia các lớp dạy nghề ở địa phương. Thu nhập dù chưa đạt tiêu chí nông thôn mới, chỉ mới 31 triệu đồng/người, nhưng xã từ con số không sau bão, nay đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới. Đa phần trẻ em được đến trường và năm học này, có đến 95% học sinh của trường THCS Khánh Hội được chuyển lên học THPT ở Khánh Lâm, cách đó khoảng 7 km. Đây là con số rất có ý nghĩa khi trước đây đa số người dân chỉ trú trọng mưu sinh trước mắt, nay họ đã biết đầu tư lâu dài: đầu tư từ giáo dục thế hệ trẻ.

 Phùng Ngọc Trầm 

 

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.