(CMO) Ở huyện Trần Văn Thời, nghề rẫy từ lâu luôn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân gắn bó với nghề. Nhờ những liếp rau củ quả xanh tươi quanh năm mà đời sống bà con phất lên từng ngày.
Đang thu hoạch vụ dưa leo thứ 2 trong năm, anh Nguyễn Hải Ðảo (Ấp 1/5, xã Khánh Bình) mừng trong lòng khi thời điểm mùa mưa, diện tích trồng màu tăng mạnh và hoa màu cũng được giá, năng suất trái khá đạt. Anh Ðảo cho biết: “Trung bình mỗi cữ thu từ 150-200 kg, giá từ 70.000-90.000 đồng/bọc (15 kg). Vụ này trừ chi phí, gia đình còn lời hơn 10 triệu đồng. Vụ trước tuy hơi thất nhưng cũng được 3 tấn”.
Ðất ruộng tầm chục công, để kinh tế vững vàng, trước đây vợ chồng anh Ðảo cũng theo phong trào đưa màu xuống vườn, tận dụng đất trống trồng màu của bà con trong ấp. Mấy năm trước, thấy người ta nuôi cá bổi có ăn, được hỗ trợ vay vốn, anh Ðảo cũng múc hầm thả nuôi, rồi tạm ngưng trồng màu. Nghề nuôi cá đâu phải ai cũng làm giàu được khi giá cả bấp bênh, vậy là năm nay anh Ðảo quay lại với nghề rẫy, nghề mà anh gắn bó từ 16 năm trước.
Trên phần đất vườn, anh Ðảo lên liếp trồng màu hơn 1 công đất. Không luân phiên nhiều loại cây trồng khác nhau theo mùa mà anh Ðảo chỉ trồng dưa leo. Theo anh lý giải, vì dưa leo thời gian trồng mỗi vụ ngắn, từ khi xuống giống cho tới khi thu hoạch là 35 ngày.
Người đời thường bảo 1 công rẫy bằng 7 công ruộng, với anh Ðảo câu nói ấy quá đúng, nhưng phải xét cả 2 mặt, thu nhập cũng như công sức bỏ ra. Anh Ðảo bộc bạch: “Làm rẫy đâu có giờ giấc gì. Tối ngày ở ngoài rẫy mà việc làm không hết. Thu nhập 1 công rẫy bằng 7 công ruộng thật nhưng công mình bỏ ra cũng phải bằng nhiêu đó. 3, 4 giờ sáng là thức rồi, xới đất, làm giàn, làm cỏ, bón phân, đủ thứ việc. Trồng rẫy cực lắm nhưng có nguồn thu đều đều, trang trải cuộc sống hàng ngày, lo cho con cái học hành”.
Trúng mùa, được giá là niềm mong mỏi của bà con trồng màu.
Còn đối với gia đình ông Võ Văn Dủng (Ấp 9, xã Khánh Bình Ðông), nghề rẫy đưa đời sống gia đình đi qua gian khó, vươn lên. Ông Dủng kể, hồi xưa dọc theo kênh Già Dong này số hộ trồng màu làm kinh tế không nhiều. Không thể dựa hoàn toàn vào cây lúa, khi cả chục năm trước, năng suất, thu nhập từ lúa chưa nhiều. Vậy là ông Dủng nghĩ đến chuyện trồng rẫy thêm để cải thiện thu nhập. Trên phần đất vườn, ông cải tạo trồng 3 công màu luân phiên các loại cây ăn lá theo mùa, như rau cần, quế, rau thơm, rau muống tàu.
Làm lụng, xoay cây này tới cái kia, cùng với lúa, chuối, những vụ màu giúp ông Dủng có thu nhập kha khá, dần dư dả. Mấy năm nay, khi con trai đã trưởng thành, cáng đáng được việc nhà, ông Dủng vững tâm giao lại việc canh tác 5 ha đất ruộng, vườn cho con. Con trai ông cũng đang nối nghề trồng rẫy của cha.
Riêng với lão nông Hồ Văn Cường (Ấp 6, xã Trần Hợi), nghề rẫy là nguồn sống, là điểm tựa của gia đình. Chia đất đai cho con, với đất ruộng 4 công tầm lớn, ông Cường mạnh dạn trồng màu thay lúa quanh năm đã được 8 năm nay.
“Năm nay, để sên cái mương, đắp giồng trồng màu, tôi phải tự đào lấy, vì thuê người làm không có. Nếu thời tiết thuận lợi, nông sản được giá thì nông dân chúng tôi thu nhập ổn, có được cái ăn”, ông Cường tâm tình.
Ông Hồ Văn Cường bên rẫy khổ qua xanh mướt chuẩn bị thu hoạch. |
Trồng màu dưới ruộng, ông Cường chọn trồng khổ qua, dưa leo canh tác quanh năm, tới cận Tết thì có thêm liếp dưa hấu. Cũng từ khi thay đổi mô hình sản xuất, cuộc sống gia đình ông bớt nhọc nhằn, dần ổn định. “1 năm trồng được 3 vụ màu. Thời tiết, giá cả được thì 1 vụ trừ chi phí cũng còn lời 10-20 triệu đồng”, ông Cường bộc bạch.
Nghề rẫy đơn sơ nhưng thầm lặng song hành trong cuộc sống của hàng ngàn bà con nông dân huyện Trần Văn Thời. Nhờ những liếp rẫy tươi tốt, sai trái quanh năm, cho thu nhập đều đều mỗi ngày mà bà con dành dụm dần dà dư dả, cuộc sống đổi thay từng ngày./.
Ngọc Minh