Ðến ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, hình ảnh bắt gặp đầu tiên là những ngôi nhà nhỏ cũ kỹ, lụp xụp nằm san sát nhau gần mép sông. Là ấp nghèo nhất của xã nên có lẽ cái ăn, cái mặc hằng ngày đối với người dân đã khó chứ nói gì đến những ngôi nhà kiên cố, khang trang.
Ðến ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, hình ảnh bắt gặp đầu tiên là những ngôi nhà nhỏ cũ kỹ, lụp xụp nằm san sát nhau gần mép sông. Là ấp nghèo nhất của xã nên có lẽ cái ăn, cái mặc hằng ngày đối với người dân đã khó chứ nói gì đến những ngôi nhà kiên cố, khang trang.
Ấp Gò Công có tất cả 458 hộ dân sinh sống, trong đó có đến 81 hộ nghèo, 28 hộ cận nghèo.
Bấp bênh nhiều nghề
Ông Lý Minh Trí, Trưởng ấp Gò Công, cho biết, trong 458 hộ dân sinh sống ở đây chỉ có khoảng hơn 70 hộ có đất sản xuất. Nói là có đất chứ đất đai cũng có bằng ai đâu, số còn lại chỉ có đủ đất để dựng lên ngôi nhà.
Ông Võ Văn Út chuẩn bị ngư cụ cho lần ra biển sắp tới. Ảnh: KIM CHI |
Là ấp ven biển lại không có đất sản xuất nên đời sống kinh tế chủ yếu của bà con ở ấp Gò Công chính là bám biển. Những hộ nào có vốn thì có xuồng ghe đánh bắt xa bờ, những hộ không vốn thì đi bạn, lúc thì mò cua, bắt móng tay, chem chép, câu cá ngát ngoài biển. Những ngày mưa dông gió lớn, xuồng ghe phải neo đậu, bà con ấp Gò Công lại rong ruổi tìm việc làm thuê để kiếm sống qua ngày. Cuộc sống của bà con vùng đất ven biển này hết sức bấp bênh.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái Phạm Thị Tám cho biết: “Biển là nguồn sống của bà con ấp Gò Công, nhưng hiện tại nơi đây chưa có nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ do chưa có vốn, chủ yếu chỉ là những xuồng nhỏ đánh bắt ven bờ với công cụ đơn giản, thô sơ. Vì vậy thu nhập chẳng được bao nhiêu mà nguồn lợi thuỷ sản thì ngày một cạn kiệt”.
Sinh ra ở Sóc Trăng, vì mưu sinh, ông Võ Văn Út phải lặn lội xuống tận Cà Mau lập nghiệp. Bám trụ vùng đất Gò Công đã 30 năm, gia đình ông Út vẫn không có nổi một công đất sản xuất, chỉ biết bám vào biển để mưu sinh. Ðôi chân ông lại không đi được đã hơn 30 năm nay nhưng hằng ngày vẫn phải cùng người con trai út ra biển.
Ông Út trầm ngâm: “Chân không đi được thì tôi ngồi xuồng lái máy rồi phụ kéo lưới, chứ ở nhà thì lấy gì mà sống. Nói là ra biển nhưng chỉ dám đánh ven bờ chứ chiếc xuồng nhỏ xíu đâu dám ra xa, nếu ra xa mà bị phạt thì lấy đâu ra tiền đóng. Ðiều mong mỏi nhất của gia đình lúc này chính là được hỗ trợ vốn để trang bị, sắm sửa xuồng ghe đánh bắt xa bờ mới mong có cơ hội thoát được cái nghèo”.
Không khác gì ông Võ Văn Út, ở cái tuổi gần 70, ông Lê Văn Hậu lẽ ra đã được an hưởng tuổi già cùng con cháu, nhưng hằng ngày ông phải lênh đênh trên sông câu cá ngát, vào biền rừng bắt từng con ốc len, kiếm từng cây củi khô để hầm than bán. Cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng đâu phải lúc nào đi cũng có cái để mang về.
Cần vốn mưu sinh
Trong căn nhà lá lụp xụp, dáng ngồi lom khom bên dàn câu cá ngát, ông Hậu bộc bạch: “Nhà chỉ có hai vợ chồng già, không có đất đai sản xuất, tuổi cũng lớn rồi lấy đâu ra sức mà đi biển như thanh niên trai tráng, đành ở nhà câu cá, bắt ốc kiếm được đồng nào hay đồng đó. Chính quyền địa phương đang làm thủ tục để gia đình tôi được hỗ trợ vay vốn 5 triệu đồng chăn nuôi”.
Vì cuộc sống nổi trôi trên biển mà người dân nơi đây không biết đến con chữ. Anh Nguyễn Vũ Bằng, ấp Gò Công, tâm sự: “Vì gia đình nghèo nên từ nhỏ không có điều kiện đến trường. Gần đây, ấp có mở lớp học xoá mù chữ cho bà con, tôi rất phấn khởi, cố gắng đi học để biết với người ta. Nhưng những ngày tôi sống trên biển còn nhiều hơn ở nhà, lấy đâu thời gian đi học đầy đủ nên đến giờ tôi còn chưa viết được cái tên. Gia đình tôi chỉ mong có vốn để lên bờ chăn nuôi chứ cuộc sống lênh đênh trên biển vất vả mà lại bấp bênh, tôi ngán lắm rồi”.
Mỗi người một mong muốn, với ông Út, nghề biển đã nuôi sống gia đình 30 năm nên nặng nhọc, vất vả ông vẫn mong được sống chết với nghề. Còn anh Bằng chỉ mong có vốn để lên bờ lập nghiệp ổn định cuộc sống.
Bà Phạm Thị Tám trăn trở: “Ðời sống của bà con ở ấp ven biển Gò Công này nhọc nhằn là vậy nhưng vẫn phải cố gắng bám biển. Bởi lẽ nếu không bám biển thì cũng chẳng biết bám vào đâu mà sống”.
Bà Tám cho biết thêm, là ấp có nhiều hộ nghèo nhất của xã nên Gò Công luôn được quan tâm, hỗ trợ của chính quyền. Mỗi khi có chủ trương, chính sách hỗ trợ cho bà con, UBND xã đều cố gắng triển khai để những hộ nghèo có điều kiện làm ăn vươn lên, như hỗ trợ nhà ở, miễn giảm học phí đến trường cho các em học sinh, vay vốn của Ngân hàng Chính sách. Tuy nhiên, một số thủ tục vẫn còn phức tạp và thời gian chờ xét duyệt quá lâu, có khi lên đến hơn 2 năm. Hy vọng trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ bà con nghèo, đặc biệt là những hộ sống ven biển như ấp Gò Công, tạo điều kiện để người dân có thể vươn xa bám biển hoặc chuyển đổi ngành nghề ổn định hơn.
Nắng chiều xuống dần, bà con ven biển Gò Công vẫn tất bật công việc, người lo coi lại lưới, lờ, người thì chuẩn bị mồi câu cho chuyến hành trình sắp tới. Câu chuyện về gia đình ông Hậu, ông Út, anh Bằng chỉ là một góc nhỏ về đời sống mưu sinh của bà con ở ấp Gò Công./.
Phóng sự của Kim Chi