ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 16:44:44
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bến cũ vẫn còn chờ…

Báo Cà Mau (CMO) Trong cuộc đời Yến sợ nhất là những lần đi đánh ghen. Không phải Yến sợ mình đánh không lại tình nhân của chồng, mà Yến sợ khoảnh khắc chồng Yến ôm Yến vào lòng để người đàn bà kia đánh Yến tơi tả.

Tam thiệt lạ! Vợ mình không bênh, đi bênh nhân ngãi, để người ta đánh vợ mình bầm tím mặt mũi. Yến đi đánh ghen chứ Yến có đòi lại được gì đâu? Chồng cũng mất, mà mình mẩy Yến cũng bầm dập tơi tả. Hàng xóm chửi Tam rồi quay sang trách Yến ngu gì mà ngu dữ vậy không biết, bộ kiếp trước Yến nợ nần gì Tam chưa trả dứt hay sao mà kiếp này Yến chịu khổ theo Tam, theo cái thằng đàn ông lăng nhăng, vũ phu xài không được kia.

Yến cười nhạt nhẽo. Ừ thì Yến ngu. Yến ngu lắm mới chịu đựng người chồng khốn nạn của mình, chịu roi đòn, chịu cảnh chồng mình đi lang chạ cùng người đàn bà khác. Yến ngu nên Yến không biết nghĩ cho mình, chỉ sợ con gái lớn lên không cha, bị bạn bè trêu chọc.

Hồi Thơ còn nhỏ, Yến bồng con đi đánh ghen hoài. Đang ngồi vo gạo ngoài cầu ao, người hàng xóm đi ngang nhà mách chồng Yến đang ngồi ăn bún nước lèo với tình nhân ngoài chợ cạnh ngã ba sông, Yến tức mình bỏ nồi gạo vo dở qua một bên, đội nón lá bồng con chạy xồng xộc trên bờ sông ra chợ. Thấy chồng đang cười tíu tít với người khác, Yến giận sôi máu. Yến sấn tới, một tay bồng con Thơ, một tay giật ngược mớ tóc của người đàn bà kia ra sau lưng khiến cô đau nhăn nhó mặt mày. Vừa làm, Yến vừa chửi, vừa đay nghiến chồng mình. Tam quýnh quá hất tô bún nước lèo ăn còn một nửa xuống chân Yến. Cũng may tô bún nguội chứ không thì Yến cũng bỏng chân. Tam gỡ tay Yến ra khỏi mớ tóc của người thứ ba, tách hai người đàn bà ra khỏi cuộc ẩu đả đang đi đến đỉnh điểm. Đứa nhỏ sợ quá khóc thét, tiếng cải vã inh ỏi. Tam chỉ tay vào mặt vợ mà chì chiết:

- Đồ đàn bà hư, có mỗi chuyện sinh cu tí cũng không xong!

Yến sững sờ đứng yên như trời trồng. Được bênh, người đàn bà kia vênh mặt níu tay Tam đi ra khỏi quán bún nước lèo. Chỉ còn mỗi Yến với đứa con. Chủ quán thương Yến chạy ra xuýt xoa hỏi Yến có sao không, có đau chỗ nào không, có cần xức dầu nước xanh không? Yến lắc đầu, tiu nghỉu bồng con về nhà. Lòng thắt lại.

Mấy lần sau Yến lại đi đánh ghen, và lần nào Yến cũng bị chồng nặng nhẹ bằng những lời cay độc. Có khi Yến bị đánh lại. Đôi bàn tay của Tam - đôi bàn tay từng nắm tay Yến dẫn đi trên con đường quê giờ đã lạnh dần và trơ trơ như tượng đá. Yến không nhớ rõ từ lúc nào cái nhà này không còn là nơi ăn, ngủ, vui cười của Tam nữa. Tam đi suốt, khi xóm này, khi làng nọ. Đêm Tam ngủ ở đâu Yến cũng không hay, để rồi mỗi khi về nhà là Tam lại say khướt, đánh đuổi mẹ con Yến ra khỏi nhà ngay trong những ngày mưa dầm sùi sụt. Sợ Thơ bị cảm, Yến bồng con sang nhà hàng xóm trú nhờ. Hàng xóm khuyên Yến có đi đánh ghen thì đừng bồng bế con Thơ theo nữa, lỡ con nhỏ bị đánh trúng tội nghiệp. Vả lại con Thơ cũng còn nhỏ, đâu thể bắt nó chứng kiến cảnh cha ngoại tình, mẹ đi đánh ghen đòi chồng nhưng thất thế được? Yến nghe lời, quyết định gửi con cho hàng xóm trông chừng mỗi lần đi đánh ghen. Và lần nào cũng nhận về mấy bạt tai đỏ tươi với vài câu chửi nặng nề khiến tim gan nhức nhối…

* * *

Vậy là Tam đã ra đi được ba năm. Ba năm Yến sống trong cảnh đơn chiếc, trong nhà vắng bóng đàn ông, mọi thứ hư hao một mình Yến sửa hết. Hôm trước, cơn dông làm đổ cái chái bếp sau nhà. Bếp lò ướt sạch. Cơn dông đi qua, Yến bắc thang leo lên nóc nhà lợp lại cái mái bằng mớ lá dừa nước xé đôi. Nuộc lạt còn bén ngót cắt vào ngón tay Yến chảy máu.

Minh hoạ:M.Tấn

Không có Tam, Yến phải tự làm tất cả. Mà nghĩ lại có Tam ở nhà Tam cũng đâu có làm gì ngoài nhậu nhẹt và dang díu cùng người đàn bà khác. Yến tự nghĩ Tam có gì để người đàn bà khác trao thân ngoài vẻ bề ngoài. Những người đàn bà khác, trừ Yến, đi qua đời Tam cũng là những cuộc tình tiền trao cháo múc. Tam cứ sống như thế, ngót nghét mấy năm không về nhà. Yến cũng không còn đợi chờ gì Tam nữa. Bao lần có người mối mai dạm hỏi, nhưng Yến đều lắc đầu. Từng tuổi này, nói già cũng chưa hẳn là già, nhưng Yến cũng đâu còn trẻ nữa, đâu còn thanh xuân để bắt đầu một cuộc tình mới. Hơn hết là Yến có bé Thơ. Yến sống vì con. Yến sợ người ta ăn hiếp con của Yến, coi thường Yến, nên Yến đành ở vậy nuôi con.

Căn nhà Yến ở vẫn như thuở có Tam ở nhà. Nhưng nó vắng tiếng cười của Tam những ngày đầu mới cưới và vắng tiếng chửi rủa của Tam những ngày Tam sắp ra đi. Dưới bến sông, cây gòn đã quá chín tầng vẫn chưa gục chết, vẫn cần mẫn từng mùa trổ bông, ra trái. Mỗi độ thấy trái gòn rụng xuống đất, sắp bung ra là bé Thơ lại chạy đến nhặt trái gòn mang về cho mẹ lẩy vỏ lấy gòn dồn gối nằm vỗ về giấc ngủ đêm khuya.

Thơ lớn lên trong tình yêu thương của mẹ. Buồn, Yến với con xuống xuồng bơi về nhà ngoại chơi, khi thì ngủ lại sớm mai mới về. Nhưng cũng chỉ là thi thoảng. Bữa cơm hai mẹ con ngồi đâu mặt vào nhau. Canh rau muống, cá kho tiêu, dĩa dưa cải muối chua mà thành bữa cơm ngon ngọt.

Yến hay nghĩ bụng sao hồi đó Yến gan dữ, đi đánh ghen miết. Mà có đợt nào Yến thắng đâu? Không bị đánh lại cũng bị chửi bởi người đàn ông tán tận lương tâm. Mà Yến vẫn một mực đòi chồng. Yến nhìn Thơ, con bé đang ngồi mắt ngước nhìn đám cỏ dưới mé sông đang phơ phất trong làn gió nhẹ, bỗng nhận ra không có Tam thì Yến vẫn nuôi được con, vẫn dạy dỗ được bé Thơ nên người. Cần gì người đàn ông rượu chè be bét, nhẫn tâm chối bỏ con mình chỉ vì nó là con gái. Yến cười. Cuộc đời Yến có lẽ đã sang một trang mới. Điều Yến cần và Yến có ngay lúc này chính là sự bình yên.

* * *

Hàng xóm nói Tam về xóm mà Yến không tin. Yến nói giọng chua ngoa:

- Mèn ơi, chọc tui hoài! Người ta đi mấy năm, chắc có vợ con rồi, không về nữa đâu! Nếu người ta về thì đã về từ lâu rồi, đâu đợi đến bây giờ mới về tìm tui. Chọc tui hoài, tội nghiệp tui lắm à nghen!

Nhưng người ta quả quyết một buổi chiều thấy Tam cập ghe ngoài bến sông đầu rạch, cạnh đám lá dừa nước. Người đi ngang qua nhìn lén xuống ghe thấy Tam ngồi ngoài sau lái, ho sù sụ, điệu bộ khắc khổ lắm! Hàng xóm còn đồn đoán chắc anh sa cơ thất thế nên mới lếch thân về làm khổ vợ con.

Yến thở dài nghĩ bụng, thôi kệ người ta, còn luyến lưu gì đâu mà tìm, mà kiếm?

Nhưng đêm về Yến lại xốn xang. Yến cứ đau đáu nhìn về phía đầu rạch, chỗ đám lá dừa nước mọc ven sông. Hồi đó Yến cứ ước ao giá như con sông đó cạn khô để Yến xắn quần lội ngang đi đánh ghen, đi dẫn Tam về cho nhanh. Chứ bơi qua sông, sóng to gió lớn, Yến sợ! Nhưng có bao giờ sông cạn nước đâu?

Thơ vẫn nghĩ cha nó đi đâu đó thật xa, và con bé tin chắc rằng một ngày nào đó cha nó sẽ quay về tìm hai mẹ con. Tâm hồn con bé trong ngần như sương mai trên đầu ngọn cỏ. 

Tay lắc lư đều cánh võng trong căn nhà ọp ẹp nhưng ấm áp. Yến vuốt khẽ tóc hỏi con:

- Thơ, con nhớ cha không?

Con bé ngạc nhiên bởi mấy năm trời chưa lần nào Yến nhắc đến Tam trước mặt con. Nhưng nó gật đầu:

- Con nhớ...

Yến hỏi tiếp:

- Vậy, lỡ như cha có lỗi với mẹ, với con, thì con có tha thứ cho cha không?

Con bé gật đầu. Sự hồn nhiên của nó làm Yến điếng người…

Yến dẫn con ra đầu rạch đón đò xuôi theo dòng sông tìm chồng. Sáng sương lạnh. Nước ở hai bên văng vào trong khoang đò khiến mặt Yến ướt lấm tấm như sương. Yến kéo con vào sát người mình, còn mình thì cố nhìn hai bên dòng sông xem có chiếc ghe nào neo đậu hay không. Bến cuối của đò dọc nằm ở ngã ba sông. Yến thẫn thờ. Bóng ghe vẫn mù tít. Lỡ không gặp lại Tam thì sao? Yến tự hỏi như thế. Một phút định thần, Yến tự nhủ, gặp hay không gặp tuỳ duyên vậy, chứ biết làm sao được?

Nhưng khi đò cập bến ngã ba sông, Yến dắt con bước ra mũi đò thì lập tức nhìn thấy chiếc ghe đang neo giữa năm, sáu chiếc ghe dưới bến chợ. Chiếc ghe đó lạ nhất vì nó ngắn nhất, đơn sơ nhất và trước mũi ghe không có cây bẹo hàng như những ghe khác. Yến dụi mắt, Thơ cũng nhìn theo ánh nhìn của mẹ, nó la lên:

- Mẹ ơi, ghe của cha… ghe của cha… phải không mẹ?

Trông con bé mừng mà Yến rơm rớm nước mắt. Thơ đáng yêu đến thế, Thơ thương cha đến thế, cớ sao hồi đó Tam nhẫn tâm dứt bỏ Thơ cho được, hả Tam? Yến tự nghĩ.

Yến trả lời con:

- Mẹ không biết. Nhưng mẹ con mình sẽ tới đó. Biết đâu con sẽ gặp được cha…

Yến nắm tay con chen qua dãy chợ xô bồ cạnh mé sông. Hai mẹ con đi chuyền từ ghe này qua ghe kia, cuối cùng cũng tới được chiếc ghe nhỏ ấy. Tim Yến bỗng đập vội trong lồng ngực. Tự dưng Yến sợ, sợ phải đối diện với Tam, sợ những nỗi đau ngày cũ ùa về khiến Yến chùn bước trên hành trình quay về với người đã từng bỏ rơi Yến.

Nhưng Yến vẫn bước qua mũi ghe kia và nói:

- Ai ở trong ghe này làm ơn cho tui hỏi tí.

Từ trong ghe, một người đàn ông lụ khụ bò ra nhìn Yến. Tam - Yến nói không thành lời. Chính là Tam của những tháng năm xưa ấy đã từng bỏ mặt Yến mà đi theo nhân tình. Là Tam đã từng đánh Yến, mắng Yến, đau từng đoạn ruột mà Yến vẫn còn chờ anh quay trở về để bé Thơ được gọi hai tiếng “cha ơi!”. Tam chứ còn ai khác? Nhưng giờ đây Tam đã sức tàn lực kiệt, sống trong đơn độc và bệnh tật. Nhìn Tam thật khổ hạnh.

Tam quay mặt đi, nói gấp:

- Chị tìm ai, chắc lộn người rồi chị ơi…

Yến buột miệng:

- Tam! Đừng quay đi, là em đây! Cuối cùng em cũng tìm được anh rồi.

Tam thều thào, giọng đứt quãng:

- Em tìm anh làm gì nữa? Bao nhiêu năm anh đày đoạ em, anh bỏ mặc em mà em vẫn còn tìm anh. Yến ơi! Em có tội tình gì đâu?

Bé Thơ chui vào trong mui ghe cạnh Tam, níu tay Tam lắc lắc, khiến anh rơm rớm nước mắt. Yến tiếp lời:

- Còn bé Thơ, nó có tội tình gì đâu anh? Nó có tội tình gì mà anh bắt nó sống cảnh không cha? Tam ơi, chuyện xưa thôi đừng nhắc nữa. Về với mẹ con em đi Tam. Mẹ con em vẫn còn chờ anh…

Yến vẫn còn chờ. Như bến sông xưa vẫn còn chờ người thương quay trở về sau bao lầm lỗi…

* * *

Những cánh chim trời cứ bay đuổi nhau về nơi nào đó Yến không phân định rõ. Và chiếc ghe của Tam cũng nổ máy chở mẹ con Yến băng băng trên dòng sông quê hương về bến cũ thân thương. Ngồi trước mũi ghe, Yến nghĩ thầm: Đời người ngắn ngủi lắm, cớ sao cứ mãi sống trong thù hận, trong dằn dặt vì những chuyện đã qua. Tha thứ được thì thứ tha. Ôm hận làm gì cho tim gan trơ xót…

Trong ánh nắng, Yến thấy Tam cười./.

Truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương