Hôm cùng đoàn của Tỉnh uỷ về trao Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng cho đồng chí Vũ Khắc Trung, tức Võ Thành Ngoạt, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, buổi lễ diễn ra trang trọng, ngắn gọn tại gia đình. Sau đó là bữa cháo vịt “cây nhà lá vườn” ngon thiệt ngon. Suốt buổi, chúng tôi thấy vợ chú Bảy Ngoạt cứ cười hoài (dù răng đã rụng nhiều) mà không đụng đũa. Hỏi bà, bà nói: “Tại mừng quá”.
Ở tuổi gần 90, ông Bảy cười hồn hậu: “Tới giờ có thể nói là tôi đã trọn lòng theo cách mạng rồi”. Bà Bảy như mọi khi, vẫn nhẫn nại ngồi cạnh lắng nghe ông trò chuyện. Khi chúng tôi hỏi: “Rồi hồi đó sao ông bà gặp nhau?”, mắt ông Bảy sáng lên: “Năm 1952, lúc đó tôi về Tiểu đoàn 307 do anh Nguyễn Văn Tiên làm Tiểu đoàn trưởng, lần đầu đặt chân tới đất Cà Mau...”.
... Ven dòng Bạch Ngưu, Tiểu đoàn 307 làm quân giặc khiếp vía với những trận đánh vang dội ở Bàu Thúi, Rạch Ván. Nhiều bận qua lại Tân Lộc, ông Bảy cứ để ý hoài cô cán bộ phụ nữ nhanh nhẹn, duyên dáng. Ðó là Bảy Dư. Và ông cũng thú thiệt: “Thứ Bảy mà mọi người hay gọi là kêu theo bên vợ, chớ tôi chỉ có 3 anh em”. Vậy là “trai Sài thành phải lòng con gái Bạch Ngưu”. Kháng chiến cao trào, tình riêng gác lại, những dòng sông nhỏ cuồn cuộn đổ về bể lớn, năm 1954.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cà Mau Phạm Bạch Ðằng và ông Vũ Khắc Trung - cái bắt tay thuỷ chung của hai thế hệ. Ảnh: P.N |
Những ngày đình chiến, các anh trong Tiểu đoàn 307 và người cô ruột của ông Bảy từ Sài Gòn về đứng ra làm chủ hôn cho ông bà. Ông vẫn nhớ như in: “Lúc đó mới đánh Tây xong, tinh thần lên cao lắm. Ðám cưới cũng có mần heo, đãi đằng đàng hoàng”. Hạnh phúc vừa chớm, ông được lệnh lên bến Cần Thơ để tập kết ra Bắc. Ông không hay biết ở nhà bà Bảy đã có thai. Pháp rút, Mỹ - Diệm kéo tới, đất Cà Mau lại chìm trong khói lửa.
Bà Bảy chậm rãi: “Tui ở nhà tiếp tục tham gia công tác ở xã, sanh con đặt tên là Võ Thị Lệ Khanh, sanh rồi lại đi miết”.
Một mình vừa hoạt động cách mạng, vừa nuôi con, nhưng điều trăn trở nhất của bà là: “Ổng đi rồi mà không có tin tức gì hết, tui cứ vậy đợi chờ”. Còn ông, “ngày Bắc đêm Nam”, chưa biết mình đã có đứa con gái đầu lòng, nghĩ thương cho người vợ ở đất Cà Mau xa xôi.
Trên đất Bắc, ông Bảy được học tập ở Trường Sĩ quan Lục quân khoá X, sau đó là lớp luyện gang thép trên Khu Gang thép Thái Nguyên, nung nấu ngày về. Năm 1961, ông được lệnh vượt Trường Sơn về chi viện cho miền Nam ruột thịt.
Trong đời ông, những ngày trên dãy Trường Sơn là những ngày không thể nào quên. Ông cùng đồng đội phải ăn lá rừng chống đói, những anh em sức khoẻ yếu, hoặc bị sốt rét rừng phải thay phiên nhau cõng đi. Ðau lòng nhất là đột ngột bắt gặp “chiếc võng cô đơn giữa rừng”, đó là những chiến sĩ đã mãi mãi yên giấc giữa rừng thiêng. Sau 4 tháng trời, ông và đồng đội về tới R (Trung ương Cục miền Nam, Tây Ninh). Như lời ông nói, mỗi bước chân trong hành trình ấy đều có miền Nam, có hình ảnh người vợ đợi chờ bên bến Bạch Ngưu…
Vẹn lòng sắt son
Về Nam, ông Bảy được điều động công tác ở Tỉnh đội Kiến Phong (nay là Ðồng Tháp). Ðơn vị cử người báo tin và dẫn đường bà Bảy từ Cà Mau lên thăm ông ở vùng giáp ranh biên giới Campuchia. Bà Bảy thổn thức: “Nghe tin rồi, tui bán tín, bán nghi, sợ giặc nó gài. Mà mừng quá, liều mạng dẫn con đi”.
Gặp lại nhau sau gần chục năm xa cách, ông Bảy nhìn đứa nhỏ rồi khóc nức nở. Bà Bảy như “trời trồng”, biểu: “Con Khanh, bây lại mừng ba”. Về lại Cà Mau, bà Bảy công tác càng hăng say, có điều bà có bầu đứa thứ hai, tụi giặc làm khó dễ vì nghi là “có chồng tập kết”. Bà nhờ một người bà con xa “nhận đại” cái thai. Sáng đi tổ chức mít-tinh, biểu tình, tối lại chẻ lác dệt chiếu, nuôi heo. Bà cười hiền khô: “Mình ráng công tác tiến bộ, nuôi con tốt để chồng hoàn thành nhiệm vụ. Cực mấy cũng chịu được”.
Cưới nhau năm 1954, mấy ngày đoàn tụ năm 1962, để rồi cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, ông bà Bảy mới sum vầy. Chị Võ Lệ Hằng, con gái của ông bà, tâm sự: “Hồi mẹ bị bắt, tôi với chế Khanh ở nhờ cậu, chạy giặc liên miên, bơ vơ đói khổ. Tụi giặc bắt mẹ đem qua bên kia sông Bạch Ngưu đánh gần 50 báng súng. Rồi tụi nó giải mẹ ra Khám Lớn Cà Mau nhốt nửa năm”.
Bà Bảy một lời không khai, chỉ lo cho 2 con nhỏ ở nhà. Giặc bắt bà tra tấn dã man. Ở quê, ô buýt bắn cháy căn chòi nhỏ của mẹ con bà, đôi chiếu, con heo cũng cháy rụi. Nhẫn nại, chịu đựng, bà lại tiếp tục tham gia công tác, lòng dặn lòng phải đợi chồng về. Giữa TP Hồ Chí Minh trong ngày hội hoà bình, thống nhất, ông bà gặp lại. Ðứa con trai út tên Võ Quốc Trung ra đời. Vậy mà, cảnh gia đình ấm êm, đoàn tụ vẫn chưa thành sự thật.
Ông bà Bảy sớm tối bên nhau, bù đắp lại những khoảng thời gian xa cách. Ảnh: P.N |
Ông Bảy cho biết: “Sau năm 1975, tôi nhận công tác để tiếp quản và ổn định tình hình sau giải phóng, khi ấy tôi được biên chế vào Quân khu 9”. Gặp nhau rồi lại xa cách, ông chỉ nói gọn hơ: “Trong hoàn cảnh ấy, khi nhiệm vụ còn nặng nề, vợ chồng cũng phải động viên nhau để tiếp tục làm tròn phận sự”.
Cả ông và bà đều tin chắc rằng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi là gia đình sẽ được bên nhau. Vậy rồi biên giới Tây Nam lại ngập tràn tiếng súng, ông sang chiến trường Campuchia. Bà ở lại với chuỗi ngày đằng đẵng. Cấy lúa, dệt chiếu, buôn bán tảo tần để nuôi con, đợi chồng. 3 đứa con lâu lâu hỏi: “Ba nhìn ra sao hả má?”. Bà Bảy chiều chiều ra bờ sông Bạch Ngưu, lòng cũng thầm hỏi: “Hổng biết chừng nào ổng mới về?”.
Năm 1987, ông Bảy về thiệt, về hưu luôn. Tuy nhiên, ông chỉ đi đi về về giữa Cà Mau và TP Hồ Chí Minh. Bà Bảy tâm sự: “Ổng mồ côi, mồ cút, còn người anh ruột ở trên đó bệnh tật, nghèo khó không ai lo. Vậy là mình ên chạy ngược xuôi để sắp xếp”.
Người anh mất, năm 1997, ông về ở hẳn với bà tại Tân Lộc. Chúng tôi thắc mắc: “Vậy ông bà bên nhau đâu có bao lâu”. Ông bà nhìn nhau rồi cười. Ông 70 năm tuổi Ðảng, bà 55 năm tuổi Ðảng. Cả hai cùng là thương binh hạng 4/4. Một khu vườn nhỏ, 3 đứa con trưởng thành, một tổ ấm nằm san sát bên dòng Bạch Ngưu. Bấy nhiêu đó, cuộc đời còn có gì hối tiếc…
Ông Bảy sinh năm 1929 ở Tân Nhựt, Bình Chánh, Sài Gòn. Bà Bảy tên thật là Nguyễn Thị Dư, sinh năm 1935, tại Tân Lộc, bên dòng Bạch Ngưu. Ông Bảy là đứa trẻ mồ côi cha mẹ, làm cu li, làm mướn đủ mọi nghề để sống ở vùng ven Sài Gòn - Long An. Tháng 8/1945, theo tiếng gọi núi sông, ông Bảy tham gia Vệ quốc đoàn cướp chính quyền. Tiếp đó, ông được điều chuyển tại các đơn vị thuộc Khu 8, đứng chân trong Tiểu đoàn 307 anh hùng. Ðến năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1961, ông Bảy vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu cho đến ngày nước nhà hoàn toàn giải phóng. Chưa ngơi nghỉ, ông lại sang chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Ðến khi về nước, ông Bảy cũng đã tới tuổi hưu, đó là năm 1987. |
Ghi chép của Phạm Nguyên