(CMO) Nghèo khó, đối diện với nguy cơ sạt lở do biến đổi khí hậu… là những khó khăn mà hơn 130 hộ dân ấp Bỏ Hủ, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn đang phải đối mặt.
Ông Lê Văn Hoà, Trưởng ấp Bỏ Hủ, cho biết, trước đây, xã có 168 hộ, nhưng hiện do nhu cầu sinh sống, làm ăn xa nên ấp chỉ còn 134 hộ, trong đó có 34 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo. Nguyên nhân của nghèo và cận nghèo là do thiếu đất và thiếu phương tiện sản xuất.
Sinh kế khó khăn
Nghe ra thì ngỡ đó là không thể, vì Bỏ Hủ nằm ở “địa thế” tựa mình vào sườn biển Đông, có cửa Bồ Đề và Hố Gùi. Thế nhưng, cả ấp chỉ có chưa đầy 100 phương tiện đánh bắt, khai thác thuỷ sản. “Hầu hết (trên 80 hộ) hoạt động đánh bắt bằng phương tiện lưới, lú ven bờ thô sơ”, ông Hoà cho biết thêm.
Lưới ven bờ - nghề bấp bênh ở ấp Bỏ Hủ. |
Trên địa bàn ấp có tuyến tái định cư vàm Cả Nước, hình thành năm 2005, đến nay vì là nhà tiền chế nên đã xuống cấp. Cộng thêm ảnh hưởng của nước biển dâng, mưa bão, nhiều căn không còn đủ sức chống chọi.
Mặt khác, có hơn 20 hộ dân (không thuộc khu tái định cư) bị ảnh hưởng nghiêm trọng của sạt lở, đang mong chờ sự hỗ trợ mới.
Bà Lê Thị Xua, người dân bị ảnh hưởng sạt lở đất, cho biết: “Gia đình tôi 5 khẩu, vì sạt lở đất phía bờ vàm Bồ Đề nên phải vào khu tái định cư ở tạm trong căn nhà yếu ớt của bà Mai Thị Kỷ. Chồng và con tôi hằng ngày đi đánh cá, hôm nào biển động thì cùng người dân vào rừng bắt ốc len. Cuộc sống rất bấp bênh".
Ông Lê Văn Hoà cho biết thêm, thu nhập bình quân đầu người của ấp chỉ đạt 800.000 đồng/tháng (chưa tròn 10 triệu đồng/năm). Đó là khó khăn rất lớn của ấp, trong khi chưa có phương kế khắc phục. Muốn vươn khơi thì thiếu vốn, thiếu tài sản thế chấp. Sản xuất tại chỗ thì không đất, do tại khu tái định cư, mỗi hộ chỉ vỏn vẹn có nền nhà và 1 khu đất nhỏ (diện tích 10x40 m).
"Nhiều năm qua, phía sông Cửa Lớn chịu ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng, có đoạn mất 25 m sâu vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống bà con. Để có phương án tốt hơn, chúng tôi đã và đang kiến nghị UBND xã Tam Giang Đông, UBND huyện Năm Căn có phương án di dời khu tái định cư”, ông Lê Văn Hoà cho biết.
Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông Nguyễn Chí Đoan cho biết: “Bỏ Hủ là 1 trong 6 ấp khó khăn của xã, là ấp được xác nhận các tiêu chí ấp đặc biệt khó khăn của xã bãi ngang ven biển. Cả ấp chỉ có 1 tuyến đường dài chưa đầy 1 km. Cũng như bình diện chung của xã, Nhân dân ở đây có thu nhập thấp, phương kế sinh nhai không bền vững”.
Dùng dằng đi - ở
Là xã bãi ngang, Tam Giang Đông hơn 6 năm qua đã tranh thủ nhiều nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu để đầu tư hạ tầng giao thông và một số công trình phúc lợi xã hội, song vẫn chưa thể khắc phục khó khăn về hạ tầng. Nay vẫn còn 2 ấp Hố Gùi và Bỏ Hủ chưa kết nối được các tuyến giao thông chính.
"Thu nhập bình quân đầu người của xã này chỉ ước đạt 20 triệu đồng (năm 2016). Trong khi đó, theo lộ trình xây dựng NTM, xã cố gắng đạt vào năm 2020”, ông Đoan tâm sự.
Hiện xã chỉ đạt 7 tiêu chí NTM, hộ nghèo 13,46%, nhưng phương kế thoát nghèo thì chưa căn bản, chưa có hướng ổn định. “Tình trạng này gây rất nhiều khó khăn cho địa phương vì chưa hình thành được mô hình kinh tế mới có bước đột phá. Đầu tư chăn nuôi thì không sinh lợi, phát triển sản xuất thiếu tư liệu, vươn khơi thì thiếu vốn… Xã đang loay hoay xoay xở. Là người dân lớn lên từ mảnh đất này nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách”, ông Nguyễn Chí Đoan cho hay.
Địa hình cách trở gây nhiều khó khăn trong sản xuất, giao thương. Đơn cử như khi có việc cần về trung tâm huyện Năm Căn bằng xe máy, người dân ở Tam Giang Đông phải thực hiện một lộ trình khá dài: qua Tam Giang Tây, về Kiến Vàng rồi vòng lên Nhưng Miên về Năm Căn. Hoặc qua Vàm Đầm về Đầm Dơi, Cái Nước rồi qua Năm Căn. Còn đường thuỷ thì mỗi ngày chỉ 1 chuyến cao tốc đi về huyện. “Đi huyện còn khó hơn nhiều lần đi trung tâm tỉnh”, ông Đoan xác nhận.
Việc học hành của học sinh ấp Bỏ Hủ thì khỏi phải bàn. Học sinh phải vượt sông Cửa Lớn sang Chợ Thủ, Tam Giang Tây để học. Cuộc sống, điều kiện sinh hoạt rất vất vả, nhưng ngặt nỗi chiếu theo chính sách hỗ trợ học sinh khó khăn của Nghị định 116/2016/NĐ-CP về hỗ trợ gạo (15 kg/tháng/học sinh) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì không thể. “Vì quyết định hỗ trợ này quy định từ nhà đến trường của học sinh vùng khó khăn phải từ 4-7 km mới được hỗ trợ”, ông Hứa Trọng Nhơn, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Năm Căn, cho biết.
Theo số liệu thống kê, năm vừa rồi, cả ấp Bỏ Hủ chỉ có 19 học sinh thuộc diện được hỗ trợ gạo (10 em tiểu học và 9 em THCS). Trong khi Bỏ Hủ đa phần là hộ nghèo, cận nghèo, việc vượt sông Cửa Lớn nguy hiểm nhưng tính khoảng cách địa lý thì không xa.
Phong Phú
Một viễn cảnh nghèo khó, bế tắc đang diễn ra ở xã bãi ngang và ấp đặc biệt khó khăn Bỏ Hủ. Trời đã ngả chiều, khi nghe bà Trần Mỹ Hạnh gọi hỏi: "Tôi định sửa nhà mà hổng biết có dời đi không chú Sáu?", ông Trưởng ấp Sáu Hoà chỉ biết tặc lưỡi, cố giải thích: "Tôi cũng chưa rõ có dời đi hay không. Để hỏi lại xã cái đã..."./. |