Tháng 12/2014, chị vừa hợp tác với Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh thực hiện 30 tập phim về đề tài truyện dân gian. Ðó là động lực làm cho chị khoẻ khoắn và say sưa viết.
Chị sinh năm 1949, ở Cà Mau, tham gia công tác năm 12 tuổi, trải qua các công việc từ Đội Thiếu niên tiền phong, du kích xã, giao liên, giáo viên… Sau ngày đất nước thống nhất, chị làm việc ở ngành văn hoá tỉnh Kiên Giang cho đến tuổi nghỉ hưu. Chị là tác giả của 8 đầu sách, đã và đang viết kịch bản phim truyền hình và có nhiều công trình sưu tầm văn hoá dân gian. Chị là Nguyễn Mỹ Hồng, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.
Nơi chôn nhau cắt rún của chị nằm cạnh rừng tràm U Minh Hạ thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Chị được nuôi dạy trong gia đình nề nếp, có truyền thống cách mạng. Ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác đều tham gia kháng chiến.
Cây bút Mỹ Hồng mặc dù tuổi cao vẫn đam mê sáng tác. |
Tuổi thơ cơ cực đã trui rèn cho chị một bản lĩnh, nên khi bước vào cuộc chiến, chị rất vững vàng. Sau ngày đất nước thống nhất, hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn, chồng chị cũng hoạt động lĩnh vực văn hoá nên cuộc sống chật vật, chị phải đương đầu với biết bao khốn khó để lo cho 3 đứa con và 4 đứa cháu mồ côi, cha mẹ hai bên đều già yếu… Nhưng với sự lo toan, sắp xếp của chị, mọi việc rồi cũng qua, đến nay các con, cháu đều đỗ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và có sự nghiệp vững vàng. Chưa kịp hưởng thụ cuộc sống thảnh thơi thì cả vợ chồng đều phát hiện mắc bệnh tiểu đường khá nặng bởi di chứng chất độc Dioxin. Riêng chị còn thêm bệnh tim mạch. Năm 2003 là năm chị phải đối mặt với tử thần vì tai biến mạch máu não. Chị tích cực điều trị, may mắn thay, 2 năm sau, chị phục hồi dần. Ngoài yếu tố may mắn, ở chị còn thứ quan trọng đó là nghị lực sống.
Nghị lực phi thường
Ðối mặt với nhiều cái khó của thời bao cấp, gia cảnh lại khá bộn bề, chị Mỹ Hồng tự nhủ: Những năm tháng chiến tranh ác liệt, bom đạn kẻ thù không quật nổi mình thì trước cái nghèo tại sao mình lại chịu thua! Nghĩ vậy, chị tìm cách xoay xở, ngoài làm việc Nhà nước, chị cải thiện cuộc sống bằng việc làm bánh, nấu sữa đậu nành, làm sữa chua, sinh tố để bán. Vừa lao động chân tay vừa tập tành với công việc viết lách. Cũng trầy trật lắm mới được báo đăng, những đồng tiền nhuận bút ít ỏi là niềm vui lớn của chị và cả gia đình bởi nó giải quyết được một phần cơm áo hằng ngày.
Năm 1982, chị cho ra đời truyện ngắn đầu tiên và đoạt giải Ba cấp tỉnh. Tiếp sau là nhiều truyện ngắn khác được độc giả đánh giá cao như: “Chuyện Xóm Gò”, “Ðất trở màu”, “Trên nền dĩ vãng”… Sau đó, chị đầu tư cho công tác sưu tầm văn hoá dân gian và đã hoàn thành các công trình: “Người U Minh với nếp ăn cách ở”, “Ca dao ở Kiên Giang”, “Một số phong tục vùng U Minh”, “Chuyện đời xưa Nam Bộ” được giải khu vực ÐBSCL và Trung ương. Ðặc biệt, có 2 công trình văn nghệ dân gian được Hội Văn nghệ Kiên Giang đầu tư, đó là “Nghề làm bánh của Kiên Giang” và “Nông nghiệp thời thủ công vùng sông Hậu”. Tác phẩm “Chuyện đời xưa Nam Bộ” được Nhà xuất bản Ðại học Quốc gia ấn hành.
Người bạn đời và cũng là người bạn viết của chị là Nhà văn Anh Ðộng. Những năm anh bệnh tật, chị là cánh tay đắc lực giúp anh hoàn thành nhiều tác phẩm ký sự, truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch bản phim. Mới đây, chị đã chuyển thể xong tác phẩm văn học “Một góc quê” thành kịch bản phim truyền hình và một số tác phẩm khác.
Vừa sáng tác, vừa chống chọi với bệnh tật, nhưng chưa bao giờ chị thấy nản lòng. Con cái khuyên ngăn sợ chị làm quá sức nhưng chị có lập luận của riêng mình: Còn làm việc được là cuộc đời còn hạnh phúc, phải cố gắng, bởi nó vừa là cống hiến vừa là niềm vui. Hiện nay tiểu thuyết “Ðường dài thấm máu” của chị đang được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.
Gian khổ chính là chất liệu
Mặc dù không được đào tạo bài bản nhưng tình yêu cuộc sống, hoài bão, trách nhiệm… đã giúp chị trở thành người sáng tác chuyên nghiệp. Chị có lối viết chân phương, lời kể của chị làm quá khứ sống dậy, quay về. Chị viết như đang chia sẻ để người đọc cảm nhận và thấu hiểu.
Ðơn cử tập truyện ký “Trên nền dĩ vãng” gồm 13 câu chuyện, mỗi câu chuyện là mỗi hoàn cảnh, tình huống, nỗi đau, niềm hạnh phúc của những người lính. Chị giao liên một mình nuôi 8 đứa nhỏ, có 3 đứa là máu thịt của mình, còn 5 đứa là con của đồng đội. Chị vừa tiếp lương, tải đạn, vừa đưa đón cán bộ qua các cung đường hiểm trở, mưu trí vượt qua vòng vây của bọn lính đồn ác ôn, bọn thám báo, biệt kích rình rập khắp nơi, bảo vệ được cán bộ cao cấp và những tài liệu quan trọng. Hay chuyện kể về 2 người đồng đội trên đường đi mua thuốc cứu thương binh đã hy sinh khi tuổi vừa 16, 17. Chuyện về bữa cơm vội vàng giữa đêm khuya, các mẹ chiến sĩ lo cho những đứa con của mình dọc đường hành quân… Trên nền dĩ vãng ấy Mỹ Hồng đã “phục hiện” hình ảnh của những người sống cao đẹp, chết vinh quang làm cho người đọc cảm động và tự hào về con người và vùng đất Tây Nam Bộ.
Ngòi bút của chị còn đặt vào mảng văn chương khác, đó là văn hoá bản địa, là phong tục tập quán, là nét sinh hoạt cộng đồng của xứ Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang với con cá, lá rau, dòng sông, bến nước, cưới xin, cúng kiếng… Chưa dừng lại, Mỹ Hồng tiếp tục khám phá trong kho tàng văn hoá dân gian những điều hết sức thú vị ở ca dao tục ngữ, văn hoá ẩm thực, công cụ lao động nông nghiệp… 8 đầu sách vẫn chưa đủ để chị trải lòng, chị đang chuyển thể một số đề tài từ ký sự, truyện dân gian thành tiểu thuyết và kịch bản phim truyền hình như “U Minh hùng tráng”, “Một góc quê” và “Ba Phi toàn cảnh”. Trong 10 năm miệt mài sáng tác, chị đã có gần 20 giải thưởng cấp tỉnh, khu vực và Trung ương, điều đó đã khẳng định tài năng của chị.
Ở tuổi 65, sức khoẻ có phần hạn chế, nhưng chị vẫn toát lên niềm lạc quan qua bút lực của mình. Năm 2014, chị hoàn tất 2 tiểu thuyết và 2 kịch bản phim truyện truyền hình. Chị còn ấp ủ 1 đề tài văn hoá dân gian và 1 tiểu thuyết. Chị bật mí: cuốn tiểu thuyết này chị viết lại cuộc đời của chính mình, lấy chữ “muộn” làm chủ đề cho câu chuyện ấy. Chị muốn nhắn nhủ với mọi người rằng: dù muộn nhưng đừng bao giờ bỏ cuộc nếu ta biết tận dụng thời gian, sống hết mình và chân thật.
Tháng 12/2014, chị vừa hợp tác với Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh thực hiện 30 tập phim về đề tài truyện dân gian. Ðó là động lực làm cho chị khoẻ khoắn và say sưa viết.
Rồi đây độc giả sẽ có thêm nhiều tư liệu quý từ những sưu tầm, biên soạn, sáng tác của tác giả Mỹ Hồng để chúng ta biết nhiều hơn, đầy đủ hơn về văn hoá dân gian “trầm tích”. Chính nền văn hoá mang bản sắc vùng, miền này đã làm nên cốt cách của con người sống trên đất phù sa, rừng vàng biển bạc phía Tây Nam Tổ quốc./.
Bài và ảnh: Lê Ngọc Diễm