Nghệ sĩ Lê Nguyễn Trường Giang, chàng trai nối nghiệp Ðoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ, đang nỗ lực duy trì nghề truyền thống nhiều đời của gia tộc, với những áp lực, trăn trở riêng.
- NSND Bạch Tuyết: Cải lương cũng phải thích nghi để phát triển
- "Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương
- Đoàn Cải lương Hương Tràm giỗ Tổ ngành sân khấu
Lê Nguyễn Trường Giang dàn dựng và đảm nhận vai Pháp Hải Thiền Sư trong vở "Bạch Xà đáo địa ngục môn" ngay tại sân khấu mang tên mình. |
- Chào Lê Nguyễn Trường Giang, anh chú trọng điều gì khi dựng tuồng để vừa giữ được lượng khán giả trung thành với cải lương, vừa có sức hút đối với các bạn trẻ như hiện tại?
Nghệ sĩ Lê Nguyễn Trường Giang: Ðoàn giữ chân được khán giả nhờ yếu tố kịch bản và dàn dựng. Ðiều này tạo điểm nhấn riêng cho đoàn. Có nghĩa là, đầu tiên khán giả đến vì kịch bản. Tiếp đến, trong kịch bản đó, họ muốn xem tôi có dàn dựng phong phú, thú vị không, ví dụ có đưa xiếc, kỹ thuật bay, võ thuật... vào vở diễn hay không? Nếu có, chắc chắn họ sẽ quay lại những lần kế tiếp.
- Bên cạnh làm mới những tuồng kinh điển, anh còn dựng vở mới. Ðây có phải là một trong những yếu tố anh muốn tạo thêm sức hút cho sân khấu?
Nghệ sĩ Lê Nguyễn Trường Giang: Cải lương bây giờ không giống như thời trước. Vài chục năm trước, diễn một tuồng, khán giả có thể coi đi coi lại rất nhiều lần mà không chán. Nhưng bây giờ, khán giả coi một tuồng tầm 2 lần, hay 3 lần sẽ không coi lại, vì người ta biết hết mảng miếng và giá vé cải lương đắt hơn nhiều so với kịch nói. Người ta phải coi tuồng mới chứ không thể coi tuồng cũ hoài.
- Anh viết tuồng mới có vất vả lắm không?
Nghệ sĩ Lê Nguyễn Trường Giang: Rất vất vả. Tôi viết nhanh thì được 1 kịch bản/tháng, còn viết chậm có thể 3-4 tháng mới ổn. Viết kịch bản cải lương mất nhiều thời gian vì phải nghiên cứu bối cảnh lịch sử, trang phục... Kịch bản ra đời là kiến thức tổng hợp, cho nên phải chuẩn bị sẵn sàng tất cả mọi thứ.
- Ðể dựng một tuồng cải lương, sẽ gắn với thị hiếu khán giả như thế nào?
Nghệ sĩ Lê Nguyễn Trường Giang: Ðể khán giả đến với một tuồng, một đoàn cải lương, người ta sẽ xem ê kíp đó gồm những ai. Giả dụ, diễn tuồng cải lương Hồ Quảng thì bắt buộc phải mời những nghệ sĩ chuyên về Hồ Quảng, còn không là khán giả cũng không coi. Thêm nữa, khán giả thích âm nhạc và vũ đạo. Cái cuối cùng thu hút khán giả là phục trang. Những yếu tố đó mình gom lại sẽ tạo cảm hứng cho khán giả. Nếu không đảm bảo được sẽ rất khó bán vé. Nói chung, khán giả bây giờ khác ngày trước nhiều.
- Nếu nói như vậy, sự cạnh tranh giữa các đoàn cải lương bây giờ càng gắt gao hơn xưa?
Nghệ sĩ Lê Nguyễn Trường Giang: Bây giờ cải lương cạnh tranh theo dạng công bằng, lành mạnh, gắt gao hơn các loại hình nghệ thuật khác. Kịch nói còn bám theo trend được, hoặc bám trong đời sống. Còn cải lương làm sao bám theo được những cái trend đó. Cho nên, buộc phải thay đổi lớp áo mới bằng nhiều cách. Ngày xưa cải lương không chơi xiếc, nhưng tôi lại là người tiên phong đưa xiếc vào cải lương. Khi biểu diễn biến phép, tôi đưa đèn LED bên xiếc vào để ảo diệu hơn. Khi vừa lên kỹ thuật đó xong, hạ đèn sân khấu xuống, khán giả vỗ tay rần rần, vì vô cùng thích thú. Có nghĩa là tôi thay đổi cho cải lương bằng lớp áo vừa vặn và phù hợp, chứ không đem những cái đời sống như trên TikTok, trend vô khiến nó bị phi lý.
Nam nghệ sĩ không ngại hoá thân trong vai diễn nhỏ tuổi hơn đời thực, điển hình như vai La Nhân trong "Công chúa Ðồ Lư". |
- Việc mời những nghệ sĩ ngôi sao diễn, cùng với việc tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ cọ xát với nghề nhiều hơn, liệu có phải là bài toán khó không?
Nghệ sĩ Lê Nguyễn Trường Giang: Bài toán này cũng không khó khăn gì. Hiện nay, số lượng nghệ sĩ cải lương có tên tuổi rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Nghệ sĩ bây giờ ý thức một điều là cải lương đang trong thời kỳ không còn hoàng kim nữa, nên khi làm show, ai nấy đều hỗ trợ một cách rất vui vẻ. Thậm chí họ không lấy cát-xê cao như ngày xưa. Dù là nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ Nhân dân, hay những nghệ sĩ có tên tuổi lớn hơn, khi mời, họ sẵn sàng hỗ trợ hết mình. Họ nhìn vào show, coi mình bán vé như thế nào và sẽ lấy tiền hỗ trợ tương đương với giá vé bán ra.
- Cải lương không còn trong thời hoàng kim và anh lại sinh ra trong gia đình có truyền thống lâu đời ở bộ môn nghệ thuật này, anh và các thành viên khác trong gia đình gánh vác trách nhiệm duy trì nghề truyền thống ra sao?
Nghệ sĩ Lê Nguyễn Trường Giang: Tôi làm để duy trì nghề của gia đình, theo nghiệp "cha truyền con nối". Với tôi, nó thực sự là gánh nặng, vì trong gia đình, các cô chú, anh chị ngày trước rất giỏi. Giống như cậu Năm Thanh Tòng vừa làm đạo diễn vừa viết kịch bản; hay các chị như: Quế Trân, Tú Sương, Trinh Trinh... đều là nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ Nhân dân. Tôi là hậu duệ, đứng ra làm đoàn mang tên mình mà không chỉn chu, không đủ sức như các cô chú ngày xưa cũng là một áp lực. Tôi không đòi mình bằng các bậc tiền nhân, nhưng cũng mong khán giả công nhận công việc mình làm hiện tại.
Các chị nhiệt tình hỗ trợ tôi vì tôi là người nam duy nhất trong nhà đứng ra làm bầu đoàn, sau cậu Năm Thanh Tòng. Nói chung, các chị rất thoải mái với tôi, để tôi có "lửa", có tinh thần làm nghề. Ðiều này vô cùng tuyệt vời.
- Anh có sợ bị so sánh với các truyền nhân của các bầu đoàn khác cũng đang vực dậy sân khấu cải lương không?
Nghệ sĩ Lê Nguyễn Trường Giang: Tôi không ngại việc bị so sánh với các đoàn khác, vì đoàn tôi đang có hướng đi riêng. Tôi tự viết tuồng mới, thay đổi tất cả tính cách nhân vật... Tôi đang cho khán giả cải lương xem vở tuồng diễn ra hoàn toàn khác với những gì mà họ đã xem ở sân khấu hay video trên YouTube. Ðó là con đường tôi đang đi.
- Xin cảm ơn anh!
Lam Khánh thực hiện
(Ảnh nhân vật cung cấp)