Thu hút đầu tư phát triển cơ sở sản xuất, chế biến nông sản là lĩnh vực huyện Thới Bình đang ưu tiên để tạo điều kiện phát triển kinh tế. (Trong ảnh: Công nhân Xí nghiệp Thu mua và Chế biến Lương thực Thới Bình vận chuyển gạo đưa đi tiêu thụ).
Với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ và Nhân dân, 5 năm qua, kinh tế của huyện Thới Bình có bước phát triển đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Đồng chí Hồ Xuân Việt, quyền Bí thư Huyện uỷ Thới Bình, cho biết, trong nhiệm kỳ qua, các cấp, các ngành từ huyện đến xã tập trung lãnh, chỉ đạo, điều hành thực hiện 27 chỉ tiêu chủ yếu và đã gặt hái được rất nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
- Xin đồng chí khái quát những thành tựu quan trọng mà huyện đã đạt được trong nhiệm kỳ qua?
Đồng chí Hồ Xuân Việt: Với sự tập trung quyết liệt trong nhiệm kỳ qua, nhiều chỉ tiêu quan trọng của huyện đều đạt. Từ đó, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,71%, thu nhập bình quân đầu người trên 23 triệu đồng/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển khá toàn diện. Lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục phát triển ổn định. Ðến nay, huyện có 22 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt 62,85%; có 8/12 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Ngoài ra, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện kịp thời. Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm còn 2,45%. Ðời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện.
Thu hút đầu tư phát triển cơ sở sản xuất, chế biến nông sản là lĩnh vực huyện Thới Bình đang ưu tiên để tạo điều kiện phát triển kinh tế. (Trong ảnh: Công nhân Xí nghiệp Thu mua và Chế biến Lương thực Thới Bình vận chuyển gạo đưa đi tiêu thụ). Ảnh: ĐỨC TOÀN |
- Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, huyện còn những khó khăn nào, xin đồng chí cho biết thêm?
Đồng chí Hồ Xuân Việt: Những kết quả đạt được của Ðảng bộ huyện ở nhiệm kỳ qua là rất lớn, song cũng còn một số hạn chế nhất định, đó là: kinh tế phát triển khá nhưng chưa bền vững, chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của huyện; quy mô kinh tế nhỏ, tỷ trọng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp còn thấp. Ðời sống một bộ phận Nhân dân còn khó khăn; tình hình an ninh, trật tự từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp. Ðặc biệt, chất lượng hoạt động lãnh đạo, điều hành, quản lý của cấp uỷ Ðảng, chính quyền một số mặt chưa đạt yêu cầu. Ðó là những vấn đề đang tồn tại, Ðảng bộ cần tập trung để giải quyết tốt hơn trong thời gian tới.
- Huyện sẽ tập trung thực hiện những giải pháp cụ thể nào nhằm tháo gỡ những tồn tại trên, thưa đồng chí?
Đồng chí Hồ Xuân Việt: Tuỳ theo khó khăn cụ thể của từng ngành, lĩnh vực sẽ có giải pháp riêng sát với thực tiễn. Tuy nhiên, huyện sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt vào một số lĩnh vực mũi nhọn và thế mạnh.
Cụ thể, đối với lĩnh vực kinh tế, tiếp tục triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của huyện mà trọng tâm là đề án xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tập trung quy hoạch hạ tầng các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở xã Trí Phải, Hồ Thị Kỷ, thị trấn Thới Bình; quy hoạch kết cấu hạ tầng khu vực trung tâm xã Trí Phải, Hồ Thị Kỷ để có điều kiện nâng lên đô thị loại V.
Phát triển mô hình nuôi trồng thuỷ sản theo hướng thâm canh tăng năng suất, theo từng vùng sinh thái. Ðầu tư thực hiện các công trình thuỷ lợi, điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 ổn định diện tích nuôi thuỷ sản 48.980 ha. Ðồng thời, đối với vùng sản xuất chuyên lúa và cả vùng lúa - tôm, sử dụng các loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt. Ðầu tư khép kín các ô thuỷ lợi, xây dựng trạm bơm vùng lúa 2 vụ để chủ động phòng, chống khô hạn, ngập úng và xâm mặn.
Trên lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng việc tạo thuận lợi về mặt bằng, thủ tục hành chính…, mở rộng phát triển các ngành nghề sơ chế, chế biến nông sản, thực phẩm, cơ khí…
Nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Thới Bình phấn đấu đạt một số chỉ tiêu quan trọng như: thu nhập bình quân đầu người 49 triệu đồng/năm; tỷ lệ sử dụng điện 99,5%; 70% trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,2%. |
Ðối với lĩnh vực văn hoá - xã hội, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục - đào tạo. Tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh kịp thời quy hoạch phát triển mạng lưới trường học phù hợp với từng địa bàn, khả năng quản lý và đáp ứng được việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở các cấp học. Ðẩy mạnh xã hội hoá giáo dục; xây dựng xã hội học tập, đa dạng hoạt động khuyến học, khuyến tài. Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hoá các trang thiết bị y tế từ huyện đến cơ sở. Thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thực hiện đồng bộ các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Ðặc biêt, sẽ quyết liệt chỉ đạo thay đổi tư duy, nhận thức, phong cách làm việc của cấp uỷ Ðảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên. Nâng cao tinh thần dân chủ ở cơ sở theo hướng gần dân, tôn trọng dân và có trách nhiệm với dân. Kiên định phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, xây dựng Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể Nhân dân trong sạch, vững mạnh. Từ đó, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng phát triển quê hương.
- Xin cảm ơn đồng chí!./.
Nguyễn Phú thực hiện