(CMO) Mùa này, khi những con kinh, ao đìa đã bắt đầu cạn thì không những cây cối khát nước, mà nhiều vùng, con người cũng đang khắc khoải gồng mình vì thiếu nước. Đầu mùa hạn năm nay, khi truyền thông đưa tin, Nhà nước vừa đầu tư trạm cấp nước lớn cho người dân vùng Tân Bằng - Biển Bạch, những tưởng chuyện thiếu nước sẽ không còn. Thế nhưng không phải vậy, hằng ngày, người dân nhiều vùng vẫn phải đi mua từng thùng nước, vì Nhà nước không có đủ vốn để đầu tư nước sạch đến từng nhà, từng ngõ. Và chẳng lẽ không có phương cách nào khi người dân qua thời chạy ăn lại đến thời… chạy nước?
Bài 1:
Khắc khoải trong cơn khát
Về vùng Tân Bằng- Biển Bạch Cà Mau nghe câu hát xưa bỗng chạnh lòng. Dù bây giờ đường đi không còn xa xôi, cách trở, nhưng cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn loay hoay vì chén cơm manh áo. Những cánh đồng toàn là năn, kinh rạch đỏ ngầu. Dọc theo con sông Trẹm, người dân nơi đây vẫn từng ngày chạy… nước.
Chừng 10 năm trở lại đây, tháng Tư ở vùng Biển Bạch, thứ quý nhất trong nhà vẫn là nước. Thiếu cơm, thiếu gạo cũng không lo bằng thiếu nước. Ngày nào cũng thấy bà con lội ra đầu kinh đón ghe chở nước chạy ngang để đổi.
Chạy… nước từng ngày
Trong cơn đại hạn năm 2015, xã Biển Bạch có hơn 2.300 ha lúa bị thiệt hại. Những cánh đồng như rực lửa, giọt mồ hôi chưa chạm đất đã bốc hơi hết.
Nắng chang chang, ngồi trong nhà mặc quần đùi, cởi trần, ngó ra miếng vuông phía sau nhà, anh Nguyễn Văn Quắn, ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, thở dài: “Hai năm nay có cấy được cây lúa nào đâu. Tôm vẫn thả giống đều đều mà đặt lú thì không thấy con nào. Đi làm mướn đấp đổi qua ngày còn khó, vậy mà phải gánh thêm tiền mua nước. Một lu nước đổi ba chục ngàn, xài nhín nhút cũng không được một tuần”.
“Bà con sống ở tuyến kinh 500 của xã Biển Bạch này hơn chục năm nay năm nào cũng phải đổi nước xài. Trong này đã không có điện, không có đường thì còn chấp nhận được, chứ không có nước nữa thì sao dân sống nổi”, anh Quắn thở dài.
Tuyến kinh 500 của xã Biển Bạch dài khoảng 11 km vẫn chưa có đường ống dẫn nước về. |
Tuyến kinh 500 dài gần 11 km, cắt ngang kinh 21, song song với sông Trẹm, đi qua các Ấp 11, ấp Hà Phức Ứng, Ấp 18 và ấp Thanh Tùng của xã Biển Bạch. Ở tuyến kinh này, nhà nào cũng có cây nước, nhưng không có nước của cây nào xài được, nước chát ngấm làm nghẹn cả cổ họng.
Vợ chồng anh Phạm Văn Lành, chị Dương Thị Nhung thuộc diện hộ nghèo mà “chơi sang” nhất xóm, hỏi vay hơn 20 triệu đồng để xây chuồng nuôi gần 50 con cá sấu. Người còn không có nước xài, vậy mà đổi nước để nuôi cá sấu. Ai cũng lắc đầu ngao ngán, nói vợ chồng anh chơi ngông.
Không ngông sao được, mấy công vuông không có con tôm, ngày thì anh đi đốn keo lai mướn cho người ta bên Khánh Thuận, chị ở nhà hai nách hai con nhỏ, không đi làm ăn xa được. Biết làm gì cho đỡ khổ, vợ chồng anh mới bạo gan mượn tiền xây chuồng nuôi cá sấu. Ai dè, nuôi rồi còn khổ hơn. Mỗi lần thay cũng hơn 2 lu nước, hết sáu chục ngàn đồng; chừng chục ngày mới thay nước một lần cho đỡ tốn, vậy mà cũng có thấm tháp vào đâu.
Chị Nhung ngậm ngùi: “Năm ngoái, nghe nói Nhà nước xây trạm cấp nước gì đó lớn lắm, kéo đường nước bên Tân Bằng về tới xã Biển Bạch luôn. Tưởng trong này mười mấy năm thiếu nước cũng sắp được có nước xài nên vợ chồng tui mới nuôi cá sấu để có thêm thu nhập. Ai dè, đến giờ, ở ngoài đầu kinh 21 thì có đường ống nước cho dân xài, còn trong này thì không. Đến giờ vẫn đổi nước để xài chớ muốn xài thì dân phải tự kéo đường ống nhỏ vô nữa, cũng hơn 5–6 triệu đồng. Dân trong này ai cũng nghèo, số tiền lớn vậy sao có mà làm”.
Đi dọc theo các tuyến từ kinh 10 đến kinh 16, hơn 2 năm nay, không nhà nào sạ được một công đất. Hơn 40 hộ dân ở tuyến kinh 14, ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch cũng trong cảnh tương tự.
Lúc vợ chồng anh Đỗ Hoàng Anh, chị Mai Thị Tốt lấy nhau là đã gánh từng thùng nước về để làm đám cưới. Bây giờ, đứa con gái lớn đã 7 tuổi, mỗi lần nhà gần hết nước xài, phải túc trực dưới bến đón ghe chở nước để đổi. Cất nhà ở đậu trên nền đất của anh trai, được 5 công đất sau nhà, mỗi năm làm ăn tiện tặn cũng không đủ ăn, nên vợ chồng anh chị được cấp cuốn sổ hộ nghèo. Nhà chỉ có 1 cái lu để đổi nước, 3 lu còn lại đựng nước mưa uống qua hết mùa hạn.
Anh Đỗ Hoàng Anh dở lú không có con tôm nào. |
Vợ chồng anh Đỗ Hoàng Anh, chị Mai Thị Tốt chỉ có 1 cái lu dùng để đổi nước sử dụng. |
Chị Tốt chua chát: “Một năm được mấy tháng mùa mưa là không lo khát, tranh thủ đi làm kiếm tiền để dành mấy tháng mùa hạn đổi nước”. Mấy đứa con nít cũng biết chuyện, nên không dám vọc nước. “Nước đổi mắc tiền lắm, để dành uống, không thôi là chết khát, mẹ cha con dặn vậy đó”, thằng nhỏ 5 tuổi con chị Tốt nói gọn hơ.
Ước mong bình dị
Gần 100 hộ dân kinh 10 của Ấp 11 và kinh 11 của ấp Hà Phúc Ứng, xã Biển Bạch trái tuyến với đường ống nên cũng chỉ biết nhìn dân bên kia kinh có nước xài. Bên này thì vẫn chờ ghe đổi nước.
Có đến đây mới thấy được “sự hà tiện” của người dân vùng này. Cựu chiến binh Trương Văn Phương sống ở mảnh đất này gần một đời người, đến giờ vẫn thấy thiên nhiên là một thử thách lớn. Ông Phương trầm ngâm: “Lúc mới chuyển dịch sang một vụ lúa, một vụ tôm thì đỡ lắm, mấy năm sau thì còn dư vài chục giạ lúa. Hai năm trở lại đây thì không cấy lúa được nữa. Độ mặn 4 – 5 phần ngàn, thì cây lúa nào mà sống nổi. Giờ bên kia kinh có đường ống nước từ Tân Bằng về mà bên đây chưa có, vẫn đổi nước như mười mấy năm trước. Có điều, giờ đổi nước khỏe hơn. Không phải xách từng can lên đổ vô lu mà dưới ghe có ống kéo lên đây, chạy máy là bơm lên. Chừng 4 – 5 phút là đầy lu”.
Ông Huỳnh Minh Phước ở ấp Thanh Tùng, làm nghề đổi nước gần 2 năm nay. Ông làm nghề này từ đợt hạn hán, xâm mặn năm 2015. Gần 60 tuổi, ông Phước cũng từng gánh nước mười mấy năm trời. Ông may mắn, cả xóm chỉ có nhà ông khoan được giếng nước ngọt. Vậy là ông tận dụng nước ngọt “trời cho” rồi mua ghe, mua máy, mua ống hết gần 60 triệu đồng để làm nghề đổi nước.
Hai vợ chồng ông chạy chiếc ghe hết kinh này qua kinh khác, “mê cung” xứ này ông thuộc như lòng bàn tay. “Khi nào xăng dầu lên giá thì nước cũng lên giá, năm ngoái có 25 ngàn đồng một lu, năm nay lên 30 ngàn. Hai vợ chồng một ngày kiếm lời cũng được hơn 200 trăm ngàn đồng. Ban đầu, nhiều người nói làm nghề này thất đức lắm, nước xài mà đem mua, đem bán. Dần rồi họ mới hiểu mình, có khi còn cảm ơn mình, vì mình không chạy ghe đi đổi nước cho bà con thì bà con phải tự chạy xuồng có khi mười mấy cây số qua Tân Bằng để đổi. Thêm giờ có ống nước kéo từ dưới ghe lên bơm vô lu, bà con khỏi phải xách từng can. Làm nghề này sống cũng được, nhưng tui không thấy ham chút nào, muốn nghỉ làm đã lâu…”.
Chạy ra bật công tắc bơm nước xuống ghe, ông Phước tiếp: “Khi nào tui nghỉ làm nghề này là lúc đó dân có nước xài hết rồi. Bỏ nghề mà thấy vui trong bụng. Chớ còn đổi nước là dân còn khát. Không làm nghề này thì làm nghề khác kiếm sống, chứ bà con nghèo một năm lo bữa ăn còn không đủ no, phải gánh thêm cả triệu tiền đổi nước, thì biết bao giờ họ mới thoát nghèo được”.
Đi ngang kinh 9 xã Tân Bằng, người ta thấy công trình cấp nước khang trang hiện lên sừng sững. Những ống nước dẫn về khắp xóm, niềm vui của người dân cũng vỡ òa theo dòng nước mát. Nhưng liệu niềm vui ấy đã trọn vẹn?
Bài 3: Khi người dân làm cấp nước
Phóng sự của Thảo Mơ
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết, công trình cấp nước tập trung nông thôn liên xã Biển Bạch – Tân Bằng với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng, là công trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Công trình hoạt động với công suất 60 m3 nước/giờ, tương đương 1.440 m3 nước/ngày đêm. Tổng chiều dài tuyến ống 75.000 mét, phục vụ nước sinh hoạt cho 2.800 hộ dân hai xã Biển Bạch và Tân Bằng. Do quy mô như thế nên chỉ cấp được 1 tuyến. Hiện một số tuyến không nằm trong thiết kế của dự án nên vẫn chưa có đường ống chính đấu nối để người dân có nước sử dụng. Vì vậy, giải pháp trước mắt là sẽ lắp đặt đồng hồ phía bên cùng tuyến cho bà con và bà con sẽ tự gắn đường ống nhỏ nối qua nhà phía bên trái tuyến để sử dụng. |