Nghe cái tên Quý Cồ, ai cũng nghĩ tướng tá của tay này chắc phải hì hợm lắm, nhưng gặp Quý Cồ rồi mới té ngửa. Quý Cồ tên họ thật là Tạ Chiêu Quý, sinh năm 1984, trong một gia đình lao động nghèo ở Phường 9, TP Cà Mau. Anh nhỏ người, tướng tá thư sinh như cậu học trò hơn là anh thợ sửa xe máy.
Ở TP Cà Mau, hiếm có tiệm sửa xe gắn máy nào mần ăn được mà lại nằm trong con hẻm như của Quý Cồ. Con hẻm có tên là hẻm Tám Ngón, dưới cầu Gành Hào đi xuống kinh Rạch Rập, ngập nước lênh láng, nhà hai bên như dân vùng lũ, xe chạy trong hẻm mà cứ tưởng xuồng máy chạy trên sông. Tiệm sửa xe của Quý Cồ nhỏ, không bảng hiệu, phía trước có chiếc Chaly cũ là đặc điểm của tiệm sửa xe. Và cũng ở TP Cà Mau, hiếm thấy người nào có khả năng học nghề để “kiếm cơm” "bá đạo" như trường hợp của Quý Cồ.
Nghe cái tên Quý Cồ, ai cũng nghĩ tướng tá của tay này chắc phải hì hợm lắm, nhưng gặp Quý Cồ rồi mới té ngửa. Quý Cồ tên họ thật là Tạ Chiêu Quý, sinh năm 1984, trong một gia đình lao động nghèo ở Phường 9, TP Cà Mau. Anh nhỏ người, tướng tá thư sinh như cậu học trò hơn là anh thợ sửa xe máy.
Niềm vui của Quý Cồ khi dọn một chiếc xe máy đẹp vừa ý cho khách. Ảnh: ÁI NHƯ |
Hồi nhỏ, gia đình thấy Quý Cồ èo uột, nhỏ xíu người nên gọi Quý là Quý Cồ, hy vọng sau này Quý "bự" thêm chút nữa. Cái tên Quý Cồ có là vậy. Nhà của Quý Cồ nghèo, cha kiếm sống bằng nghề bán báo, vé số dạo ở khu vực Bến tàu B, Phường 8. Quý Cồ học hết lớp 6 thì nghỉ học, theo cha bán báo, vé số dạo ở khu vực bến tàu phụ kiếm sống với gia đình.
Năm 14 tuổi, Quý Cồ rẽ qua một hướng khác là học nghề và câu chuyện học nghề của Quý Cồ khá vui. Vào cuối những năm của thập niên 90, ở thị xã Cà Mau còn rất nhiều cửa hiệu, cửa tiệm đồng hồ, hàn tiện, cơ khí, điện thoại di động, điện tử, in kéo lụa, sửa xe máy nhận dạy học trò thí công.
Hiểu nôm na cách dạy nghề thí công là cần có người phụ việc, sai vặt. Nhưng thay vì phải thuê người, trả tiền công, các tiệm cạnh tranh nhau bằng cách nhận dạy nghề không lấy tiền và nuôi cơm. Do nhu cầu cần có người phụ việc, giúp việc, sai vặt mà không trả tiền công như vậy, các tiệm chơi chiêu độc: không có tiệm nào dạy nghề có bài bản cho học trò, chỉ dạy bằng cách phụ việc, tự học và học được gì đó thì học. Người nào có chí, sáng dạ, theo phụ việc riết quen rồi biết nghề. Người nào không có chí, tối dạ, biết được nghề khá lâu.
Mấy cửa hiệu không quan tâm chuyện này nhưng Quý Cồ quan tâm. Nhà nghèo, học nghề, biết nghề, đỡ tốn cơm gia đình, Quý Cồ không bỏ qua cơ hội. Từ năm 14-18 tuổi, Quý Cồ học được rất nhiều nghề ở thị xã Cà Mau, học đến nỗi nhớ không hết, có chỗ vài tháng, có chỗ gần nửa năm, chủ yếu là kiếm cơm, chứ có vốn liếng đâu mà ra mở nghề. Phải đến năm 19 tuổi, Quý Cồ mới định hình cho mình được là nghề sơn, sửa xe máy.
Quý Cồ theo nghề sơn, sửa xe máy hơn 10 năm và cũng như trước đó, anh gần như học nghề và làm thợ gần giáp các tiệm sửa xe máy, cửa hàng bán xe máy ở TP Cà Mau. Tâm huyết lớn nhất của Quý Cồ là mở tiệm sửa xe máy, tích luỹ được ít vốn từ làm thợ ở các tiệm sửa xe máy và mua bán xe máy cũ.
Quý Cồ 3 lần thuê mặt bằng mở tiệm sửa xe, nhưng vì vốn ít, không chịu nổi tiền thuê mặt bằng, thất bại, trở lại làm công cho các tiệm. Quý Cồ nhận ra một điều, tồn tại của một tiệm sửa xe máy không phải là mặt bằng, mà là chất lượng, uy tín, tay nghề. Ðầu năm 2014, tích luỹ thêm được ít vốn từ làm thợ cho các tiệm sửa, sơn xe máy và mua bán xe máy cũ, Quý Cồ quyết định vô hẻm Tám Ngón thuê nhà mở tiệm.
Với hơn 10 năm theo nghề sơn, sửa xe máy, thợ giỏi ở các tiệm, khi mở tiệm trong hẻm Tám Ngón, Quý Cồ quyết định chọn hướng đi riêng cho mình là chuyên về "dọn" những chiếc xe máy cũ có giá trị. Và thành công đã đến khi dân chơi xe máy thứ thiệt ở Cà Mau tìm đến hẻm Tám Ngón ngày càng nhiều.
Trong giới làm xe có nhiều phân khúc khác nhau, có tiệm chuyên về sơn, có tiệm chuyên về phuộc, có tiệm chuyên về pô xe, có tiệm chuyên về dên, xi-lanh, pít-tông, có tiệm chuyên về bình xăng con. Các tiệm phụ thuộc lẫn nhau và Quý Cồ gặp vấn đề với bình xăng con. Nhiều lần dọn xe cho khách, Quý Cồ giao bình xăng con cho các tiệm lớn ở TP Cà Mau làm nhưng không được như ý, phải thay bình xăng con mới, mà thay bình xăng con mới thì mất đi giá trị của chiếc xe dọn. Quý Cồ mày mò trên mạng và gặp được "thầy" Nguyễn Văn Xuyến, chuyên gia thứ thiệt về bình xăng con.
Chuyện sống có tình và chữ tín trong nghề với nhau của Quý Cồ và "thầy" Xuyến khá thú vị. "Thầy" Nguyễn Văn Xuyến là người ở thôn Trạch Thượng 2, thị trấn Phong Ðiền, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Anh là thợ cơ khí chứ không phải thợ sửa xe máy, nhưng từ năm 2011, anh tìm ra được phương thức tiết kiệm xăng cho xe máy tay ga và xe số rất lợi hại. Trung bình, khi được anh Xuyến làm lại bình xăng con, xe tay ga đạt hơn 48 km/lít, xe máy đạt hơn 65 km/lít xăng.
Câu chuyện làm lợi xăng cho xe máy của anh Nguyễn Văn Xuyến đã được báo chí trong nước thông tin rất nhiều và được người dân ở Huế phong là "Thần y" chuyên trị bệnh uống xăng như nước của dòng xe tay ga. Rất nhiều thợ sửa xe máy tìm đến anh Xuyến xin học nghề, anh chỉ nhận mỗi tỉnh, thành một học trò mà thôi. Tiền học phí rất cao, 50 triệu đồng cho 1 học trò trong 10 ngày học.
Như bắt được vàng, Quý Cồ mau mau đóng cửa tiệm, bán đồ đạc trong nhà, khăn gói lên đường ra Huế tìm thầy. Quý Cồ học nghề của "thầy" Xuyến vào thời điểm xăng lên giá vù vù, nên chỉ trong vòng hơn nửa năm, Quý Cồ đã lấy lại được vốn học nghề. Và quan trọng hơn, anh đã chủ động làm được bình xăng con như ý trong dọn xe cho khách.
Thấy Quý Cồ làm được bình xăng con lợi hại như vậy, thêm nhiều thợ sửa xe máy ở Cà Mau khăn gói lên đường ra Huế tìm "thầy" Xuyến học nghề, nhưng "thầy" không nhận, vì ở Cà Mau đã có Quý Cồ rồi. Duy nhất có một người, anh là thợ chuyên về làm bình xăng con lâu năm ở Cà Mau, nay không học được nghề của "thầy" Xuyến, anh đứng trước nguy cơ phải bỏ nghề vì không thể cạnh tranh được với Quý Cồ.
Thấy tình cảnh đáng thương của anh thợ chuyên về làm bình xăng con lâu năm, "thầy" Xuyến chạnh lòng, điện thoại về Cà Mau xin ý kiến của Quý Cồ. Nếu Quý Cồ cho phép, anh mới nhận dạy nghề cho anh thợ chuyên làm bình xăng con. Hồi học nghề của "thầy" Xuyến, thầy có hứa mỗi tỉnh, thành chỉ nhận một học trò, Quý Cồ chỉ nghĩ thầy nói vậy cho vui và quên đi, chứ nhận bao nhiêu học trò làm sao ai biết được. Khi đó anh chỉ lo học cho biết nghề rồi về.
Nhận cú điện thoại của thầy, Quý Cồ xúc động, hiểu thêm được giá trị của chữ tín trong nghề. Người thợ chuyên làm bình xăng con ở Cà Mau xin học nghề "thầy" Xuyến cũng không xa lạ với Quý Cồ. Anh đồng cảm được sự khó khăn của anh ta, muốn được san sẻ và đồng ý để thầy Xuyến phá cách nhận thêm người học trò thứ hai ở Cà Mau. Chuyện chưa dừng lại, sau đó không lâu, "thầy" Xuyến còn gửi về Quý Cồ 20 triệu đồng. Lý do gửi tiền về cho Quý Cồ là vì "thầy" nhận thêm người học trò thứ hai, nên chỉ lấy của Quý Cồ hơn phân nửa tiền học mà thôi. Chuyện của "thầy" Xuyến giữ chữ tín trong dạy nghề và thợ Quý Cồ biết chia sẻ miếng cơm trong nghề đã làm cho giới làm xe máy ở Cà Mau truyền miệng nhau nhiều.
Mỗi người có cách đi riêng trong cuộc sống, có người thuận lợi, có người khó khăn, không ai giống ai. Từ một người có tuổi thơ không đẹp, học hành chẳng tới đâu, giữ mình làm người có ích theo cái cách riêng của mình, Quý Cồ thành công hơn những gì nhiều người tưởng. Anh có công việc ổn định, thu nhập bình quân hằng tháng hơn 10 triệu đồng, công việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Và quan trọng, anh là người thợ được nhiều người biết đến là rất có tâm và nghề. Ðó cũng là lý do vì sao, con hẻm Tám Ngón ngập nước, ưa xuất hiện những chiếc xe máy lạ, từ hì hợm đến đẹp mắt, tìm đến Quý Cồ./.
Bút ký của Ái Như