(CMO) Tai nạn lao động (TNLĐ) là nỗi ám ảnh đối với người lao động (NLĐ) và cả với những đơn vị sử dụng lao động. Nhiều vụ TNLĐ không chỉ cướp đi sinh mạng của con người, mà còn để lại những hệ luỵ đau thương cho gia đình và xã hội.
Tháng 4 vừa qua tại xã Hoà Tân, TP Cà Mau, xảy ra vụ TNLĐ làm 1 người tử vong. Nạn nhân là anh V.V.Đ, sinh năm 1989, ngụ ấp Gành Hào 2, xã Hoà Tân. Trong lúc hàn sắt, chẳng may dàn giáo bị sập khiến anh Đ tử vong. Chồng mất đột ngột, chị Phạm Thị Rau, vợ anh Đ, nén nỗi đau, thay anh chăm lo cho hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.
May mắn giữ được tính mạng khi bị TNLĐ nhưng cuộc sống của ông Nguyễn Võ, Khóm 3, Phường 6, TP Cà Mau, gặp rất nhiều khó khăn. Tai nạn trong lúc làm hồ khiến ông Võ bị liệt cả hai chân, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ người thân hỗ trợ và phải ngồi xe lăn. "Từ khi bị tai nạn đến nay, chi phí điều trị trên 170 triệu đồng. Khoảng 3 tháng nay tôi có thể rời xe lăn, nhưng chân trái vẫn phải nẹp để khi di chuyển không bị gãy. Giờ đây tôi sống nhờ vào cha mẹ, anh em ruột chăm sóc, vợ và con gái thì sống bên nhà ngoại. Mong muốn của tôi là được nhận trợ cấp hàng tháng để có tiền mua thuốc uống và tập vật lý trị liệu. Hậu quả mà TNLĐ để lại, đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh”, ông Võ chia sẻ.
Tháng 6/2019, trong lần sử dụng máy dập tol, quá trình làm máy bị kẹt cò, ông Diệp Văn Dương (ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi) dùng tay sửa nhưng không may bị máy dập tol dập trúng bàn tay trái. Khi ông được đưa đến bệnh viện thì 4 ngón tay đã không thể cứu vãn, xương bị rạn, da thịt dập nát nên bác sĩ quyết định tháo khớp cả 4 ngón tay. Nhớ lại vụ tai nạn, ông Dương trải lòng: “Trước đây tôi là lao động chính của gia đình, thế mà sau vụ TNLĐ thì thành gánh nặng cho cả nhà. Cuộc sống gia đình từ đó cũng gặp rất nhiều khó khăn, mấy năm nay căn nhà xuống cấp trầm trọng mà không có điều kiện sửa chữa. Lần này được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà, tôi mừng không sao ngủ được”.
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là trách nhiệm không chỉ đối với các cơ quan chức năng, đơn vị sử dụng lao động, mà phía người lao động cũng cần chú ý tuân thủ các quy định về an toàn lao động để đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân mình. (ảnh minh họa)
Tai nạn lao động xảy ra đều để lại hậu quả cho NLĐ và cả người sử dụng lao động. NLĐ không những bị tổn hại về tính mạng hoặc sức khoẻ, khả năng làm việc mà gia đình họ cũng gặp khốn đốn do mất người thân hoặc mất trụ cột lao động dẫn đến cuộc sống bị đảo lộn, có thể rơi vào cảnh bế tắc. Còn chủ sử dụng lao động cũng phải chịu thiệt hại do tốn kém chi phí y tế, giám định thương tật, bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLĐ. Đó là chưa kể đến uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng xấu, hoạt động sản xuất bị gián đoạn do phải ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả…
Do đó, việc phát động Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm mục đích thúc đẩy các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hiệp hội, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, NLĐ và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật ATVSLĐ. Trong đó, đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động cũng như rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ. Đồng thời, tăng cường công tác chăm sóc, nâng cao sức khoẻ NLĐ, phòng chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử trao số tiền hỗ trợ cho một trường hợp người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tại buổi lễ phát động Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2023.
Kế thừa và phát huy hiệu quả của Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 16/2/2022 về Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, trung bình mỗi năm giảm 4% tần suất TNLĐ chết người, tăng thêm 5% số NLĐ được khám bệnh nghề nghiệp, 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động.
Tại buổi lễ phát động Tháng Hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2023 vừa qua, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị xem công tác ATVSLĐ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Theo đó, phải đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Phát động phong trào thi đua đảm bảo ATVSLĐ với sự tham gia của các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo công nhân, NLĐ. Tăng cường huấn luyện, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về ATVSLĐ cho NLĐ, trong đó cần chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp đảm bảo ATVSLĐ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Đại diện Đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau trao bảng tượng trưng tặng nhà Đại đoàn kết trị giá 50 triệu đồng cho ông Diệp Văn Dương, ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi.
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi đến các địa phương trên cả nước đề nghị các địa phương đốc thúc doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về ATLĐ. Trong đó, yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương tăng cường hướng dẫn, thanh tra về ATLĐ, hướng tới phạt nặng những cơ sở cố tình không tuân thủ quy định.
Để đảm bảo công tác ATVSLĐ, trách nhiệm không chỉ đối với các cơ quan chức năng, đơn vị sử dụng lao động, mà bản thân NLĐ cần chú ý tuân thủ các quy định về ATLĐ để đảm bảo quyền lợi cho chính mình. Trong trường hợp phát hiện chủ sử dụng lao động chưa thực hiện quy trình đảm bảo ATLĐ cần thiết, phải cử đại diện công đoàn yêu cầu phía chủ sử dụng lao động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi đối với NLĐ./.
Thanh Phương