(CMO) Năm nay, toàn tỉnh có hơn 40 sản phẩm đưa vào danh sách xây dựng sản phẩm OCOP, trong đó huyện Trần Văn Thời có tên 11 sản phẩm. Ðây là lợi thế lớn, cũng là thách thức không nhỏ cho ngành nông nghiệp cũng như các chủ thể trong việc chuẩn hoá và hoàn thành việc xây dựng các sản phẩm của huyện, cũng như cá nhân các chủ thể.
Tận dụng lợi thế sẵn có
Phòng NN&PTNT huyện đã cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tăng chất lượng, giá trị, năng suất, lợi nhuận.
Ngành nông nghiệp huyện đã tham mưu phân công nhiệm vụ cho các thành viên hội đồng, tổ tư vấn phụ trách từng hồ sơ sản phẩm và phụ trách lĩnh vực chuyên môn để thẩm định, đánh giá, chấm điểm hồ sơ sản phẩm đúng quy định, phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ NhoNho thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm: ghi nhãn, kiểu dáng bao bì, truy xuất nguồn gốc, câu chuyện sản phẩm, phương án sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên kết, xây dựng website...
Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời Lê Kuy Ba cho biết: “Ngành đang tham mưu để hoàn thiện sản phẩm OCOP năm rồi chuyển giao qua là thương hiệu cá khô bổi, tập trung vào việc nâng chất cũng như nâng tầm con cá khô bổi huyện Trần Văn Thời với phương châm đạt sao cao nhất cho các sản phẩm OCOP tới đây”.
Nhiệm vụ rất quan trọng nữa mà ngành nông nghiệp huyện đang triển khai là phát triển, nâng cấp hợp tác xã (HTX), 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của huyện là lúa gạo, chuối, cá bổi. Từ nguồn vốn nông thôn mới, huyện chỉ đạo xây dựng dự án thành phần mở rộng vùng nguyên liệu lúa gạo 42 ha đạt chuẩn VietGAP hỗ trợ cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Tâm, địa chỉ ấp Cơi 5B (xã Khánh Bình Tây) có sản phẩm gạo sạch Toàn Tâm tham gia Chương trình OCOP của huyện năm 2020.
Huyện Trần Văn Thời sẽ đồng hành để nâng sao cho các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP. (Trong ảnh: Giới thiệu, xúc tiến thương mại thương hiệu gạo sạch Toàn Tâm của HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Tâm, ấp Cơi 5B, xã Khánh Bình Tây). |
Kế hoạch cho sự phát triển
Nhằm nâng cao kiến thức về Chương trình OCOP cho người dân, đặc biệt là các chủ thể, người có vai trò quyết định trong nhiệm vụ này, ngành nông nghiệp huyện Trần Văn Thời tiếp tục tuyên truyền để Nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của Chương trình OCOP; phối hợp với các ngành chức năng tập huấn cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện.
Ngành nông nghiệp huyện Trần Văn Thời sẽ tập trung vào việc tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm 9 chủ thể, 9 sản phẩm: Lê Minh Ðức (cá khô bổi), Mai Văn Nhớ (trứng gà nòi thả vườn), Lê Huy Kiệt (cá ngừ đông lạnh), Cao Tôn Bảo (chuối xiêm ép khô), Nguyễn Quốc Khánh (trà xạ đen túi lọc), Huỳnh Thị Ngọc Hà (ống hút cỏ từ thiên nhiên), Nguyễn Văn Sỹ (cá khô bổi), Nguyễn Văn Khiêm (mắm chao, mắm tôm, mắm ruốc xào, mắm cá chua khô) và hộ Khưu Văn Chương (nước cốt nhàu). Ðây là những chủ thể có vai trò quyết định đến sự thành công trong xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP của huyện vào năm nay.
Khó khăn về xúc tiến thương mại, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh hiện nay, ngành chuyên môn huyện Trần Văn Thời khuyến khích các chủ thể tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm, từ khâu đầu tư trang thiết bị đến mẫu mã sản phẩm, đặc biệt quan trọng hơn hết, chất lượng sản phẩm phải là ưu tiên số 1. Song song đó, tận dụng các trang mạng xã hội để quảng bá sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng.
Ngành nông nghiệp huyện Trần Văn Thời đang có bước đi chậm và chắc hơn trong hành trình nâng chất cũng như xây dựng mới, gắn sao cho các sản phẩm OCOP của địa phương. Với sự chủ động đó, chúng ta có niềm tin và các chủ thể, họ có thể tự tay “thay áo” OCOP cho các sản phẩm./.
Phú Hữu