(CMO) Mấy năm nay, cứ dịp gần Tết là chúng tôi lại về thăm làng chuối khô Trần Hợi. Từ Ấp 10A, 10B kéo dài tận tới So Le..., cứ thấy những mẻ chuối khô vàng ươm trong nắng là người ta lại sực nhớ Tết đã cận kề.
Năm nay, anh Trần Vững, Phó chủ tịch UBND xã Trần Hợi thông báo cho chúng tôi một tin nghe mừng thiệt mừng: “Chuối khô Trần Hợi “lên đời” ăn Tết nghen. Bây giờ bà con làm chuối khô quanh năm luôn vì có máy sấy hiện đại hẳn hoi”.
Từ nỗi lo mai một làng nghề...
Qua lời của các anh lãnh đạo xã Trần Hợi, mặt hàng chuối khô thực sự có giá trị thương phẩm gần 20 năm nay, đánh dấu bằng sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong tỉnh. “Hồi đó người ta chỉ mần ăn chơi, chớ đâu ai mua bán gì”, anh Vững tâm sự.
Rồi thứ quà vặt của “nhà nghèo, nhà quê”, bỗng chốc trở thành đặc sản với những túi tiền rủng rỉnh muốn kiếm chút dư vị quê xưa hay đặt yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm lên trên hết. An toàn, ngon, bổ, rẻ và độc lạ đã khiến chuối khô nhanh chóng vươn mình đi khắp nẻo.
Mặt hàng chuối khô Trần Hợi giờ đã là đặc sản và được xuất đi khắp nẻo. |
Tôi còn nhớ bà nội của mình khi tại thế, cứ mùa nắng là lúc nào trong bồ lúa cũng có mấy xịa chuối khô. Loại chuối ngon nhứt là chuối chín bói, đem về “dú” trong khạp da bò với lá quao xanh. Chuối càng chín muồi thì ép càng ngon, ăn càng đậm vị. Đó là món ăn ngon nhứt mà thỉnh thoảng trong ký ức, bất giác tôi lại thèm đến nao lòng. Mùa gần Tết, nắng thật nồng nàn, gió lồng lộng, mùi chuối khô ép lại càng khiến con người ta dễ “say”. Bởi vậy, bước chân vô nghề phóng viên, nghe nói xứ Trần Hợi có nghề chuối khô là tôi đi liền, đi từ năm này qua năm khác, dẫu đề tài thật sự là rất cũ và cũng đâu chỉ riêng tôi khai thác.
Anh Trần Duy Thanh, Ấp 10B đã khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì cuộc “lên đời” táo bạo với chuối khô. 30 tuổi, chưa lập gia đình, nhà mấy đời có nghề gia truyền làm chuối khô, anh Thanh cứ hoài thắc mắc: “Làm nghề này cực lắm, mà được có mấy tháng nắng hà, giá cả trồi sụt nên đâu mấy ai mặn mà”.
Trong trí nhớ của mình, anh Thanh quả quyết ngày trước gần như cả ấp, cả xóm nhà nhà đều làm nghề chuối khô, nhưng nay chỉ còn vài chục hộ gắn bó. Chính dấu hiệu mai một ấy đã khiến người thanh niên trẻ quyết chí vực dậy một thế mạnh, một nghề truyền thống đã song hành cùng biết bao lớp người Trần Hợi.
Học xong lớp trung cấp ngành Tài chính - Ngân hàng, anh Thanh về công tác bán chuyên trách ở xã. Ngày ngày thấy cha mẹ (chủ vựa chuối khô Bảy Hoàng) trăn trở bên những mẻ chuối khô, nhất là mùa mưa thì gia đình hầu như không có thu nhập, anh Thanh quyết định nghiên cứu máy sấy chuối khô.
Từ những thông tin trên mạng, rồi tìm hiểu hệ thống máy sấy các loại nông sản khác, anh dần dần hình thành được hệ thống máy sấy của riêng mình. Cả cha, mẹ và bà con xung quanh có ý ủng hộ, nhưng cũng không ít người cười tủm tỉm: “Ai đời, sấy lúa, sấy gì chớ sấy chuối khô?”. Anh cứ mày mò nghiên cứu, tin rằng cái khác sấy được thì chuối nhất định sấy được, và điều này có ý nghĩa sống còn với làng nghề của mình.
Cơ may đến khi Sở Công thương tỉnh Cà Mau qua cầu nối UBND xã Trần Hợi đã tìm đến và hỗ trợ cả về kinh phí, khoa học - kỹ thuật và những tư vấn quý báu. Hệ thống máy sấy của vựa chuối khô Bảy Hoàng có tổng mức đầu tư 450 triệu đồng, hoàn toàn vận hành tự động, hiệu suất thì tuyệt vời. Nếu trước đây, mỗi tháng làm thủ công gia đình anh Thanh xuất khoảng 10 tấn chuối khô thành phẩm, nay tăng gấp đôi và làm quanh năm.
Lợi thế của hệ thống máy là thành phẩm chất lượng, vệ sinh, mẫu mã thì khỏi chê. Bởi vậy, chuối khô từ món quà quê giờ đã là mặt hàng đặc sản xuất đi khắp nơi xa gần.
Anh Thanh tâm sự: “Trước giờ, bà con làm nghề này mà vô mùa mưa thì hết cách, có làm thì chuối cũng không đảm bảo chất lượng, nay thì khỏi lo mấy chuyện đó”.
Đưa chuối khô "lên đời"
Bà Huỳnh Thị Diễm, mẹ anh Thanh, cho biết: “Hồi trước hổng có máy sấy cực lắm. Với lại bây giờ mùa Tết mà cũng mưa hoài, nếu không sấy thì chắc phá sản sớm”.
Bà Diễm gắn bó với cây chuối từ thuở nhỏ, chỉ cần nhìn là biết chuối khô có ngon không, có đủ phẩm chất hay không. Nào là mua chuối xanh, ủ chín, lột, sấy rồi ép, phơi, bàn tay bà đã làm ra không biết bao nhiêu tấn chuối xuất đi khắp chốn.
Bà nói: “Nhà ít đất, nếu hổng có nghề chuối khô thì đâu có được như bây giờ”. Nhìn con trai, bà rất vừa lòng: “Cũng may, con có tâm với nghề, cái máy sấy này khiến bà con quanh đây bắt đầu tính toán quay lại với nghề”.
Không chỉ có hệ thống máy sấy, chuối khô Bảy Hoàng còn được đóng bao bì (hút chân không) rất bắt mắt. |
Ông Bảy Hoàng, cha anh Thanh, xuôi ngược khắp nơi để gom nguyên liệu. Từ Khánh Hải, Khánh Hưng, Khánh Hội, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây… nơi đâu có chuối là nơi đó ghe của Bảy Hoàng tới. Bảy Hoàng mua chuối theo mùa, theo năm, giá cả và uy tín nên đi đâu người trồng chuối cũng quý mến. Thương hiệu chuối khô Bảy Hoàng, ngoài chất lượng, còn đến từ cái tâm, sự trân trọng rất mực với nghề truyền thống của cha ông. Cũng từ chuối khô, những người nông dân trồng chuối bắt đầu ý thức được giá trị của loại cây mà trước đây người ta chỉ trồng để ăn chơi là chính.
Những ai gắn bó với đất này, có về huyện Trần Văn Thời, U Minh mới thấu hiểu cái danh xưng “giống cây xoá đói, giảm nghèo” mà người ta gắn cho cây chuối. Chặng đường thoát nghèo, xa hơn là làm giàu, có thể bắt đầu từ những điều rất bình dị, như cây chuối chẳng hạn.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Thanh còn ấp ủ thật nhiều điều: “Bây giờ chuối của gia đình tôi xuất không đủ dù đã có hệ thống máy sấy, bà con ở đây nếu gắn bó chắc chắn sống được với nghề này. Mình làm ăn ngày càng uy tín, phát triển chớ, nghề chuối cũng phải vậy thôi”.
Ngẫm ra mà thấy càng khâm phục, chàng trai vừa 30 tuổi, chưa có vợ con lại có cách nghĩ đĩnh đạc và tâm huyết đến vậy. Chưa hết bất ngờ, chúng tôi còn được tận mắt chứng kiến cảnh đóng gói trong túi hút chân không của mặt hàng chuối khô. Hồi đó giờ, chuối khô người ta chỉ “nhét đại” vô bọc, hoặc cẩn thận hơn thì gói giấy, ai mà dè giờ cũng vô túi hút chân không, bao bì, thương hiệu rất đàng hoàng, đúng là đã trở thành mặt hàng cao cấp.
Mùa chuối Xuân Mậu Tuất, ước chừng gia đình ông Bảy Hoàng phải xuất cả trăm tấn chuối khô. Vậy mà bà Diễm vẫn lo không đủ hàng giao cho khách. Đây cũng là lần đầu tiên, người ta thấy nghề chuối khô vượt qua những mùa mưa bão một cách ngọt sớt và chẳng hề hấn gì.
Anh Thanh gởi cho nhà tôi một ít chuối khô và nhắn: “Tết rảnh anh xuống chơi với gia đình em”. Cảm ơn Thanh, tôi nhất định sẽ đem món quà này về cho mấy đứa con nhỏ ăn thử để biết thế nào là vị chuối khô. Cái mùi vị gợi Tết và gợi lên bao nhiêu điều thân thương của quê hương mình./.
Phạm Hải Nguyên