(CMO) “Hồi đó nếu không đánh liều, giờ đây không biết cuộc sống gia đình như thế nào?”, đó là câu đầu tiên anh Thanh (Lê Văn Thanh) chia sẻ khi nói về chuyện đầu tư chuyển đổi nghề khai thác của gia đình cách đây hơn 5 năm.
Cũng như bao ngư dân khác tại cửa biển Khánh Hội, anh Thanh sinh ra, lớn lên ở vùng biển này và dựa vào biển để mưu sinh bằng nghề kéo lưới mực và cào ven bờ. Tuy nhiên, nghề khai thác này ngày một kém hiệu quả, một phần là nghề cấm phải khai thác lén lút nên cuộc sống gia đình mỗi lúc một khó khăn. “Giữ không được, bỏ cũng không xong, vì bản thân từ nhỏ đã đi biển. Ngoài bám biển cũng không biết làm gì khác hơn để nuôi gia đình”, anh Thanh trần tình.
Nghề ốc mực hiện nay không chỉ mang lại hiệu quả mà dễ thực hiện và ít lao động. |
Trong lúc đang phân vân, được cán bộ kiểm ngư tuyên truyền về chuyển đổi nghề, trong đó có nghề ốc mực, anh nghe như mở cờ trong bụng. Sau thời gian tìm hiểu, anh biết được đây là nghề khai thác phù hợp với điều kiện phương tiện, kỹ thuật, nhân công lao động hiện tại của gia đình. Có hướng phát triển mới, nhưng kèm theo đó là nguồn vốn để đầu tư mua ốc, một số dụng cụ và cải hoán tàu khá lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng, làm anh lưỡng lự.
Sau nhiều đêm trăn trở, tính toán, cuối cùng anh quyết định đánh liều một phen chuyển sang làm nghề ốc mực. “Để có khoản tiền hơn 300 triệu đồng mua hơn 10.000 con ốc, gia đình phải gom góp hết tài sản tích luỹ nhiều năm qua; đồng thời phải đi vay thêm ngân hàng và cả mượn thêm của bà con, bạn bè”, anh Thanh nhớ lại.
Đúng như những gì anh kỳ vọng, kể từ khi chuyển sang nghề ốc mực, hoạt động khai thác mỗi lúc một hiệu quả hơn. Chỉ sau hơn 1 năm anh đã thu hồi được vốn. Anh Thanh cho biết thêm, nghề ốc mực rất đơn giản, chỉ cần 3-4 lao động là làm được. Đặc biệt hơn, nghề này không phụ thuộc vào mùa vụ, có thể đánh bắt quanh năm. Giờ đây mỗi chuyến biển tuỳ theo thời gian dài, ngắn có thể kiếm lợi nhuận vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Dám nghĩ dám làm đã mang lại cho gia đình anh Thanh cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Tuy nhiên, số ngư dân nghĩ là làm như anh Thanh hiện trên địa bàn tỉnh không nhiều. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 200 tàu, ghe hoạt động nghề ốc mực. Dù nghề này được ngành chức năng khuyến khích phát triển vì chỉ đánh bắt mực tua mà không làm ảnh hưởng tới các loài thuỷ hải sản khác (trong khi số phương tiện có công suất nhỏ hành nghề khai thác sát hại nguồn lợi thuỷ sản ven bờ như nghề cào, te, đẩy xiệp, lú bát quái, đáy bờ, đáy cạn... còn rất nhiều). Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 2.000 phương tiện khai thác ven bờ, đó là chưa tính đến số phương tiện thuỷ gia dụng được người dân cải hoán để tham gia đánh bắt, phương tiện cố tình đánh bắt sai luồng, tuyến.
Đây là thực trạng vẫn đang tồn tại dọc theo các tuyến biển từ Đông sang Tây của tỉnh. Dù các ngành chức năng đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp từ tuyên truyền vận động, hỗ trợ kinh phí đến tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý... , tuy nhiên, vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm bởi nó gắn liền với người nghèo. Sự bất cập này đã diễn ra nhiều năm và hệ luỵ nó để lại không chỉ làm nghề khai thác ngày một kém hiệu quả mà còn tác động xấu đến môi trường.
Cũng vì gắn liền sinh kế của người dân nghèo ven biển nên giải pháp chuyển đổi ngành nghề là điều gần như bắt buộc phải thực hiện, để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản bền vững. Hay như giải pháp “cộng đồng cùng quản lý nghề khai thác” mà Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Nguyễn Việt Triều đã từng khẳng định, là một tất yếu phải thực hiện. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai ở một số nơi, hiện đang tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Với giải pháp “cộng đồng cùng quản lý nghề khai thác”, từng tổ, nhóm ngư dân cùng nhau khai thác, cùng nhau quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, vì lợi ích chung của cộng đồng và lợi ích của chính mình. Cũng chính họ sẽ là những tuyên truyền viên vận động bà con ngư dân cùng tuân thủ pháp luật, các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) theo khuyến cáo của Uỷ ban châu Âu./.
Nguyễn Phú