(CMO) Bà Nguyễn Thị Thơm (Ba Xuân), nguyên Phó bí thư Huyện uỷ Cái Nước, xúc động: "Lực lượng binh vận và nội ứng của du kích là lực lượng thầm lặng cống hiến, thầm lặng hy sinh, không mấy người được biết và cũng không mấy người biết, cho đến bây giờ cũng vậy. Hồi đó tôi chính là người chỉ huy trực tiếp tổ binh vận và lực lượng nội ứng của Ba Phượng. Đồn Bù Mắt là một tiền đồn có tính chiến lược quân sự của đối phương. Đồn có yểm trợ rất thuận lợi và hùng hậu của Chi khu Đồng Cùng và Chi khu Năm Căn, nên có thể án ngữ tuyến giao thông huyết mạch của ta trên sông Bảy Háp và có thể thâm nhập sâu vào vùng giải phóng, ta rất quyết tâm tiêu diệt đồn này. Hồi đó Ba Phượng còn là Tổ trưởng Tổ Đảng Du kích mật của Bù Mắt. Chính lực lượng binh vận và nội ứng của Ba Phượng đã giúp ta đánh thắng oanh liệt đồn Bù Mắt năm 1972”.
Cô Ba Phượng hiện sống ở hẻm 19/5, Phường 8, TP Cà Mau. Bà già sau thời gian dài “phượt” độc hành bằng chiếc xuồng tam bản khắp các cửa biển, dân phượt thứ thiệt phải ngả mũ chào thua, mấy người con đưa cô Ba về TP Cà Mau. Dân xóm hẻm 19/5 chỉ biết cô Ba là bà già gói bánh ú lá tre, một nghề gói bánh xa xưa, thu nhập thấp, chẳng còn ai thèm làm. Dân xóm không ai biết cô Ba từng là Tổ trưởng Tổ Du kích mật có một thời “hét ra lửa” ở vàm Bù Mắt.
Niềm vui của cô Ba Phượng là gói bánh ú giúp người nghèo. |
Cô Ba Phượng tên thật là Huỳnh Thị Phước, sinh năm 1939, quê quán ở chợ Rau Dừa, ấp Vịnh Gốc, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước. Cô đi theo cách mạng năm 13 tuổi, tham gia công tác thanh niên, rồi giao liên, du kích, phụ nữ xã Trần Thới, huyện Cái Nước và được coi là hoa khôi của rừng ngập mặn xứ Bù Mắt, xã Trần Thới lúc bấy giờ.
Năm 18 tuổi, cô Ba lập gia đình với ông Đặng Minh Thông, bí danh Ba Phượng, cán bộ tuyên huấn của xã Trần Thới. Ông Đặng Minh Thông từng công tác tuyên huấn chung ở xã Trần Thới với ông Phạm Văn Tri (Bảy Minh), nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau. Sau đó, ông Ba Phượng đi bộ đội, vào đơn vị chủ lực pháo binh của tỉnh và hy sinh tại ngọn Bù Mắt vào năm 1970. Ông Ba Phượng hy sinh, để lại cho cô Ba 4 người con, (2 trai và 2 gái).
Thấy cô Ba còn quá trẻ, chỉ ngoài 30, lại 4 đứa con nhỏ, rất khó khăn, tổ chức quyết định cho cô Ba ra sống hợp pháp để có điều kiện nuôi các con nhỏ và giao cho cô Ba nhiệm vụ nhẹ nhàng là công tác phụ nữ ở vàm Bù Mắt.
Với ngoại hình đẹp, tư chất thông minh, lòng yêu quê hương, hận lính đồn Bù Mắt bắn chồng mình, cô Ba đâu dễ dàng chấp nhận sống an phận nuôi con như vậy. Cô Ba có nghề may rất giỏi học được từ trong căn cứ. Ra sống hợp pháp ở vàm Bù Mắt không lâu, cô quyết định mở tiệm dạy cắt may để hoạt động bí mật.
Tiệm dạy cắt may của cô Ba lúc nào cũng có hơn chục học trò xinh đẹp như tiên. Đám lính và sĩ quan đồn Bù Mắt thấy có nhiều gái đẹp cứ tới lui kiếm chuyện may đồ, thật ra là có cớ đến làm quen với học trò của cô. Đám sĩ quan và lính đồn đâu có hay đã bị lạc vào trận "bàn tơ" của cô Ba.
Cứ tận dụng tiệm dạy cắt may và những học trò xinh đẹp của mình, cô Ba tha hồ có điều kiện làm quen với đám sĩ quan và lính đồn Bù Mắt. Cô có thể ra vào đồn như đi chợ mua rau và tranh thủ được tình cảm của nhiều tên lính ở đồn Bù Mắt. Chính nhờ đó, cô vận động nhiều tên lính ở đồn Bù Mắt bị ép đi lính trở thành người của cách mạng và làm lực lượng nội ứng cho du kích ở Trần Thới. Biết được chuyện này, Xã uỷ Trần Thới giao hẳn cho cô Ba làm Tổ trưởng Tổ Binh vận ở Bù Mắt (còn được gọi là Tổ trưởng Tổ Du kích mật của Bù Mắt).
Tính ra trong thời gian làm công tác binh vận ở Bù Mắt, cô Ba vận động được hơn chục tên lính và sĩ quan ở đồn Bù Mắt trở thành lực lượng nội ứng. Tổ binh vận và lực lượng nội ứng của cô Ba không chỉ cung cấp cho du kích ở Trần Thới nhiều tin tức rất quan trọng về quân sự của đối phương, mà còn tiếp tế cho lực lượng du kích ở Trần Thới nhiều đạn dược, thuốc men, lương thực. Quan trọng hơn, năm 1972, tổ binh vận và lực lượng nội ứng của cô Ba đã làm nòng cốt chính cho du kích ở Trần Thới giải phóng đồn Bù Mắt, lập nên chiến công vang dội ở xứ rừng ngập mặn này, chiến thắng này đã được ghi danh vào lịch sử Đảng bộ Cái Nước và lịch sử Đảng bộ Cà Mau. Cảm động hơn là, sau đó còn nhiều người trong lực lượng nội ứng của cô Ba anh dũng hy sinh và được ghi danh liệt sĩ.
Cô Ba làm công tác binh vận ở Bù Mắt từ năm 1970 cho đến ngày giải phóng. Nói vậy chứ, đám sĩ quan ở Bù Mắt đâu phải không có người không lợi hại, đâu phải không có người không biết chuyện cô Ba làm. Một lần trong đường dây đi nhận thuốc men về cho căn cứ, cô Ba bị cảnh sát chìm Cà Mau bắt tại trận ở chợ Cà Mau. Thế là cô Ba bị biệt giam ở Khám Lớn Cà Mau gần 1 năm. Nhưng cuối cùng, do không lấy được lời khai của cô và không đủ chứng cứ buộc tội cô hoạt động mật cho cách mạng, đối phương đành "thả hổ về rừng".
Cô Ba Phượng còn có một giai đoạn cười đau cả bụng là khi 4 người con của cô trưởng thành. Cả 4 lo đi làm ăn xa, có gia đình, để lại bà già "mình ên" ở Bàu Chấu. Vốn là dân đi tứ xứ quen rồi, cô Ba đâu chịu ở yên một chỗ để mấy người con gửi tiền về lo, nên quyết định sắm một chiếc xuồng bán bánh lọt trên sông. Bà già cứ vậy ăn dưới xuồng, ở dưới xuồng, rong ruổi hết cửa biển này qua cửa biển khác ở Cà Mau bán bánh lọt.
Bà đi như vậy có khi 5, 6 tháng trời không thấy về Bàu Chấu. Mấy người con hay chuyện đi kiếm bà về muốn khùng. Tưởng sao, kiếm được bà già về cũng như "bắt cóc bỏ đĩa", chỉ vài bữa sau, mấy người con đi hết, bà lại đi tiếp.
Cô Ba bán bánh lọt trên sông 11 năm chứ ít đâu. Tới chừng bà chèo xuồng hết nổi mới chịu về nhà. Về tới nhà, bà hổng nói hổng rằng, nhẹ nhàng đặt lên bàn trước mặt 4 người con 18 cây vàng. Mấy người con nhìn thấy muốn... té xỉu.
Chuyện của bà già “gân” này chưa dừng lại, gần 10 năm nay, cô Ba đi theo Chương trình Khát vọng sống của Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, ấn tượng không tệ. Mỗi tháng, cô Ba đi theo chương trình 1 lần và chỉ làm mỗi chuyện là gói bánh ú bán cho đoàn ăn. Mỗi chuyến theo chương trình như vậy, cô Ba bán được từ 600-800 ngàn đồng. Cô chỉ giữ lại vốn để tái gói bánh ú, còn bao nhiêu tiền giao hết cho chương trình để giúp người nghèo. Tính ra trong gần 10 năm, cô đóng góp cho Chương trình Khát vọng sống cũng bộn tiền và được mọi người tặng thêm biệt hiệu “Cô Ba bánh ú!”.
Năm nay, cô Ba Phượng tròn 78 tuổi, nhưng không ai nghĩ bà già 78 tuổi. Cô Ba vẫn “gân” đến câu lạc bộ đờn ca tài tử vào cuối tuần và “gân” ca vọng cổ ngọt ngào như Thanh Kim Huệ. Ai nghe cô Ba ca cũng phải ngỡ ngàng, không biết sao bà già 78 tuổi lại có giọng ca cổ muồi quá trời quá đất vậy.
Đi suốt chiều dài 78 năm của đất nước với bao chịu thương, chịu khó, chịu đau trong suốt những năm tháng chiến tranh khốc liệt và những năm tháng đất nước hoà bình còn nhiều khó khăn, cô Ba Phượng hiện lên với đủ đầy vẻ đẹp của một phụ nữ đồng bằng Nam Bộ.
Ái Như - Ngọc Trầm