Lao động ngoài tỉnh giờ không còn là chuyện lạ ở Cà Mau. Nhiều gia đình, thậm chí là dòng họ cùng nhau bỏ lại nhà cửa, chút ít đất đai để tìm đường mưu sinh mới. Trong bối cảnh cơ cấu kinh tế tỉnh nhà chưa chuyển dịch mạnh mẽ, nhu cầu lao động có giới hạn thì vấn đề trên được coi là giải pháp tình thế. Tuy nhiên, dòng lao động ra đi cũng để lại những hệ luỵ xã hội có thể tạo thành những câu chuyện nhức nhối.
Lao động ngoài tỉnh giờ không còn là chuyện lạ ở Cà Mau. Nhiều gia đình, thậm chí là dòng họ cùng nhau bỏ lại nhà cửa, chút ít đất đai để tìm đường mưu sinh mới. Trong bối cảnh cơ cấu kinh tế tỉnh nhà chưa chuyển dịch mạnh mẽ, nhu cầu lao động có giới hạn thì vấn đề trên được coi là giải pháp tình thế. Tuy nhiên, dòng lao động ra đi cũng để lại những hệ luỵ xã hội có thể tạo thành những câu chuyện nhức nhối. Chuyện tìm con chữ tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh sẽ khiến nhiều người phải suy ngẫm trong mùa tựu trường mới.
Cái khó "bó" con chữ
Tìm về các ấp lâm phần thuộc xã Khánh Lâm, những lớp học thưa vắng học sinh là tình trạng mà cả địa phương và nhà trường vô cùng trăn trở. Trưởng Phòng GD&ÐT huyện U Minh Trần Hoàng Lạc cho biết: “Những năm học gần đây xảy ra tình trạng bất thường, đó là việc học sinh ở các vùng lâm phần xin chuyển trường theo cha mẹ lên các tỉnh miền Ðông với số lượng nhiều. Hiện tượng này để lại nhiều vấn đề mà ngành giáo dục và địa phương vẫn đang tìm hướng giải quyết”.
Thầy, cô Trường THCS U Minh Hạ cứ nơm nớp lo lắng những học sinh lớp cuối cấp sẽ bỏ học để theo cha, mẹ đi lao động. Ảnh: P.N |
Khánh Lâm là xã khó khăn của huyện U Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Huỳnh Thanh Luôl thông tin: “Bà con một số ấp thuộc lâm phần rừng tràm đời sống còn vất vả, chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Do kinh tế khó khăn, nhiều người phải tìm đường ra ngoài tỉnh lao động. Số lượng lao động rời địa phương tăng mạnh trong khoảng 4, 5 năm trở lại đây”.
Thực tế, cư dân các ấp lâm phần rừng tràm Khánh Lâm phần lớn là nhận đất rừng khoán, hiệu quả sản xuất hạn chế. Chỉ tính riêng tỷ lệ hộ nghèo đã chiếm khoảng 33,4%. Các ấp khó khăn nhất của xã là Ấp 11 với 115/224 hộ nghèo, Ấp 13 với 60/118 hộ nghèo.
Ấp 11 và 13 những ngày này, bên cạnh niềm vui náo nức mùa tựu trường vẫn còn đó biết bao trăn trở. Ông Luôl chia sẻ: “Là người con của địa phương, tôi biết rõ những trường hợp các em học sinh chuyển trường hoặc bỏ học theo cha mẹ đi làm đều vì sự bức bách của cuộc sống”.
Khánh Lâm vẫn còn nhiều trường hợp cha mẹ đi làm đành phải gởi con cho ông bà, thân thuộc lo lắng việc học hành. Thông tin từ Phòng GD&ÐT huyện U Minh, chỉ tính riêng đầu năm học này đã có hơn 120 hồ sơ xin chuyển đi các tỉnh miền Ðông, chưa thống kê được số trường hợp bỏ học. Tính theo bình quân học sinh trên lớp của U Minh hiện tại, ở mức trên 20 học sinh/lớp, thì việc các lớp học thưa vắng trong năm học mới ở Khánh Lâm là điều có thể lý giải được.
Ðứng ở góc độ địa phương, ông Luôl chia sẻ: “Chuyện chuyển trường là nguyện vọng của bà con, chúng tôi không thể can thiệp. Khi đi, các gia đình cũng khẳng định là điều kiện học tập ở các nơi sắp chuyển đến đảm bảo. Nhiều người còn giải thích, gởi con cháu lại cho ông bà hoặc bà con thì cũng không yên tâm”. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng bàn nếu đúng như lời phụ huynh nói. Tìm gặp trực tiếp các trường học có đông học sinh của Ấp 11 và 13, xã Khánh Lâm, mới thấy thực tế lại rất đáng lo ngại.
Nhiều hệ luỵ
Thầy Trần Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, băn khoăn: “Năm nào cũng có vài chục em đi, như năm nay, có 20 hồ sơ xin đi, còn lại đâu khoảng chục em chưa thấy tới lớp”. Chuyện học sinh chuyển đi trở thành “chuyện thường ở xã”, và thầy Sơn cũng lắc đầu ngao ngán: “Ðâu biết cách nào để khắc phục. Phụ huynh xin chuyển thì mình phải ký thôi”.
Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có 1 điểm chính, 4 điểm lẻ, chủ yếu đảm bảo công tác giáo dục cho những ấp lâm phần khó khăn nhất của Khánh Lâm. Thầy Sơn thông tin thêm: “Ðiều kiện cơ sở vật chất, đời sống giáo viên còn khó khăn lắm, anh em cố gắng động viên nhau để giúp học sinh vùng lâm phần có được con chữ để sau này có tương lai”.
Sĩ số biến động, nhà trường đành báo về Phòng GD&ÐT, phòng lại cùng nhà trường và địa phương đến tìm hiểu, vận động, thuyết phục phụ huynh. Cái khó là “nhà người ta đi hết rồi, đến vận động với ai”, thầy Sơn bộc bạch.
Theo thầy Sơn, nhiều trường hợp xin chuyển đi do không nhập học được đành… quay về học lại. Nhiều lần, vị Hiệu trưởng đành chấp nhận kiểu: “Mấy em về lúc nào cho học lại lúc đó”. Theo phân tích của thầy Sơn, người chịu thiệt thòi nhất là bản thân các em học sinh vì hổng kiến thức, nhiều em lỡ dở năm học. Nhà trường cũng “trầy da, tróc vẩy” vì phải làm lại hồ sơ, cử giáo viên kèm cặp. Vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại mà chưa có hồi kết.
Trao đổi với địa phương, các nhà trường, một câu hỏi day dứt không kém cũng đặt ra: “Nếu không theo cha mẹ, ở lại học hành là lựa chọn có tốt hơn hay không?”. Cả ông Phó Chủ tịch UBND xã và các thầy cô giáo đều cùng nhận định: “Ðúng là ở với ông bà, họ hàng thì sự quan tâm không bằng cha mẹ, nhưng chắc chắn là các em sẽ được đến trường”.
Thầy Sơn kể lại những câu chuyện mà chính ông chứng kiến: “Mời họp phụ huynh cả năm không thấy ai tới, giáo viên tới nhà thì ông bà đã già nói: “Tui già rồi đâu biết gì đâu”, vậy là phó thác hết cho nhà trường”. Về giải pháp lâu dài, thầy Sơn thông tin: “Sẽ kết nối liên lạc trực tiếp với phụ huynh thông qua chương trình sổ liên lạc điện thoại”.
Ở cấp THCS, tình hình cũng không mấy khả quan. Thầy Nguyễn Duy Ðạo, Phó Hiệu trưởng Trường THCS U Minh Hạ, cho biết: “Học sinh của trường đã ít mà năm rồi xin chuyển 2 em, bỏ 6 em”. Trường THCS U Minh Hạ là trường mới tách, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên hết sức chật vật. Ðiều khiến người ta giật mình là ở cấp học này, học sinh Khánh Lâm không còn chuyển trường nữa mà là bỏ học để đi làm. Thầy Ðạo phân tích: “Cỡ lớp 8, 9 là các em đi làm được rồi, gia đình cũng vì thắt ngặt quá nên chuyện học hành cũng đâu còn quan trọng nữa. Ở trường này, tới mấy lớp cuối cấp là chúng tôi lo dữ lắm”.
Xin tạm kết bài viết này bằng câu nói của thầy Nguyễn Duy Ðạo: “Mấy anh có chụp ảnh thì qua bên lớp 8 cho nó đông đông, còn lớp 9 thì thôi đi, thưa học sinh lắm”./.
Trong 8 tháng qua, Khánh Lâm có 624 lao động ngoài tỉnh, chủ yếu là các tỉnh miền Ðông Nam Bộ. Nhiều gia đình, tất cả lao động trong độ tuổi đều đi làm việc, do đó chỉ còn trẻ em và người già ở lại. Tuy nhiên, hiện tượng học sinh chuyển đi chỉ bắt đầu tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, riêng đầu năm học 2016-2017, thống kê chưa đầy đủ đã có trên 120 trường hợp. Ðịa bàn xảy ra hiện tượng này là các ấp lâm phần rừng tràm thuộc các xã: Khánh Lâm, Nguyễn Phích. Ông Trần Hoàng Lạc cho biết: “Có nơi học sinh xin chuyển đi nhiều, bà con cử luôn người đại diện để làm thủ tục, hồ sơ”. |
Phóng sự của Phạm Nguyên