(CMO) Chuyển đổi số (CÐS) đem lại cơ hội cho ngành ngân hàng, nhưng nó cũng tạo ra một lỗ hổng về bảo mật thông tin. Cùng với những nỗ lực ứng dụng công nghệ hiện đại trong điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hoá quy trình, tối ưu hoá hoạt động nghiệp vụ để gia tăng trải nghiệm khách hàng, giữ chân khách hàng và thu hút các khách hàng tiềm năng thì ngân hàng và khách hàng phải đối mặt với những rủi ro, như hacker, virus máy tính…
Mặc dù đã sử dụng nhiều hình thức bảo mật, nhưng khả năng bị đánh cắp thông tin cá nhân vẫn có thể xảy ra vì máy tính truy cập có thể bị cài những mã độc, đòi hỏi cả ngân hàng và khách hàng phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh bảo mật.
Thách thức chuyển đổi số
Ðể thu hút khách hàng trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng phải thay đổi chiến lược, đổi mới tư duy để không bị bỏ lại phía sau. Theo ông Trần Thanh Quỳnh, Giám đốc BIDV chi nhánh Cà Mau, để khách hàng biết đến các sản phẩm của BIDV thì hoạt động marketing về sản phẩm rất quan trọng, cần phải đúng thông điệp, phù hợp với từng phân khúc, từng cá nhân, đánh trúng tâm lý của khách hàng, nhằm duy trì mối quan hệ gắn kết, đặc biệt là trong ngành dịch vụ có quá nhiều sự cạnh tranh như ngành ngân hàng. Ðảm bảo hoạt động đa kênh, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm sản phẩm của khách hàng, từ cửa hàng Offline đến website, mạng xã hội như Facebook, Zalo, ứng dụng di động, sàn thương mại điện tử... là yếu tố thiết yếu, đảm bảo mở rộng vận hành và kinh doanh liên tục, ngay cả khi có sự cố, rủi ro bất ngờ, như giãn cách xã hội... Ða kênh giúp tăng trải nghiệm trong hành trình tương tác của khách hàng, tăng tỷ lệ tiếp xúc của khách hàng với thương hiệu.
Hoạt động CÐS của ngành ngân hàng đang được triển khai mạnh mẽ và người dân cùng cộng đồng doanh nghiệp đang được thụ hưởng rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, do nhu cầu của khách hàng ngày càng cao nên hệ thống ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng cũng đứng trước yêu cầu phải mở rộng hệ sinh thái, áp lực chuyển đổi, kết nối nhiều hơn... CÐS không còn là sự lựa chọn mà là xu hướng tất yếu để BIDV định hình tương lai phát triển của ngân hàng. Hành trình CÐS của BIDV không đơn giản mà ở một quy mô rất lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu khách hàng cá nhân và tổ chức. BIDV luôn quyết tâm cao và tin tưởng sẽ thành công trong thực hiện CÐS, qua đó góp phần tích cực để thực hiện mục tiêu CÐS ngành ngân hàng và mục tiêu CÐS quốc gia, ông Trần Thanh Quỳnh chia sẻ.
Hiện nay, bên cạnh các giao dịch thực hiện qua Mobile Banking, Internet Banking, quét QR Code... ngân hàng chịu không ít áp lực từ xu thế cạnh tranh khốc liệt khi các trung gian thanh toán (ví điện tử) hàng đầu như: ZaloPay, Momo, SmartPay, Viettelpay... đang chiếm lĩnh thị phần và đem lại sự thuận tiện tối đa cho khách hàng trong việc trải nghiệm nhanh chóng, những ứng dụng thanh toán này có đủ tính năng, có hệ sinh thái cạnh tranh bằng mọi phương diện như ngân hàng.
Ông Võ Kiên Giang, Phó giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh Cà Mau, đánh giá: “Ví điện tử tuy không thể thay thế hết các dịch vụ của ngân hàng nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh, buộc các ngân hàng phải thực hiện các hoạt động chuyển đổi một cách tích cực. Bắt đầu từ việc xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng số, một số ngân hàng đã đưa ra thị trường những sản phẩm công nghệ số và lựa chọn các giải pháp Core Banking mới nhằm hỗ trợ tốt cho định hướng phát triển ngân hàng số. Mặt khác, hai hình thức này sẽ bổ trợ cho nhau để tạo sự đa dạng, toàn diện trong hệ sinh thái số lĩnh vực tài chính, ngân hàng”.
Bảo mật trong thanh toán
Ông Võ Kiên Giang cho biết, khả năng bảo mật, an ninh, an toàn luôn được các ngân hàng chú trọng và giám sát chặt chẽ. Nói về kỹ thuật bảo mật có thể lấy ví dụ, để thực hiện một giao dịch nào đó (kể cả giao dịch thanh toán) khách hàng phải đi qua 3 bước bảo mật của ngân hàng, gồm nhập tên tài khoản chính xác, mật khẩu đã được mã hoá và mã bảo mật OTP, được gửi theo dạng tin nhắn về số điện thoại riêng của khách hàng. Ðối với các giao dịch điện tử, để đảm bảo an toàn cũng như thuận tiện cho khách hàng, nhiều ngân hàng đã triển khai các giải pháp xác thực mới, như xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, tĩnh mạch lòng bàn tay, giọng nói), chữ ký số trên mobile; thanh toán sử dụng QR code. Thông thường, tài khoản trực tuyến cho phép người dùng nhập sai thông tin đăng nhập 5 lần hoặc 3 lần đối với nhập mã OTP (mật khẩu dùng một lần được gửi qua email hoặc số điện thoại đã đăng ký với ngân hàng). Tài khoản sẽ bị khoá truy cập nếu nhập sai thông tin quá số lần cho phép. Lúc này, người dùng buộc phải liên hệ với bên cung cấp dịch vụ để đưa bằng chứng xác thực chủ tài khoản nhằm mở lại quyền truy cập.
Mỗi ngân hàng đều sử dụng các bước bảo mật riêng để đảm bảo an toàn cho khách hàng khi sử dụng thanh toán điện tử. |
Ông La Thiên Tứ, Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu Ðiện Liên Việt (Lienvietpost Bank) chi nhánh Cà Mau, cho biết: “Ðể nâng cao nhận thức cho khách hàng trong việc đảm bảo an toàn bảo mật các giao dịch trực tuyến, các ngân hàng cung ứng dịch vụ bằng nhiều phương thức đa dạng, phong phú đã làm tốt công tác truyền thông đến khách hàng về các thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao và các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử và thanh toán thẻ. Trong thời gian tới, các ngân hàng tiếp tục ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số phục vụ người dân đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, các giao dịch ngân hàng số, thanh toán số”.
Thời gian qua, NHNN đặc biệt quan tâm công tác an toàn thông tin và đã không ngừng nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành khung pháp lý về an toàn thông tin. Trong các chỉ thị được Thống đốc NHNN ban hành từ đầu năm 2022 đều có nhiệm vụ về đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động công nghệ thông tin. Cụ thể, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/1/2022 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022, một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với các đơn vị thuộc NHNN là thúc đẩy CÐS trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Ðể đảm bảo an toàn cho khách hàng, ngân hàng luôn nâng cấp và tăng cường các phương thức bảo mật cho các giao dịch. Các tính năng thanh toán cũng được nâng cấp để phục vụ khách hàng tốt hơn. Ngoài cho vay để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại hiện nay còn gắn liền với các chương trình, đề án phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên, trong đó có ứng dụng và đổi mới công nghệ. Ðã qua, ngân hàng luôn có chính sách ưu tiên vốn đầu tư cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực đổi mới sáng tạo… Với xu hướng cả nền kinh tế thực hiện CÐS mạnh mẽ như hiện nay, NHNN tin rằng các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục có nhiều chương trình hỗ trợ hơn nữa cho khách hàng trong hành trình CÐS, ông Võ Kiên Giang chia sẻ./.
Hồng Phượng - Việt Mỹ