Nhằm tôn vinh nét đẹp văn hoá, lịch sử; đặc biệt là vinh danh lễ hội vía bà Thuỷ Long, lễ hội gắn chặt với đời sống tín ngưỡng, tâm linh từ bao đời qua trên mảnh đất Đầm Dơi anh hùng, tối 25/3, nhằm ngày 16/2 âm lịch, huyện Đầm Dơi phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức lễ trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch lễ hội “Vía bà Thủy Long”, tại xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi.
- Tục thờ Thuỷ Long thần nữ ở Cà Mau
- Phục dựng Lễ hội vía Bà Thủy Long
- Nghề làm tôm khô và Lễ hội vía Bà Thuỷ Long là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Cà Mau (bên trái) thừa uỷ nhiệm của Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Miếu bà Thuỷ Long Thanh Tùng cho địa phương.
Thuỷ Long thần nữ hay còn gọi bà Thuỷ Long, là vị nữ thần được thờ ở khắp các địa phương đồng bằng Nam Bộ, đặc biệt là vùng sông nước Cà Mau. Miếu được thành lập cách đây 124 năm, gắn liền với những truyền thuyết, giai thoại của các vị tiền hiền, khai cơ lập nghiệp trên vùng đất mới. Miếu do hai tiền nhân Tô Minh Chánh và Nguyễn Văn Lành xây cất hướng về vàm Bỏ Mũ - Bàu Dừa, ghi dấu quá trình khai phá vùng đất Thanh Tùng ngày nay.
Ông Phạm Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, nhấn mạnh: “Lễ Vía bà với mục đích cầu mong mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an; bày tỏ lòng biết ơn đối với vị thần nữ đã luôn phù trợ người dân trong việc sinh kế, cũng như tri ân các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công khai khẩn đất đai để con cháu hôm nay có được cuộc sống bình yên, ngày càng ấm no, sung túc”.
Ông Phạm Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, tặng giấy khen của Chủ tịch UBND huyện cho các nhân đóng góp kinh phí xây dựng Miếu bà Thuỷ Long.
Theo đó, Lễ hội Vía bà Thuỷ Long được tổ chức hằng năm vào ngày 16-17/2 âm lịch, thu hút hàng ngàn du khách gần xa đến cúng viếng và tham gia lễ hội; trong đó, các nghi thức của lễ vía diễn ra có sự kết hợp hài hoà giữa nghi thức thờ mẫu và tín ngưỡng dân gian mang bản sắc riêng tại địa phương với chương trình nghi lễ đặc sắc; được xem là lễ hội dân gian lớn nhất xứ Đầm Dơi, mang lại sự phấn khích, không khí vui tươi, là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho bà con trên địa bàn xã Thanh Tùng và các vùng lân cận…
Lễ rước Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia về Miếu bà Thuỷ Long Thanh Tùng
Tại Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Miếu bà Thuỷ Long Thanh Tùng, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Cà Mau, bày tỏ mong muốn cộng đồng dân cư, các chủ sở hữu di sản cùng chính quyền, tổ chức, đoàn thể địa phương tiếp tục quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Cần có nhiều hoạt động phối hợp giữa các đơn vị, tổ chức, đoàn thể nhằm tuyên truyền, quảng bá di sản, phục vụ du lịch.
Phối cảnh miếu bà Thủy Long Thanh Tùng được trùng tu xây dựng trong thời gian tới.
Lễ Công bố Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Miếu bà Thủy Long Thanh Tùng diễn ra nhân dịp lễ vía bà với rất nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức như: khởi công trùng tu tôm tạo di tích, hoạt động hội thao, trò chơi dân gian, liên hoan tiếng hát nhi đồng, chương trình nghệ thuật cải lương, giao lưu đờn ca tài tử, múa rỗi… Đặc biệt, lễ rước tiền hiền, hậu hiền tại vị được tổ chức bằng đường bộ và rước Bà Thuỷ Long bằng đường thuỷ mang đậm nét tín ngưỡng dân gian của của người dân vùng sông nước Thanh Tùng, Đầm Dơi./.
Huỳnh Lâm