ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 11-11-24 03:50:12
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cửa ngõ xứ Đầm

Báo Cà Mau (CMO) Cái doi đất nhô hẳn ra, chỗ tiếp nước giữa kinh xáng Đội Cường và sông Mương Điều, từ xa xưa được coi là cửa ngõ của xứ Đầm. Mé bên kia là Hoà Tân, Hoà Thành với địa danh Cái Su, cống Xã Đạt…; bên sông là huyện Cái Nước với các xã Lương Thế Trân, Đông Hưng, Tân Hưng kéo dài qua Trần Thới… Thuở nhỏ, má tôi vẫn chèo xuồng từ Mương Điều (quê nội) về kinh Quẹo quê ngoại (nay là ấp Phú Điền, xã Tân Trung).

Rồi Trần Phán chia hai, Tân Trung được xác lập địa giới hành chính thành xã mới (năm 2006). Cái doi đất cửa ngõ xứ Đầm nằm lọt thỏm trong lòng Tân Trung. Ngẫm lời của Chủ tịch UBND xã Lê Văn Chuộng mà thấy có gì đó nao lòng: “Trần Phán anh hùng, nhưng Tân Trung tách ra đâu được “ké”. Tôi hỏi: “Ngộ, anh hùng là anh hùng, tách ra thì cũng anh hùng”. Chợt nhớ tới chuyện “có xã lấy tên anh hùng, sau đó chia ra, cũng ông đó nhưng có Bắc, có Nam, có Đông”, cười ra nước mắt.

Mảnh đất kiên trung

Về Tân Trung bây giờ, có những ấn tượng mà người ta khó có thể bỏ qua: Một cây cầu nối đôi bờ kinh xáng Đội Cường lừng lững (cầu Hoà Trung này là ước mơ của biết bao thế hệ con người Đầm Dơi, sau 40 năm giải phóng mới thành hiện thực). Kế đến là khu trung tâm hành chính khang trang của xã và kề bên là ngôi trường tiểu học “ngói mới đỏ tươi”.

Chị Đào Thu Em nói: “Tui tỉa hàng rào cho người ta “phụp” vô đất Đầm Dơi là thấy đẹp liền”. Ảnh: Phạm Nguyên.

Nhưng đất này còn biết bao nỗi nhớ. Trong ký ức, quê ngoại hồi xưa nghèo thiệt nghèo. Cứ nghĩ tới cái cảnh đám cúng cơm, con nít ngồi ba vòng: lớn đứng chồm chồm ở ngoài, kế đến ngồi chồm hổm, nhỏ thì ngồi bẹp dưới đất… để ăn cơm thì thiệt khổ. Đứa ngoài gắp thịt kho, nước nhễu đầy đầu mấy đứa ở bên trong.

Cũng xa xôi gì đâu, khoảng 20 năm trước. Lứa con nít đó bây giờ hầu hết con cái đăng đăng đê đê, quanh năm suốt tháng nhìn con tôm mà… cư xử. Mấy lần tôi hỏi: “Sao hồi đó hổng ráng học thêm chút nữa”. Có người là anh chị, có đứa là em út, trả lời tỉnh rụi: “Học gì, hồi đó ông (mày) hổng thấy ăn còn hổng có sao? Đường sá đâu mà đi học”.

Đó là Tân Trung hồi đó. Còn bây giờ, cửa ngõ của xứ Đầm cũng ra dáng lắm. Anh Chuộng chỉ tầm xa rồi nói: “Thấy không, có cầu, có đường, tuyến dân cư tỉnh lộ chạy qua xã mình phát triển ngó thấy”. Đúng là dọc dài từ cầu Hoà Trung đến cầu Nhị Nguyệt, cư dân quần tụ, nhịp sống rộn ràng. Người ta thấy một Tân Trung tươi mới và vô cùng năng động đón những luồng tương lai.

Nhớ lần tới Cần Thơ, may mắn được trò chuyện với Trung tướng Trần Phi Hổ, người con Trần Phán (giờ là Tân Trung), ông nhắc: “Đất này giặc vây tứ bề, có lúc 7 ấp nó đóng 7 cái đồn, chưa kể 4 đồn chung quanh”. Từ một du kích ấp, ông Ba Hổ ăn cơm của đất mẹ, bám bờ đìa của quê hương để “quánh giặc” nổi tiếng can trường. Đó là khởi đầu cuộc đời một vị tướng mà binh nghiệp là lẽ sống.

Ông chia sẻ: “Dân Trần Phán có lúc khổ quá, phải lo cho cuộc sống của mình, nhưng hầu như không ai phản bội cách mạng, một lòng vì cách mạng”. Giặc giã liên miên, có lẽ vì vậy mà qua chiến tranh nơi đây nghèo kiệt.

Anh Chuộng thông tin: “Khi chia tách, hạ tầng hầu như chỉ có cái xương sống lộ Đầm Dơi - Cà Mau. Mà khi đó chưa có cây cầu, đò giang cách trở. Dân ở đây chỉ biết trông chờ vào con tôm nên cuộc sống bí bách lắm”. Xã mới, lại đối diện với tình hình sản xuất trì trệ, Tân Trung không thuộc diện xã khó khăn nên hầu như chẳng nhận được chế độ ưu đãi nào đáng kể.

Có lúc, Tân Trung phải tự báo cáo rằng: “Đây là một trong những xã còn khó khăn nhất của huyện”, kẹt nỗi chẳng mấy ai tin. Anh Chuộng phân tích: “Thấy vậy thôi, ngoài trục này là mặt tiền, còn ở trong mặt hậu thì khổ lắm. Thiếu đường, thiếu điện, tỷ lệ hộ nghèo còn gần 9% mà”.

Hơn chục năm chia tách, Tân Trung quanh đi quẫn lại vẫn chung thuỷ với con tôm. Như lời anh Chuộng: “Có thử một số mô hình mà không ăn thua. Giờ chỉ có con tôm và nghề buôn bán là dân tin thôi”. Dân tin thì khó tới đâu cũng liệu được. Không ngạc nhiên khi Tân Trung là nơi tiên phong nuôi tôm công nghiệp và bây giờ là siêu thâm canh của Đầm Dơi. Chạm vào đất cửa ngõ của xứ Đầm, thấy khó đấy mà cũng biết bao kỳ vọng.

Diện mạo hôm nay

Thầy Trần Minh Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Trung, dẫn tôi tham quan ngôi trường được coi là “đẹp nhất huyện”. Cái mừng nhất là trường đã tổ chức dạy được 2 buổi/ngày cho 11/16 lớp, trong đó có 2 lớp học bán trú. Bán trú có nghĩa là ăn, là nghỉ, là sinh hoạt và học tập tại trường, điều này mấy nơi ở nông thôn làm được. Đây là ngôi trường mà Trung tướng Trần Phi Hổ đã cất công vận động, tìm nguồn tài trợ, tổng kinh phí lên đến 18 tỷ đồng.

Trường Tiểu học Tân Trung là tấm lòng của người con quê hương, Trung tướng Trần Phi Hổ đã vận động xây dựng tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có môi trường giáo dục tốt nhất. Ảnh: Phạm Nguyên.

Thầy Thanh (dân ấp Phú Điền) nhớ lại: “Hồi trước ở đây chuyện học hành xếp sau chuyện kiếm gạo ăn mà. Còn bây giờ, mở ra biết bao là hy vọng. Cả xã có 4 ngôi trường thì có 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Học sinh không còn cảnh tắt đồng, lội sình, đi xuồng tới lớp".

Ông Đặng Văn Xía băn khoăn: “Ngoài này mấy nóc nhà là có cái tiệm, người ta bắt được ký cá phi, nhổ bó rau bán cũng dễ dàng. Còn trong kia ngặt quá…”. Trong kia là những nhánh kinh xa, theo thống kê thì lộ nông thôn chỉ đáp ứng 50% (cả xã mới có gần 47 km), điện thì còn 20% phải chia hơi. Ông Xía quả quyết: “Hổng điện, hổng đường thì vô phương phát triển”.

Anh Trương Hoàng Út (Bí thư Chi bộ ấp Trung Cang), thông tin: “Cỡ sáu, bảy chục phần trăm khá, giàu đó nghen”. Cái tin thiệt vui, nhưng còn mấy chục phần trăm còn lại thì... “còn nhiều thứ để lo quá”. Anh Út cũng lắc đầu: “Thiếu đầu tư hạ tầng thì khó phất lên lắm”.

Hạ tầng và giảm nghèo cũng là điều mà anh Chuộng trở đi, trở lại trong câu chuyện. Vị Chủ tịch tâm sự: “Tôi và anh em về từng ấp, hỏi từng nhà, phân loại từng đối tượng để “tính sổ” với cái nghèo”.

Anh cũng thú thật: “Tôi ngán nhất là chuyện giảm nghèo”. Dân Tân Trung cần vốn, cần khoa học kỹ thuật, cần cung cách làm ăn, cần sự sâu sát của các cấp, các ngành. Tất cả để triệt tiêu cái nghèo đã “di căn từ đời này sang đời khác”.

Nhìn những đầm tôm công nghiệp, những chuyến xe hối hả đi về, dãy nhà khang trang dọc dài tuyến lộ, ai nói Tân Trung không thể làm giàu. Tân Trung chưa có lộ trình về đích xây dựng nông thôn mới, cái đích của xã thiết thực hơn rất nhiều: “Đã giảm nghèo là thật sự thoát nghèo bền vững. Xoá bỏ những tuyến dân cư bị cô lập về lộ. Cho bà con xài điện “chính chủ” đàng hoàng”.

Một điều nữa mà Tân Trung đang cần, đó là những trụ sở sinh hoạt văn hoá ấp. Cả 6 ấp đều chưa có không gian đảm bảo cho các công việc chung. Anh Chuộng nói vui: “Cửa ngõ mà dở quá, cũng khiến người ta mất cảm tình chớ bộ”. Còn chị Đào Thu Em, dân ấp Trung Cang, bộc bạch: “Tui tỉa cái hàng rào cho người ta “phụp” vô đất Đầm Dơi là thấy đẹp liền”. Chị Đào sống bằng nghề thu mua tôm, tạp hoá cóc ken, nướng bánh bán.

Đứng ở cửa ngõ xứ Đầm, tôi tự hỏi, mấy ai nghĩ được như người phụ nữ bình dị ấy...

Bút ký của Phạm Nguyên

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.

Thông tư 20 - Từ quy định đến thực tiễn - Bài cuối: Loay hoay tìm giải pháp

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình) mở ra nhiều cơ hội mới, nâng cao chất lượng dạy và học, kéo gần khoảng cách giáo dục nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, khi áp dụng Chương trình và thực hiện Thông tư số 20/2023/TT-BGDÐT (Thông tư 20) của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), nhiều trường vẫn còn loay hoay tìm giải pháp thực hiện.

Thông tư 20 - Từ quy định đến thực tiễn

Thông tư 20/2023/TT-BGDÐT của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) có hiệu lực thi hành vào ngày 16/12/2023. Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, nhằm chuẩn hoá các điều kiện từ cơ sở vật chất, số lượng giáo viên, nhân viên cho công cuộc đổi mới toàn diện theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018.