Trong những ngày này, gia đình bà Huỳnh Mỹ Lệ, ở ấp Chợ Thủ A, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển lại tất bật làm bánh phồng tôm để phục vụ những ngày Tết cổ truyền. Việc làm này góp phần tăng thu nhập kinh tế cho gia đình, lưu giữ nét truyền thống của phụ nữ Việt Nam “khéo tay hay làm”.
Trong những ngày này, gia đình bà Huỳnh Mỹ Lệ, ở ấp Chợ Thủ A, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển lại tất bật làm bánh phồng tôm để phục vụ những ngày Tết cổ truyền. Việc làm này góp phần tăng thu nhập kinh tế cho gia đình, lưu giữ nét truyền thống của phụ nữ Việt Nam “khéo tay hay làm”.
Bà Huỳnh Mỹ Lệ có gần 20 năm với nghề làm bánh phồng tôm. Bà chia sẻ, lúc trước phụ nữ khi về nhà chồng thì phải học làm bánh, phải biết nấu nướng, giặt giũ. Một mặt là quán xuyến, đảm đang công việc trong gia đình và thể hiện sự khéo tay, phụ nữ cần mẫn, chịu thương, chịu khó. Ðiều đó thể hiện khi gần Tết hay nhà có hữu sự là chị em phụ nữ trong xóm phụ nhau làm các loại bánh như: bánh in, bánh phồng tôm, bánh bông lan… Nét đẹp đó đã in sâu vào trong tâm trí của bà Lệ.
Bà Huỳnh Mỹ Lệ cắt bánh chuẩn bị giao cho khách hàng. |
Vì không muốn mất đi những hình ảnh đó, bà Huỳnh Mỹ Lệ đã giữ nghề làm bánh phồng tôm nhiều năm nay. Cốt yếu là để giáo dục con cháu hiểu thêm về nghề làm bánh, trân trọng công sức, yêu thương người lao động và kiếm thêm thu nhập lo cuộc sống gia đình. Với nguồn tôm nguyên liệu sẵn có tại địa phương, kết hợp với các nguyên liệu bột và tiêu, hột gà, thêm ít gia vị trộn đều với tỷ lệ phù hợp, cứ 16 kg nguyên liệu bà cho ra lò 20 kg bánh thành phẩm.
Những tháng gần Tết, bà Huỳnh Mỹ Lệ mỗi ngày sản xuất trên 20 kg bánh phồng tôm bán cho địa phương, có lúc bán ra tỉnh Cà Mau nhưng không đủ bánh để bán. Mỗi ký bánh phồng tôm bán giá từ 80.000 đồng, mỗi năm vào mùa Tết, bà Lệ xuất bán ra thị trường từ 600-700 kg bánh phồng tôm, lãi trên 30 triệu đồng. Chính chất lượng sản phẩm, không chạy theo lợi nhuận nên năm 2013 bà Huỳnh Mỹ Lệ được Trung tâm Khuyến công tỉnh Cà Mau đầu tư hệ thống sản xuất bánh phồng tôm trị giá 30 triệu đồng, gồm 1 máy xay tôm nguyên liệu, 1 cối xay bột, 1 máy ép bánh.
Dù có được công nghệ mới nhưng bà Lệ vẫn còn sử dụng phương pháp thủ công trong việc hấp bánh. Hiện bà đã truyền nghề làm bánh phồng tôm cho con dâu của mình. Chị Khưu Thị Thuý Ðan, con dâu của bà Lệ, chia sẻ: “Ðể người tiêu dùng khó quên khi thưởng thức hương vị thơm ngon bánh phồng tôm của gia đình, chúng tôi luôn chú trọng đến chất lượng nguyên liệu đầu vào, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nên người tiêu dùng an tâm khi mua bánh phồng tôm ở đây”.
Ðể có mẻ bánh phồng tôm ngon thì người làm cũng rất công phu, đó là khâu tráng bánh. Khâu này đòi hỏi phải kỹ càng trong việc canh lửa. Vì lửa bị áp bánh không ngon, còn lửa yếu bánh sẽ mất đi độ giòn và dai nên bánh phải được canh với độ nóng vừa phải sẽ cho ra bánh chất lượng.
Sau khi tráng bánh xong, tiến hành phơi và phải trở bánh nhiều lần, đến khi bánh ráo tiến hành cắt bánh theo sở thích, với độ to, nhỏ vừa phải, tuỳ theo người tiêu dùng yêu cầu. Ðặc biệt, khi cho bánh vào bọc nên rút hết oxy để bảo quản bánh được lâu.
Bánh phồng tôm không là sơn hào, hải vị nhưng đối với các gia đình miền biển, vào những ngày Tết, đó là món khai vị không thể thiếu. Sự đậm đà của hương vị kết hợp thêm vị ngọt, thơm của tôm sẽ khó phai trong ký ức những ai khi thưởng thức được món bánh phồng tôm mỗi độ Tết đến, xuân về./.
Bài và ảnh: Chí Hiểu