(CMO) Đối với nghề báo, Cà Mau là mảnh đất sản sinh ra không ít những ngòi bút xuất sắc, trong số đó có Nhà báo Trần Thanh Phương. Ông là người con ưu tú của ấp Đường Cày, xã Phú Tân, huyện Phú Tân.
Đối với nghề báo, Cà Mau là mảnh đất sản sinh ra không ít những ngòi bút xuất sắc, chúng tôi không khỏi tự hào. Trong số đó, tôi nghe về Nhà báo Trần Thanh Phương đã lâu nhưng gặp gỡ trực tiếp và tìm hiểu nhiều hơn chỉ mới dăm năm.
Nhà báo Nguyễn Chiến, Tổng biên tập Báo Cà Mau, hỏi thăm sức khỏe Nhà báo Trần Thanh Phương hôm ghé thăm ông vào ngày 7/3. |
Lần ấy, ở TP. Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt Hội đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu, tôi tháp tùng theo đoàn lãnh đạo tỉnh Cà Mau. Ông Trần Thanh Phương và vợ (bà Phan Thu Hương) lúc ấy đến dự họp mặt, cười rất tươi khi thấy bài báo xuân trên Báo Cà Mau với tựa đề “Đường về nhà mình không còn xa nữa má ơi”. Tôi mạnh dạn tự giới thiệu: “Con là “lính” Nguyễn Bé, ở Báo Cà Mau”. Chỉ vậy thôi mà hai ông bà đã coi tôi như con cháu trong nhà. Rồi những kỷ niệm, tình cảm về quê hương cứ đong đầy trong mênh mang gió Tết.
Nhà báo Trần Thanh Phương tại sự kiện ra mắt phòng tư liệu của ông tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh vào ngày 7/3 vừa qua. |
Bẵng mấy năm, nghe tin ông bệnh trở nặng. Chẳng hiểu sao, khi biết tin này, trong đầu tôi chỉ cứ trở đi trở lại một nụ cười hiền rất sáng, một mái tóc bồng bềnh lãng tử và một ánh mắt cứ đau đáu chuyện nhân sinh.
Hôm ghé qua nhà thăm ông, ngày 6/3, cảm nhận đầu tiên của tôi là một ngôi nhà đơn giản (có thể nói là cũ kỹ) nằm nép trong con hẻm ở đất Sài thành nhà cao tầng "ngó trật ót". Nhà báo Nguyễn Bé (hiện là Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) có “tiết lộ” trước, rằng ông Trần Thanh Phương sống rất giản dị, không cầu kỳ và không nặng danh lợi. Thím ra đón, nhận ra ngay thằng cháu ở Cà Mau. Ông trên xe lăn từ cuối hẻm đi về nhà, phía sau là con trai út của chú Ba Thành (em ruột Nhà báo Trần Thanh Phương, hiện đang ở Đường Cày, Phú Tân, Cà Mau). Trời đất ơi! Ông xanh xao quá. Giữa giờ xe tan tầm, con hẻm tấp nập người qua lại, ông nở một nụ cười tươi đón khách. Ông nói gì đó nghe không rõ, chỉ thấy hai chữ "Cà Mau" là lớn nhất, ngân dài nhất.
Tôi nói rõ ý định của mình là xin phỏng vấn ông để viết bài về ông - một người con ưu tú của Cà Mau. Ông trầm ngâm, bảo rằng: “Làm báo phải cố gắng làm tư liệu, phải chịu khó học hỏi, phải dùng con mắt, tấm lòng và khối óc để khám phá những điều chưa biết”. Ông đau nên nói rất chậm, nhưng vẫn tiếp lời: “Như người thợ sửa xe, hỏi là phải có bộ đồ nghề liền”.
Hỏi ông có về Đường Cày thường không, ông bật thành tiếng lớn: “Có, có chớ, quê hương mà”. Thím Hương nhắc lại, mới năm rồi còn khoẻ, ông cứ ngóng dịp về nhà. Đó là lẽ tự nhiên, con người càng già, càng nhớ nơi mình đã sinh ra. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện chẳng biết lúc nào mình đã lượm lặt được, đại ý một tao nhân có máu xê dịch, suốt đời là những chuyến đi để tìm kiếm cái mới, người mới, đất mới. Cuối cùng, vị này phát hiện, quê hương mình là đẹp nhất.
Tôi thú thật là đã đọc mấy lần cuốn “Ngòi bút và cây kéo”, tập hồi ký báo chí khá đầy đủ và xúc động về cuộc đời của ông. Ông gật gật đầu: “Ừ, ở đó cũng có hết rồi. Đọc trước thì khỏi hỏi năm sinh, quá trình học tập, công tác nhé”. Thím Hương cho biết: “Ngày mai, (7/3), gia đình sẽ làm lễ bàn giao tư liệu và sách cho Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Đó là tất cả cuộc đời của chú thím”. Tôi nhìn lại căn nhà, nhìn lại đôi vợ chồng mà năm 2018 sẽ làm đám cưới vàng. Ông bà không con, tài sản là căn nhà trong ngõ nhỏ…
Thím Hương kể, ông ngả bệnh nhanh và nặng. Ông cũng chẳng than thở gì, chỉ trầm tính hơn vì những cơn đau và một thứ khác đau hơn: Biết bao dự định, ấp ủ còn dang dở. Cuộc đời 38 năm trực tiếp làm báo, ông có hơn 2.000 tác phẩm, một phần là ở Báo Nhân Dân ngoài Thủ đô, một phần là ở Báo Giải Phóng và Đại Đoàn Kết ở TP Hồ Chí Minh. Nửa thế kỷ cầm bút, ông có hơn 30 đầu sách ở nhiều thể loại. Ấy vậy mà ông vẫn tiếc.
Người ta biết đến Trần Thanh Phương với những quyển sách “không đụng hàng”, những kỷ lục mà kể đến cả đất nước này biết ngay đó là của ông. Thế nhưng thành công nhất của Nhà báo Trần Thanh Phương được chính ông đúc kết: “Tôi xuất thân từ Đường Cày, nhà nghèo phải giăng câu, đặt trúm, lượm trứng chim, chữ nghĩa không đầy lá mít. Rồi sau đó được Đảng, Nhà nước cho đi học, trở thành nhà báo”. Ông cũng nhắn nhủ với đồng nghiệp: “Có viết bài, đưa tin cũng ngắn thôi, cỡ vài chục chữ là được”.
Nhưng làm sao được. Chú có nhớ những ngày miền Nam, mà trong đó có Cà Mau quê hương mình sắp giải phóng. Chú có nhớ chuyến trở về đầu tiên sau mấy chục năm từ ngày tập kết, đến Cà Mau, dưới chân Cầu Quay chú ăn dĩa cơm có canh chua, thịt kho tàu. Chú có nhớ lần về Đường Cày mà chú hỏi một người: “Bác có biết nhà cháu ở đâu không”. Rồi thời khắc gặp lại người mẹ mà chỉ còn “đôi mắt là giống hồi xưa” bởi sức tàn phá ác liệt của chiến tranh. Đâu rồi ngôi nhà mà chú tự tay làm lại trên nền nhà cũ đã rã nát vì bom đạn. Thím Hương lỉnh kỉnh mua quà, bánh về cho mẹ chồng ở Cà Mau, bước xuống tàu đò hụt chân té xuống sông, ngồi khóc vì thấy mình có lỗi…
Nghề báo là nghề của những chuyến đi. Cả cuộc đời ông đã đi, đã suy ngẫm bằng cả tấm lòng và tài năng để viết nên biết bao tác phẩm, quyển sách. Bên ông là người vợ sớm hôm tận tuỵ, dành cả cuộc đời cho chồng. Bên ông còn là những người bạn xa gần. Người ta nói, “cố tri, cố thổ”, ông có tất cả.
Nhưng tôi biết, có một chặng đường, một hành trình và một nỗi niềm mà ông luôn canh cánh bên lòng: Trở về với Đường Cày quê mẹ. Có lẽ chẳng bài báo nào, bộ phim tài liệu nào nói cho đủ, cho hết những nơi ông đã đi qua, những người ông đã gặp, những điều ông đã gởi lại cuộc đời này.
Ông từng nói “Đường về nhà mình xa quá má ơi”, rồi với đà đi lên của Cà Mau, nẻo về Đường Cày không còn cách trở. Có đi mới thành đường, có đi mới có đến. Ông đã dành cả cuộc đời để nhắn gởi cho lớp người làm báo hậu bối như tụi tôi một chân lý như thế. Với nhiều người, và với cả cách tự thổ lộ của mình, ông nghĩ: “Bản thân tôi chỉ cần cù, chăm chỉ, nỗ lực và nỗ lực”. Nhưng tôi xin mạn phép rằng, trên tất cả những điều ấy, hành trình của ông còn là những khoảnh khắc thăng hoa, những giây phút lãng tử với cả cuộc đời và trang viết. Kẻ chợ một thời hoa niên, “Sài Gòn tầng cao, Sài Gòn tầng thấp” với một bầu máu nóng và giờ là Cà Mau. Tôi tin ông sẽ có một chuyến trở về với đủ đầy ước nguyện.
Đường Cày xa lắm mà cũng gần lắm chú ơi!…
Bút ký của Phạm Nguyên