Kinh tế nông nghiệp chiếm đến 36% GDP của toàn tỉnh và dân số sống dựa vào lĩnh vực này lên đến 60%. Ðiều này cho thấy, ngành nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Nhưng vấn đề là làm cách nào để vực dậy và phát huy được những lợi thế này.
Xuất phát từ những hạn chế của ngành nông nghiệp, đề án tái cơ cấu đã ra đời với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, sau gần 2 năm kể từ ngày đề án được UBND tỉnh phê duyệt đến nay chưa có nhiều chuyển biến. Ðã đến lúc cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn từ tỉnh đến địa phương.
Kinh tế nông nghiệp chiếm đến 36% GDP của toàn tỉnh và dân số sống dựa vào lĩnh vực này lên đến 60%. Ðiều này cho thấy, ngành nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Nhưng vấn đề là làm cách nào để vực dậy và phát huy được những lợi thế này.
Liên kết toàn diện
Ngoài những hạn chế như các bài viết đã nêu, ngành nông nghiệp cũng đã có được những nền tảng cơ bản để có thể thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cụ thể, con tôm Cà Mau hiện đã có chỗ đứng trên khắp thế giới với kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD mỗi năm; lâm nghiệp cũng có hàng chục ngàn héc-ta; những hiệp định thương mại đã được ký kết từ trong khối ASEAN, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Quy hoạch dự án vùng lúa, cá đồng ở huyện Trần Văn Thời được thực hiện nhưng đã qua mối liên kết vẫn chưa được đồng bộ. Ảnh: NHẬT HUY |
Tuy nhiên, để có thể khai thác được thị trường hội nhập sâu rộng này thì việc liên kết để tạo ra sản phẩm hàng hoá quy mô lớn, chất lượng cao, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh là gần như bắt buộc để có thể tồn tại và phát triển.
Một vấn đề cần nhìn nhận hiện nay là nền kinh tế hợp tác mà cụ thể là HTX đang hoạt động kém hiệu quả.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phạm Thanh Hải thông tin, toàn tỉnh hiện có 254 HTX, nhưng chỉ có 116 HTX hoạt động, còn 138 đã tạm ngưng hoạt động nhưng chưa công bố giải thể. Có 169 HTX trên lĩnh vực nông nghiệp, nhưng cũng chỉ có 69 HTX hiện còn hoạt động. Ðiều này cho thấy, mặc dù được xác định là một mắc xích quan trọng, có tính quyết định của đề án tái cơ cấu, thế nhưng kinh tế hợp tác hiện nay hoạt động vô cùng yếu ớt, chỉ mang tính chất cầm chừng.
Mục tiêu của đề án tái cơ cấu là nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản. Thế nhưng đã qua và hiện nay, giá trị gia tăng này đang tập trung trong tay doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến và các thương lái, còn với nông dân thì giá trị này gần như bằng không.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, để chia sẻ giá trị gia tăng trong sản phẩm hàng hoá cho người dân, không cách nào khác hơn là phải cơ cấu cho bằng được doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất. Ngoài ra, muốn phát triển bền vững như mục tiêu đã đề ra thì phải có sự tham gia của kinh tế tập thể. Ðây là hai thành phần không thể thiếu để đạt được mục tiêu tái cơ cấu.
Như vậy, để đạt được mục tiêu tái cơ cấu phải thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm là hợp tác, liên kết, xây dựng thương hiệu và thị trường đầu ra. Cụ thể, phải củng cố và phát triển HTX; liên kết tập trung cho đầu vào và đầu ra trong sản xuất; đối với những ngành hàng đã xác định là chủ lực về lâu dài phải tiến hành xây dựng thương hiệu; còn để có thị trường ổn định phải kéo bằng được doanh nghiệp tham gia vào sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Trần Minh Huyện thừa nhận, gần như các HTX trên địa bàn huyện đều hoạt động không hiệu quả và đến thời điểm này việc chuyển đổi theo mô hình mới cũng chưa thực hiện được. Toàn huyện hiện chỉ có 1 HTX kiểu mới nhưng hoạt động không đạt yêu cầu.
"Để đề án thật sự tạo bước đột phá cần phải nhanh chóng hoàn thành quy hoạch và kiên quyết bảo vệ quy hoạch. Từ cơ sở pháp lý đó, địa phương mới có thể tổ chức sản xuất, hướng dẫn người dân theo hình thức sản xuất tập thể, cũng như mời gọi doanh nghiệp tham gia", ông Huyện kiến nghị,
Ði từ những cái thực tế nhất
Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở Kế hoạch Ðầu tư, cho rằng, đừng nên nghĩ tái cơ cấu là cái gì quá cao, quá lạ mà chỉ cần bắt đầu từ việc tận dụng và khai thác tốt nhất miếng đất thực tế, người dân thực tế và kinh nghiệm thực tế của địa phương để đưa giá trị tăng lên. Có nghĩa là, từ đồng ruộng thực tế của từng địa phương phải xác định cây gì, con gì là lợi thế nhất, mang về năng suất, chất lượng tốt nhất mà những nơi khác không thể cạnh tranh nổi để chọn làm sản phẩm chủ lực. Sau khi đã xác định cây, con chủ lực thì tiến hành lập quy hoạch để phát triển nó cũng như quy hoạch những dịch vụ đi kèm.
Ví dụ, đối với con tôm thì trong quy hoạch phải chỉ rõ được con giống sản xuất ở đâu, việc khai thông luồng lạch để vận chuyển như thế nào là đảm bảo, rồi cả việc cơ sở thu mua chế biến như thế nào... Tất cả các yếu tố có liên quan phải được xây dựng và triển khai một cách đồng bộ, giảm đến mức thấp nhất chi phí thì lợi nhuận của người dân sẽ tăng lên và mục tiêu sẽ đạt được.
Ðề án tái cơ cấu của tỉnh chỉ là quy hoạch chung và khái quát cái cốt lõi, để ngành nông nghiệp có bước chuyển mình thật sự, phần lớn phụ thuộc vào các huyện, các xã. Mỗi huyện, mỗi xã phải có quy hoạch riêng của mình trên cơ sở hướng đi là sự phân công đồng bộ toàn của xã hội. Tức là có sự tham gia của Nhà nước, nhà khoa học, cơ sở kinh doanh các loại vật tư kèm theo, doanh nghiệp thu mua chế biến... trong quy hoạch đó.
Ngoài ra, "Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học là cực kỳ quan trọng, bởi hiện nay tất cả hàng hoá chủ yếu là cạnh tranh về yếu tố khoa học - kỹ thuật, do đó đội ngũ này phải mạnh", ông Mai Hữu Chinh nhận định.
"Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong những đề án khá quan trọng, nhưng những kết quả đã đạt được sau gần 2 năm thực hiện còn quá thấp. Các cấp, các ngành có liên quan trong đề án còn thiếu sự quyết liệt, kiên trì trong nghiên cứu đề án. Từ đó, thiếu giải pháp mang tính đột phá trong thực hiện cơ chế chính sách, chậm đổi mới trong ứng dụng khoa học - công nghệ và lúng túng trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch để thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nói.
Đánh giá trên của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã lý giải cho nguyên nhân vì sao tất cả nguồn kinh phí triển khai thực hiện đề án trong năm 2016 đều dồn vào 6 mặt hàng được xem là chủ lực như: tôm sinh thái, cua sinh thái, cá bổi, chuối xiêm, lúa - tôm và cây keo lai. Thế nhưng, đến thời điểm này có thể nói hướng đi ấy là chưa hợp lý. Bởi lẽ, nếu nhìn lại thì giá trị của 6 mặt hàng này không lớn trong nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo: "Cần tập trung phát triển theo chiều sâu, nhưng cũng phải tính đến việc phát triển theo chiều rộng, thời gian tới phải có sự điều chỉnh".
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, UBND tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, TP Cà Mau xây dựng kế hoạch thực hiện đề án. Trong đó, phải xác định được đối tượng và loại hình sản xuất đang giữ vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn của ngành, phù hợp điều kiện sản xuất của từng địa phương, có xét đến nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu để đầu tư. Tái cơ cấu tập trung chủ yếu vào 4 nội dung: Hợp tác - Liên kết - Thương hiệu - Thị trường.
Đồng thời, tỉnh thực hiện 2 giải pháp đột phá là ưu tiên phát triển nông dân chuyên nghiệp có trình độ khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn để phát triển kinh tế trang trại sản xuất quy mô lớn, thu hút lao động nông thôn và khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân bằng việc hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (đối tác công tư, hợp tác công tư...).
"Ðối với việc ứng dụng khoa học - công nghệ cần tạo sự chuyển biến từ việc sử dụng tổng hợp các nguồn lực trong nghiên cứu để có những đề tài thật sự có hiệu quả khi triển khai áp dụng trong thực tiễn sản xuất. Không nghiên cứu tràn lan, manh mún dẫn đến thiếu tính khả thi trong áp dụng kết quả của đề tài, dự án. Việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật phải gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất và yêu cầu thực tiễn để đảm bảo phát huy hiệu quả", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo./.
Theo ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Cà Mau, để có hướng đi đúng và cụ thể cần phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại và khó khăn để có hướng tháo gỡ hiệu quả. Không cần phải tốn thêm kinh phí để xây dựng mô hình mà trong dân đã có nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả năng suất từ 50-60 tấn/ha; nguồn kinh phí này nên tập trung cho nhân rộng mô hình. Ðồng thời, cần đầu tư đào tạo cũng như trả lương thật xứng đáng cho một số kỹ sư giỏi để có nghiên cứu chuyên sâu nhằm giúp đỡ, hỗ trợ người dân trong sản xuất. |
Nguyễn Phú